Sunday, January 19, 2014

Sài Gòn tưởng nhớ Hoàng Sa



PV Bauxite Việt Nam - Bốn mươi năm qua cứ đến ngày 19.1, ngày giặc Tàu chiếm Hoàng Sa của tổ tiên ta, trong trái tim mọi người Việt Nam lại thầm thì, tha thiết gọi tên Hoàng Sa! Hoàng Sa!

Năm nay tiếng Hoàng Sa không phải chỉ là tiếng thầm thì, tha thiết trong tim mà đã vang lên thành tiếng gọi vang vọng trong không gian, vang vọng trong thời gian, vang vọng từ thế hệ trước sang thế hệ sau, vang vọng ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, vang vọng ở mọi nơi có người Việt sinh sống trên thế giới.


Chiều 18.1.2014, khoảng 100 người Sài Gòn gọi nhau đến Phòng họp Phạm Tiên Long, 43 đường Nguyễn Thông, quận Ba, để được cùng nhau nhắc đến Hoàng Sa, để nghe tiếng Hoàng Sa từ trong lồng ngực vang trong không gian, để tưởng nhớ những dòng máu Việt Nam đã hòa trong nước biển Hoàng Sa. Tại đây, Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức thánh lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng bào và chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988), dưới sự Chủ tế của Linh mục Nguyễn Trọng Viễn. 



Có mặt ở đây, bên nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu 95 tuổi là hai người vợ góa của hai chỉ huy chiếm hạm chiến đấu và ở lại mãi mãi với Hoàng Sa, bà Ngô Thị Kim Thanh vợ liệt sĩ Nguyễn Thành Trí, Thiếu tá hạm phó hộ tống hạm Nhựt Tảo và bà Huỳnh Thị Sinh vợ liệt sĩ Ngụy Văn Thà, Trung tá hạm trưởng hộ tống hạm Nhựt Tảo. Những trí thức: bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, GS Tương Lai, nhà khoa học Huỳnh Kim Báu, kỹ sư Đỗ Thái Bình, PGS TS Hoàng Dũng, TS Vũ Thị Phương Anh, TS Nguyễn Xuân Nghĩa, các nhà thơ Nguyễn Duy, Hoàng Hưng, nhà văn Phạm Đình Trọng, các nhà báo Lê Phú Khải, Lê Công Giàu, Thế Thanh, Nguyễn Quốc Thái, các nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Thị Khánh Trâm,… bên cạnh những gương mặt của tuổi trẻ Sài Gòn.

Từ trái qua: Các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu

Nhà thơ Nguyễn Duy 

Nhà thơ Hoàng Hưng (trái) 

Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái (giữa) 

Từ trái qua: bà Ngô Thị Kim Thanh và bà Huỳnh Thị Sinh

Mở đầu buổi lễ, Linh mục Chủ tế nêu rõ: “Chúng ta nhớ lại lịch sử Hoàng Sa không để oán thù mà để khơi dậy lòng yêu nước, yêu hoà bình và công lý”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã đọc bài luận văn quan trọng “Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam”, trong đó ông lược thuật diễn biến lịch sử của việc quản lý liên tục Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ các chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945), Bảo Đại (1949), Việt Nam Cộng hoà (1955) cũng như quá trình Trung Quốc (Cộng sản) xâm chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Kết thúc bài nói, ông chân thành bộc lộ tâm sự của một trí thức công giáo Sài Gòn đã từng ủng hộ miền Bắc trong cuộc “kiến tạo độc lập – thống nhất”: “Sau tháng 4/1975, dần dần tôi mới thấy ý đồ của TQ đã từ lâu vẫn giữ não trạng “đại Hán” xâm chiếm từng mảng lãnh thổ hay lãnh hải của nước ta mỗi khi có nguy cơ ngoại xâm hay nội chiến. Nói ra quá đau lòng, nhưng đó là sự thật”.

 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Linh mục Lê Quốc Thăng, người con của một sĩ quan hải quân Sài Gòn (tàu HQ 5) bảo vệ Trường Sa và cháu của hai sĩ quan tham gia chiến đấu trên HQ 10 trong trận chiến bi hùng 17-19/1/1974, đã kết thúc phần giảng lễ với lời nguyện: “Hòa bình không thể tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, được hỗ trợ bằng sự hy sinh, lòng khoan dung nhân từ và tình yêu thương của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia, nhất là các nước lớn mạnh biết tôn trọng các công ước quốc tế được ký kết, biết đối xử bình đẳng, tôn trọng giữa các quốc gia và biết đối thoại trong sự thật để xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực”.

Linh mục Lê Quốc Thăng

Thay mặt những người dự lễ, GS Tương Lai có bài phát biểu đầy nhiệt huyết và mạnh mẽ nói lên tâm tình của trí thức nhân sĩ và nhân dân luôn đau đáu nỗi đau Hoàng Sa, Trường Sa, kiên trì lên tiếng đòi Nhà nước thể hiện quyết tâm bảo vệ biển đảo của đất nước ở những việc làm rõ ràng, cụ thể. Một trong những việc ấy là: sớm chính thức biểu dương lòng yêu nước của các chiến sĩ bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 (xem toàn văn bài Và rồi hôm nay cánh cửa đã hé mở đăng ngay sau bài này).

GS Tương Lai và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Sau buổi lễ, một số anh em đến nhà của bà Ngô Thị Kim Thanh, một căn hộ ở chung cư Trần Quốc Toản, để thắp nhang cho liệt sĩ Nguyễn Thành Trí. Vừa đến cầu thang chung cư, thì gặp hai nhà báo Huy Đức và Mạnh Quân đang ôm một giỏ hoa quả đi lên.

Sau khi thắp nhang, kỹ sư Đỗ Thái Bình và nhà báo Huy Đức thông báo cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Trí và cả bà quả phụ Ngụy Văn Thà về kết quả cho đến nay của chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa. Hai anh nhấn mạnh chương trình sẽ là một điểm nối kết Nam Bắc, thúc đẩy tình cảm hòa giải hòa hợp dân tộc. Hoàng Sa – đó là nơi chúng ta thấy rõ kẻ xâm lược. Mà xâm lược thì thời nào cũng vậy, là kẻ thù chung của con dân nước Việt, bất kể Nam hay Bắc.

Từ trái qua: kỹ sư Đỗ Thái Bình, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Huy Đức, nhà báo Mạnh Quân, nhà văn Phạm Đình Trọng và hai người con của liệt sĩ Nguyễn Thành Trí – Nguyễn Thị Thanh Thảo và Nguyễn Thanh Triết. 

Kỹ sư Đỗ Thái Bình thắp nén nhang lên bàn thờ liệt sĩ Nguyễn Thành Trí 

Nhà văn Phạm Đình Trọng thắp nhang 

TS Phạm Chí Dũng thắp nhang 

PV BVN

Bài phát biểu của giáo sư Tương Lai tại lễ tưởng niệm

Và rồi hôm nay cánh cửa đã hé mở

GS Tương Lai đang phát biểu

Thưa qu‎í vị,

Cách đây 3 năm, tại đây, ngày 27.7.2011, chúng tôi đã có dịp được bày tỏ đôi điều suy tư: “Chúng ta cảm động khi thấy tên của những người anh hùng trong các trận quyết tử để bảo vệ Hoàng Sa của năm 1974 và Trường Sa của năm 1988 được những thanh niên yêu nước giương cao trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngay tại Hồ Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô ngày 24.7.2011 vừa qua. Tấm gương hy sinh của thế hệ đi trước đang tiếp sức cho thế hệ hôm nay tỉnh táo và hiên ngang thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, không đang tâm ngồi nhìn bọn cướp nước đang trăm mưu nghìn kế thực hiện chính sách thâm hiểm của chúng”.

Hôm ấy, chỉ duy nhất bà quả phụ của thiếu tá Ngụy Văn Thà lần đầu tiên có mặt để nhận lời tri ân của chúng ta. Bà Huỳnh Thị Sinh nói: “Lúc đó năm 2011 mới được nhắc nhở đến, và từ đó đến nay luôn được nhắc nhở đến Hoàng Sa - Trường Sa. Người ta nói ông Thà là một anh hùng đánh nhau với một cường quốc”. Và rồi cách đây mấy hôm, tại trụ sở của Viện SENA ở 35 Điện Biên Phủ quận Ba Đình, bà đã gặp gỡ các nhân sĩ trí thức Hà Nội để được nói răng: “Tôi đau buồn nhưng hãnh diện”, và bà đã cám ơn về “một nghĩa cử đúng đắn, cao cả. Nó có đủ vẻ đẹp của lòng người”. Mới bốn ngày trước đây, ông Đỗ Văn Thọ, cựu hạ sĩ quan điện tử trên khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư đã dõng dạc bộc bạch nỗi lòng của một người lính từng chiến đấu chống lại những tàu chiến Trung Quốc bắn chìm chiến hạm của ta “…Tôi vẫn còn ân hận lắm đấy. Tôi giờ sức khoẻ còn dồi dào lắm, nếu phải ra đi để tái chiếm lại [Hoàng Sa] thì tôi cũng sẵn sàng ra đi thôi…”.

Kinh Thánh dạy: “Không ai hái trái vả nơi bụi gai, cũng không ai hái trái nho nơi lùm cây dại” (Luca 6:44). Lại nói: “Hãy tìm, các ngươi sẽ gặp; hãy gõ, cửa sẽ mở ra cho các ngươi. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp và ai gõ thì cửa sẽ mở cho” (Matthiơ 7:9-10). Và chúng ta đã quyết liệt “gõ cửa”.

Liệu có phải “hãy tìm, các ngươi sẽ gặp”? Ngày 30/12 trong buổi làm việc với các nhà sử học, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật, còn việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lại là vấn đề khác, thông qua các giải pháp hòa bình”. Ông yêu cầu đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa vào sách giáo khoa phổ thông. Đây là điều ông đã long trọng tuyên bố tại diễn đàn Quốc hội ngày 25 tháng 11 năm 2011: Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Lịch sử thường có những bước đi chậm rãi nhưng cũng có những đột phá, chuyển đổi và tăng tốc. Nhanh hay chậm, cuối cùng lịch sử cũng trả về cho cuộc sống những giá trị đích thực của nó. Và rồi hôm nay cánh cửa đã hé mở.

Chúng ta tự hào vì ngay khi còn bị kiêng kỵ, cấm đoán, chúng ta vẫn quyết liệt đi tìm. Tìm ở đâu? Tìm ngay trong chính trái tim ta, trái tim yêu nước đang quặn đau vì một phần lãnh thổ thiêng liêng cha ông ta để lại đang bị Trung Quốc chiếm đoạt, quặn đau còn vì nhiều liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống bọn xâm lược từ ngày 17 đến ngày 19.1.1974 để bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc chưa được nhà nước chính thức tri ân. Tôi xin được nhắc lại lời đã nói 3 năm trước tại nơi này: “dòng nước mắt trong tim. Chảy lai láng vào hồn…” của mỗi chúng ta. Tâm hồn chúng ta đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, trái tim của mỗi chúng ta đang đập theo nhịp sóng Biển Đông”.

Ba năm qua, chúng ta nhẫn nại, kiên trì cuộc đấu tranh không mệt mỏi, bất chấp mọi điều thị phi đáng xấu hổ từ những thế lực muốn dập tắt ngọn lửa yêu nước trong tim chúng ta để chiều lòng bọn cướp nước.

Nhưng tình thế đã thay đổi. Cứ nhìn lên mặt báo, những “tờ báo nhà nước”, có thể đo được phần nào những động thái thay đổi ấy. Có một số tờ báo đã mở hẳn một chuyên trang với hàng chục mục tin bài về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông. Đài Truyền hình Đồng Nai đã công chiếu bộ phim “Hải chiến Hoàng Sa” được sản xuất từ thời Việt Nam Cộng hòa trước 1975. Nhớ lại trước đó không lâu, báo chí nhà nước lúc thì im thin thít, lúc thì dè dặt những mẩu tin về “tàu lạ” càng hiểu thêm về thời tiết chính trị và khẳng định thêm quyết tâm đẩy tới cuộc đấu tranh yêu nước chống Trung Quốc xâm lược. Kinh Thánh có đoạn: “tôi vui chịu yếu đuối, sỉ nhục, gian khổ, bắt bớ và hoạn nạn; vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ” (Cô-rinh-tô 11: 10).

Bước vào năm 2014, ý‎ chí chúng ta càng mạnh mẽ hơn. Mạnh mẽ hơn khi chúng ta biết gắn kết thành một khối vì sự tồn vong của dân tộc, bởi chúng ta hiểu rằng sự tồn vong của dân tộc gắn bó máu thịt với sự tồn vong của mỗi cá thể tạo thành dân tộc ấy.

Chẳng phải chỉ trong Kinh Thánh, theo quan điểm “duyên sanh” của nhà Phật thì mọi tồn tại chỉ tồn tại trong tương quan với những tồn tại khác. Chính quan điểm đó giúp con người có cái nhìn bao dung không những với chính mình mà còn đối với người khác và thế giới quanh mình. “Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật” (lời của Thiền sư Trúc Lâm khuyên vua Trần Thái Tông). Quả thật “lòng lặng mà hiểu”, chân l‎ý đó đã gắn kết chúng ta thành một khối mạnh mẽ không thế lực nào có thể chia cắt được. Vì, ngọn lửa của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc là nguồn động lực vô tận đẩy tới cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, ngọn lửa ấy nằm trong trái tim của mỗi chúng ta như bài thơ “Gốc lửa” của thiền sư Khuông Việt ra đời cách nay hơn 1000 năm đã biểu tả:

Trong cây vốn có lửa Mộc trung nguyên hữu hỏa
Sẵn lửa, lửa mới sinh ra Nguyên hỏa phục hoàn sanh
Nếu cây không có lửa Nhược vị mộc vô hỏa
Khi cọ xát sao lại thành Toàn toại hà do manh
Chính ngọn lửa yêu nước đang cháy sáng ấy giục giã chúng ta. Chúng ta hiểu rằng:
Nếu tôi không cháy lên
Nếu anh không cháy lên
Nếu chúng ta không cháy lên,
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
Ánh sáng? 

(Nazim Hikmet. Cao Xuân Hạo dịch) 

Xin cám ơn đã nghe tôi nói.

Ngày 18.1.2014

T. L.

Nguồn: BVN

 





No comments: