Thursday, December 19, 2013

Trương Duy Nhất 'khó hưởng án nhẹ'

Blogger Trương Duy Nhất bị di lý ra Hà Nội hôm 26/5 
 Báo Người Lao động phiên bản online trong tin đăng ngày 18/12 cho biết Bộ Công an đã có kết luận điều tra ban đầu đối với blogger Trương Duy Nhất.

Tờ này dẫn kết luận điều tra ban đầu của phía công an nói từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2013, blogger Trương Duy Nhất đã đăng tải lên mạng hơn 1000 bài viết.
"Trong đó có 12 bài viết mang nội dung sai lệch, tuyên truyền xuyên tác đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo Đảng Nhà nước," trích kết luận điều tra.

Bên canh đó, ông Nhất còn bị buộc tội đã "đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam."

Tuy nhiên, bản kết luận này cũng nói ông Nhất đã "không thừa nhận đó là hành vi phạm tội".

Từ những kết luận này, Bộ Công an đã quyết định truy tố ông Nhất về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" quy định tại điều 258 Bộ Luật Hình sự, Người Lao Động cho biết thêm.

'Khó hưởng án nhẹ'

"Vấn đề bài viết tôi cho chỉ là bề nổi. Từ khi bắt giữ Trương Duy Nhất, tôi nghĩ vấn đề người ta muốn biết đầu tiên đó là nguồn tin ở đâu" - Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng

Trả lời BBC ngày 19/12, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng cho rằng blogger Trương Duy Nhất bị bắt để điều tra nguồn cung cấp thông tin.

"Vấn đề bài viết tôi cho chỉ là bề nổi. Từ khi bắt giữ Trương Duy Nhất, tôi nghĩ vấn đề người ta muốn biết đầu tiên đó là nguồn tin ở đâu," ông nói.

"Nhưng sau môt thời gian giam giữ Trương Duy Nhất và với bản kết luận như thế này, tôi có cảm giác như là công tác điều tra đã không thành công ... Họ không biết ai cung cấp tin cho Trương Duy Nhất để có thể đưa ra những bản tin thời sự nóng bỏng và thu hút bạn đọc đến như vậy về Hội nghị Trung ương 6 vào giữa năm nay."

Liên quan đến mức án mà ông Trương Duy Nhất có thể phải lãnh, ông Dũng nói "tôi e ngại rằng đó là mức án không thật nhẹ nhàng".

"Trước đây tôi có nghe thông tin về việc Trương Duy Nhất tỏ ra cứng rắn trong việc đối đầu với cơ quan điều tra và không chịu nhận tội ..."

"Thậm chí có thông tin cho biết Trương Duy Nhất cứng rắn đến mới nói ở tù 20 năm cũng được".

"Với cách kết luận của cơ quan điều tra kỳ này thì tôi có cảm giác sắp tới nhiều khả năng Trương Duy Nhất sẽ phải lãnh án tù giam không nhẹ lắm mà nếu theo Điều 258 thì có thể là từ 2 năm rưỡi-3 năm.

Ông Đinh Nhật Uy, người cũng bị truy tố theo điều 258 Bộ Luật hình sự, đã được hưởng án treo

'Căng thẳng hơn vụ Đinh Nhật Uy'


Hồi 29/10 vừa qua, Tòa án tỉnh Long An đã tuyên án Đinh Nhật Uy, anh trai của Đinh Nguyên Kha, 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo vì tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự

Bên cạnh đó, Đinh Nhật Uy cũng phải trải qua một năm thử thách.

Khi được hỏi so sánh giữa vụ Đinh Nhật Uy với trường hợp của blogger Trương Duy Nhất, ông Dũng cho rằng "vấn đề của Trương Duy Nhất căng thẳng hơn nhiều so với Đinh Nhật Uy."

"Uy không phải là blogger có tiếng, không trực tiếp viết bài, và cũng chỉ đưa ra những quan điểm mà nhà nước cho là không phù hợp vì vụ Uyên-Kha," ông nói.

"Thế nhưng Trương Duy Nhất là một blogger, nhà báo chuyên nghiệp. Nội dung của Trương Duy Nhất đưa ra lại liên quan đến một số cá nhân lãnh đạo và đó là vấn đề nghiêm trọng nhất, khiến người ta phải tìm hiểu xem Trương Duy Nhất lấy những tin ấy ở đâu để đăng trên blog của mình".

Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội nói với BBC rằng "bản án rất có thể khác nhau, tùy vào mức ảnh hưởng."

"Viết bài với phạm vi nhỏ thì khác, còn những bài bị cho là chống Đảng, Nhà nước đã lan trên diện rộng thì chắc chắn sẽ nặng hơn
", ông Hướng nói.

Ông Phạm Chí Dũng cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry vừa qua sẽ không có ảnh hưởng đến bản án của ông Trương Duy Nhất

Tác động từ quốc tế?

Mặc dù phán đoán ông Nhất sẽ phải chịu một bản án nặng, ông Phạm Chí Dũng cũng cho rằng vì Việt Nam vừa vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên "các lãnh đạo trung ương có thể xem xét lại bản án của Trương Duy Nhất".

Trả lời câu hỏi của BBC về ảnh hưởng của chuyến công du mới đây của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tới Việt Nam đối với bản án của ông Trương Duy Nhất, ông Dũng cho rằng chuyến đi này không đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu và vì vậy, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vụ án.

"Tôi cho rằng vấn đề nhân quyền mà ông Kerry đặt ra với Hà Nội chỉ có hiệu dụng khi mà ông bỏ ít nhất là một ngày rưỡi tới hai ngày để đàm phán với giới chức Hà Nội về dân chủ và nhân quyền và kèm theo ít nhất là một bản danh sách các tù nhân lương tâm muốn yêu cầu Việt Nam trả tự do," ông nói.

"Trong khi đó ông Kerry lại có thừa thời gian thăm Nhà thờ Đức Bà, đi xuống Đồng Bằng Sông Cửu Long và những nơi khác."

"Tôi cho rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam trong chuyến đi tuần này của ngoại trưởng Mỹ không phải là vấn đề ưu tiên, và do đó vấn đề Trương Duy Nhất lại càng mờ nhạt hơn nữa."

"Thế nên tôi cho rằng chuyện Trương Duy Nhất sẽ ít chịu tác động từ quốc tế trong lần này".

Ông Nhất, năm nay 49 tuổi, bị bắt hôm 26/5 ở Đà Nẵng và bị chuyển ra Hà Nọi trong cùng ngày.

Hiện cho đến nay vẫn chưa rõ khi nào ông sẽ bị đưa ra xét xử.

(BBC)

No comments: