Tuesday, June 25, 2013

ĐIỀU 258: QUÁ TỘI NGHIỆP CHO TỰ DO DÂN CHỦ


Thế là tiếp theo blogger Trương Duy Nhất, blogger Phạm Viết Đào bị bắt vì tình nghi vi phạm điều 258 bộ luật hình sự: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Cả hai anh đều là blogger nên quyền tự do dân chủ mà hai anh có thể lợi dụng là quyền tự do ngôn luận, có nghĩa là các anh đã dùng trang blog của mình xâm phạm lợi ích một số đối tượng. Các đối tượng ở đây là Nhà nước, là tổ chức, là công dân. Dùng trang blog để xâm phạm lợi ích các đối tượng thì có nghĩa là hai anh bị nghi đã viết những điều không có thật, những điều bịa đặt về các đối tượng mà mình có ý định xâm phạm. Như vậy gọi là vu khống. Mà hành vi vu khống lại nằm trong phạm vi điều chỉnh bởi điều 122 cũng của bộ luật hình sự.

Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
....

Thế thì tại sao không truy tố hai blogger trên theo điều 122? Cái khác nhau giữa 122 và 258 chỉ ở phần đối tượng bị hại- Một bên là cá nhân, một bên là Nhà nước, tổ chức và cá nhân- còn hành vi thì như nhau.
Thật ra, một khi không cần lợi dụng vào cái gì cả nhưng anh đã có hành vi xâm phạm lợi ích kẻ khác thì anh đã mắc tội rồi. Và tùy vào cái hành vi anh sai phạm mà có các điều khoản tương ứng của bộ luật hình sự điều chỉnh.
Ví dụ tên A được tự do đi lại khắp nơi trên đất nước nầy mà không cần báo cáo và xin phép. Y tự do đi đến một tiệm vàng rồi xông vào giết chủ tiệm và cướp vàng. Chẳng lẽ lại truy tố tên A theo điều 258 là đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ (ở đây là quyền tự do đi lại) để xâm phạm lợi ích của tiệm vàng? Không thể ngớ ngẫn như thế được vì hành vi giết người cướp của đã được điều chỉnh bởi điều khoản khác trong bộ luật hình sự.
Tương tự một chức sắc tôn giáo thường xuyên lui tới nhà con chiên để làm công việc tôn giáo nhờ vậy ông ấy tiếp cận mọi thành viên trong gia đình dễ dàng và vì thế, vào một hôm, ông lợi dụng việc giảng đạo, giở trò đồi bại với cô gái dưới 18 tuổi trong gia đình đó. Chẳng lẽ lại truy tố vị chức sắc tôn giáo ấy theo điều 258 là lợi dụng các quyền tự do dân chủ (ở đây là quyền tự do hoạt động tôn giáo) xâm phạm lợi ích của cháu gái?
Đặt ra các ví dụ ấy để thấy rằng điều 258 bộ luật hình sự là một điều dư thừa bởi lẽ khi luận tội ai đó thì luận trên hành vi gây ra tội chứ không luận trên việc đối tượng lợi dụng cái gì đó để thực hiện hành vi.
Sự tồn tại của điều 258 làm mọi người có cái nhìn sai lệch về tự do dân chủ. Thiết chế cao đẹp mà nhân loại đang vươn tới bị xem như là nơi dung túng, nơi để kẻ xấu lợi dụng gây ra chuyện xấu xa, gây ra hành vi xâm phạm đến lợi ích nhà nước và kẻ khác.
Chẳng lẽ vì tự do đi lại mà anh giết người cướp của, vì tự do tôn giáo mà anh hiếp dâm, vì tự do ngôn luận mà anh vu khống? Người xấu thì có thể gây ra mọi tội mà chẳng cần phải lợi dụng quyền tự do dân chủ nào cả.
Chưa hề thấy dân chúng trong các nhà nước tự do dân chủ trên thế giới lợi dụng các quyền tự do dân chủ để làm hại đất nước hay lợi ích hợp pháp của cá nhân nào. Có chăng là họ lợi dụng tự do dân chủ để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp cho họ hoặc họ lợi dụng tự do dân chủ để truất phế ngay tức khắc một chế độ thối nát, một cá nhân lãnh đạo chưa tốt để đưa lên một cá nhân lãnh đạo khác tốt hơn, một chế độ mới hoàn thiện hơn nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước họ. Họ làm việc đó thông qua biểu tình gây sức ép hoặc đơn giản thông qua bầu cử tự do. Ở tất cả những đất nước tự do dân chủ thực sự nầy không hề có điều 258 trong bộ luật hình sự của họ là vậy.

Kéo dài trong bóng đêm của chế độ độc tài phong kiến rồi chế độ thực dân áp bức cho đến gần cuối thế kỉ 20 đất nước ta mới được hoàn toàn thống nhất và xây dựng nên chế độ mới trên toàn quốc: Chế độ cộng sản.
Chế độ cộng sản nhưng mà dân chủ, không những thế mà còn tự do dân chủ gấp vạn lần các chế độ đang hiện hành trên thế giới như tuyên bố cửa miệng của nhiều lãnh tụ cộng sản.
Và không chỉ khẳng định bằng miệng, tự do dân chủ còn được xác định rõ qua hiến pháp và thể hiện ra các quyền làm người phổ quát được công nhận như: Tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do lập hội....
Sống quá lâu từ đời nầy qua đời khác dưới các chế độ độc tài áp bức không có chút tự do, nay được hít thở không khí dân chủ tự do tươi đẹp, người dân sung sướng lắm. Nhẻ ra người dân được thụ hưởng tự do dân chủ, được lợi dụng tự do dân chủ để sống cho ra sống chứ không như cha ông trước đây, hở ra chút gì là bị bắt bớ, bị đàn áp thảm khốc ngay tức khắc...
Nhưng đó là trên lý thuyết. Còn thực tế thì khác xa. Phải mãi đến sau những năm 90, người dân mới có quyền tự do đi lại trong nước mà không cần xin phép công an, mới có quyền tự do mưu sinh và một phần quyền tự do cư trú. Rồi sau năm 95 mới có quyền tự do đi ra nước ngoài mà không cần phải xin phép công an xuất cảnh. Quyền tự do lập hội, lập đảng và quyền tự do biểu tình đến nay hầu như vẫn chưa có. Quyền tự do ngôn luận thì chỉ có chút đỉnh sau khi có internet và có các trang nhật ký điện tử (blog).
Những người thông qua trang blog để nói lên suy nghĩ, tâm tư và nhận thức của mình dễ dàng bị điều chỉnh bởi điều 88 rồi thêm điều 258 khá mông lung: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Ai có hành vi xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức, công dân như vu khống, xâm phạm tài sản, giết người, cưỡng hiếp…thì đã có từng điều khoản thích hợp điều chỉnh, tại sao lại có điều 258 thừa ra như vậy?
Điều 258 dường như chỉ đi theo một chiều là nhắm vào những cá nhân xâm phạm đến lợi ích của đối tượng là Nhà nước, tổ chức đảng và các cán bộ cao cấp. Đến nay, chưa thấy có chiều ngược lại là: Cơ quan Nhà nước, các tổ chức đảng, cán bộ cao cấp bị đưa ra tòa vì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích cá nhân.
Các cá nhân bị các cơ quan truyền thông nhà nước xâm phạm lợi ích qua việc vu khống và bôi nhọ danh dự đang mỏi mòn kiện tụng nhưng chưa vụ nào được các cơ quan tư pháp thụ lý. Có thể đơn cử ra một số vụ:
- Đài TH Hà Nội vu khống và bôi nhọ các nhân sĩ trí thức đi biểu tình chống Trung cộng.
- Báo, đài Hà Nội vu khống và xâm phạm đời tư chị Bùi Hằng, đời tư của LS Cù Huy Hà Vũ
- Báo Công An TP HCM đăng bài vu khống vị nữ luật sư thuộc luật sư đoàn TP HCM tiếp xúc với LS Cù Huy Hà Vũ trong đêm ông bị bắt là gái mãi dâm. Còn các trang blog bậy bạ đang mở ra nhan nhãn, được cho là của các dư luận viên, thì tha hồ chửi bới, văng tục, vu khống, đe nẹt, hăm dọa các nhân sĩ trí thức tiến bộ, các blogger và các người biểu tình yêu nước mà không thấy cơ quan luật pháp nào đụng đến. Có những trang mang hẳn tên các lãnh đạo Nhà nước nữa đấy, như: Nguyentandung, Truongtansang, tusangnhamhiem...

Ngược lại, hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt rất nhanh chóng và rất khẩn cấp.
Tôi đọc không được nhiều bài của hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào nên không biết hai anh đã có những bài viết nào vi phạm vào việc lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước và các đối tượng khác. Nhưng nếu các anh ấy có vi phạm thì có nghĩa là các anh ấy đã viết điều gì đó bịa đặt, sai sự thật về các đối tượng mà các anh ấy xâm phạm lợi ích. Đó là tội vu khống. Có lẽ phải chờ kết luận điều tra mới biết cơ quan pháp luật dựa vào các bài viết nào để quy các anh ấy phạm tội.
Trong khi đó, dư luận lại cho rằng hai blogger ấy bị bắt khẩn cấp vì các lý do sâu xa khác.

Tuy nhiên khởi tố hai blogger ấy theo điều 258 thì vừa mơ hồ lại vừa tội nghiệp cho tự do dân chủ quá.
HNC

No comments: