Wednesday, December 4, 2013

Ủng hộ học giả Nguyễn Thanh Giang với Tập thơ 'Cố đấm ăn xôi'!

Kính gửi quý Ban Biên tập

Sau một quá trình cậy cục vất vả, khổ tủi, tập thơ mang tên một tác giả “có vấn đề” như tôi đã được NXB Hội Nhà Văn nhận cho ấn hành rất hy hữu. Tất nhiên, đã phải đẽo gọt nhẵn nhụi hết những gì có hơi hướng chính luận.

Vì không biết còn tồn tại trên cõi đời này được bao lăm nữa nên tôi đành “cố đấm ăn xôi” để được ký thác vào công chúng một mảng sức lao động của mình đã bỏ ra, ngõ hầu được ghi nhận như một mảnh tâm tư cỏn con trong đời sống nhân loại.
Tập thơ đã được xét duyệt, được in, song làm thế nào để đến được tay bạn đọc.

Vì sách Thơ bán rất ế nên các Nhà Xuất bản không nhận phát hành mà các tác giả hầu hết đều phải tự đảm nhiệm khâu này.

Các tập Thơ của các tác giả khác nói chung đều chỉ dám in 500 cuốn. Do không nắm được thực tế, tôi đã bỏ tiền in 1000 cuốn. Đấy là một khoản tiền khá lớn so với lương hưu của chúng tôi.

Tôi khẩn khoản mong quý Ban Biên tập cho in bài viết dưới đây để may chăng Tập Thơ sẽ được độc giả để mắt đến.

Đem ký gửi bán ở các Hiệu sách, nhà nước hay tư nhân, đều bị chiết khấu từ 30% đến 50% (Sách bán 39000 VNĐ, tác giả chỉ được nhận từ 20000 đến 30000 VNĐ). Ngoài số sách biếu tặng, số còn lại nếu bán hết, mới hòng thu hồi đủ vốn (không được đồng nhuận bút nào); nếu bán không hết thì lỗ vốn, tức là tiêu vào tiền của vợ con!

Mong được quý vị quan tâm, tôi xin cảm ơn trước

Nguyễn Thanh Giang

VẪN CÒN MỘT CỐT CÁCH THƠ 


Sau một quá trình cậy cục vất vả, khổ tủi, tập thơ “Những Mẩu Quặng Dọc Đường” của Nguyễn Thanh Giang đã được NXB Hội Nhà Văn Việt Nam cho ấn hành. Dù đã phải “đẽo gọt nhẵn nhụi”, ở đây vẫn thấy còn tồn lại một cốt cách Thơ đáng nhìn nhận.

Nhà thơ Thanh Thảo khẳng định: “Không thể gọi bằng một tên nào khác, đó là thơ yêu nước. Người ta cứ tưởng khi đã thanh bình rồi thì lòng yêu nước cũng “lặn” mất tiêu trong thơ. Không phải đâu! Và đất nước ta bây giờ cũng chưa thật sự thanh bình. Kẻ thù vẫn ngày đêm rình rập, đe dọa. Biển Đông vẫn cuộn sóng … Có những câu thơ như nhà điêu khắc tạc vào đá … Nguyễn Thanh Giang vẫn định hướng được tầm vóc của “những mảnh hồn làng” …”.

Nhà thơ Định Hải: “Tôi hạnh phúc đắm đuối trong biển thơ rạo rực và đầy khát vọng của Nguyễn Thanh Giang. Tôi xúc động đến trào nước mắt vì những vần thơ tâm huyết, xuất thần, càng đọc kỹ càng thấy có nhiều vỉa tầng sâu xa.

Tập thơ được sắp xếp thành 3 phần và cả 3 phần đều có những dấu ấn đậm nét về những năm tháng sống và cống hiến, những phút giây đẹp đẽ nhất trong cuộc đời anh. Cả 3 phần đều có những bài thơ đặc sắc, những câu thơ tinh xảo, những tứ thơ độc đáo, có bản sắc riêng biệt khó trộn lẫn với nhiều tác gỉa khác từ 1954 đến nay”

Tiến sỹ Trần Nhơn thì cho rằng đây là “Thơ truyền ý chí và nghị lực”, và ông kêu gọi: ”Mong sao bạn trẻ hãy tìm đọc Nguyễn Thanh Giang mà tiếp thu lấy cái ý chí ấy, cái nghị lực ấy để cùng trở thành một tài sản quý của quốc gia”.

Xin giới thiệu ba trong sáu lời bình in trong tập sách:

Nhà thơ Thanh Thảo
Phó chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà Văn Việt Nam

PHẦN THƯỞNG CỦA NHÀ THƠ

Thơ Nguyễn Thanh Giang mộc mạc mà thỏ thẻ với tôi nhiều thú vị. Anh nói đây là tập thơ của cả đời mình. Có lẽ đúng. Vì 3 phần tập thơ thì 2 phần đã “dính” với nghề và nghiệp của anh rồi: nếu phần 1 là “Những mẫu quặng đời” thì phần 3 là “Hành trình địa chất”. Anh dành trọn phần 2 cho “Quê hương và đất nước” như mọi người Việt làm thơ yêu nước vẫn dành.

Nguyễn Thanh Giang là một nhà địa-vật lý. Suốt bao nhiêu năm trong đời mình, anh đã có những đóng góp đáng kể cho đất nước qua chuyên môn rộng và sâu của mình. Đó là một người sống chết với từng mẩu quặng, sống chết với nghề: nghề địa chất. Và đã trải đời mình trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu của bản đồ Tổ quốc. Nghề và nghiệp đã đưa anh tới với Thơ. Tình yêu đất nước, yêu những người dân bình dị anh đã gặp và đã thân quen suốt “hành trình địa chất” đã đưa anh tới với Thơ.

Tôi còn nhớ khi học ở khoa Văn đại học Tổng hợp, những năm sơ tán ở Đại Từ-Thái Nguyên, tôi đã đọc được tập thơ “Sức mới” với lời giới thiệu nhiệt thành của Chế Lan Viên. Đó gần như là tập “Thơ trẻ” đầu tiên của miền Bắc. Chúng tôi hồi đó còn rất trẻ, nên dĩ nhiên thơ trẻ, thơ được làm bởi những người trẻ thu hút chúng tôi nhiều nhất. Tôi nhớ, trong tập “Sức mới” ấy có một bài thơ của Nguyễn Thanh Giang. Hồi đó, có thơ in trong một tuyển thơ như vậy là ghê lắm rồi, là bắt đầu nổi tiếng rồi. Chính Phạm Tiến Duật và nhiều nhà thơ thành danh sau này đều đã bước ra từ tập thơ “Sức mới” in giấy xấu ấy.

Bẵng đi quá nhiều năm, không thấy Nguyễn Thanh Giang công bố thơ nữa, cứ nghĩ là anh đã bỏ thơ sang làm chuyện khác rồi. Cho tới một ngày, tình cờ ở một nhà ga tỉnh lẻ, tôi lần đầu được gặp Nguyễn Thanh Giang qua giới thiệu của một người bạn đang chờ tàu. Lúc ấy Nguyễn Thanh Giang đã nổi tiếng lắm rồi, nhưng là ở một “khu vực” khác. Người ta nói, công an hay an ninh mật gì đó theo anh khắp nơi. Nhưng hôm ở nhà ga tỉnh lẻ, anh đi đâu ghé qua đấy, tôi hình như không thấy có bạn công an nào theo anh. Chỉ có nắng. Và gió. Và dòng người chen chúc nhau ở một nhà ga khi tàu sắp tới. Khi tôi nhắc về bài thơ ở tập “Sức mới”, Nguyễn Thanh Giang thổ lộ là anh vẫn làm thơ, anh còn yêu thơ lắm. Rồi tàu đến, chúng tôi chia tay. Nguyễn Thanh Giang lên tàu, cũng không thấy ai theo dõi gì, hay là có mà tôi không biết. Tôi vốn thật thà, và cũng không quá coi trọng chuyện ai theo dõi ai.

Phải nói, gần như ba phần tư tập thơ Nguyễn Thanh Giang là “thơ mậu dịch quốc doanh”, theo cách nói xếch mé của một vài “nhà” gọi là “phê bình” trên mạng internet bây giờ. Đó là thơ yêu nước, thơ kháng chiến, thơ chống giặc ngoại xâm. Nó song hành với những bát phở “không người lái”, với từng đề-xi-mét vải thô được cấp phát, với từng chút “mỳ chính” (bột ngọt) phân phối tới mỗi người lính, mỗi cán bộ, mỗi người dân trong những năm tháng cực kỳ thiếu thốn ở miền Bắc Việt Nam:

“ Anh muốn về thăm nơi nặng tình nặng nghĩa
Nơi mẹ già cho bát cháo hành dăm
Nơi các em dựng trường bằng tiền mót khoai xúc tép
Vào lớp ngồi bùn còn bết đầy chân”

( Nhớ về xóm cũ)

Phải thấy nhân dân từ góc nhìn như thế thì mới có những câu thơ như nhà điêu khắc tạc vào đá khi viết về một người đồng hương lớn của mình:

“ Vẫn thấy ông thồ đá qua những đồi sim
Lầm lũi xám những chiều hoang biền biệt
Kẽo kẹt bên trời dáng ông lẫm liệt”

(Nhớ Hữu Loan)

Và khi nhớ về một nhà thơ nổi tiếng của miền ven biển Quảng Ngãi, nơi “nước bao vây cách biển nửa ngày sông”, Nguyễn Thanh Giang vẫn định hướng được tầm vóc của “những mảnh hồn làng” hôm nay:

“ Ông có về lại vườn xưa hái quả
Thăm con sông từng tắm mát đời ta
Chú còng gió giương càng chào biển cả
Những mảnh hồn làng phấp phới tận Hoàng Sa”

( Nhớ Tế Hanh)

Và trong một đêm ngủ ở làng cổ Đường Lâm quê hương Ngô Quyền, Nguyễn Thanh Giang vụt nghe và thấy:

“ Chiều đọc tin ngư phủ mình bị giết
Ước biển Đông vút cọc nhọn Bạch Đằng
Đêm nghe vọng tiếng tù và hối thúc
Thấy Ngô Quyền lẫm liệt vung gươm”

( Đêm ngủ ở Đường Lâm)

Không thể gọi bằng một tên nào khác, đó là thơ yêu nước. Người ta cứ tưởng khi đã thanh bình rồi thì lòng yêu nước cũng “lặn” mất tiêu trong thơ. Không phải đâu! Và đất nước ta bây giờ cũng chưa thật sự thanh bình. Kẻ thù vẫn ngày đêm rình rập, đe dọa. Biển Đông vẫn cuộn sóng. Ngư dân ra khơi đánh cá trên những ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa vẫn liên tục bị khủng bố. Người làm thơ yêu nước bây giờ vẫn canh cánh trong lòng bao nỗi niềm như thuở xưa Cụ Đồ Chiểu hằng khắc khoải: “ Bao giờ trời đất an ngôi cũ/Mừng thấy non sông bặt gió Tây/”. Gió Tây ấy, bây giờ là gió(bấc) Bắc.

Mà gió bấc là gió bấc, gió nồm là gió nồm, không có kiểu “chúng ta cùng gió bấc gió nồm” như ai đó nói.

Đọc thơ Nguyễn Thanh Giang, tôi cứ muốn dừng lâu ở những đoạn thơ hồn nhiên thời kháng chiến của anh:

“ Bấy lâu măng chấm muối vừng
Bữa nay giềng mẻ thơm lừng suối khe
Đi mười cây số mua bia
Bi đông mở nút cũng nghe nổ giòn
Chúc nhau chân cứng đá mòn
Tay vừa chạm cốc, cây rừng đã say”

( Tết trong thung lũng)

Những câu thơ như thế nó khiến cuộc đời chúng ta vốn nhiều buồn phiền trở nên dễ sống hơn. Cũng như bài thơ tặng cháu đích tôn này:

“Mơ màng thấy nước biển dâng
Thuyền vào tận ngõ nhưng không còn mình
Tưởng đà qua mấy mươi năm
Tỉnh ra biết cháu đái dầm ướt lưng”

( Nước biển dâng)

Rất tự tại.

Tôi biết, người vợ tảo tần của Nguyễn Thanh Giang là con gái nhà thơ Thôi Hữu-một nhà thơ yêu nước với bài thơ nổi tiếng “Lên Cấm Sơn” mà từ hồi đi học chúng tôi từng ngưỡng mộ. Thơ là chuyện của đất nước, của nhân loại mà cũng là chuyện của nhà ta, của mỗi gia đình Việt. Dù thơ chẳng cho ta danh phận gì, nhưng thơ định phận cho ta, thơ là phần thưởng của ta, nói như một nhà thơ Nga-Xô viết:

“ Và những huân chương, không cần
Không cần lăng xăng huênh hoang
Với nhà thơ chúng ta-phần thưởng
Chính là số phận mình”

Khi “phần thưởng” của mình chính là số phận mình, thì cần chi phải lắm lời, phải không ạ ?

Quảng Ngãi, qua Tết Đoan Ngọ 2013

THANH THẢO

Tiến sỹ Trần Nhơn
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi

THƠ TRUYỀN Ý CHÍ VÀ NGHỊ LỰC
Đọc Nguyễn Thanh Giang, đây đó gặp những câu thơ buồn, rất buồn.

Buồn thăm thẳm:

Đông về, chiều đã sương
Trăng chìm nơi đáy giếng
Thăm thẳm lời ước nguyện
Xa xưa như nỗi buồn

Buồn mênh mang:

Biển còn xanh quá biển ơi
Mây thời bạc trắng một trời long đong

Buồn thao thiết:

Mây đã bạc đầu
chiều đã rêu phong
Thầm thĩ mãi tiếng rì rầm suối nhỏ
Thao thức mãi tiếng ào ào thác đổ
Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn

Buồn vời vợi:

Tưởng như gió chán phong trần
Tưởng đưa chân bước mà không gặp đường
Tưởng lênh đênh giữa Sông Ngân
Không Trăng Sao, chỉ cánh buồm bơ vơ

E như buồn còn theo người xuống mộ:

Nước mắt trào giữa đêm
Tưởng sắp tràn đáy mộ

Hơn một tuổi, cha mẹ bỏ nhau, cô và bà nội nuôi. Bẩy tuổi cha về đưa đi lang thang khắp các tỉnh thành cùng một gánh hát mà cha ông là chủ. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, theo dì ghẻ tản cư về ngồi bán nước vối và bún riêu ở đầu chợ Phủ Thọ Xuân Thanh Hóa …Học hành rất lõm bõm vì nay đây mai đó.

Với cô thiếu nhi Đặng Thùy Trâm, không biết tình cảm anh huynh trưởng thuở xưa thế nào nhưng thơ ghi lại bây giờ thật xúc động:

Buổi ấy em đi
Mang theo tuổi trẻ anh vào nơi anh không đựơc đến
Bởi em cần hậu phương

Sóng bước chân em trong nắng núi mưa ngàn
Anh đi làm địa chất
Ước đúc tặng em “Bông hồng vàng Pautôpxki”

Nhưng em không về

Chỉ vọng lời em hát Sulikô
Trong tiếng đàn anh xưa

Xa vắng

Nhưng hẳn Nguyễn Thanh Giang không buồn vì tình ái. Giả sử anh huynh trưởng với cô thiếu nhi ngày ấy có gửi gắm trong nhau một thứ tình cảm sâu hơn các em thiếu nhi khác thì chút tình đó bây giờ vẫn “…tỏa mùi thơm thiêng liêng/ Âm ỉ cháy những tháng năm rạo rực” kia mà. Vả chăng ông đã có một người vợ vừa xinh đẹp, vừa thông minh, giỏi việc nước, đảm việc nhà, đã từng là Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Bà là con nhà cách mạng, nhà thơ nổi tiếng Thôi Hữu.

Ông cũng không buồn vì chuyện học hành nhôm nhoam bởi năm 1947, lúc 11 tuổi ông đã đi thi Primaire bằng tiếng Pháp và đã đỗ. Vì lý lịch gia đình không được đi nước ngoài nhưng năm 1980 ông cũng đã trở thành ngừoi đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ Địa Vật lý ở trong nước.

Không ai có thể thấy nỗi buồn bi lụy, ủ ê trong thơ NguyễnThanh Giang. Chỉ thấy trong nỗi buồn ấy chất chứa một khát vọng, một hoài bão lớn lao.

“Nhớ Tản Đà” ông viết:

Non cao dẫu tuổi đã già
Nước còn cuồn cuộn như là thương ai

“Nhớ Đặng Thùy Trâm” ông viết:

Nên cho dẫu mái đầu đã bạc
Anh vẫn mong cháy được thành em
“Nhớ Nguyễn Công Trứ” ông viết:
Làm trai đứng ở trong trời đất
Sao hận trăm năm non nước ơi

Đọc hai câu này người ta có thể liên tưởng đến hai câu của Nguyễn Công Trứ “Làm trai đứng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Tuy nhiên Nguyễn Thanh Giang không hám chức tước, quyền lực. Anh chị em dưới quyền ông đều kể ngày ấy thủ trưởng thường giao hết quyền cho anh chị em để miệt mài đọc sách và hì hụi làm các thí nghiệm. Nhờ đó ông đã thiết lập nên Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Cổ địa từ đầu tiên ở Đông Nam Á và là người đầu tiên phát hiện khả năng chứa Uranium của tầng than Nông Sơn.

Ông không hám vàng son lòe loẹt, không hám hào quang những mảnh vỡ thạch anh mà nhắn nhủ:

Hòn đá xám lẫn trong màu cỏ
Trong trời chiều bề bộn núi non xa
Mà em nhỉ, nếu biết yêu màu xám ấy
Bao giờ ta cũng có lời ca

Ông dặn con hãy như dây bầu cố bò lên dàn cao, nhưng cao tới đâu cũng đừng huyễn hoặc. Ông mong “Dàn bầu” của ông sẽ tỏa bóng mát cho đời mà quả thì cứ “ruột càng trắng phau”.

Chưa đến trăng đâu
Vòm sao xa lắm
Chỉ vàng thêm nắng
Lộng thêm gió trời

...Thoáng đâu hiên ngoài

Xôn xao lá rợp
Đường xa ai mệt
Ghé ngồi thảnh thơi

Rồi say cánh bướm
Cái nậm xinh xinh
Cái bầu tròn óng
Xanh trong mắt nhìn

Yêu sao dây bầu
Lên tới giàn cao
Lá xòe bóng mát
Ruột càng trắng phau.

Cho nên ông rất cặm cụi bền bỉ. Bền bỉ cùng chú ngựa thồ

Theo ta đi suốt mùa đông khô trụi lá
Suốt mùa hè nắng đổ lửa xém lưng
Những đêm lều thưa mưa dột thấm chăn
Ta thương ngựa tấm phên chuồng chẳng có

Nhưng cứ ráng hết sức

Lên đèo Chẹn cỏ gianh trùm lấp lối
Dốc Lũng-Pô chùn gối vẫn còn xa
Đường Xưa-Teo chân bấm tướp lần da
Đứt hơi thở vẫn cùng ta vượt tiếp

Bền bỉ như dòng suối miệt mài tích góp vị mặn cho biển:

Ngân nga em cứ giữ dòng
Trắng trong bởi tự thượng nguồn em sinh
Dẫu chưa ai gọi tên mình
Đá mòn, biển mặn, công em tháng ngày

Bền bỉ như chất biển mặn ở trong hồn.

Cơn gió nhẹ cũng lăn tăn xao xuyến
Bão thét gầm không lặng tiếng reo ca
Xa muôn dặm vẫn dạt dào xô đến
Mặn muôn đời chất biển của hồn ta

Bền bỉ để không chỉ có được sắc đỏ trong huyết quản mà lòng sẽ còn đầy ắp tiếng chim ca.

Rừng gần đầy hoa
Rừng xa đầy chim
Giọng thấp, giọng cao chen nhau trong gió
Họa mi đất mừng những tay búa vừa tìm thấy than
Sáo nâu mừng tìm thấy sắt
Hoàng Yến mừng tìm thấy vàng
Bạch Yến mừng tìm thấy thiếc
Vàng Anh mừng tìm thấy đồng
.... và liếu điếu, bồ nông
và chào mào, sáo đá....

Ai qua suốt rừng gần
Thấy hoa đỏ thấm vào hơi thở
Ai đi hết cánh rừng xa
Sẽ nghe lòng đầy ắp chim ca.

Mong sao bạn trẻ hãy tìm đọc Nguyễn Thanh Giang mà tiếp thu lấy cái ý chí ấy, cái nghị lực ấy để cùng trở thành một tài sản quý của quốc gia.

Mùa phượng vỹ Quý Tỵ
TRẦN NHƠN

Phạm Ngọc Luật
Nguyên Phó Giám đốc NXB Văn hóa – Thông tin

THƠ, HAY NHẬT KÝ TÂM HUYẾT CUỘC ĐỜI ANH

Kể từ ngày tôi và anh Nguyễn Thanh Giang cùng có phận sự đứng trước phần mộ, trước bàn thờ người bố vợ - nhà báo, nhà thơ liệt sỹ Thôi Hữu – khấn nguyện những điều thiêng liêng và thành kính, tính đến nay cũng đã hơn 30 năm, thời gian bằng nửa đời người. Dài đấy chứ! Cùng vợ chồng anh bàn việc hiếu với các bậc sinh thành, việc hỷ của cháu con, rồi tết nhất, giỗ chạp vv…, gặp nhau nói bao thứ chuyện, riêng chuyện thơ phú chỉ nói chơi chơi, loáng thoáng bởi đó là khu vực rất riêng của mỗi một người. Phần thơ anh lộ sáng đến sớm nhất với tôi chỉ là một số bài thơ được chọn vào các tập tuyển của cái thời in thơ còn khó lắm, vinh hạnh lắm, cách nay cũng chừng 40 năm.

Thế rồi, như quả ở trên cây, tự già tự chín, gần đây anh gửi nhờ vợ chồng tôi (cũng có phần như giao nhiệm vụ kiểu người nhà) đọc giúp anh bản thảo tập thơ Những mẩu quặng dọc đường hơn trăm trang, ngót trăm bài, tôi có hơi bất ngờ nhưng hiểu được lòng anh trong một kênh chữ nghĩa trữ tình khác với những gì anh vẫn viết.

Và tôi vẫn biết, thầm xen sự nể phục nơi anh có một sức nghĩ, sức viết, sức làm việc thật phi thường.

Tập thơ, có thể nói là ở đoạn cuối đời này cho thấy mạnh mẽ hơn khía cạnh một con người phong phú trong anh, trước sau vẫn đau đáu, trăn trở, nhiệt huyết một tấm lòng với nhân dân, với đất đai, Tổ quốc. Thơ như vậy là thơ yêu nước lắm. Là thể hiện tinh thần công dân cao cả.

Tôi biết thơ không là nghề là nghiệp gì cả với anh Giang. Nhưng thơ đồng hành cũng tất cả những gì anh đã sống, đã nếm trải.

Cái thủa ban đầu háo hức tươi trẻ đến với thơ, cũng như bất cứ ai, anh không thiếu, thậm chí là nhiều nhiều những bài thơ du dương mà thật thà, chân chất ngợi ca quê hương, đất nước mình. Có thể cả bài, nhiều bài cứ ngòn ngọt như vị xi-rô, mát mẻ trong lành như nước trái dừa tươi nhưng chính ở vùng miền thơ này lại không ít lần sánh lên những câu thơ như giọt mật ngọt sắc, hoặc đắng như khổ qua, cay như ớt. Nhưng không độc.

Tôi thích những bài thơ như Bập bênh, Cây bầu lên giàn, Nước biển dâng vv… anh viết tặng con cháu, những bài thơ ấy giọng điệu non tơ quá, thương cảm quá mà cũng dư đầy ngẫm nghĩ; thơ viết lại rất… nghề.

Tôi cũng muốn lưu nhớ cho mình những câu thơ sức vóc nhỏ thôi như tứ tuyệt (Yên Tử, Đèo Ngang vv…) mà dư vị cuộc đời nó cất lên không nhỏ.

Chợ bên sông đã lô nhô ngói đỏ
Cuốc thôi kêu, ai đó hết chạnh lòng
Không đá chen hoa, rừng đâu còn củi nữa
Lưng chú Tiều vẫn dáng lom khom.

Còn hơn là dư vị, cuộc đời một Hữu Loan, thi sĩ đồng hương của anh hiện lên lừng lững mà xót xa, hằn khắc sù sì trên vách đá cuộc đời, lẫm liệt trong hình hài một “cửu vạn” đậm mùi vị sim mua.

Vẫn thấy ông thồ đá qua những đồi sim
Lầm lũi xám những chiều hoang biền biệt
Kẽo kẹt bên trời dáng ông lẫm liệt
Sắc tím đời ông bầm dập những con tim.

Anh Giang quả có dụng ý viết hàng chục bài về những nhà thơ mà cuộc đời họ hầu hết không xuôi chèo mát mái. Và thật sự họ là những người tài. Quý trọng nhân cách và ái tài, hai cái đó phải chăng cũng là vốn thực có trong con người cuộc đời anh.

Đó là những mẫu quặng đời như anh đã đặt “tên” cho họ.
Và họ đã góp phần tác thành “Những mẩu quặng dọc đường” anh có hôm nay.

Và tôi ưng ý (hay nói là “khoái” cho nó nhẹ bớt cường độ diễn đạt của mình) ở một xê – ri thơ của anh mà tên mỗi bài đặt đúng cho những vấn đề hóc búa với thơ như: Dân chủ, Tự do, Độc lập, Công bằng, Hạnh phúc, Bác ái. Ưng ý và khoái vì ở đó cảm xúc cùng trí tuệ đã có dịp thăng hoa.

Mấy câu về Hạnh phúc có thể mới là thăng hoa ở tầm thấp:

Bị thằng bán tơ vu oan
Vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt

Nhấm nháp vị cay của ớt
Để ăn càng ngon thêm

Cởi nốt tấm áo sờn
Đắp cho người lưu lạc

Bài Tự do, thăng hoa như đã hơn một bước:

Khi lên cao
Vút tận mây mờ

Lúc xuống thấp
Vượt cả năm dòng kẻ

Người xướng âm

Vẫn chỉ
Đồ Rê Mi Fa Son

Đến bài Bác ái, thăng hoa ấy đã đưa thơ tung tẩy trong phẩm vị mới mẻ, không dễ làm, không dễ có.

Nhưng, có thế nào thì vẫn phải trở lại để nói rằng, đúng, anh Giang chưa bao giờ coi thơ là nghề và nghiệp.

Nhưng càng đúng hơn, thơ thật sự đã là nhật ký tâm huyết cuộc đời anh. Khi vừa là một cử nhân vật lý - địa chất, vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, khoác ba lô đi mọi miềm núi rừng của Tổ quốc, anh đã viết những câu thơ có dấu ấn nghề và rất đẹp.

Trước lán trồng thêm luống cải sen
Bướm vàng lác đác đến làm quen
Giật mình, một sớm hoa vàng chóe
Tưởng mạch quặng đồng mới nổi lên.

thì gần nửa thế kỷ sau khi đã là Tiến sĩ Địa – Vật lý từ năm 1980 nội lực cho thơ, vẫn còn dư dật lắm. Tâm tư chiều là bằng chứng đích đáng, đủ nói cho điều đó:

Mây đã bạc đầu
Chiều đã rêu phong
Thầm thĩ mãi tiếng rì rầm suối nhỏ
Thao thức mãi tiếng ào ào thác đổ
Trán đá phơi trắng cả hoàng hôn

Gió quét, sương pha, mưa rỉ rả mòn
Trăng đã soãi một bình nguyên yên ả
Buồn lởm chởm lại xô lên triền đá
Ngổn ngang trời

nắng lóa
núi xanh tuôn.

Mừng sinh nhật thứ 77 của Anh
6 tháng 7 năm 2013

Tập thơ đã có bán ở các hiệu sách trong nước. Xin quý vị độc giả tìm đọc.

No comments: