Wednesday, November 7, 2012

Khó tin những gì họ đã luận tội Nguyễn Phương Uyên.



Buổi họp báo. Ảnh: Báo Pháp luật TP

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ 3 ngày sau khi các nhân sĩ trí thức ký đơn gửi Chủ tịch nước đề nghị trả tự do ngay cho Nguyễn Phương Uyên, Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An họp báo thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Thiện Thành về các hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.
TOP HOT LINKS QUAN LÀM BÁOHỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK   HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA   HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK   HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ  NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK
Cứ theo nội dung cuộc họp báo thì công an Tp HCM và Long An đã thắng Nguyễn Phương Uyên sau 20 ngày “đấu tranh với đối tượng”.

Vâng, cái chiến thắng ở đây là lá đơn xin khoan hồng bằng chữ viết của Uyên, clip nhận tội có hình ảnh và tiếng nói của Uyên.

Kết quả này không ai lạ. Một bên là đội ngũ công an, cán bộ điều tra đông đảo, hùng hậu, dày kinh nghiệm và bằng các biện pháp “nghiệp vụ”, một bên là một cô bé sinh viên, thiếu cả kinh nghiệm sống chứ nói gì đến kinh nghiệm làm việc với công an. Cái chiến thắng này có gì đáng tự hào không?

Thế mà Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP.HCM và Long An tổ chức một cuộc họp báo khá hoành tráng. Lập tức, một loạt các tờ báo gần như cất cùng một giọng, chỉ trích, ném đá Phương Uyên, giật những cái tít “ghê người”. Trớ trêu thay, “hung hăng” nhất lại là báo Tiền Phong, trong khi Uyên là ủy viên BCH chi đoàn; là báo phụ nữ, trong khi Uyên là một cô gái (chữ trong ngoặc kép là chữ dùng của Ba Sàm).

Ngoài ra, một số kẻ vội vã nhảy vào các blog từng bênh vực Phương Uyên khiêu khích và không giấu được vẻ hí hửng.

Nhiều người ngờ để có được lời nhận tội của Uyên, người ta đã làm gì? Uyên không phải là Cù Huy Hà Vũ từng trải với bản lĩnh vững vàng, với khối kiến thức uyên bác. Uyên chỉ là một cô gái mới lớn, tất cả còn bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Người ta khó tin những gì Uyên khai nhận. Họ quá hiểu về những thông tin do công an hay báo chí đưa ra. Bản thân tôi có những bằng chứng về việc cơ quan công an và báo chí xuyên tạc sự thật, trong đó có việc tôi chứng kiến, có việc tôi liên quan và có việc của riêng gia đình tôi.

Hẳn chúng ta còn nhớ Đài truyền hình Hà Nội còn nợ khán giả câu chuyện (bịa đặt) về người biểu tình nhận tiền của thế lực thù địch hôm 5/8/2012 như thế nào.

Cha Nguyễn Văn Lý, người đã trải qua nhiều nhà tù, bằng ấy tuổi đời, bằng ấy kinh nghiệm và bản lĩnh kiên cường như thế nào cũng phải chua chát mà nói rằng: “Những lời nói và hành động của tôi sau khi bị bắt đều không có giá trị” (theo JB Nguyễn Hưu Vinh)

Tác giả Hạ Đình Nguyên, trong bài Nguyễn Phương Uyên – Tôi có thể làm gì cho em có kể một câu chuyện như sau:

“Tôi nhớ tại Tối Cao Pháp viện, Tổng thống VNCH – Nguyễn Văn Thiệu, đã đích thân đến Tòa án can thiệp, tranh luận tay đôi với Viện trưởng Nguyễn Minh Tiết, rằng cần phải kết án 21 SV trong số 42 SVHS đã bị bắt vừa qua là Việt Cộng, vì có bằng chứng minh bạch. Ông Viện trưởng Tiết đã cương quyết bác bỏ, vì sự tra tấn dã man là bằng chứng của ép cung, lời cung đã khai không còn giá trị. Thế là hầu hết đã được trả tự do ngay sau phiên tòa“.

Trả lời đài RFA, Luật sư Trần Đình Triển cho biết:

”Trong trường hợp này (của SV Nguyễn Phương Uyên) thì đây là vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Theo pháp luật qui định khi bị khởi tố về tội xâm phạm an ninh quốc gia trong chương đó thì cơ quan điều tra có quyền chưa cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư cho đến khi nào kết thúc điều tra. Tuy nhiên nếu có luật sư hay không có luật sư thì bị can bị cáo vẫn có quyền khai hay không khai; chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng là chứng minh có tội hay không“.

Thế nhưng, khi rơi vào tay công an, có ai nói cho Phương Uyên biết quyền im lặng ấy của mình? Liệu trên thực tế, không có ai dám thực hiện cái quyền im lặng ấy.

Điều này gợi cho ta nhiều suy nghĩ về độ chính xác của những lời khai, lời nhận tội và lời xin khoan hồng của Phương Uyên khi Uyên bị bắt một cách bí mật, một mình trong trại giam với những cán bộ điều tra đầy kinh nghiệm. Dù pháp luật qui định cấm bức cung, mớm cung, dụ cung, nhục hình… nhưng ai dám nói, những điều ấy không xảy ra đối với Phương Uyên?

Ai dám khẳng định Uyên nói gì, viết gì đều là sự thật, đều là ý kiến của cô chứ không phải là cơ quan điều tra áp đặt?

Nhìn Phương Uyên tiều tụy trên truyền hình, những người ái mộ, bênh vực Uyên càng thương Uyên hơn. Không một ai trách Uyên tại sao lại nhận tội, tại sao lại xin khoan hồng. Có người còn mừng vì như thế nghĩa là Uyên vẫn còn sống. Theo tôi, điều này có lý do bởi Uyên còn quá non nớt và những gì Uyên viết, Uyên nói, còn phụ thuộc vào áp lực trong những ngày Uyên một mình trong trại giam.

Ngay tối hôm họp báo, tôi có gọi điện hỏi thăm chị Nhung là mẹ của Uyên. Chị cho biết, chị mừng vì được nhìn thấy con. Chị bảo bình thường, lúc nào nó cũng vui tươi hồn nhiên trong sáng, cặp mắt bao giờ cũng nhìn thẳng. Nhưng hôm nay thấy cháu trên truyền hình trông xơ xác quá. Phải chăng đấy là kết quả của những “biện pháp nghiệp vụ” nà người ta áp dụng đối với Uyên? Chị Nhung chỉ nói thế, chứ chị không băn khoăn gì về những tội danh mà truyền hình đã đưa ra.


Nhìn Phương Uyên trước lúc bị bắt 2 ngày (hôm sinh nhật) với Phương Uyên 22 ngày sau đó, ai mà không xa xót.

Có thể cuộc họp báo ngày 3/11 được tổ chức là một sự trả lời gián tiếp cho lá đơn của các nhân sĩ trí thức gửi Chủ tịch nước. Phải chăng họ ngầm ý, các vị cứ bênh vực Uyên đi. Tội Uyên rành rành ra đây này, nào là rải truyền đơn chống Đảng, nào là có dấu hiệu của tội khủng bố. Các vị ủng hộ Uyên có nghĩa là ủng hộ bọn khủng bố phải không, coi chừng các vị can tội đồng lõa với khủng bố đấy nhé.

Nhưng giới trí thức là tầng lớp hơn ai hết biết rõ bản chất sự việc. Tôi dám chắc, những người ký vào đơn không ai ân hận vì chữ ký của mình. Giá như lá đơn được thảo ra sau khi họp báo thì các vị ấy vẫn cứ ký như thường, có khi còn đông hơn vì có thêm sự chuẩn bị.

Và, nếu có sự thách thức đối với các nhân sĩ trí thức, hoặc là sự hiếu thắng hay muốn lập công, cũng mong cơ quan điều tra đừng nại thêm cho tội của Phương Uyên cho nặng hơn hoặc thêm tội danh hơn so với sự thật vốn có. Uyên còn trẻ quá, như con cháu tôi, như con cháu các vị. Nếu Phương Uyên bị oan ức, dù chỉ thêm một ngày ngồi tù thì những ai góp phần vào việc này sẽ làm cho lòng người oán hận và nhất là không khỏi tự vấn lương tâm, không thể sống thanh thản trong quãng đời còn lại.

7/11/2012

Nguyễn Tường Thuỵ

No comments: