Tuesday, October 30, 2012

Sự thật ở thủ phủ "ám sát" của Afghanistan

Kandahar, thành phố miền nam Afghanistan, quá quen thuộc với bạo lực. Xét cho cùng, đây là nôi sinh ra Taliban. Nhưng làn sóng ám sát gần đây nhắm tới giới chính trị gia chóp bu đã gây sốc cho cả những nhà quan sát dạn dày nhất.


Tình trạng giết chóc đã phá hủy lòng tin vào an ninh ở Kandahar.

Lịch sử cho thấy bất cứ ai bảo vệ được Kandahar, thủ đô lịch sử của Afghanistan, thì sẽ kiểm soát được phần còn lại của đất nước.
Kandahar là quê nhà của Tổng thống Hamid Karzai. Hầu hết các thành viên ban lãnh đạo Taliban, trong đó có Mullah Mohamad Omar, đều đến từ miền nam Afghanistan. Nơi đây được coi như trung tâm của nền văn minh Pashtun.

Tuy nhiên, miền nam Afghanistan cũng là tâm điểm chiến tranh của đất nước này, nơi phong trào Taliban ở đỉnh điểm ác liệt.

Cả thế hệ bị ám sát

Ở Kandahar, hơn 500 vụ giết chóc nhằm vào các lãnh đạo chính trị cấp cao và các lãnh đạo bộ lạc có ảnh hưởng đã xảy ra trong 10 năm qua, theo dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Khét tiếng nhất trong số đó là vụ ám sát Aimed Wail Karzai, em trai của Tổng thống. Ông này bị bắn vào đầu bởi chính vệ sĩ của mình.

Những nạn nhân khác gồm các chỉ huy cảnh sát, các thị trưởng, các lãnh đạo khu vực và các trưởng lão giáo hội, giáo viên, bác sĩ, cả những dân thường bị coi là ủng hộ chính phủ Afghanistan và NATO. 

Có nhiều vụ ám sát ở các vùng miền khác của đất nước song giới phân tích tin rằng số vụ được thực hiện ở Kandahar có thể nhiều hơn tổng cộng những gì xảy ra ở phần còn lại của Afghanistan. Chúng diễn ra hàng tuần, nếu không muốn nói là hàng ngày, trong những năm gần đây.

Đối với người dân Kandahar, cảm giác như thể một thế hệ lãnh đạo đã bị trừ khử.

Chiến dịch "ám sát" càng trở nên dữ dội sau khi quân Mỹ và NATO tăng cường tới miền nam năm 2010 trong nỗ lực xóa sổ Taliban khỏi khu vực. Các chiến dịch nhằm tiêu diệt các chiến binh Taliban được xem như phép thử chủ đạo của chiến lược chống phiến quân. Tuy nhiên, rõ ràng là ổn định đã đến với nhiều khu vực ở miền nam, nơi mà Taliban tăng cường chiến dịch trừ khử các nhân vật chính trị nòng cốt.

"Tình hình an ninh đã được cải thiện và thêm nhiều biện pháp đang được áp dụng để cải thiện an ninh và quản lý. Và đó là lý do kẻ thù đang cố gắng nhằm vào các quan chức chính phủ hòng làm chậm tiến trình này", Tooryalai Wesa, tỉnh trưởng tỉnh Kandahar, cho biết.

Nghi ngờ, âm mưu và hỗn loạn

Taliban đã nhận trách nhiệm về gần như tất cả các vụ ám sát. Lực lượng này liên tục đe dọa sẽ nhắm tới giới chức Afghanistan và "tất cả những ai ủng hộ bọn xâm lược ngoại quốc, những người đang làm việc để củng cố sự thống trị của nước ngoài".

Rõ ràng Taliban đã giành được danh tiếng và lợi thế về tâm lý từ những vụ ám sát đó. Thậm chí ở thành phố nguy hiểm đã quá quen thuộc với bạo lực này thì thực tế vẫn khiến người dân choáng váng. 

Các vụ giết chóc làm rung chuyển giới chính trị chóp bu của đất nước và làm rụng rời các mạng lưới bộ tộc vốn có vai trò sống còn về đảm bảo ổn định. Và tình hình đã làm nảy sinh những nghi ngờ, âm mưu và hỗn loạn.

Nhiều người dân địa phương cáo buộc các nước láng giềng của Afghanistan, đặc biệt là Pakistan, về thực trạng bạo lực này - một cáo buộc mà Pakistan và các nước khác liên tục bác bỏ.

Sự đa nghi bén rễ sâu vào tinh thần trong khu vực.

"Hơn 40 nước có lính ở Afghanistan và nhiều nước nữa có các mạng lưới do thám tập trung ở Kandahar", một người làng giấu tên nói. "Chúng tôi không biết ai đang làm gì ở đây và ai đứng đằng sau toàn bộ sự hỗn loạn này".

Các băng đảng tội phạm, buôn lậu mà túy và những người có thâm thù hay kình địch cá nhân dường như cũng "đục nước béo cò".

Những cảnh giết chóc như vậy tương phản với sự giảm bớt tình hình bạo lực nói chung, khi các vụ đánh bom ven đường do Taliban thực hiện tiếp tục cướp mạng sống của dân thường trong khi các lực lượng an ninh của cả NATO lẫn Afghanistan tiếp tục chiến đấu chống phiến quân.

"Mỗi ngày tôi ra khỏi nhà, tôi đều không chắc liệu mình còn sống mà trở về vào buổi tối hay không", Abdul Hamid, một cư dân Kandahar, bày tỏ.

Nhưng một trong những tổn thất lớn nhất của các vụ giết chóc là tình trạng thiếu niềm tin vào thành phố. Nhiều người nhận làm cho chính quyền biết rằng quyết định của họ có thể để lại hậu quả một là sống hai là chết.

"Tôi đã bị đe dọa nhiều lần, nhưng tôi chấp nhận rủi ro bởi vì tôi muốn phục vụ người dân của mình nhằm có một tương lai tốt hơn", một quan chức địa phương không muốn nêu tên tâm sự.

Taliban thường đe dọa qua các cuộc điện thoại và để lại "thư đêm" - những thông điệp gài trên cánh cửa ban đêm - cảnh báo người dân đừng làm việc cho chính quyền.

"Tôi đến từ Pakistan, nơi tôi đã sống như một người tị nạn và không có bất kỳ công việc nào", một nhân viên chính quyền địa phương cho hay. "Tôi sẽ làm gì nếu bỏ việc và tôi sẽ chăm sóc gia đình cùng các con mình ra sao nếu tôi không có đồng lương nào?", anh nói.

Nhiều quan chức địa phương khác đã từ chức hoặc chuyển sang khu vực khác của đất nước. Một số quan chức cấp cao đã may mắn thoát khỏi các cuộc tấn công. Các quan chức cấp thấp và dân thường làm việc cho liên quân cũng bị nhắm tới.

Người dân không thể nói chuyện công khai vì sợ trả thù, và họ cũng thận trọng khi lên án các quan chức trong nước, chỉ trích người Mỹ, Taliban hay các nước láng giềng.

Một hậu quả khác của nạn giết chóc là làm mất đi kiến thức và sự thông thái của các thế hệ khi giới thủ lĩnh bộ lạc và lãnh đạo địa phương bị giết hại. Những người này là chỗ dựa để chính phủ trung ương nắm giữ một khu dân cư bất ổn khi xung đột diễn ra ác liệt xung quanh họ.

Điều đó có một sự cộng hưởng đặc biệt bởi vì lãnh đạo là một chủ đề quan trọng trong văn hóa Afghanistan. Người Afghanistan lo sợ về những hậu quả mà Kandahar phải gánh chịu nếu tiếp tục mất thêm nhiều lãnh đạo.

Thanh Hảo (Theo BBC)

No comments: