Friday, November 16, 2012

Obama và chuyến đi lịch sử tới Miến Điện

Quanlambao 

Tổng thống Obama đi châu Á ngay sau khi tái đắc cử.

Tòa Bạch Ốc gọi đó là sự "đảo chiều" về châu Á. Nói nôm na là chiến lược tập trung nhiều vào các quốc gia phát triển nhanh tại châu Á và di dời khỏi địa bàn chiến tranh và chống khủng bố tại Afghanistan và Trung Đông trong thập niên trước.

Sự lựa chọn của vị tổng thống cho chuyến đi đầu tiên ngay sau khi tái đắc cử tới Thái Lan, Miến Điện và Hội nghị Thượng đỉnh ở Campuchia có nét mới lạ.“Chúng tôi không chỉ cân bằng lại theo hướng ngả về Asia”, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ của ông Obama, ông Thomas E. Donilon nói vào tuần này.

"Chúng tôi cũng đang cân bằng lại nỗ lực trong nội châu Á. Chúng tôi từng đầu tư mạnh tại khu vực Đông Bắc Á vì các lý do lịch sử và các lý do khác, nhưng chúng tôi đang thực sự tập trung theo cách mới mẻ cho Đông Nam Á và ASEAN.”

Trong chuyến đi sáu tiếng tới Miến Điện sẽ là tâm điểm của sự chú ý, ông Obama sẽ là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiền tới đây và chuyến đi là một sự kiện phi thường tại một quốc gia chỉ mới năm ngoái còn là nhà nước bị cô lập do những vi phạm nhân quyền có qui mô.

"Chúng tôi đang thực sự tập trung theo cách mới mẻ cho Đông Nam Á và ASEAN"

Thomas Donilon, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ

Tổng thống Bush từng gọi Miến Điện là tiền đồn của bạo chúa.

Giới chức Hoa Kỳ nói mục đích của chuyến đi này là để thể hiện sự ủng hộ cho những cải cách mà Tổng thống Thein Sein đang thực hiện, và để khám phá các lĩnh vực Hoa Kỳ có thể hỗ trợ nhằm phát triển thể chế và quá trình cải cách dân chủ.

Một mục tiêu nữa - mục tiêu không nói ra - là vợt lại một số ảnh hưởng mà Trung Quốc đã có trong những năm tháng Miến Điện bị cô lập và thanh trừng.

Đó là điều gì đó mà thậm chí hàng ngũ quân đội thủ cựu của Miến Điện sẽ hài lòng;

Miến Điện từ lâu đã có mối quan hệ không thuận buồm xuôi gió với người láng giềng khổng lồ, và việc họ phụ thuộc nhiều vào đầu tư và công nghệ vũ khí của Trung Quốc cũng khiến họ thấy vướng mắc.


Ông Obama sẽ gặp bà Suu Kyi tại nhà riêng nơi mà từng bị quản chế.

Tuy nhiên chuyến đi của ông Obama đã đánh hồi chuông báo động cho nhiều nhóm nhân quyền. Những quan chức làm việc với Tổng thống nói ông Obama sẽ nêu chủ đề tù nhân chính trị, sự lạm dụng của quân đội, và nhu cầu cải cách sâu rộng thêm cũng như bạo động tại tiểu bang Rakhine.

Các nhà hoạt động đang hỏi tại sao một chuyến đi có tính biểu tượng và quan trọng như vậy lại được thực hiện quá sớm, trước khi quá trình cải cách, vốn bất thình lình được bắt đầu vào năm ngoái, được tiến hành một cách toàn diện và trước khi chính quyền của ông Obama đạt được các nhượng bộ của chính phủ Miến Điện.

Chính phủ Miến Điện đã thông báo ân xá cho 452 tù nhân vào tuần này trong điều họ gọi là 'biểu hiện hiện chí' nhưng không thả bất kỳ ai trong số khoảng 280-330 người bị giam vì lý do chính trị mà các tổ chức nhân quyền theo dõi ghi tên.

"Thực ra người ta sẽ có cảm tưởng rằng chính quyền Miến Điện đã tạo dựng được uy tín từ chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ và rồi họ có thể sẽ lơ là trong các cam kết thả tù nhân chính trị"

Phil Robertson, Human Rights Watch, Bangkok

"Việc chính phủ Miến Điện chỉ thả một số tù nhân nhưng dường như quên phóng thích bất kỳ tù nhân chính trị nào là cái chúng ta phải quan tâm", Phil Robertson, từ Human Rights Watch tại Bangkok nói.

“Thực ra người ta sẽ có cảm tưởng rằng chính quyền Miến Điện đã tạo dựng được uy tín từ chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ và rồi họ có thể sẽ lơ là trong các cam kết thả tù nhân chính trị.”

Hiện chưa rõ liệu phái đoàn của Hoa Kỳ có mang theo danh sách tù nhân chính trị tới Miến Điện hay không, hoặc liệu họ sẽ có thể thương lượng được thỏa thuận thả thêm người hay không.

Đến rồi đi tay không sẽ dẫn tới khả năng ông Obama sẽ bị qui trách nhiệm vội vàng tới Miến Điện mà không những không đạt được nhượng bộ của chính quyền nước này mà còn tạo uy tín cho họ trong lần công ty đầu tiên của một tổng thống Mỹ.

Theo cách nhìn nhận khác thì lịch thăm của ông bị xem là thước đo thừa nhận di sản của chế độ toàn trị vẫn đang phủ bóng lên toàn Miến Điện.

Ông Obama sẽ không tới Naypyitaw, thủ đô mới được xây dựng một cách ẩn dật trong giai đoạn chính quyền quân đội trước đây, và là nơi thường để tiếp khách và các đoàn ngoại giao.

Nhượng bộ bất thường

Cải cách tại Miến Điện mở ra một chương mới cho đất nước từng bị cô lập.

Trong sự nhượng bộ bất thường, Tổng thống Thein Sein sẽ từ Naypyitaw xuống Rangoon để gặp ông.

Người ta cho rằng yêu cầu này là của bà Aung San Suu Kyi, người mà ông Obama sẽ tới gặp tại căn nhà bên hồ nơi bà bị quản chế hơn 15 năm.

Ông Obama đã lựa chọn đọc bài diễn văn tại trường Đại học Rangoon, khuôn viên đại học cổ và xuống cấp về diện mạo, địa điểm từng là nơi giảng đường danh giá nhất tại đất nước, nhưng bị quân đội dọn sạch sau các cuộc phản đối diện rộng vào năm 1988.

"Tổng thống Obama dường như muốn đặt cược cho con ngựa dẫn đầu đoàn đua mà không chắc rằng liệu con ngựa đó có về tới đích hay không"

Jonathan Head, Phóng viên Đông Nam Á, BBC News

Trường đại học này vẫn là nơi được xem là biểu tượng của giới bất đồng, và tân chính phủ hứa sẽ mở cửa lại để giảng dậy và học tập. Người ta đã tẩy rửa và sơn sửa lại vội vàng trong những ngày này để kịp đóng một Tổng thống Mỹ.

Những thay đổi tại Miến Điện trong năm ngoái xảy ra bất ngờ tới mức vẫn còn quá nhiều điều chúng ta chưa thể biết hết được.

Chúng ta không biết được liệu các thay đổi này là do Tổng thống Thein Sein khởi xướng chính hay không vì ông một thời được xem là công cụ của chế độ cũ, hay các thay đổi này do lực lượng khác tác động.

Chúng ta vẫn chưa rõ cựu lãnh đạo quân đội Than Shwe có ảnh hưởng tới mức nào, nếu có, với chính phủ mới thành lập.

Thậm chí không biết chắc được ông đã chuyển giao quyền lực với các điều kiện gì; tự ông hay ông bị ép?

Phe quân đội vẫn là lực lượng có quyền lực rất lớn, được phân tới một phần tư số ghế trong quốc hội mới và có lợi ích kinh doanh đáng kể.

Cho dù vậy, Tổng thống Obama dường như muốn đặt cược cho con ngựa dẫn đầu đoàn đua mà không chắc rằng liệu con ngựa đó có về tới đích hay không.

Cách đây bốn năm khi ông mới được bầu lên, ông coi một trong những ưu tiên trong chính sách ngoại giao là tăng cường đối thoại với phe thù địch với Hoa Kỳ.

Nỗ lực của ông gặt hái được ít phần thưởng tại Iran, Bắc Hàn và Venezuela. Chỉ có Miến Điện là tỏ ra có kết quả khả quan.

“Chúng tôi không ngây thơ đâu”, ông Thomas Donilon nói, “chắc chắn là chúng tôi nhận thức được mối nguy mọi chuyện có thể có diễn biến ngược chiều. Nhưng đây thực sự là thời điểm chúng tôi không muốn bỏ lỡ.”

BBC
20. GIÁO DỤC 21. GIÁN ĐIỆP

No comments: