Wednesday, August 28, 2013

Các điều nổi bật trong chuyến thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang

Tổng thống Mỹ Barack Obama (P) tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng hôm 25/07/ 2013. - REUTERS/Yuri Gripas 
Về chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang - với đỉnh cao là cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25/07/2013, đã có rất nhiều nhận định. Nhưng giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales) đã có nhận xét về một số điểm ít được lưu ý, liên quan đến Biển Đông, quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt cũng như phản ứng của Trung Quốc trước đà tăng cường quan hệ giữa Washington và Hà Nội. 

Giáo sư Carl Thayer trước tiên hết đã có đánh giá chung khá tích cực về kết quả mà Việt Nam thu hoạch được nhân chuyến công du nước Mỹ của ông Trương Tấn Sang. Trong một nhận xét ngày 28/07/2013 (Thayer Consultancy Background Brief, July 28, 2013), ông đã nhấn mạnh đến khía cạnh đối thoại ở cấp lãnh đạo cao nhất tại hai nước đã được chính thức tái lập.

Các chuyến thăm cấp cao Mỹ-Việt được nối lại sau 5 năm gián đoạn 


“Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải được đánh giá là một thành công. Nó đánh dấu việc tái lập các chuyến công du cấp cao sau một thời gian gián đoạn kéo dài 5 năm. Chủ tịch Sang và Tổng thống Obama đã đồng ý định nghĩa quan hệ song phương Mỹ-Việt là đối tác toàn diện. Thỏa thuận đó bao hàm một cam kết thực hiện các chuyến thăm ở cấp cao và thành lập một cơ chế chính trị-ngoại giao song phương mới ở cấp bộ trưởng. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã có quan điểm thẳng thắn giải quyết mối quan tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền và đã có sáng kiến dẫn theo các chức sắc tôn giáo Việt Nam để nói chuyện trực tiếp với phía Mỹ.
 Mặc dù giữa Mỹ và Việt Nam còn nhiều bất đồng, cả hai bên đều đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong chín lãnh vực, đáng chú ý nhất là chính trị-ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học công nghệ và giáo dục. Điều này sẽ tạo thêm thuận lợi cho Việt Nam vào lúc nước này đang nỗ lực hội nhập vào quốc tế.”

Đối với Giáo sư Thayer, chuyến viếng thăm Mỹ của chủ tịch nước Việt Nam quả là một bất ngờ, vì trước đó không có tín hiệu nào cho thấy là có chuyến công du như vậy, nhất là khi theo lẽ thường tình trong địa hạt ngoại giao, sau khi Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết công du Hoa Kỳ vào năm 2007, người đáp ứng phải là phía Tổng thống Mỹ Obama.

Giải thích về nguyên nhân “phá lệ này”, chuyên gia Thayer cho rằng cả hai đều đã cảm thấy cần phải nhanh chóng củng cố thêm quan hệ. Ông nhận xét như sau trong một bài viết ngày 29/07 (Thayer Consultancy Background Brief, July 29, 2013) :

“Hoa Kỳ đã đi đến một đánh giá là Việt Nam đang vươn lên thành một quốc gia quan trọng, đóng góp vào việc duy trì hòa bình và an ninh cho khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là trong khối ASEAN, cũng như cho quốc tế thông qua Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương khác. Chính sách tái cân bằng lực lượng của Hoa Kỳ (qua châu Á) bao gồm cả hai khía cạnh kinh tế và an ninh. Việt Nam và Mỹ cùng chia sẻ quan điểm tương tự trên cả hai vấn đề này.

Hoa Kỳ muốn tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (và Đông Nam Á nói chung), còn Việt Nam mong muốn được tiếp tục tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình là Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ muốn tăng cường sự hiện diện và mở rộng địa bàn hoạt động của lực lượng quân sự Mỹ ở Đông Nam Á để đảm bảo một môi trường an ninh và hòa bình. Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ miễn là điều này góp phần vào ‘hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và phát triển’…”

Đối với Giáo sư Thayer việc nâng cấp quan hệ song phương, trong đó có việc cả hai bên đồng ý đúc kết nhanh chóng Thỏa thuận thương mại TPP (Tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương) đã mang lại cho cả hai phía Mỹ Việt những lợi ích cụ thể :

“Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang là một thành công cho cả hai phía trên hai lãnh vực. Đầu tiên hết, Thỏa thuận TPP là một ưu tiên cao đối với chính quyền Obama vào lúc Tổng thống Mỹ muốn khôi phục nền kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ bằng cách xuất khẩu ra nước ngoài. Hoa Kỳ muốn có một hiệp định TPP vì lợi ích kinh tế, nhưng đồng thời cũng để chứng minh rằng chính sách tái cân bằng lực lượng có cả thành tố khác chứ không đơn thuần là quân sự. Việt Nam cũng cần đạt được thỏa thuận TPP để có cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.” 

Thành tố quân sự quốc phòng được Tổng thống Mỹ nêu bật 

Một khía cạnh khác trong chuyến thăm được giáo sư Thayer phân tích là hồ sơ quan hệ quân sự - quốc phòng Việt Mỹ nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trương Tấn Sang.

Về mặt chính thức, vấn đề này chỉ là một trong 9 đề mục được nêu lên trong bản tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện, theo đó hai bên nhất trí « tiếp tục hợp tác về quốc phòng và an ninh » và « cam kết triển khai đầy đủ Bản ghi nhớ » về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương ký năm 2011.

Theo giáo sư Thayer, những gì ghi trong bản Tuyên bố chung không có gì mới, chỉ nhắc lại những gì đã được thông qua và đang được tiến hành. Nếu có một điểm quan trọng cần ghi nhận trong bản liệt kê này chính là điểm cả hai bên sẽ làm việc chặt chẽ với nhau để « tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển ».

Tuy nhiên, chuyên gia Thayer đã ghi nhận rằng Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh đến hợp tác quốc phòng trong phần phát biểu với báo chí ngày 25/07/2013 sau cuộc họp với đồng nhiệm Việt Nam. Giáo sư Thayer nhận xét như sau (trong bài nhận định công bố hôm 28/07 (Thayer Consultancy Background Brief, July 28, 2013):

« Tôi thấy là hợp tác về quốc phòng và an ninh trong tương lai được nhấn mạnh nhiều hơn trong các phát biểu đưa ra tại buổi họp báo sau cuộc họp, hơn là trong bản Tuyên bố chung…dường như chỉ là một sự lặp lại của các hoạt động hợp tác quốc phòng đã được phê duyệt và thực hiện. Các cuộc đối thoại cấp cao hiện đang được tiến hành dường như sẽ tiếp tục mà không có thay đổi đáng kể ».

Phải nói là khi phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí hôm 25/07 vừa qua, ngay trong phần mở đầu, ông Obama đã xác định : « Quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước sẽ cho phép hợp tác hơn nữa trên một loạt các vấn đề từ thương mại đến hợp tác giữa hai quân đội, đến hoạt động đa phương trong các lãnh vực như cứu trợ thiên tai, đến trao đổi khoa học và giáo dục. »

Đây là lần hiếm hoi mà từ ngữ hợp tác giữa hai quân đội (military-to-military cooperation) được chính thức nêu lên trong chuyến thăm, cho thấy rõ mối quan tâm của hai bên trong việc phát huy khía cạnh hợp tác quốc phòng.

Riêng về một trong những mong muốn mà Việt Nam đã nhiều lần nêu lên liên quan đến việc Washington bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội, điều này không thấy nêu lên công khai nhân chuyến thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang.

Tuy nhiên, trong lãnh vực này, giáo sư Thayer cho rằng Mỹ gần đây cũng đã nới lỏng hạn chế về việc bán các công nghệ vừa quân sự, vừa dân sự cho Việt Nam, chẳng hạn như các loại radar canh chừng vùng duyên hải, hay các loại phi cơ trinh sát biển.

Vấn đề, theo chuyên gia phân tích Úc, động cơ chính của Việt Nam trong việc đòi Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí chỉ mang tính chất chính trị mà thôi, tức là đòi Hoa Kỳ bãi bỏ chế độ phân biệt đối xử. Theo ông Thayer, giả sử là Mỹ chấp nhận bỏ cấm vận, chưa chắc Việt Nam đã đặt mua ngay vũ khí của Mỹ, vừa rất đắt, vừa không tương thích với kho vũ khí hiện thời của Việt Nam, chủ yếu do Nga cung cấp.

Nhìn chung, giới phân tích đều nhận định rằng ông Trương Tấn Sang đã thành công trong việc “giảm nhẹ” các mối nghi ngại của Mỹ trong lãnh vực nhân quyền để cùng với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama nâng cấp quan hệ lên hàng “đối tác toàn diện”, trong đó có một thành tố quốc phòng quan trọng được chính Tổng thống Mỹ nêu bật.

Biển Đông : Lời răn đe kín đáo của Mỹ 


Biển Đông với các hành động quá đáng của Trung Quốc cũng không bị lơ là trong chương trình nghị sự nhân chuyến thăm. Nhận xét đầu tiên là về mặt chính thức hai nhà lãnh đạo Việt Mỹ không nói lên điều gì mới lạ, tất cả đều được ghi lại trong bản Tuyên bố chung, dưới đề mục hợp tác chính trị và ngoại giao

« Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những quy định của Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đồng thời tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để hoàn tất một bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu quả.

Tuy nhiên, giáo sư Thayer đã ghi nhận một yếu tố quan trọng liên quan đến Biển Đông nhưng nằm lẫn trong phần đề cập đến hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Trong bài viết ngày 28/07 (Thayer Consultancy Background Brief, July 28, 2013), ông nêu bật :

« Điểm có ý nghĩa là Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện đặc biệt đề cập đến mối quan hệ thương mại giữa Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ, Exxon Mobile, và Murphy Oil (hai tập đoàn dầu khí Mỹ) với tập đoàn Dầu khí PetroViệt Nam trong việc đầu tư ở vùng Biển Đông.

Thông tin này phải được gắn liền với tuyên bố mạnh mẽ gần đây của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và tân Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel (người thay thế ông Kurt Campbell), chống lại bất kỳ quốc gia nào sử dụng các biện pháp hù dọa, cưỡng ép hoặc võ lực.

Hoa Kỳ đã tung ra tín hiệu rõ ràng là họ sẽ đáp trả nếu Trung Quốc mưu toan cản trở các hoạt động thương mại hợp pháp. Điều này sẽ có thể làm môi trường trong khu vực Đông Á ổn định và tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng của mình ».

Đối với giáo sư Thayer, có thể xem đây là một biện pháp răn đe - ở mức độ thấp – nhắm vào Trung Quốc, chống lại bất cứ hành động quyết đoán từ phía Bắc Kinh. Đối với Việt Nam, đây là một bảo đảm từ Washington, cho biết là các tập đoàn Mỹ sẽ tiếp tục làm ăn với Việt Nam, bất chấp các hành động hù dọa của Trung Quốc.

Một chi tiết thứ hai được giáo sư Thayer ghi nhận liên quan đến Biển Đông là câu trả lời « thẳng thắn một cách bất thường » của Chủ tịch nước Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (25/07) khi ông nói thẳng rằng đường lưỡi bò của Trung Quốc « không có căn cứ, về mặt pháp lý và thực tế. »

Trong bài nhận định về phát biểu của ông Trương Tấn Sang tại CSIS (Thayer Consultancy Background Brief, July 26, 2013), giáo sư Thayer cho biết :

« Chủ tịch Sang đã trả lời một câu hỏi về Trung Quốc và Biển Đông bằng cách bác bỏ tấm bản đố 9 đường gián đoạn của Trung Quốc ; cho đây là vô căn cứ, về mặt pháp lý và thực tế. Đây là một tuyên bố rất mạnh mẽ, tương phản với phát biểu dè dặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời các câu hỏi tại cuộc đối thoại Shangri-La ».

Quan hệ Mỹ-Việt được tăng cường, Trung Quốc há miệng mắc quai 


Một điểm khác được giáo sư Thayer ghi nhận là bất chấp các tuyên bố trên từ cả hai phía Việt Mỹ, bất chấp sự kiện là Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược, Bắc Kinh không thấy có phản ứng công khai. Nguyên nhân chính là vì Trung Quốc không có lý do gì để phản đối.

Trong nhận định ngày 29/07 ((Thayer Consultancy Background Brief, July 28, 2013), ông phân tích :

« Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều sử dụng các thỏa thuận hợp tác chiến lược để củng cố quan hệ với nước khác. Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2008 và sau đó nâng cấp lên mức đối tác hợp tác chiến lược. Hoa Kỳ đã đàm phán hiệp định đối tác chiến lược với Singapore và Indonesia.

Do vậy, ngoài mặt, Trung Quốc khó có thể phản đối các thỏa thuận hợp tác song phương có mục tiêu thúc đẩy quan hệ kinh tế trên diện rộng và qua đó góp phần vào hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và phát triển khu vực. Vấn đề nhạy cảm nhất liên quan đến hợp tác quốc phòng và hợp tác an ninh song phương. Tuy nhiên thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện Việt Mỹ không bao gồm bất kỳ sự hợp tác an ninh song phương hiện tại hoặc tương lai nào đe dọa lợi ích của Trung Quốc ở Đông Nam Á…

Tóm lại, tôi cho là Trung Quốc không thể công khai chỉ trích Việt Nam phát triển quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ, điều mà Trung Quốc cũng thực hiện với Việt Nam. Trung Quốc, vốn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, do đó sẽ phải tôn trọng quyết định của Việt Nam muốn phát triển quốc phòng và an ninh với Mỹ. » 

Trung Quốc có thể làm gì ? Trên vấn đề này, giáo sư Thayer xác định :

« Một cách tinh vi hơn, Trung Quốc sẽ kết luận rằng nếu gây sức ép ngoại giao quá nhiều trên Việt Nam, điều đó có thể phản tác dụng. Nói cách khác, ngày nào mà Việt Nam phát triển quan hệ an ninh và quốc phòng một cách đồng đều với các cường quốc và không liên minh với một nước này để chống nước khác, ngày đó, Trung Quốc sẽ phải quản lý một cách thận trọng quan hệ với Việt Nam ».

Giáo sư Thayer đã ghi nhận rằng trong suốt chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang, các phương tiện truyền thông Trung Quốc bằng tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác đã tránh đề cập đến sự kiện này. Cho đến nay, không thấy có bình luận tiêu cực nào trên báo chí Trung Quốc.

RFI

No comments: