Monday, June 24, 2013

Hy vọng và lo ngại từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản

Vualambao  

 Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, NHNN vừa công bố Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở, kích cầu thị trường bất động sản. Theo đó, NHNN dự kiến dành 30.000 tỷ đồng thông qua hình thức tái cấp vốn, với lãi suất thấp hơn 1,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng tại cùng thời điểm. 
Các ngân hàng có trách nhiệm trả lãi tái cấp vốn hàng tháng cho Ngân hàng Nhà nước. Để nhận được hỗ trợ trên, 5 ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long) phải dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay với 3 nhóm đối tượng khách hàng được vay vốn, gồm: (1) Đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội; (2) Đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; (3). Các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội, theo thông báo của Bộ Xây dựng.

Lãi suất cho vay trên sẽ được giữ ổn định 6% trong 3 năm liền; thời gian còn lại sẽ chịu lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường và không vượt quá 6%/năm. Thời hạn cho vay đối với đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà tối thiểu 10 năm và tối đa là 5 năm đối với doanh nghiệp (tới hạn, dự kiến đến ngày 15/4/2023, các ngân hàng hoàn trả hết khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước và dư nợ còn lại của khách hàng tại các ngân hàng từ thời điểm này được chuyển sang hình thức cho vay bằng nguồn vốn của ngân hàng). Các khách hàng vay mua, thuê, thuê mua nhà được vay tối thiểu là 80% phương án vay và 70% đối với doanh nghiệp (khách hàng có vốn tham gia vào phương án vay theo quy định của ngân hàng, nhưng không quá 20% đối với người mua, thuê, thuê mua nhà và 30% đối với doanh nghiệp).

Có thể nói, đây là một tin vui, tạo niềm hy vọng khởi sắc mới và xung lực tích cực, đáp ứng phần nào nhu cầu về nguồn vốn rẻ và thời hạn khá dài cho cả người mua và doanh nghiệp, nhà đầu tư; góp phần hâm nóng thị trường bất động sản, đặc biệt, cả nguồn cung và tổng cầu có khả năng thanh toán ở phân khúc nhà ở xã hội vốn đìu hiu trong thời gian gần đây. Thực hiện tốt gói hỗ trợ này theo đúng tinh thần trên, còn góp phần mở rộng quy mô tín dụng ngân hàng thương mại một cách lành mạnh, hiệu quả; bổ sung thêm nguồn động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế và của nhiều phân ngành kinh doanh gắn với bất động sản nói riêng; nhờ đó cải thiện việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng sở hữu nhà ở phù hợp cho những người thu nhập thấp, CBCNVC và lực lượng vũ trang…, nhóm đối tượng thường chịu nhiều thiệt thòi trong kinh tế thị trường và khủng hoảng suy giảm kinh tế-tài chính, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay ngân hàng đang vẫn ở mức cao như hiện nay.

Tuy nhiên, những e ngại cũng xuất hiện và đòi hỏi cần phải được nhận diện và xử lý thật nghiêm túc và hiệu quả.
Trước hết, để dòng tín dụng và các ưu đãi đến được đúng địa chỉ, không bị chi phối và lạm dụng vì lợi ích nhóm và tham nhũng, cần quy chế và minh bạch hóa, cụ thể hóa các tiêu chí và điều kiện các đối tượng, thủ tục, cơ cấu và quy mô cho vay ưu đãi trên.

Đặc biệt, cần thận trọng với những kẽ hở hay sự thông đồng, liên kết nhóm giữa doanh nghiệp-ngân hàng và cả người vay khi ký khống hay chứng thực sai các giấy tờ, hình thức hóa và vô hiệu hóa các quy định cụ thể về điều kiện cho vay mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến, nhất là với những quy định kiểu như yêu cầu khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở phải có hợp đồng với chủ đầu tư theo quy định; cam kết vay vốn để mua, thuê, thuê mua một căn nhà duy nhất để ở và chưa được vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua, thuê, thuê mua nhà ở tại các ngân hàng khác.

Còn đối với khách hàng là các doanh nghiệp, dự thảo yêu cầu phải có tên trong danh mục chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng thông báo cho Ngân hàng Nhà nước…

Bên cạnh đó, cần đảm bảo rõ ràng việc cân đối cơ cấu cho vay người mua nhà và cho vay doanh nghiệp theo hướng giành nhiều hơn vốn cho vay người mua nhà; Đồng thời, các nguồn tín dụng ưu đãi từ NHNN cũng phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường, giảm thiểu các áp lực lạm phát do tăng phát hành-lạm phát hoặc gia tăng các công cụ thanh toán một cách duy ý chí.

Hơn nữa, điều kiện tín dụng trong tương lai cũng cần tính đến sự e ngại và sự an toàn của người vay, nhất là lãi suất với các khoản vay dài hạn sau 3 sẽ là bao nhiêu? Liệu có bị dâng cao quá 6% và thả nổi theo thị trường, khiến người vay mua nhà rơi vào thế kẹt “ngồi trên lưng hổ”, khiến người mua nhà phải bán tháo nhà vì không có đủ tiền để trả lãi và phát sinh các tranh chấp, nợ xấu mới…

Cuối cùng, cần tăng cường thông tin, giám sát, kiểm tra, phát hiện và áp dụng các chế tài xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trên thực tế triển khai gói hỗ trợ… luôn là bài học giữ nguyên giá trị từ thực tiễn những gói kích cầu, hỗ trợ tín dụng nhà nước trước đây…

TS.Nguyễn Minh Phong - Tầm nhìn

No comments: