Tuesday, November 5, 2013

Số liệu thống kê của Việt Nam có đáng tin?


Nhiều công trình nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thống kê của Việt Nam để phân tích và dự báo kinh tế. Những dự báo này cũng được sử dụng để ra quyết định đầu tư của không ít tổ chức tài chính lớn.

Từ lâu nay, số liệu thống kê của Việt Nam luôn bị “chê” là không đáng tin. Như phương Tây vẫn định kiến về thống kê Trung Quốc, số liệu của Việt Nam có thể bị bóp méo dưới áp lực nào đó. Tuy nhiên, có ai chứng minh được điều này?

Những thắc mắc đã được lý giải
Vấn đề điển hình được nói đến bấy lâu nay mà trong những ngày họp Quốc hội vừa qua cũng được nhắc đi nhắc lại không ít lần, ấy là tại sao GDP địa phương cao hơn GDP trung bình cả nước, tại sao con số GDP công bố chênh lệch cả giữa các bộ, ngành?

Sự suy thoái của nền kinh tế cũng làm dấy lên thắc mắc về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động thấp hơn so với số liệu đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Số lượng này cũng thấp hơn số liệu đăng ký mã số thuế của Tổng cục Thuế. Tỷ lệ thất nghiệp thấp trong khi lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng vọt… Thật không tương xứng với thực tế đang diễn ra trước mắt.

Với những vấn đề ấy, Tổng cục thống kê đã trả lời. Nguyên nhân là “nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại một địa phương nhưng lại hoạt động ở nhiều địa phương khác. Điều đó dẫn đến trường hợp các tỉnh, thành phố tính trùng. Thực tế này cùng với những khó khăn trong việc thu thập thông tin của các đơn vị hạch toán toàn ngành, thu thập thông tin về thuế nhập khẩu chia theo tỉnh, thành phố… không cho phép tính GDP của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một cách chính xác.”

Mới đây nhất là phát biểu của Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư trước Quốc hội ngày 01/11/2013: “Tổng cục thống kê dù chưa toàn diện nhưng đã có hệ thống từ TW đến địa phương. Phương pháp thống kê được sử dụng cũng là tương thích với thế giới. Hàng năm các tổ chức quốc tế đều đến Việt Nam để kiểm định và sử dụng số liệu để lưu trữ vào hệ thống dữ liệu toàn cầu. Vì thế, các con số do tổng cục thống kê công bố cơ bản chấp nhận được. Những con số này không thể chính xác tuyệt đối mà còn phụ thuộc vào đối tượng điều tra nhưng người làm thống kê có phương pháp khoa học để loại trừ.”

Xếp hạng của WB

Theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có chỉ số năng lực thống kê năm 2013 là 71 điểm. Với số điểm này, năng lực thống kê của Việt Nam đứng thứ 64/149 quốc gia trong danh sách xếp hạng, tiếp tục thuộc nhóm nước có năng lực thống kê trung bình của thế giới.

Trong đó, chỉ số năng lực về phương pháp luận thống kê thấp nhất (30 điểm), kém 5 điểm so với điểm trung bình của danh sách; chỉ số năng lực về tính định kỳ và kịp thời là 83 điểm, thấp hơn trung bình 5 điểm; chỉ số năng lực nguồn dữ liệu đạt 100 điểm, cao hơn 37 điểm so với điểm trung bình.

Như vậy, các chỉ số của Việt Nam không thay đổi trong suốt 3 năm qua.

Lưu ý là trong danh sách chấm điểm của WB không có các cường quốc kinh tế như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada…

Trung Quốc cũng có mức điểm tương tự (70 điểm – đứng thứ 67) nhưng cao gấp đôi về điểm phương pháp luận (60). Tính kịp thời cũng cao hơn Việt Nam (90 điểm) nhưng điểm số về nguồn dữ liệu của nước này chỉ được 60 điểm.

Đáng quan tâm là trong 10 năm (2004-2013), năng lực thống kê của Việt Nam giảm đáng kể so với mặt bằng chung về năng lực thống kê thế giới. Nếu như năm 2004 chỉ số năng lực thống kê của Việt Nam là 74 điểm, cao hơn 7 điểm so với điểm trung bình của thế giới (67 điểm) thì năm 2013 năng lực thống kê Việt Nam thấp hơn 5 điểm so với điểm trung bình của thế giới (66).

Vậy có tin không?


Thứ nhất, dù tin hay không thì cũng chưa có ai đưa ra được một con số nào khác mang tính khoa học hơn. Người cần thì vẫn phải sử dụng dữ liệu từ nguồn "được công nhận".

Rất nhiều công trình nghiên cứu đã dùng dữ liệu thống kê của Việt Nam để phân tích và dự báo kinh tế. Những dự báo này được công bố trên tạp chí chuyên môn, được bảo vệ trước sự phản biện của nhiều giám khảo. Chúng cũng đã được sử dụng vào mục đích ra quyết định đầu tư của không ít tổ chức tài chính lớn.

Thứ hai, như Tổng cục Thống kê và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trả lời, thì những người làm thống kê của Việt Nam có cả lý do khách quan và chủ quan để biện minh nếu ai đó có thể chứng minh khoa học rằng số liệu của họ không chính xác. Kết quả của cuộc điều tra, thống kê, kết luận khoa học nào cũng có sai số, nhất là khi ngành thống kê Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về Luật, Ngân sách hoạt động, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực… như bây giờ.

Hải Minh - Theo Trí Thức Trẻ

No comments: