Tuesday, October 30, 2012

"Nếu Vinashin không thất thoát thì chúng ta sẽ có thêm 214.000 phòng học, 107.000 nhà văn hóa, 53 nghìn trạm xá xã & chúng ta không phải buộc phải lùi thời hạn tăng lương..."


Vinashin: 'Thất thoát' 107.000 tỷ hay 'nợ' 86.000 tỷ đồng

Theo đại biểu Quốc hội, Vinashin làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng, song thanh tra Chính phủ cho rằng Vinashin chỉ nợ hơn 86.000 tỷ đồng chứ không phải thất thoát.


Phát biểu tại phiên họp Quốc hội hôm nay (30/12), đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho biết, hàng chục tập đoàn, tổng công ty, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước do tham nhũng, lãng phí thất thoát, năng lực quản trị doanh nghiệp kém đã dẫn đến hậu quả hoặc đột quỵ, hoặc chết lâm sàng, mất khả năng đề kháng trước những cơn bão khủng hoảng.

Theo đại biểu Lê Như Tiến, chỉ riêng Vinashin đã làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng, trên 40.000 tỷ đồng nợ nước ngoài, hơn 60.000 tỷ đồng nợ trong nước.
Nếu Vinashin không thất thoát nợ đọng thì chúng ta sẽ có thêm 214.000 phòng học hoặc 107.000 nhà văn hóa, 53 nghìn trạm xá xã và chúng ta không phải băn khoăn, trăn trở buộc phải lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn, vị này nói.

Trước bức xúc của đại biểu Lê Như Tiến, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã có bài phát biểu trước Quốc hội về vần đề nợ đọng của Vinashin.

Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, với Vinashin, thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh tra từ tháng 7 đến 11/2010, thời điểm thanh tra 4 năm (2006 đến 2009) với 3 nhóm vấn đề: thể chế tổ chức hoạt động của Vinashin; tài chính (huy động, sử dụng vốn), hoạt động sản xuất công ty mẹ và 14 đơn vị chủ lực; quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, tàu biển.

Qua thanh tra, tính đến thời điểm 31/12/2009, số nợ phải trả của Vinashin là 86.745 tỷ, số lỗ lũy kế là 4.985 tỷ; các khoản lỗ tiềm ẩn khác là 8.512 tỷ đồng, cộng lại, số lỗ có khả năng lên tới 13.400 tỷ đồng.

Số lỗ tiềm ẩn này bao gồm chi phí sản xuất dở dang là 2.787 tỷ đồng, chênh lệch khoản thu nội bộ không xác định được 4.688 tỷ đồng và 1.035 tỷ đồng là trả lãi tiền đặt cọc do chủ tàu vi phạm hợp đồng.

Về bảo toàn vốn Nhà nước, thanh tra Chính phủ đánh giá, Vinashin không bảo toàn được vốn Nhà nước, để thâm hụt 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Như vậy, con số chính xác đến 31/12/2009, số nợ của Vinashin là hơn 86.000 tỷ đồng chứ không phải thất thoát.

Theo Gafin

No comments: