Thursday, April 4, 2013

Triển vọng’ khủng hoảng qua giá vàng

Vualambao - Nếu không cẩn thận và không biết tận dụng cơ hội được coi là cuối cùng trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ đánh mất hoàn toàn cái được coi là “lợi thế” vào cơn suy thoái không rõ điểm kết.


Vàng trong nước vẫn được các nhóm đầu cơ neo giá ở vùng 43-44 triệu đồng/lượng, dù giá thế giới chỉ ở mức 39 triệu đồng/lượng. Ảnh: Dân trí

Vàng cũng không cứu nổi chúng ta!
Đó cũng là bối cảnh của giá vàng Việt Nam, tuy vẫn duy trì độ chênh cao đến 3-4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, nhưng trong thực tế sức cầu trên thị trường đã giảm sút khá nhiều so với năm 2012. 

“Vàng cũng không cứu nổi chúng ta!” - lời ta thán như thế không phải từ ai khác, mà chính là của Marc Faber, người được xem là một nhà hoạch định tài chính có tiếng trong thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Trong khi đó, mọi chuyện lại dường như có vẻ khá ổn với nền kinh tế Mỹ và cả các thị trường chứng khoán Tây Âu.

Cơn khủng hoảng tài chính ở quốc đảo Síp đã khá nhanh chóng bị dập tắt, tuy có để lại dư chấn đáng kể cho gia đình Thủ tướng Síp lẫn những người dân bị mất đến 60% tiền mặt trong tài khoản gửi ngân hàng.

Tuy nhiên cũng như ở châu Á, nếu cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều Tiên chưa thật sự nổ ra thì không có gì phải đáng lo. Ở châu Âu, cách đây vài tháng người ta cũng phát sốt lên vì cơn khủng hoảng chính trị ở nước Ý. Thế nhưng mọi chuyện cũng đã trôi qua, thậm chí qua nhanh đến mức giờ đây giới đầu tư cổ phiếu chỉ còn chú tâm vào bảng điện tử xem chỉ số Dow Jones hàng ngày lập kỷ lục mới như thế nào, thay cho việc canh cánh nỗi lo về một thế giới khủng hoảng.

“Thế giới chuẩn bị đón nhận cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Và, kể cả tài sản vốn được coi là hầm trú ẩn an toàn như vàng cũng không thoát khỏi kịch bản này” - một lần nữa Marc Faber lại nhấn mạnh.

Từng là tác giả của báo cáo nổi tiếng Gloom Boom & Doom với cái nhìn lạc quan về giá vàng thế giới, nhưng điều đáng ngạc nhiên là vào thời gian gần đây, ông đã không giữ được sự tự tin về thứ kim loại quý hiếm này.

Đó cũng là bối cảnh của giá vàng Việt Nam, tuy vẫn duy trì độ chênh cao đến 3-4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, nhưng trong thực tế sức cầu trên thị trường đã giảm sút khá nhiều so với năm 2012.

Ngày càng nhiều người tiêu dùng, tiểu thương và cả những người không có thói quen giữ tiền mặt bày tỏ cái nhìn u ám đối với giá vàng. “Bây giờ làm gì còn ai đi mua vàng” – không ít người trong số đó nói. Tâm trạng này hẳn cũng đang phản ánh dự báo mới nhất của Ngân hàng Societe General SA.

Báo cáo mới nhất của ngân hàng trên còn đưa ra triển vọng tệ hại hơn dự báo của Marc Faber: giá vàng thế giới có thể giảm về 1.400 USD/ounce, nếu không muốn nói là còn có thể thấp hơn thế.
Tuy nhiên khác với Marc Faber, Societe General SA không đánh giá quá tồi tệ về một nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Thậm chí ngược lại, nguyên nhân của việc vàng bị mất giá là do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh khiến nhu cầu đảm bảo an toàn giảm sút.

Ngân hàng nhà nước “muốn gì”?

Song giờ đây, điều được coi là rủi ro đối với vàng trong nước không hẳn đến từ xu thế lao dốc của giá vàng thế giới, mà còn do chính sách “siết” vàng của Ngân hàng nhà nước.

Trong hơn một thập kỷ qua, giá vàng thế giới đã tăng đến 7 lần, từ mức 250 USD/ounce lên 1.920 USD/ounce. Còn hơn cả thế, giá vàng Việt Nam - với tư cách là “thị trường mới nổi” - đã tăng chẵn một chục lần từ mức gần 5 triệu đồng/lượng.

Tuy vậy, “lên” nhanh nhưng lại “xuống” chậm. Từ cuối năm 2011 là thời gian lập đỉnh cho đến nay, bất chấp giá vàng thế giới đã giảm khoảng 14%, giá vàng trong nước vẫn treo ở mức cao và chỉ giảm khoảng 10% so với giá đỉnh.

Nhưng nếu giá vàng thế giới thực sự lao về vùng 1.350-1.400 USD/ounce thì sao?
Đó lại là vùng tương đương với mức giá khoảng 30 triệu đồng/lượng của vàng trong nước.

Cách đây một năm, khó có ai tin là giá vàng trong nước sẽ giảm về vùng 40-41 triệu đồng/lượng. Thật ra, mối hoài nghi đó là có cơ sở, vì ngay vào những ngày giá vàng thế giới giảm về tương đương 39 triệu đồng/lượng, vàng trong nước vẫn được các nhóm đầu cơ neo giá ở vùng 43-44 triệu đồng/lượng.
Song giờ đây, điều được coi là rủi ro đối với vàng trong nước không hẳn đến từ xu thế lao dốc của giá vàng thế giới, mà còn do chính sách “siết” vàng của Ngân hàng nhà nước.

Không còn coi vàng là một mặt hàng cần được “bảo tồn”, Ngân hàng nhà nước rất có thể sẽ cho thứ kim loại quý này vào “bảo tàng”. Nguồn cung lớn được tung ra từ cơ quan này trong tương lai sẽ khiến cho thị trường vàng khó có thể hoạt náo và khó được giới đầu cơ tung hoành.

Nhưng ở một góc độ khác, động thái can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng nhà nước lại chỉ xuất hiện trong khoảng hai tháng gần đây, trong khi nguyên năm 2012 cơ quan này đã gần như không thực hiện một hành động nào có hiệu quả để “bình ổn giá” hay “bình ổn thị trường”.

“Bình ổn giá” và “bình ổn thị trường” - hai cụm từ mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề cập thiếu nhất quán, đã gây ra nhiều tranh luận. Một số tờ báo đã phải đặt câu hỏi Ngân hàng nhà nước “muốn gì”.

Cách điều hành bất nhất của Ngân hàng nhà nước cũng không ít lần khiến cho thị trường vàng trở nên “lẩm cẩm”.

Điều rõ ràng nhất mà người ta có thể nắm được là nhà nước không “cần” đến vàng nữa, thay vào đó chỉ muốn vàng được chuyển thành tiền mặt càng nhiều càng tốt.

Cơn khủng hoảng nào cho Việt Nam?
Việt Nam cũng có thể là một cơn khủng hoảng khác trong hàm ý của Marc Faber.

Chịu cảnh suy thoái và tiêu điều suốt hai năm cùng hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản, có vẻ như ngân khố Việt Nam đã ít dồi dào hơn rất nhiều so với năm 2009. Tình hình đó cũng làm phát sinh một vài chính sách “tận thu” khiến dân tình phản ứng quyết liệt.

Về cuộc khủng hoảng mà Marc Faber đang nói tới, cũng như nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Roubini luôn đề cập, ơn trời để không xảy ra trong vài năm tới.

Nhưng nếu cuộc khủng hoảng đó đến sớm hơn, sẽ thật khó cho một Việt Nam chưa kịp rút chân khỏi suy thoái. Khi đó, hiện tượng người dân quay lưng với vàng có thể chỉ là chuyện nhỏ.

Mà điều quan trọng hơn là lạm phát tái hiện, tăng vọt nhưng nền kinh tế lại trì trệ hơn cả thời suy thoái.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, ngày càng nhiều nhà kinh tế và những quan chức điều hành xuất sắc như David Stockman - người từng đứng đầu bộ phận ngân sách thời Tổng thống Mỹ Reagan, đã xuất hiện với nhiều cảnh báo về một tương lai gần như khó cứu vãn.

Bởi nếu không cẩn thận và không biết tận dụng cơ hội được coi là cuối cùng trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ đánh mất hoàn toàn cái được coi là “lợi thế” vào cơn suy thoái không rõ điểm kết!

Việt Thắng
    

No comments: