Tuesday, October 30, 2012

MONG GÌ Ở TƯƠNG LAI ĐẢNG TA ?


Sau cuộc tắm rửa vĩ đại của Đảng cộng sản Việt Nam, hay cái gọi là Hội nghị Trung ương 6, trước và sau Hội nghị, toàn dân ta được tận hưởng cảm giác từ tò mò, hả hê, phấn khích, hy vọng, rồi bẻ bàng.

Tò mò, vì trước khi đại hội Đảng 6 diễn ra, cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt giữa một bên là lực lượng ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng(NTD) và phần còn lại, gọi là anti-NTD. Mới đầu chỉ là cuộc bút chiến giữa các blog tự do, sau đó là sự bắt bớ hàng loạt quan chức, viên chức, doanh nghiệp của cả 02 bên.

Toàn dân hả hê, phấn khích vì bây lâu nay, mình ăn mãi một món ăn nhạt nhẽo từ 700 trang web và báo chính thống, thì lại được cung cấp một mâm đầy ú các sơn hào hải vị thông tin, từ những thông tin bí mật “hậu cung” cho đến các số liệu, tư liệu, giả có, thật có mà cái giả và thật điều khủng khiếp như nhau.Hy vọng, vì toàn dân mong cái gọi là “Đảng ta” tự soi rọi lại mình, kiên quyết cải tổ, triệt bỏ đám sâu dân mọt nước để từng bước tiến tới dân chủ, tự do và phát triển.

Bẻ bàng, vì hóa ra, với bao nhiêu tai tiếng và sự yếu kém về năng lực lãnh đạo, NTD vẫn qua ải và tại vị ít nhất cho đến hết giữa nhiệm kì, cả Bộ Chính trị quyền hành tối thượng không ra được một ý kiến chung về nhân vật NTD, cả 175 UVTW Đảng, đỉnh cao trí tuệ đại diện cho hơn 90 triệu người dân, ngồi trơ tráo suốt nửa tháng mà không hề có một ý kiến chất vấn ra hồn nào trước những yếu kém của Chính phủ và cá nhân NTD.

Kẻ bàng quan thì thờ ơ bất cần, người tâm huyết thì thất vọng. Vì trước đó không lâu, Tổng Bi thư Nguyễn Phú Trọng(NPT) đã phát động một cuộc đại cải cách, dưới tên gọi là Nghị quyết Trung ương 4 để toàn Đảng tẩy rửa ung nhọt, tắm táp sạch sẽ. Kết quả cuộc hội nghị làm cho mọi người thất vọng vì hóa ra mọi người bị Đảng cho ăn một quả lừa, mọi chuyện vẫn như cũ, ung nhọt thối, vẫn hòan thối.

Nhìn lại cuộc tắm táp vừa qua, ta có thể thấy đây là cuộc đấu tranh nội bộ giữa liên minh NPT – TTS (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) và NTD. Kết thúc cuộc chiến, nhận định về thế và lực của hai bên với 03 thủ lĩnh nổi bậc như sau:

1. Nguyễn Tấn Dũng: 

Cuộc chiến này Nguyễn Tấn Dũng đạt được thắng lợi vẻ vang. Có thể nhận xét NTD là điển hình của một tay lưu manh chính trị đúng nghĩa, Dũng mãnh đến mức liều lĩnh và có phần tàn bạo. Học hành không tới đâu, năng lực quản lý yếu kém, lại tham lam. Nhưng NTD vô cùng lọc lỏi và đầy thủ đoạn. Được sự trợ giúp của công cụ chính quyền chuyên chính là quân đội, công an và cả một bè lũ tài phiệt vây quanh, với tiền và quyền có sẵn, trong thế bị tấn công quyết liệt, NTD chủ động phòng ngừa và phản công quyết liệt. NTD không chừa một thủ đoạn nào để mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa tất cả những người mà y cho là có thể, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lực chính trị của mình.

NTD điên cuồng giữ địa vị không chỉ vì tham quyền cố vị, mà NTD biết, một khi y rời khỏi vị trí, sẽ là đại họa cho y và cả thân nhân, nô bộc; tài sản sẽ mất đi, thậm chí cái mạng cũng khó giữ. Do bản chất dốt nát, tham tàn nên quây quanh y không hề có trung thần lương tướng mà chỉ có một bè lũ kền kền theo đóm ăn tàn, những đệ tử lưu manh vừa lợi dung NTD để kiếm chác vừa sẵn sàng phản chủ để đoái công chuộc tội với chủ mới.

Ở Nguyễn Tấn Dũng ta thấy thấp thoáng hình bóng của Boris Elsin với con gái Tatyana Dyachenko, Tướng an ninh Lebev, trùm tài phiệt Berezovsky…. Nhưng NTD chỉ là con khỉ đột bắt chước Boris Elsin dáng vẻ bên ngoài, chứ không thể nào có cái mà Boris Elsin có, quyền lực tuyệt đối, sắc sảo thông minh, cương quyết và bản lĩnh.

Cú đột phá ngoại mục đem lại một chiến thắng tạm thời cho NTD là cuộc gặp giữa NTD và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 20/9/2012 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Bất kể NTD đã hứa gì, nói gì nhưng đó là dấu hiệu cảnh báo cho đối thủ, “ta được ủng hộ của thiên triều”. Mà cả một bộ sậu Đảng cộng sản Việt Nam, làm chuyện gì chẳng liếc ngang xem Thiên triều phản ứng ra sau. Rõ ràng sau đó, hôm mùng 2/10, tức là chỉ một ngày sau khi Hội nghị trung ương 6 khai mạc, Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu có đến gặp phó Thủ tướng thường trực kiêm Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc gặp gỡ nãy có thể hiểu như động thái gởi một thông điệp ngầm cho Bộ Chính trị. Sau Hội nghị 6, dù đạt thắng lợi một cách chiến thuật, nhưng mãi mãi, NTD ô danh là Việt gian bán nước mạt hạng, hèn hạ và tan vỡ giấc mộng Tổng thống.

2. Trương Tấn Sang: 

Xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, TTS cũng đã từng vào sinh ra tử chứ không phải tham gia “cách mạng cải lương” như NTD. Hòa bình lập lại, TTS cũng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Bí Thư Thành ủy HCM, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Nhìn lại sự nghiệp chính trị, có thể nói con đường hoạn lộ của TTS là không được bằng phẳng cho lắm so với vị Chủ tịch tiền nhiệm là Nguyễn Minh Triết. Nhưng ở TTS chúng ta thấy có thể toát lên sự nhẫn nại để chờ thời cơ. Chúng ta cũng có thể nhận xét TST là người Trí trá, rất giỏi biện luận, sắc sảo thông minh nhưng lại có tính đa nghi và thiếu ân uy. Trong mối quan hệ chính trị đầy phức tạp, khi chọn chúa để thờ thì ai cũng mong sẽ đạt được cái gì đó, danh, vị hay tiền tài. Nhưng TTS không thể cho họ cái mà họ cần, thậm chí, lúc họ lâm nguy, cần lắm một bàn tay cứu giúp, nhưng TST không thể làm điều đó, mà cũng không muốn làm, đó là bài học của Osin HĐ, của chị em bà Nghị ĐTHY, ĐTT. Chính vì vậy, TST không thể xây dựng quanh mình một lớp đệ tử trung thành, những chiến hữu sẵn sàng vào sinh ra tử.

Thứ hai, Trong một cuộc nội chiến cam go, dù không nói ra, nhưng ai cũng biết đó là cuộc chiến giữa TTS và NTD. Nhưng TTS không hề có hành động gì thể hiện chính kiến của mình, ngoài một bài phát biểu tràng giang đại hải ám chỉ bóng gió. Trong thời điểm gây cấn nhất, giữa hội nghị 6, TST cũng ngồi im thin thít trước sự tung hoành của NTD trong khi đó, đáng lẽ TTS phải là người chủ động đăng đàn, định hướng dư luận. Sau cuộc chiến, TTS lại đi khắp nơi bêu riếu lu loa về cái gọi là “đồng chí X” mà không dám nói đồng chí X là ai. TTS thiếu cái dũng cần thiết của một vị lãnh tụ, đó là dám đương đầu với áp lực, dám nói, dám làm, đúng việc, đúng lúc, đúng nơi.

3. Nguyễn Phú Trọng 

Nguyễn Phú Trọng thực sự đáng kính trọng với vai trò một học giả, một trí thức đúng nghĩa và một trí tuệ uyên thâm. Ông đã trải qua hàng chục năm trời học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mac-Lenin vào chính thể Việt Nam. Có thể nói vào thời điểm này, cả nước Việt Nam không ai có kiến thức uyên bác về chủ nghĩa xã hội và kinh tế chính trị Mac Lenin như NPT. Tuy nhiên, NPT không thể là một nhà chính trị đúng nghĩa, một lãnh đạo mà nhân dân Việt Nam đang mong đợi hiện nay.

Lý do đầu tiên là ông thiếu kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo kinh tế chính trị của đất nước. Thời gian làm Bí thư Thành ủy Hà Nội trong suốt 06 năm từ 2000 đến 2006 nhưng NPT không tạo dấu ấn về kinh tế xã hội cho thành phố TW này mà thậm chí khi quay về Trung ương với vai trò Chủ tịch Quốc Hội, Nguyễn Phú Trọng còn mang cả về danh hiệu đáng rầu lòng: “Trọng Lú”.

Lý do thứ hai, ông đã thấm nhuần chủ nghĩa Mac Lenin sâu sắc đến nổi ông sẽ không chấp nhận mọi sự thay đổi về ý thức hệ của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh Chủ nghĩa Mac-Lenin đã quá lạc hậu và không được chấp nhận ngay tại chính quốc mà nó được sinh ra, NPT lại coi đó là cứu cánh của nền kinh tế chính trị Việt Nam thì thật là một sự mĩa mai và đáng buồn cho dân tộc. Chính vì sự kiềm tỏa về ý thức hệ nên NPT lầm tưởng sự thần kì của nền kinh tế Trung Quốc như là một tấm gương để Việt Nam noi theo và và ngộ nhận tinh thần quốc tế vô sản sẽ là tiền đề để Đảng công sản Trung quốc sẽ giúp đỡ Đảng Cộng sản Việt Nam.

NPT có tấm lòng nhân ái, ưu tư và lo cho vận mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông mạnh dạn đẩy mạnh cuộc chỉnh đốn Đảng với mong muốn ngây thơ là uốn nắn và cải tạo giới đảng viên cầm quyền trở thành những vị quan phụ mẫu thanh liêm đức độ. Nhưng ông hoàn toàn không muốn cải tạo xã hội theo hướng nâng cao quyền làm chủ của nhân dân và sự độc lập của hệ thống tư pháp . Đó là cái Nhân của một vị vua phong kiến điển hình. Bài phát biểu bế mạc HN TW 6, theo cách nhìn nhận của nhiều người là quá sầu bi, ủ đột và “mếu máu”; đó là sự tâm trạng một ông lão mặc dù muốn đem lại đều tốt cho mọi người nhưng không thể được do lực bất tòng tâm.

NPT chắc chắn sẽ thành công với vai trò một nhà lý luận và nghiên cứu về Chủ nghĩa Mac-Lenin mang tầm vóc thế giới. Nhưng sự phức tạp về chính trị Việt Nam lại đẩy ông lên một vị trí mà một quyết định của ông sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam đó là điều ông không muốn và chắc chắn dân tộc Việt Nam cũng không mong đợi ông sẽ đem lại sự khởi sắc cần thiết xứng đáng với vị thế và tầm vóc dân tộc.

Tóm lại, trong cuộc tam phái phân tranh này, NTD đại diện cho giới tài phiệt với mục tiêu là vơ vét và bóc lột tài nguyên của đất nước, sức lực của nhân dân. Nguyễn Phú Trọng đại diện cho đại đa số Đảng viên, muốn cải tổ và phục hồi uy tín của Đảng nhằm duy trì quyền lãnh đạo đất nước. Còn Trương Tấn Sang, trong một chừng mực có thể chấp nhận, đang được nhân dân mong mỏi sẽ là vị lãnh tụ phục vụ vì quyền lợi của nhân dân và đất nước Việt Nam. Mỗi nhân vật có những điểm mạnh và yếu khác nhau.

Dù kết quả Hội nghị 6 như thế nào đi chăng nữa, mọi thứ không hoàn toàn như cũ, có chăng cuộc khủng hoảng sẽ tạm thời lắng dịu để chờ thời cơ bộc phát mạnh mẽ hơn gấp bội. Những kết luận có thể rút ra từ Hội nghị Trung ương 6 là:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam đã bước đến chổ khủng hoảng sâu sắc và toàn diện về hệ tư tưởng, vẫn mãi loanh hoanh dưới cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN và sự kiên định lập trường về “ CNXH là tất yếu lịch sử của Cách mạng Việt Nam” trong khi cái mồ ma CNXH và CNCS đã bị chôn vùi ở chính cái nơi mà nó được sinh ra.

2. Nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã phơi bày những tử huyệt, đó là sự khống chế về hệ ý thức và tư tưởng và chính trị của Tàu cộng, đội ngũ cán bộ nhà nước các cấp hoàn toàn lạc hậu,không theo kịp với tiến bộ xã hội, năng lực điều hành, quản lý nền kinh tế vĩ mô yếu kém, tham nhũng diễn ra khắp nơi, nhu nhược trong an ninh quốc phòng, tàn bạo và ngu xuẫn trong đối nội trị an.

3. Cuộc đấu tranh nội bộ đã đi đến mức không thể cứu vãn, quan hệ địch – ta, bạn - thù, gian – nịnh đã rõ, hòa hoãn là để tạm thời nhằm tranh thủ thời cơ tập hợp lực lượng cho trận chiến cuối cùng.

4. Sự suy giảm ngiêm trọng về niềm tin của tuyệt đại bộ phận Đảng viên và quần chúng nhân dân vào Chủ trương của Đảng, Chính sách Nhà nước, những quyết định của các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương. Những tuyên bố, hành động của các lãnh đạo cấp cao đều bị mổ xẽ, suy xét dưới cặp mắt hoài nghi và mĩa mai.

Sau cuộc chỉnh đốn của Đảng, dù phe nào chiến thắng đi chăng nữa thì kẻ thua cuộc vẫn là nhân dân và đất nước Việt Nam. Bởi vì, suy cho cùng, cuộc đấu tranh này chỉ đem lại thắng lợi cho phe nay, hay phe kia chứ không thể đem lại điều cốt lõi mà nhân dân Việt Nam mong đợi, đó là một xã hội thực sự tự do dân chủ, một đất nước thực sự phồn vinh và một quốc gia độc lập tự cường, đáng tự hào.

Bấy lâu nay, Đảng ta, với sự trợ giúp của lực lượng lý luận, tuyên giáo, tuyên huấn hùng hậu tự ru ngủ mình và ru ngủ dân tộc Việt Nam cái thuyết chính danh về vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản. Rằng, Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân ra giành được độc lập thì tất yếu khách quan sẽ có sứ mệnh lịch sử dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến thế giới đại đồng, phồn vinh. Đảng ta huyênh hoang với những chỉ số về tăng trưởng và tự hào rằng đó là thành tựu của Đảng ta và chỉ có Đảng ta mới làm được.

Thế nhưng Đảng ta cũng không giấu nổi sự lo sợ về tương lai lãnh đạo của Đảng với nhận định “một bộ phận không nhỏ Đảng viên các cấp suy thoái về đạo đức nghiêm trọng”, và rất nhiều Đảng viên lão thành không còn tin vào lý tưởng cộng sản nói chung và sự lãnh đạo điều hành của Trung ương Đảng hiện nay. Đảng ta cuống cuồng nghiên cứu và xuất bản hàng loạt tập san, hàng loạt chuyên đề về thành tựu của Đảng Cộng Sản, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo Đức Lê Hồng Phong... và bắt buộc toàn bộ Đảng viên và cả nhưng công, viên chức không Đảng nghiền ngẩm học tập. Đảng viên các cấp phải định kỳ chen chúc nhau ngồi nghe đám tuyên giáo lãi nhải về công ơn trời biển của Đảng, về bản lĩnh chính trị và sự đoàn kết thống nhất vô vụ lợi của Bộ Chính trị….

Đảng ta đang cố tô son, trát phấn, bơm mông, lắp ngực cho một bà già lẩm cẩm gần 70 mươi tuổi, chi mong và chực chờ xuống lỗ, hoang tưởng và nghĩ ai cũng hoang tưởng như mình bà già đó là cô gái đang tuổi xuân thì.

Gạt bỏ những tranh cãi về vai trò lịch sử của Đảng đối với đất nước Việt Nam thì, theo thực tế khách quan, mọi chính thể dù hùng mạnh như thế nào, cũng sẽ đến lúc hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó để nhường đường cho những chính thể khác tốt hơn. Mọi người tôn vinh Lý Thái Tổ, như là vị vua của một triều đại Việt Nam hùng cường. Nhưng không ai luyến tiếc Triều Lý khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Nhà Trần với những bậc lãnh đạo kiệt xuất như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông và Đức Thánh Trần Hưng Đạo vẫn mãi ngự trị trong trái tim của dân Việt Nam, nhưng vẫn chấm dứt sứ mệnh lịch sử khi bị Hồ Quý Ly tiếm quyền. Không ai phủ nhận công lao của Thái Tổ Lê Lợi, nhưng mọi người vẫn phát xét ông với góc nhìn công tội phân minh và Triều Hậu Lê đưới sự lãnh đạo của cháu ông là Lê Chiêu Thống lại mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà, mãi mãi là hồn ma bóng quế tha phương cầu thực.

Hơn bao giờ hết, để thực sự vẫn mãi là một hình tượng đẹp đẽ và đáng tự hào, Đảng ta nên làm một cuộc nhận xét công bằng: 67 năm hình thành và phát triển công lao là gì, tội lỗi như thế nào và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vai trò lãnh đạo của Đảng và tương lai nào cho đất nước Việt Nam. Chí có thế mới xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc đến mục tiêu tự do, dân chủ, vì tiến bộ xã hội, đưa Việt Nam từng bước thoát khỏi trì trệ về ý thức xã hội, yếu kém trong tăng trưởng kinh tế, nhu nhược trong an ninh, quốc phòng.

“Đảng là nhất thời, Dân là vạn đại”.
Xuân Lâm

1 comment:

Điện Hải said...

Bài viết nghiêm túc, chân thực và có tinh thần xây dựng với đất nước, với nhân dân và với ĐCSVN. Hiện nay Nhân dân mong mỏi chờ đợi, không phải chỉ là ông X, Y, Z lên làm Tổng BT, Chủ tịch nước và Thủ tướng, mà sự thay đổi căn bản chọn con đường xây dựng thể chế chính trị thực sự dân chủ, tự do tiến bộ, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại toàn cầu hóa. Đó là Nhà nước có nhiều đảng chính trị cạnh tranh lành mạnh; có Hiến pháp bảo đảm quyền làm chủ toàn diện thực sự của công dân( bầu cử người và cơ quan đại diện, cư trú, sinh sống, ngôn luận, báo chí, biểu tình..); các đảng phái chính trị hoạt động trong khuôn khổ HP & PL; các cơ quan quyền lực nhà nước Quốc hội, Chính phủ, Tòa án độc lập và kiểm soát nhau; lập Tòa án Hiến pháp kiểm , điều chỉnh hành vi của các chức danh và cơ quan quyền lực cao nhất như Chủ tịch nước, Thủ tướng nếu vi Hiến và Pháp luật.