Sunday, November 4, 2012

Eximbank trong cơn sóng biến động lạ

 Đang có những dấu hiệu bất thường trong giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB (Ngân hàng Eximbank) trong những ngày gần đây. Sự bất thường khiến nhiều người đoán già đoán non, về giải chấp, về đảo nợ, thậm chí liên tưởng tới cả vụ thâu tóm cổ phiếu Sacombank hồi đầu năm.

Sự thật về những diễn biến lạ đối với cổ phiếu EIB chưa thể được biết đến ở thời điểm hiện tại. Những giao dịch này có tác động như thế nào tới giá cổ phiếu và thị trường chứng khoán hay nhưng thay đổi trên lĩnh vực ngân hàng.

Diễn biến lạ
Trái ngược hoàn toàn với tình trạng giao dịch ảm đạm của thị trường chứng khoán (TTCK) trong nhiều ngày qua, sáng 1/11, cổ phiếu EIB tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư với giao dịch thỏa thuận bất thường.

Chỉ trong chưa tới 1 giờ đồng hồ gần cuối phiên giao dịch buổi sáng đầu tháng 11, ba lệnh thỏa thuận đã kịp được thực hiện và gần 19,5 triệu cổ phiếu EIB đã được chuyển nhượng thành công, với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng.

Số tiền này tuy không thực sự lớn đối với DN có vốn hóa thị trường lên gần 18.800 tỷ đồng này, nhưng nó rất lớn so với giao dịch chung trên thị trường, và bằng gần 50% tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán TP.HCM.

Trong phiên liền trước, cổ phiếu EIB cũng đã được các nhà đầu tư bí mật nào đó mua thỏa thuận hơn 35 triệu cổ phiếu tương đương gần 560 tỷ đồng.

Tình trạng mua - bán thỏa thuận bất thường cổ phiếu EIB và kéo dài trong cả tháng vừa qua như nói trên là hiện tượng hiếm gặp đối với 1 cổ phiếu riêng lẻ. Nó gợi nhớ lại trường hợp cổ phiếu STB của Sacombank hồi đầu năm mà - kết quả là vụ thâu tóm có một không hai đã diễn ra như đã biết.

Tính chung cả tháng 10/2012 và ngày đầu tiên của tháng 11, đã có tổng cộng khoảng 114 triệu cổ phiếu EIB được chuyển nhượng không qua khớp lệnh với tổng trị giá lên tới 1.800 tỷ đồng - bằng gần 10% vốn hóa của cổ phiếu này.

Sự bất thường còn nằm ở chỗ, khi giá cổ phiếu phiếu EIB lình xình thì giao dịch thỏa thuận hầu hết ở mức giá kịch trần trong các phiên trước đó hoặc ít nhất cũng cao hơn giá khớp lệnh trên sàn vài “lai” như hôm 1/11.


Trên thực tế, giao dịch thỏa thuận nói chung vẫn diễn ra đều đặn trong bối cảnh TTCK tập trung ảm đạm và đa số các cổ phiếu có giá thấp hơn so với giá trị sổ sách. Giao dịch thỏa thuận giúp cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vốn vào các DN làm ăn tốt dễ dàng hơn. Họ chấp nhận bỏ giá cao hơn để có thể mua được 1 tỷ lệ nhất định, thay vì phải “mai phục” trên sàn để mua gom từng lô cổ phiếu nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, giao dịch thỏa thuận không “sốc”, kéo dài và ở mức giá cao hơn như trường hợp của EIB những tuần vừa qua là hiếm gặp.

Vẫn làm ngơ: Không công bố

Diễn biến lạ thường của cổ phiếu EIB trong những ngày vừa qua đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, với họ, có tìm hiểu thì cũng không thể biết chuyện gì đang xảy ra.

Các câu hỏi như: Ai đã bán hơn 30 triệu cổ phiếu EIB trong ngày 31/10? Bán để làm gì? Ai mua số lượng lớn và kéo dài trong suốt cả tháng qua như vậy? Ai là người mua giá trần khi mà giao dịch khớp lệnh giá đỏ? Tiền ở đâu mà mua cổ phiếu nhiều như vậy? Mua-bán có mục đích gì không? Và mua bán nhiều như vậy sao không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?... đều không được trả lời.

Trên thực tế, các thông tin về giao dịch mua bán hoặc đăng ký mua bán cổ phiếu EIB của các cổ đông lớn không có, ngoại trừ thông tin CTCP Sóng Việt (hiện đang nắm giữ hơn 2,3 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 0,19%) đăng ký mua 340.000 cổ phiếu EIB để nâng tỷ lệ lên 0,21%. Tuy nhiên, giao dịch đăng ký là từ 2/11 đến 12/11.

Như vậy, nếu chỉ theo dõi thông tin từ các cơ quan chức năng, mà cụ thể ở đây là UBCK, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm lưu ký thì tất nhiên các nhà đầu tư không thể biết cái gì đang diễn ra, ai là người mua và người bán một lượng lớn cổ phiếu EIB như vậy.

Thông thường, trong những trường hợp như vậy, các nhà đầu tư lại “chia sẻ” cho nhau những phân tích, nhận định thậm chí cả tin đồn để giải thích cho những bí ẩn vẫn đang tồn tại trên thị trường.

Có người thì cho rằng, rất có thể 1 nhóm nào đó đang chơi trò tâm lý, bán tay này mua tay nọ để đỡ giá. Người khác thì cho rằng, cổ phiếu EIB bị giải chấp trong các vụ cầm cố vay tiền trước đó hoặc các lệnh thỏa thuận để đảo nợ đáo hạn khi 2 cổ phiếu EIB và STB được cầm cố để vay tiền, để giải quyết “hậu quả”. Thậm chí, có người còn suy diễn ra 1 vụ thâu tóm nào đó, sau khi nghe được những lời tâm sự về 1 kế hoạch sáp nhập 2 ngân lớn nào đó trong 3-4 năm nữa…

Hầu hết các ý kiến sau đó đã bị phản bác do không hợp lý, chẳng hạn như: Đỡ giá thời buổi thị trường đi xuống như này thì lỗ lớn tiền phí giao dịch; hay như không thể có giải chấp bởi cổ phiếu EIB không chỉ có giảm mà có tăng, thậm chí tăng chiếm phần nhiều trong tháng vừa qua…

Thật khó có thể giải thích cho 1 diễn biến lạ như vậy khi mà các bên liên quan đều không có thông tin công bố. Cổ đông lớn mua bán (nếu có) không đăng ký trước với UBCK thì Ủy ban lấy gì ra để công bố tới các nhà đầu tư. Trong khi đó, các bên liên quan khác như Trung tâm lưu ký, EIB và STB cũng không có động thái gì để giúp nhà đầu tư bớt mù thông tin.

Trên thực tế, dường như đa số các nhà đầu tư đã quen với tình trạng thiếu thông tin như vậy và thay vào đó, họ quay sang đồn đoán và chia sẻ kín với nhau trên các diễn đàn. Lý do thật đơn giản là bởi vì hiện tượng này đã xảy ra quá nhiều và chưa có dấu hiện được cải thiện. Tình trạng các đại gia, các cổ đông lớn mua gom, bán tháo, coi thường quy định… là chuyện thường ngày, xảy ra như cơm bữa.

Hình thức quản lý lỏng lẻo, tính minh bạch thấp, mức xử phạt vi phạm quá nhẹ… có thể là lý do khiến TTCK trở thành cái chợ đêm cho các đại gia thỏa sức hoành hành, như trong trường hợp mua gom cả trăm triệu cổ phiếu trong vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank hồi đầu năm vừa qua.

Khi đó, các đại gia đã mua vào rất nhiều cổ phiếu mà không ai biết. Sau đó, cũng chính họ đã dần dần bán ra sau khi mục đích đã hoàn thành? Cái lợi có thể nói là rất lớn (như mua thấp, bán cao, thâu tóm…) nhưng hình phạt lại chỉ là vài chục triệu đồng.

Gần đây, các quy định về công bố thông tin đã được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn (như Thông tư 52), các hình phạt cũng được nâng lên… Mặc dù vậy, dường như các quy định này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Theo nhiều nhà đầu tư, tình trạng mua chui, bán lén… đang ảnh hưởng nặng nề đối với TTCK, không chỉ ở chỗ giá cổ phiếu biến động hỗn loạn, nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt hại… mà trầm trọng hơn là niêm tin đối với thị trường suy giảm… Các hành vi cố tình làm sai (nếu có) để trục lợi, lũng đoạn thị trường và coi thường các cơ quan quản lý cần phải được xử lý nặng hơn, sát sao hơn nữa.
Huấn Tú/ VNN

1 comment:

Anonymous said...

Đề nghị VLB sửa lại chính tả nhé:
Sacombak, chứ ko phải Samcombank nhé!