Monday, June 24, 2013

Người tiết lộ tin tức tình báo NSA tị nạn chính trị tại Ecuador

WASHINGTON (AP) - Ông Edward Snowden, người thú nhận tiết lộ bí mật của cơ quan tình báo điện tử Mỹ (NSA), hôm Chủ Nhật đã rời Hồng Kông để khởi sự chuyến đi sang tị nạn chính trị ở Ecuador, với các trạm ngừng ở Moscow và Havana.

Chiếc xe hơi của đại sứ Ecuador tại Nga chờ ông Edward Snowden bên ngoài phi trường Sheremetyevo, ngoại ô Moscow, Russia, hôm Chủ Nhật. Ông Snowden bay từ Hồng Kông đến Nga, rồi bay qua Cuba trước khi bay vào Ecuador. (Hình: AP Photo/Alexander Zemlianichenko Jr) Cựu nhân viên làm việc theo giao kèo cho NSA và CIA được phép rời Hồng Kông trên chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot sau khi giới hữu trách nơi này cho hay hồ sơ đòi dẫn độ của Washington không phù hợp với luật pháp ở Hồng Kông.

Trong khi đó, theo báo The South China Morning Post, chính quyền Hong Kong nói trong thông cáo rằng đã thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ biết về chuyến đi của ông Snowden.

Thông cáo cũng cho biết chính quyền Hồng Kông đã chính thức yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ phải làm rõ về tin nói các cơ quan của chính phủ nước này đã đột nhập vào hệ thống máy tính của Hồng Kông.

Cũng theo báo SCMP, ông Snowden nói rằng chính quyền Mỹ đột nhập vào hệ thống điện thoại cá nhân của cư dân Hồng Kông và hệ thống Internet của một trường đại học ở đây.

Sau khi ngừng lại qua đêm ở Moscow, ông Snowden dự trù sẽ tiếp tục chuyến bay sang Havana, Cuba, và từ nơi đây sang Ecuador. Ngoại trưởng Ecuador, ông Ricardo Patino, cho hay chính phủ ông nhận được đơn xin tị nạn của Snowden và tổ chức WikiLeaks cho hay sẽ hỗ trợ điều này.

Tuy nhiên, ông Patino không cho biết Ecuador có chấp nhận cho ông Snowden tị nạn hay không.

“Ông đến các quốc gia hiện đang có mối quan hệ rất căng thẳng với Mỹ và không kể gì đến tự do báo chí,” theo lời Dân Biểu Ileana Ros-Lehtinen (Cộng Hòa-Florida). Bà nói thêm rằng bà lo ngại ông Snowden sẽ tiết lộ thêm các bí mật tình báo Mỹ để được tị nạn.

“Ðiều này sẽ không tốt lành gì cho quyền lợi an ninh quốc gia Mỹ,” bà Ros-Lehtinen nói.

Quyết định rời khỏi Hồng Kông và cuộc hành trình của ông Snowden khiến chính phủ Mỹ không có nhiều cơ hội chặn bắt ông vì chỉ đến những quốc gia được coi là có lập trường chống Washington.

Chính phủ Ecuador trước đây từng bác bỏ các đề nghị cộng tác của Mỹ và đang giúp người sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, tránh khỏi bị truy tố bằng cách cho phép tị nạn trong tòa đại sứ quốc gia này ở London, Anh.

Ông Snowden cung cấp cho tờ báo The Guardian ở Anh và The Washington Post ở Mỹ các dữ kiện về những chương trình do thám của cơ quan tình báo NSA, kể cả việc thu thập tài liệu trên mạng và trong các cuộc điện đàm ở trong và ngoài nước Mỹ.

Một giới chức Bộ Ngoại Giao Mỹ cho hay Washington đã liên lạc qua đường ngoại giao và giới chức công lực với các quốc gia liên hệ để nhắc nhở họ rằng ông Snowden là kẻ phạm pháp đang bị truy lùng và nhắc lại lập trường của chính phủ Mỹ rằng ông Snowden phải bị gửi trả về Mỹ.

Công tố viên liên bang Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu chính thức truy tố ông Edward Snowden tội gián điệp vì tiết lộ bí mật an ninh quốc gia.

Ông Snowden bị truy tố tội gián điệp, ăn cắp và làm thay đổi tài sản chính quyền.

Hồ sơ truy tố ông Snowden được nộp tại tòa liên bang ở phía Ðông tiểu bang Virginia, nơi có thẩm quyền tư pháp với công ty Booz Allen Hamilton, nơi làm việc cuối cùng của ông Snowden trước khi trốn qua Hồng Kông.

Ông Edward Snowden, 29 tuổi, trốn sang Hồng Kông hồi tháng trước sau khi bỏ việc đang làm tại một chi nhánh của Booz Allen Hamilton ở Hawaii, và thu giữ một số tài liệu mật của NSA khi ông làm ở cơ quan này trong vai trò một phân tích gia dữ liệu.

Các tài liệu này, một số được công bố trên hai tờ báo The Washington Post (Mỹ) và The Guardian (Anh), đưa ra chi tiết chính quyền Mỹ theo dõi và thu thập thông tin của người dân Hoa Kỳ và Anh, cũng như một số tài liệu tòa án có liên quan đến chương trình do thám này.

Ông Snowden công khai tên tuổi của mình hôm 9 Tháng Sáu, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, và nói rằng ông đến Hồng Kông vì đây là nơi có một “hệ thống văn hóa và luật pháp ông có thể làm việc mà không bị bắt ngay”.

Ðặc khu này hiện do Trung Quốc quản trị, nhưng lại có nhiều quyền tự trị hơn so với lục địa.

Vụ tiết lộ tin của ông Snowden tạo ra một vụ bê bối chính trị làm náo động dư luận Hoa Kỳ, trong đó một số vị dân cử và người dân nghi ngờ việc làm của NSA có thể bị lạm dụng.

(V.Giang & Ð.D.)

No comments: