Vẫn cứ vui chơi như mọi ngày...
Dạo rày tự dưng bọn thế lực thù địch tung tin đồn nói xấu chế độ tốt đẹp của ta hơi bị nhiều.
Chúng liên tục tung tin sắp tới sẽ cho người nầy nhập kho, cho người kia đi giáo dục làm như chế độ ta được dựng lên là để chuyên đi bắt dân không bằng. Chúng đưa ra danh sách 4 người, rồi danh sách 5 người, rồi danh sách 10 người...và mới đây nhất, theo nhà văn đáng kính Nguyễn Trọng Tạo, từ Bắc Kinh gởi về danh sách đến 20 người. Nghe cái danh sách nầy, Nguyễn Trọng Tạo phải thốt lên: Bắt hết nhân dân thì sống với ai.Lúc đầu nghe bọn xấu tung ra danh sách 4 người gồm Nhất, Đào, Chênh, Lập* mà trong đó đã có 2 người đi theo 258 rồi, tôi run quá. Chị em, con cái nghe đến cũng hoảng hốt. Con gái út buộc ba phải thề không được viết blog nữa và nửa đêm đang ngủ bên nhà mẹ, cứ giật mình thức dậy, thảng thốt gọi điện qua nhà ba để biết ba vẫn còn ở nhà mới yên tâm đi ngủ lại.
Các chị tôi đều trên 60, cũng sợ không kém. Cả tuổi ấu thơ của chị em nhà tôi là sống trong cảnh ba tôi vì theo cộng sản phải đi tù. Mà ba đi tù thì không phải ít. Sau 54, ba phải đi cải tạo đến 4 năm. Sau đó về rồi, hầu như năm nào, đến ngày lễ lạc hay bầu cử gì đó, ba lại bị bắt giam từ một đến vài tháng. Các chị tôi kể, những năm tháng đó cả nhà sống trong cảnh nơm nớp lo âu, đêm đêm nghe tiếng chó sủa là thức dậy cả nhà, chạy ra chạy vào nghe ngóng. Tôi lúc đó còn nhỏ nên vô tư. Thời ba ở đến 4 năm, tôi chẳng biết gì vì còn quá bé. Chỉ nghe kể lại là tôi đi bú chực khắp xóm, vú bà nào có con cùng tuổi với tôi, tôi đều ngậm đến, thậm chí cả những bà đã ngưng sinh đẻ, không có sửa, tôi cũng ngậm càn vì quá đói.. Khi ấy mẹ phải chạy chợ gấp đôi, đi từ sáng sớm tinh mơ, lúc tôi chưa thức dậy, đến nửa đêm lúc tôi đã ngủ khì mới về nên cả ngày các chị phải bồng quanh xóm bú chực. Thời đó không có gì ăn nên trẻ con bỏ bú rất trể. Sau nầy vào năm 74, sau khi đậu cử nhân, tôi xênh xang áo mũ về quê, đang đi giữa đường làng thì bị một bà già kéo lại, phạch ngực ra ghì đầu tôi vào đó hỏi: Mi có còn nhớ cái dzú già ni không? Tôi hoảng hồn nhưng rồi cũng bẻn lẻn phì cười.
Vào giai đoạn mỗi năm ba bị bắt một lần, tôi đã lớn hơn, nhưng cũng chẳng biết gì. Rất nhiều lần ba bị bắt mà đến sáng ngủ dậy nghe mọi người đến thăm hỏi xôn xao tôi mới hay biết mặc dù tối nào tôi cũng được ngủ chung với ba. Chỉ có một lần duy nhất tôi được chứng kiến cảnh ba tôi nửa đêm bị bắt ra khỏi nhà. Lần đó nghe tiếng ồn ào, tôi giật mình thức giấc thấy trong nhà đầy lính. Ba tôi ngồi trên bộ bàn ghế đặt giữa nhà có vài người không mặc đồ lính ngồi quanh. Các chị tôi khóc như ri. Mọi người nói chuyện gì với nhau tôi không còn nhớ. Tôi chỉ nhớ đến bây giờ câu hỏi của mẹ: Đợt ni lâu may để chuẩn bị đồ đạt? Không nhớ những người kia trả lời cái gì. Sau đó thì ba tôi đi ra khỏi nhà với mọi người, không thấy bị trói vì tôi còn nhớ, trước khi đi ba xoa đầu tôi bảo vào ngủ đi.
Tôi vào ngủ lại đến sáng hôm sau thì dậy chạy u qua nhà thằng Phùng bạn tôi cũng có cha thường bị bắt giống ba tôi hỏi thăm. Nghe cha nó cũng bị bắt khi hôm, tôi rất mừng và hai thằng cùng vui như tết vì sẽ được tự do quậy phá thỏa thích do không có ba ngăn cấm. Ngược lại có những lần chỉ mình ba bị bắt, tôi buồn lắm. Thằng bạn tôi cũng buồn vì tôi được tự do còn hắn thì vẫn còn cha ở nhà cấm đoán nầy nọ.
Út cưng của tôi bây giờ cũng thế. Ban đầu nghe mẹ và chị thầm thì về danh sách 4 người mà đã có hai người nhập kho thì hoảng hốt cứ bám riết theo tôi để tôi không còn thời gian viết blog. Nhưng cho đến bây giờ khi nghe danh sách lên đến 20 người thì Út cưng cũng hết sợ. Nó bảo có các chú vào đông đúc ba cũng vui, làm như trong ấy người ta cho các chú tụ tập lại chung một chỗ như đi trẫy hội không bằng. Hơn nữa, thấy ti vi chiếu cảnh tù sung túc của Cù Huy Hà Vũ, Út cũng yên tâm là ở trong nhà tù XHCN ưu việt luôn luôn được đối xử nhân đạo không như cảnh nhà tù Côn Đảo của thực dân đế quốc mà Út thấy trên tivi. Tâm trạng tôi thì luôn tùy thuộc vào tâm trạng Út cưng. Út sợ thì tôi sợ theo, ban đầu tôi sợ lắm, run đến mất ngủ, bây giờ Út hết sợ tôi cũng chẳng sợ gì.
Bạn bè cũng rất quan tâm lo lắng, ngay từ khi tôi còn ở Paris có người đã nhắn tin qua khuyên đừng nên về. Giống như Huy Đức bây giờ, có lẽ cũng lắm người khuyên nên...người ơi người ở đừng về. Ngớt đi được một thời gian, rồi khi rộ lên các danh sách, bạn bè lại lo lắng khuyên can. Cũng có nhiều bạn sợ quá, sợ bị liên lụy, không dám liên hệ, không dám hỏi thăm, tình cờ gặp nhau trong quán cà phê, quán nhậu cũng không dám đến gần. Nhiều người làm như cứ ở gần tôi là bị lây nhiểm rồi bị đưa vào danh sách không bằng! Không hiểu chế độ tốt đẹp của ta làm thế nào mà người dân sợ đến thế? Chắc do bọn phản động tuyên truyền tung tin bậy bạ nên người dân nghe theo tưởng chế độ ta xấu thiệt.
Ngược lại có nhiều bạn bè rất tốt, rất bình thường. Vẫn cứ đều đặn thăm hỏi, đều đặn rủ rê đi ăn chơi tiệc tùng. Có khi còn hơn bình thường, lại rủ rê nhiều hơn và câu nói giỡn đầu môi của họ là: Cho ông ăn chơi thỏa thích chứ chẳng còn mấy ngày nữa. he he. Còn những bạn bè đã từng ở tù dưới chế độ cũ sốt sắng bày biểu kinh nghiệm.
Anh Hạ Đình Nguyên, một cựu tù Côn Đảo, thông qua lá thư gởi Cù Huy Hà Vũ đã truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý giá khi ở tù. Tôi đọc thư ấy không chỉ xúc động đến khóc mà còn rút ra được nhiều điều bổ ích.
Mới đây, vào một buổi trưa, vì nghe đâu danh sách có tên tôi, bạn đồng hương Lê Tự Quảng, một cựu tù Côn Đảo khét tiếng, từng bị biệt giam trong chuồng cọp, bổng dưng điện thoại hỏi: Mi đang ở mô? Đang ở Thủ Đức- Tôi trả lời. Ở yên đó, tau chạy lên. Thế là từ Tân Bình, vượt qua gần 20 cây số, giữa trưa nắng chang chang, người cựu tù Côn Đảo chạy đến nhà tôi với đầy đủ rượu mồi. Vừa nhậu hắn vừa dạy cho tui biết bao nhiêu kinh nghiệm đấu tranh trong tù. Để hắn say sưa cho thỏa lòng rồi tôi mới nói: Nhưng nhà tù bây giờ nghe không giống gì với ngày xưa. Hắn cười hề hề: Ừ, nhưng cũng rứa thôi.
Hôm đi chơi Cam Ranh với nhóm nhà báo Sài Gòn, có hai nhà báo cựu tù là anh Võ Như Lanh và anh Đoàn Khắc Xuyên. Lúc tửu hậu khi nghe nói đến các danh sách, anh Võ Như Lanh nói với Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân và tôi: Các ông bây giờ vui, cứ nghe đồn sắp bắt mà chẳng thấy bắt, làm cả thế giới quan tâm theo dõi hàng ngày, xem thử bị bắt chưa. Hồi thời bọn tôi, chưa kịp nghe chi hết đã bị bắt rồi. Những thằng còn lại sợ quá lo tuôn vào rừng.
He he, ngày xưa có rừng để trốn, bây giờ thì có chỗ nào chui? Thôi thì..."hãy cứ vui như mọi ngày, dù ngày mai không ai thăm nuôi" như Đỗ Trung Quân vẫn nghêu ngao hát.
Hôm qua nghe Nguyễn Trọng Tạo nói về danh sách lên đến 20 người, thì bao nhiêu chút sợ hãi còn vương vất lại trong chúng tôi đều bay đi sạch. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, từ Hà Nội bay vào với tâm trạng phơi phới rủ chúng tôi đi nhậu. Nghe nói anh cũng có tên trong danh sách nầy.
Rượu vào rồi thì chuyện tới trời cũng xem như chuyện đùa bỡn. Những bạn bè ngồi trong bàn mà không có tên trong danh sách tự dưng thấy thiệt thòi. Nhưng các bạn ấy cũng không ganh tị và tự nguyện phân công nhau lo thăm nuôi những người được xem là có tên. Nguyện vọng thăm nuôi của nhà văn Nguyễn Quang Lập là một cái laptop, nếu có ba gờ nữa thì càng tốt để anh tiếp tục viết blog và liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhà thơ kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân thì cần giá vẽ với màu xịn để vẽ và một chút ánh trăng qua cửa sổ...để làm thơ. Còn nguyện vọng của tôi: Cứ gởi đều đặn viagra vào. Các bạn hỏi: Để làm gì trong đó? Tôi nói: Buồn quá để đục vô tường chơi cho vui. he he.
Vẫn cứ tiệc tùng vui chơi ca hát như đi trẩy hội
Đỗ Trung Quân nổi tiếng với bài hát cải biên "Cùng nhau đi Bình Hưng Hòa" mà mỗi lần y hát lên, thiên hạ cười phọt cả rượu ra ngoài. Nay y nghêu ngao: Cùng nhau ta đi nhập kho... Lại cười đến sặc gạch!
Mai kia, bọn phản động mà lại có danh sách 30 hoặc 40 người tung ra thì chắc vui hơn nữa. he he.
HNC
* Danh sách và lời bình trên blog Babel Thịnh
Babel Thinh 14 tháng 6
DANH SÁCH
1.Trương Duy Nhất
2. Phạm Viết Đào
3. Nguyễn Quang Lập
4. Huỳnh Ngọc Chênh
(còn tiếp)
1.HOT Links vềThủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng 2.HOT Links vềTướng Nguyễn Văn Hưởng 3.HOT Links vềThống đốc Nguyễn Văn Bình 4. HOT Links Nhómtội phạm Việt Nam 5. HOT Links vềChủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng 6.Hot Links vềTổng cục 27.Hot Links vềNội các Chính Phủ 8.Hot Links vềchủ quyền 9.Hot Links vềPhạm Chí Dũng 10.HOT Links vềVinaline 11.Hot LinksVikileaks 12.Hồ sơ Beo HồThị Thu Hồng13.Hồ sơ MafiaTàu tại VN 14.Dân chủ& Đảng phái 15.Giớpchóp bu Hà Nội chống tham nhũng? 16. Các vụ án Ngân hàng khác 17. Đấu tranh cho nền dân chủ 18. Thơ văn 19. Hồ sơ các nạn nhân đại gia 20. Giáo dục 21. Gián điệp
No comments:
Post a Comment