Sunday, November 17, 2013

SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP - CẦN LẮM MỘT QUYẾT ĐỊNH TẦM CỠ QUYẾT ĐỊNH "KÉO PHÁO RA" NGÀY NÀO...

Đã tròm trèm 1 năm ngày Hiến pháp 1992 (HP) được chính thức đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Dẫu vậy, đối với những người nặng lòng với sự phát triển của đất nước, nặng lòng với HP thì thời gian ấp ủ, suy tư về sửa đổi HP còn lâu hơn nhiều. Nhớ lại, từ lúc ban đầu, những người có địa vị, trách nhiệm, có học thức đã đăng đàn trịnh trọng thưa với đồng bào những lời vốn đơn giản, bình dị như nó cần phải có ở bất cứ xã hội dân chủ, văn minh nào nhưng lại là mong muốn, ước ao của người Việt Nam. Rằng, đợt lấy ý kiến đóng góp sửa đổi HP lần này không có vùng cấm, rằng tha thiết mong nhân dân tham gia ý kiến để có bản HP xứng tầm, làm nền tảng cho giai đoạn phát triển mới v.v... và v.v... Thế rồi, rất nhiều thời gian, công sức và của cải đã được bỏ ra. Thậm chí, xét về hình thức, trưng cầu dân ý về sửa đổi HP cũng đã được thực hiện. Rất nhiều ý kiến tâm huyết của nhân sĩ trí thức, nhất là tầng lớp trí thức tinh hoa, những người đã được đào tạo từ nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Họ đã đi nhiều, biết nhiều, trải nghiệm vì thế cũng nhiều. Hơn ai hết, chính họ là những người có thể hiểu thấu cơ sở của đời sống xã hội, nguồn gốc, động lực phát triển; hiểu thấu những giá trị phổ quát cũng như khát khao của của loài người tại những đất nước tiến bộ, văn minh mà ngày nay, con cái, người thân của "một bộ phận không nhỏ" đã và đang tìm đến để học tập, sinh sống, những mong khi học xong thì trở về đóng góp "phần nhỏ của mình" để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Oái ăm ở chỗ, không biết từ đâu, vì ai đã khiến xã hội chúng ta, dù đã sang thế kỷ 21 lâu rồi mà thói nói một đằng, làm một nẻo vẫn không có gì thay đổi. Ai đời lấy ý kiến đóng góp sửa đổi hiến pháp mà cứ như là họp thường vụ...Công đoàn, theo kiểu ai không đồng ý thì giơ tay; ai đời miệng luôn nói là trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của nhân dân thấp nhưng lại hỏi ý kiến đại trà về hiến pháp...Ai đời chưa có kết quả công khai về đợt phát phiếu lấy ý kiến nhân dân mà đã tuyên bố hùng hồn rằng tuyệt đại bộ phận nhân dân đồng ý với dự thảo, với điều 4, với... Lẽ ra, cần có sự phân tích cẩn thận, công khai làm rõ nguyên nhân bao nhiêu phần trăm đồng ý mà không có ý kiến gì (thực chất, là họ không quan tâm vì không hiểu hoặc hiểu thì phần đông trong số họ tin rằng có góp ý cũng chẳng được tiếp thu...); bao nhiêu phần trăm phản đối; bao nhiêu phần trăm không đồng ý về những vấn đề cốt lõi cần phải có đổi mới căn bản:

1. Chế độ chính trị và vai trò của đảng Cộng sản.
2. Chế độ sở hữu ruộng đất.
3. Vai trò của kinh tế nhà nước.
4. Mô hình và cách thức quản lý xã hội của nhà nước.
5. Quân đội trung thành với Đảng hay với nhân dân, Tổ quốc...

Có thể nói, đến nay, việc lấy ý kiến đóng góp sửa đổi hiến pháp đã thất bại dù tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian và tiền của. Bằng chứng là dự thảo HP hầu như không có gì sửa đổi. Té ra, đừng tổ chức sửa đổi có khi nhân dân lại đỡ còng lưng đóng thuế. Té ra, nên sửa lại câu nói của người xưa: Dân chủ xã hội chủ nghĩa gấp triệu lần dân chủ tư sản VỀ HÌNH THỨC.

Người dân vỡ oà trong ...thất vọng vì những vấn đề lớn của HP vẫn án binh bất động. Thì đây, vấn nạn tham nhũng, lãng phí và phòng chống tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm... đã hoàn toàn bất lực, hiệu quả quản lý xã hội thì sờ đâu hỏng đấy. Bao nhiêu vụ bức xúc kinh hoàng xảy ra thì bấy nhiêu vụ không thể quy trách nhiệm cho một tổ chức cá nhân cụ thể nào cả. Vụ việc thẩm mỹ viện Cát tường, không tìm được địa chỉ trách nhiệm; vụ oan sai thấu tận trời xanh Nguyễn Thanh Chấn, đã phơi bày sự thối rửa không thể khắc phục của hệ thống tư pháp (dù có cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới). Nên đổi mới, uốn nắn hệ thống tư pháp này hay nên xoá đi làm lại mới đáp ứng kỳ vọng nhân dân về một nền tư pháp độc lập trong xét xử ?. Kinh tế nhà nước thì càng chủ đạo càng như bồ thủng đáy, càng làm kiệt quệ tài nguyên, khoáng sản và các nguồn lực khác của đất nước, càng đẩy đất nước đến chỗ nợ nần. Vinashine hư hỏng, để lại món nợ 86.000 tỷ đồng (đến nay, hậu quả mà nó mang lại ít nhất 2 lần số đó), định san sẻ rủi ro, nợ nần sang "anh" khác thì bập ngay vào ụ nổi của Vinalines mất toi vài trăm tỷ. Mua một thiết bị vài chục triệu mà người ta có thể nâng khống lên hàng chục nghìn lần, đến hàng trăm tỷ để chiếm đoạt. Giá điện thì có cả "BIKINI", đất nước đang rất khó khăn, nhân dân đang cơ cực, miệng nói an sinh xã hội trong khi mình thì bốc tiền mua xe sang vượt đến 250% quy định, chi sai hoặc chưa đúng chế độ hàng nghìn tỷ đồng thì từ trên xuống dưới rắp tâm định hô "biến". An sinh xã hội hay đang bắt xã hội trả thêm tiền để an sinh cho mình đây ?. Đền bù đất đai cỡ bát phở/mét vuông đất trong khi bán lại vài chục triệu. Liệu đó là công bằng, dân chủ. Có phải phần nhiều trong số chênh lệch đó đã được dùng để bôi trơn bộ máy quản lý nhà nước từ trên xuống dưới không ? Và nhiều chuyện, càng nói, càng rầu lòng khác....

Người viết tin rằng hầu hết các Đại biểu Quốc hội đều biết rõ rằng những vấn nạn nói trên là cặp bài trùng (chứ không phải là tạm thời) với dự thảo hiến pháp mà các vị sắp bấm nút thông qua. Đó đương nhiên không thể là công trạng và cũng không thể là chuyện bình thường trước lịch sử, trước Tổ quốc và trước nhân dân. Giải quyết bài toán đó càng không hề phức tạp, khó khăn nếu không muốn nói là đã có lời giải sẵn.

Cách đây gần 60 năm, vị Tổng tư lệnh đầu tiên và duy nhất của Việt nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định lịch sử "kéo pháo ra" và đã góp phần làm nên thắng lợi lịch sử, chấn động địa cầu. Không nói ai cũng biết Ông đã khó khăn thế nào khi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của chuyên gia Trung quốc vào thời điểm đó. Ông đã vượt qua nhiểu phản đối, chỉ trích của các cộng sự và đối mặt với trùng trùng, điệp điệp chiến sĩ, đồng bào muốn nhanh chóng khởi sự...Ngoài trí tuệ siêu việt, biết địch, biết ta, "kéo pháo ra" còn là quyết định thể hiện tính nhân văn tuyệt đỉnh, xót thương từng dọt máu, từng dọt mồ hôi của đồng bào chiến sĩ, thể hiện tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Quyết định đó còn là bằng chứng về sự độc lập trong tư duy và đức hy sinh cao cả, sẵn sàng đánh đổi thành công, sự nghiệp của cá nhân; đặt lên trên hết lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Lịch sử ghi nhận, quyết định đó đã góp phần làm nên sự vĩ đại của một con người, đã trở thành đền đài, sông núi, mãi mãi được nhân dân ghi lòng tạc dạ.

Việc bấm nút thông qua hiến pháp sửa đổi tới đây cũng yêu cầu mỗi vị Đại biểu Quốc hội một tầm nhìn, một tấm lòng trung trinh vì nước, vì dân. Xin được thưa thêm với các vị, tính lịch sử và tầm vóc của việc thông qua hiến pháp tại thời điểm này không thua kém quyết định "kéo pháo ra" ngày nào. Các vị đã được nghe, đã được "cảm" tiếng nói cháy bỏng từ gan ruột nhân dân. Thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, thực trạng và nguyên nhân đã bộc lộ hoàn toàn theo nhiều chiều, nhiều góc cạnh khác nhau trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Thông tin mà các Vị có được trước khi quyết định bấm nút rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, khả năng tiếp cận chân lý của các vị cũng toàn diện hơn so với "kéo pháo ra". Vấn đề là thái độ và hành vi của các vị.

Thật khó lòng trách cách hành xử, cách lãnh đạo, cách phát ngôn của những người đứng đầu Đảng Cộng sản. Vì như mọi Đảng phái khác trên thế giới, họ phải đứng ra bảo vệ, duy trì sự lãnh đạo của chính họ. Có chăng, chỉ trách họ đã lãnh đạo xã hội, lãnh đạo đất nước gần 70 năm rồi mà tình hình chung của dân tộc Việt vẫn còn đầy bó buộc, thiếu một triết lý rõ ràng, khoa học vươn tới cùng các dân tộc khác, thiếu một cơ chế phát huy động lực phát triển...

Là một Đảng viên, người viết cũng mong Đảng Cộng sản tiếp tục là lực lượng lãnh đạo một cách "danh chính, ngôn thuận", là một công dân, có gia đình, bạn bè, bà con, làng xóm, người viết vô cùng băn khoăn khi nghe nói: Đảng không có lợi ích nào khác ngoài hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Trong khi trong thực tế, ai giàu hơn, ai ấm no (không nói là hạnh phúc, vì chắc gì họ đã hạnh phúc, vinh quang) hơn "một bộ phận không nhỏ" vốn chắc chắn là Đảng viên ?; ai nói mà không làm, ai tự cho mình ăn trên, ngồi trốc nhân dân, ai bao che, dung túng cho khuyết điểm sai lầm của nhau ?; ai là người thiết kế và tổ chức mô hình nhà nước mà đến nỗi tư pháp, hành pháp và lập pháp đã xuất hiện những bất cập không thể tha thứ, phân công, phân cấp và giám sát quyền lực coi như không có hiệu quả ?; ai là người miệng luôn nói suốt đời phấn đấu hy sinh, luôn là Đảng viên gương mẫu bốn tốt, "học tập và làm theo" như ...sách mà ngoài đời làm nên Vinashine, Vinaline, đưa cả xe sang, BIKINI vào giá điện độc quyền bòn rút của nhân dân ?; ai quản lý mà nông dân - lực lượng trung thành nhất, đông đảo nhất một lòng một dạ theo Đảng từ khi có Đảng nhưng hễ cứ được mùa là rớt giá; ngay cả giờ đây, khi đứng trên luống cày, mảnh ruộng của mình vẫn cay đắng, vẫn đầy âu lo, ngộ nhỡ ngày mai người ta lại làm nhà tầng trên đất của mình, ngộ nhỡ mình ốm đau, bệnh tật, ngộ nhỡ mưa gió, bão bùng, ngộ nhỡ vì ai đó mà mình trắng tay...?; và ai, ai, ai...? Điều đáng kinh ngạc là những vấn nạn này đã, đang và sẽ sinh sôi nếu dự thảo hiến pháp được thông qua như dự định của phần đông quí vị.

Xét đến cùng, "kéo pháo ra" là quyết định lịch sử của một người nhưng làm nên "kéo pháo ra" là các anh hùng, chiến sỹ và đồng bào. Giờ đây cũng vậy, nếu chưa có vị Tổng tư lệnh nào bằng xương, bằng thịt hiện hữu thì nhân dân mong và uỷ thác cho các vị Đại biểu Quốc hội khơi dậy, phát huy nhân tố "Tổng tư lệnh" trong tâm khảm của mỗi quí vị (Về mặt triết học, người viết tin ai cũng có nhân tố này) để làm nên HP lịch sử, đồng hành cùng dân tộc, vì trước hết là lợi ích của nhân dân, của đất nước. Không phản đối ai lãnh đạo nhưng nhất thiết HP phải là nền tảng, là cặp bài trùng với sự phồn vinh của đất nước, sự ấm no, hạnh phúc, bảo đảm tự do và dân chủ của nhân dân. HP nhất thiết phải là nền tảng khắc chế được những tồn tại yếu kém suốt 68 năm qua. HP mới phải tạo ra xung lực mạnh mẽ, dân cường, nước thịnh ngõ hầu bảo đảm vững chắc hoà bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, cái mà cha ông không tiếc máu xương mang lại. Đáp án về HP đáp ứng các yêu cầu này cũng đã có sẵn, các vị cũng đã biết, đã "cảm". Vấn đề là quyết định của quí vị.

Gần 70 năm trước đây, "kéo pháo ra" là quyết định lịch sử, đưa dân tộc ta lên tâm cao mới, người ra quyết định đó cũng đã ung dung đi vào lịch sử dất nước và thế giới. Thần thái và vong linh của con người đó, giờ khắc này, thật ra vẫn rất gần chúng ta, theo như giáo lý của ông bà chúng ta. Người viết xin thắp thêm nến nhang để Vị Tổng tư lệnh có thể hiển linh, thúc dục nhân tố "Tổng tư lệnh" trong lòng mỗi quí vị Đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua HP.
Nhật Lệ 

No comments: