Friday, October 4, 2013

Tác phẩm 'Đại gia' bị thu hồi!

Vualambao  - Bộ tiểu thuyết Đại Gia mô tả sự hình thành những nhóm lợi ích cấu kết giữa quan chức Nhà nước Việt Nam và các Tập đoàn kinh tế để mưu lợi riêng đã bị thu hồi ngay sau khi phát hành.

Đại gia bất lương, con đẻ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
(Đọc tiểu thuyết Đại gia của nhà văn Thiên Sơn, NXB Lao Động 2013)

Phạm Đình Trọng
Những từ ngữ đang có tần số sử dụng cao trong xã hội Việt Nam hôm nay như “nhóm lợi ích”, “đảng Cộng sản”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”… không một lần được nhắc đến trong suốt hai tập sách, mỗi tập gần 600 trang nhưng Đại gia chính là tiểu thuyết viết về sự hoành hành, tác yêu tác quái của nhóm lợi ích bất lương trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhưng phải do đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo. Để bảo vệ sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản, luật pháp đã tước đoạt những quyền chính đáng của người dân, tạo ra khoảng chân không pháp luật cho thế lực đồng tiền của các đại gia tự do cấu kết với thế lực Nhà nước của chính trị mặc sức cướp bóc nguồn sống của dân, bòn rút tài nguyên đất nước.

Mỗi tập Đại gia viết về một phi vụ cướp bóc này. Tập một, Tam giác ngầm, nhóm lợi ích cướp 500 hecta đất dày đặc mộ cổ và di tích lịch sử của dân thủ đô trong dự án Hà Vọng để đại gia Tấn Đạt thực hiện tham vọng Vua cao ốc. Tập hai, Quyền lực đen bòn rút tài nguyên đất nước trong các dự án khai thác vàng ở vùng núi Yên Ngạc, ở đảo Phúc Tinh.

Tam giác ngầm đó là một tam giác thực và một tam giác ảo. Ba nhân vật trung tâm của tập một tạo nên tam giác thực, trong đó đỉnh của tam giác là quyền lực Nhà nước, là Lê Đức. Hai chân đế là hai thế lực đồng tiền, hai đại gia, Lê Vượng và Tấn Đạt. Ba đường dây, ba dòng chảy ngầm Quyền – Tiền – Tình lại tạo nên một tam giác ảo, trong đó đỉnh của tam giác vẫn là Quyền lực Nhà nước và hai chân đế là Tiền và Tình.

Bị tước quyền công dân cơ bản nhất là quyền bầu chọn lãnh đạo Nhà nước và xã hội, người dân không có một chút quyền nhỏ nhoi nào với chính trường. Về hình thức, các quan chức cấp cao trong đảng do đại hội đảng bầu và các quan chức cấp cao Nhà nước do Quốc hội bầu nhưng thực chất từ quan chức trong đảng đến quan chức Nhà nước đều do các cụ lớn sắp đặt trong bóng tối hoàn toàn từ tình cảm cá nhân của các cụ. Không phải là những công dân ưu tú được người dân tín nhiệm, quan chức cấp cao chỉ là những kẻ bợ đỡ, xu nịnh, chạy chức chạy quyền được lòng các cụ lớn. Do đó quan chức từ to đến nhỏ đều không có năng lực làm việc và không có một chút khát vọng làm việc vì lợi ích của dân, của nước mà chỉ vì lợi ích cá nhân và vì tình cảm cá nhân. Và sự nghiệp kinh doanh của các đại gia trước hết là sự nghiệp kinh doanh tình cảm cá nhân này.

Các quan chức cấp cao từ cụ lớn đã về vườn đến người đang tại chức mà các đại gia cần kinh doanh tình cảm đều trở thành “đàn voi” để các đại gia chăn dắt. Đó là “công nghệ chăn voi” của đại gia Tấn Đạt: “Có lẽ ở đất nước này, chưa một ai từng nghĩ đến “công nghệ chăn voi” hoàn hảo như vậy… Tấn Đạt không chỉ thuộc tên, tuổi, địa chỉ từng người mà anh còn nắm được cả từng sở thích, từng thói quen. Với mỗi người, Tấn Đạt đưa ra một phác đồ “chăn dắt” riêng. Kẻ thích tiền thì cho tiền. Kẻ thích chức tước thì chạy chức tước. Kẻ tích gái thì dắt gái… ” (Tập I, trang 57)

“Công nghệ chăn voi” đưa Tấn Đạt đến với má mì Vân Chi: “Đã mấy năm nay Vân Chi trở thành một cơ sở cung cấp gái trinh cho nhiều đường dây “chăn voi” mà nhiều nhất là cho Tấn Đạt” (I, 46). “Theo gợi ý của Tấn Đạt, Vân Chi đã kiến tạo những đường dây săn gái, xây dựng trung tâm huấn luyện gái làm tiền, trung tâm y học chuyên làm giả màng trinh” (I, 102) Ngưu tầm ngưu, dần dần Vân Chi trở thành người tình rồi thành vợ Tấn Đạt.

Quyền – Tiền – Tình làm nên tiểu thuyết Đại gia nên nhân vật đầu tiên xuất hiện trong Đại giavà luôn có mặt bên cạnh đỉnh quyền lực trong suốt hai tập Đại gia là một gái gọi cao cấp, một á hậu, một diễn viên, một MC đình đám, Thu Quỳnh. Và sự kiện mở đầu cho tiểu thuyết Đại gia là sự kiện đại gia Tấn Đạt cống nạp người đẹp gái gọi Thu Quỳnh cho Lê Đức, con voi bự nhất, một đỉnh quyền lực trong tam giác Quyền – Tiền – Tình.

Đại gia không một lần nhắc đến chức danh của Lê Đức nhưng với vị thế điều hành cả nền kinh tế đất nước, với quyền uy thâu tóm các ngành, các bộ, đứng đầu cả bộ máy quản lí đất nước, đưa ra mọi quyết định trong các hoạt động kinh tế nhà nước thì đó chính là quyền lực của một Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ là một anh cán bộ đoàn và anh cán bộ đoàn cấp cơ sở Lê Đức tự biết mình là “chưa bao giờ là người kiên nghị, liêm khiết…, chưa bao giờ có ý định phải liêm khiết” (I,78). Chỉ với triết lí: “chính trị là sự khéo léo…, chính trị còn là phe cánh…, chính trị cũng cần tính kiên nhẫn và sự nô lệ” (I,78), đã cho Lê Đức biết xử thế “Cứ chỗ nào có các ông to tụ họp là Lê Đức nhào tới, tìm cách gặp mặt và gây ấn tượng rồi lân la làm quen” (I.79). Từ đó con đường thăng tiến mở ra trước Lê Đức: “Lê Đức gặp được “ô”, lên như diều gặp gió. Mấy ông lớn cứ lên đến đâu thì kéo Lê Đức lên đến đó” (I, 79). Lại thêm của cải vợ chồng Lê Đức vơ vét được khi vào tiếp quản Sài Gòn sau cuộc chiến tranh Nam – Bắc kết thúc đã tạo cho Lê Đức có thêm sức tăng tốc: “Lê Đức cùng với Ngần đã dùng các mối quan hệ hiện có, sục vào biệt thự các ông lớn của chế độ cũ vừa di tản, họ đưa vào túi riêng đến cả hàng ki lô kim cương, hồng ngọc… Từ đó ông trở nên giàu có và có tiền trang trải cho con đường thăng quan tiến chức của mình” (I, 79).

Người dân không có quyền dùng lá phiếu bầu chọn quyền lực Nhà nước, người dân không được kiểm soát quyền lực Nhà nước thì con đường bất chính đi đến quyền lực như Lê Dức không phải là cá biệt. “Suốt một thời, người ta đôn lên những kẻ thất học, những kẻ thủ đoạn, những kẻ ươn hèn, hẹp hòi. Và lạ nữa, cả một đội ngũ như vậy lại đều giỏi ở một điểm là bòn rút tiền trong công quỹ và tất cả đều giàu. Những thằng ngu có quyền chức, bây giờ lại còn giàu nữa thì khủng khiếp như thế nào. Xã hội rối ren, xuống dốc là vì thế. (I,144).

Những quan chức đó, “những thằng ngu có quyền chức” “chưa bao giờ là người kiên nghị, liêm khiết” đó trở thành bầy voi cho các đại gia nhiều tiền, lắm mưu ma chước quỉ chăn dắt và sai khiến cũng là tất yếu.

Chăn dắt và sai khiến bằng gái. Theo lệnh của Tấn Đạt, Vân Chi đưa người đẹp gái gọi Quỳnh đến cống nạp cho Lê Đức ở ngôi biệt thự vắng với lời dặn: “Lão này là sếp. Phải làm cho lão mê man, điên đảo và thuyết phục lão kí cho cái giấy phép đầu tư khu đô thị. Hàng chục ngàn tỉ đồng sẽ lọt vào tay khách hàng của chúng ta” (I, 18). Ngay lần gặp đầu, con người Lê Đức đã sập bẫy tình đại gia Tấn Đạt và quyền lực Lê Đức đã mềm nhũn trong vòng tay người đẹp gái gọi: “Quỳnh luồn những ngón tay thon thả mềm mại vào trong làn áo, mân mê phía trước ngực và bụng Lê Đức, còn tay kia quàng qua cổ ông. Lê Đức phút chốc trở nên đờ đẫn… Họ đưa nhau vào buồng ngủ và lăn lộn như một đôi tình nhân thực thụ xa cách đã lâu ngày” (I, 33).

Chăn dắt và sai khiến bằng cả tập dày tiền tươi. Hai đại gia Lê Vượng và Tấn Đạt mang quà đến gặp Lê Đức: “Bên trong gói quà là ba trăm ngàn đô la” (I, 98). Chăn dắt và sai khiến bằng lợi nhuận khổng lồ ăn chia từ các dự án. Lê Vượng bảo Tấn Đạt: “Cậu làm việc với Lê Đức xem thế lực của ông ta sẽ ăn chia bao nhiêu phần trăm lợi nhuận từ dự án này” (I, 43). Tấn Đạt, tổng giám đốc tập đoàn Đại Á gặp Lê Đức bàn phía Lê Đức lập công ty An Hưng liên danh với Đại Á trong dự án Hà Vọng để có cớ ăn chia lợi nhuận: “Chúng em tha thiết mong anh cho người tham gia dự án này… người của các anh sẽ tham gia ba mươi phần trăm”. Lê Đức thẳng thừng ngã giá: “Bên Đại Á sẽ hợp lí hóa tất cả giấy tờ, sao cho An Hưng có cổ phần trong dự án này mà không phải bỏ ra một lượng tiền tương ứng… Tôi sẽ kí ngay khi thủ tục liên danh ấy được tiến hành” (I, 126). Dự án khai thác vàng ở Yên Ngạc chỉ là dự án phụ cũng cho lợi nhuận “khoảng bốn ngàn tỉ tiền lãi. Một phần trong số đó sẽ được chi cho Lê Đức” (II, 333). Khai thác vàng ở đảo Phúc Tinh mới là dự án chính, lớn gấp bội thì phần của Lê Đức phải lên tới hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ tiền lợi nhuận.

Con người khác con vật ở chỗ con người không chỉ sống cho riêng mình. Con vật chỉ có hình hài sinh vật và nó chỉ biết sống vì cái hình hài sinh vật đó, chỉ biết kiếm miếng ăn nuôi cái hình hài sinh vật đó. Con người cùng với hình hài sinh vật còn có hình hài xã hội, còn có con người xã hội, con người văn hóa. Chính con người xã hội, con người văn hóa mới quyết định tầm vóc của một con người. Con người chỉ thực sự là người khi biết sống vì lí tưởng xã hội, làm được những việc có ích cho xã hội. Vị trí xã hội càng cao thì lí tưởng xã hội càng phải lớn.

Nhưng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải duy trì sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản đã tước đoạt quyền con người, quyền công dân của người dân, tước đoạt phần con người xã hội của người dân. Người dân chỉ còn phần con người sinh vật, chỉ còn là bầy cừu cam chịu dưới sự chăn dắt của Nhà nước Cộng sản. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại tạo điều kiện tốt nhất cho những kẻ có quyền và có tiền phát triển tối đa con người sinh vật và giết chết con người xã hội trong họ. Con người sinh vật là chủ thể trong Đại Gia. Ít ỏi con người xã hội lạc lõng trong đó liền bị loại bỏ hoặc phải tự loại bỏ. Đại Gia là tiểu thuyết về số phận những con người sinh vật tội lỗi và đáng thương đó, là tấn bi kịch về một thời, một thể chế súc vật hóa con người! Vị trí xã hội càng cao thì súc vật hóa càng nhiều, bị kịch càng lớn.

Trong Đại gia, kẻ quyền cao chức trọng, có kẻ hầu người hạ, được kẻ săn người đón, được cung phụng đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống, kẻ có quyền uy lớn nhất tưởng là Người nhất lại là kẻ bị súc vật hóa lớn nhất. Với trọng trách là người đứng đầu cả bộ máy hành chính của đất nước, quản lí cả xã hội, được quyền sử dụng đồng vốn của đất nước, quyết định những dự án xây dựng đất nước, phát triển kinh tế xã hội, con người xã hội ở vị trí đó là chăm lo cuộc sống cho người dân cả nước, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, tạo ra sự phồn vinh cho đất nước và làm rạng danh cả dân tộc. Đường đường phương diện quốc gia như vậy nhưng Lê Đức bận rộn tối ngày chỉ quanh quẩn mấy việc: Đi từ cuộc gặp này đến cuộc gặp khác với các đại gia Lê Vượng, Tấn Đạt, Đặng Quý, Thế Mạc… , bàn mưu tính kế với họ, nghe đề xuất của họ, thỏa mãn những đòi hỏi của họ. Đi từ phòng VIP nhà hàng Thiên Tuế, King Caphê về biệt thự vắng vẻ nơi người đẹp gái gọi Quỳnh đang mong. Lo chống đỡ với những phe phái đối địch. Lấy lòng những cụ lớn để được giữ ghế thêm nhiệm kì tiếp sau. Lo chạy tội cho thằng con bắn chết người.

Lưng vốn của Nhà nước có được từ đồng tiền thuế mồ hôi và máu của dân được Lê Đức dồn cho những doanh nghiệp Nhà nước do những đàn em thân tín nắm giữ. Tướng nào quân nấy, đàn anh ăn tàn phá hại, đàn em tội gì không ăn, không phá. Được đàn anh rót tiền cấp vốn, đàn em liền mang tiền đi mua sắm vô tội vạ chỉ để hưởng hoa hồng và ăn chênh lệch giá: “Khi liên kết mua lại các con tàu cũ… đã tìm cách nâng giá thành… chia nhau hàng chục triệu đô la” (II, 329). Điều hành cả nền kinh tế và nắm giữ những ngành kinh tế lớn của đất nước là những kẻ như vậy nên hàng loạt doanh nghiệp trong tay họ thua lỗ, phá sản. Nền kinh tế đất nước khủng hoảng triền miên, không sao gượng dậy nổi.

Đàn em làm ăn khấm khá như Tấn Đạt, ông chủ Đại Á phải cống nạp cho Lê Đức đã đành. Những đàn em làm ăn lụn bại như Đặng Quý, ông chủ Oseanship phá sản cũng phải mang cả ca tap tiền đến kêu xin Lê Đức che đỡ cho. Các bà vợ quan chức bao giờ cũng là những người nhận những khoản tiền tội lỗi, mờ ám nhưng rất đậm đó. Chán ông chồng già, bà Ngần béo tròn vợ Lê Đức đã bỏ ông, lặng lẽ đưa thằng con phạm tội giết người trốn ra nước ngoài, bà đưa luôn cả gã lái xe trẻ trung vâm váp đi theo phục vụ đời sống tình dục cho bà. Gái gọi Quỳnh liền thế chỗ bà Ngần bỏ lại. “Đặng Quý trao cho Quỳnh chiếc ca táp màu đen đựng toàn đô la: Chúng tôi có chút quà xin biếu anh chị. Đây chỉ là chút xíu để chị mua sắm cho vui” (II, 165).

Một thể chế chỉ sử dụng con người sinh vật và tạo điều kiện tốt nhất cho phần sinh vật trong con người phát triển thì con người xã hội, con người văn hóa làm gì có chỗ đứng trong thể chế đó. Không có năng lực làm việc nên người cộng sự gần gũi nhất, chánh văn phòng của Lê Đức phải là người thực sự có năng lực làm việc. Nhưng người có năng lực thực sự đều là những người trung thực, có nhân cách, đều là những con người xã hội. Con người xã hội thì không thể chấp nhận một kẻ chỉ có con người sinh vật như Lê Đức.

Chánh văn phòng Phạm Khắc viện cớ sức khỏe kém xin về hưu và viết cho Lê Đức những điều day dứt của một con người xã hội: “Chúng ta chẳng có năng lực nhưng vẫn ngồi trên những ngôi cao bắt cả xã hội cung phụng… Chúng ta trục lợi trên chính danh vị của mình. Giữa một cuộc khủng hoảng lớn, do những chính sách kinh tế và sự yếu kém trong điều hành, nhưng chúng ta đang tìm cách đổ lỗi cho nhau, bưng bít thông tin, lèo lái và cơ hội, chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Người dân bây giờ xem những người có chức có quyền là bọn sâu mọt… Mỗi người làm quan, phía sau là các công ty nhà, là cả bộ sậu của những kẻ nịnh bợ, kiếm chác, những con cáo mượn oai hùm… Làm dự án nào, ký quyết định nào cũng đều tính đến lợi ích của phe phái mình, cá nhân mình… Chúng ta đã coi thường lợi ích của nhân dân, lợi ích toàn cục, làm tay sai cho những kẻ tư bản ngày xưa chúng ta đổ máu để đuổi chúng đi, làm tay sai cho những trọc phú làm giàu trên xương máu nhân dân…”

Cái chết bí ẩn đến với chánh văn phòng Phạm Khắc khi Phạm Khắc vừa rời bỏ Lê Đức. Còn chánh văn phòng Trần Anh kế nhiệm Phạm Khắc thì phải tự tìm đến cái chết sau khi gửi đơn tố cáo những tội lỗi của Lê Đức. Một thể chế tước đoạt cả quyền con người là đã giết chết phẩm chất người trong mọi người dân thì những ai đã có phẩm chất người đều phải nhận những cái chết bi thảm khác nhau.

Xã hội trong Đại gi là xã hội tồn tại bằng bạo lực, bạo lực Nhà nước và bạo lực đồng tiền. Bạo lực Nhà nước cướp đất sống của dân. Bạo lực đồng tiền lại xé toạc mọi văn bản pháp luật. Người dân không còn biết bấu víu, kêu cầu vào đâu, đành trần trụi giữa bạo lực lạnh lùng, tàn nhẫn. Mạnh được, yếu thua. Bạo lực Nhà nước và bạo lực đồng tiền đã thắng và nhân dân đã thua, đạo lí xã hội, đạo lí làm người đã thua, đã mất. Đạo lí xã hội, đạo lí làm người không còn nên tất cả các gia đình trong Đại gia đều tan vỡ và không ai có hạnh phúc. Cả kẻ quyền uy, giầu sang sống trên vàng bạc cũng không có hạnh phúc.

Không chấp nhận cách làm giàu tàn bạo, không có trái tim con người của Tấn Đạt, Nguyệt Thanh, người vợ của tình yêu thời sinh viên trong sáng đã rời bỏ Tấn Đạt dẫn đứa con gái ra đi. Mèo mả gà đồng gặp nhau, đại gia Tấn Đạt lấy má mì Vân Chi và đứa con của Tấn Đạt còn trong bụng Vân Chi là một thai nhi không có tim! Đứa con không tim, Tấn Đạt có sống trong ngôi nhà vàng thì cuộc đời cũng là địa ngục, đâu có hạnh phúc. Đó là nhân quả. Nhân quả là triết lí của mọi tôn giáo. Nhân quả cũng là triết lí của cuộc đời.

Quyền – Tiền – Tình là ba tầng địa chất, ba mạch vỉa quặng, ba tuyến truyện được khai thác trong Đại Gia. Quyền – Tiền được người viết khai thác khá đầy đủ và lí giải khá thấu đáo, thuyết phục. Tình là mạch vỉa khá dày dặn, lại rất cuộc đời, tưởng sẽ được khai thác tương xứng nhưng đã bị xem nhẹ, lướt qua đáng tiếc, là phần yếu của Đại gia.

Tình dục của con người sinh vật. Tình yêu của con người xã hội. Trong Đại gia có rất nhiều cặp tình dục, tình yêu bộc lộ tính người, tính vật. Tấn Đạt – Nguyệt Thanh. Tấn Đạt – Vân Chi. Lê Đức – Ngần. Lê Đức – Quỳnh. Ngần – Phi (gã lái xe của bà Ngần). Lư – Hoa. Trình – Lee Min Young . . . Những kẻ chỉ có con người sinh vật đã được chứng minh bằng sự tàn bạo, mất tính người với đồng loại lại được chứng minh bằng đời sống tình dục của con người sinh vật càng được khắc họa thêm, càng có thêm chiều sâu tính cách nhưng Đại gia đã bỏ qua sự khắc họa, bỏ mất chiều sâu tính cách này.

Lê Đức – Ngần là cặp vợ chồng vật chất, thân xác. Khi thân xác Lê Đức vô dụng với bà Ngần béo tốt ở tuổi hồi xuân, bà phải lấy thân xác của anh lái xe tên Phi trẻ trung thay thế. Nhưng chỉ đến khi Phi được bà Ngần lôi đi theo trong cuộc chạy trốn ra nước ngoài, người đọc mới biết về sự tan vỡ của gia đình Lê Đức, mới biết thoáng qua về mối quan hệ hoàn toàn bản năng, sinh vật Ngần – Phi. Một cơ hội để khắc họa con người sinh vật, khắc họa tính cách hoang dã của một nhân vật quan trọng trong Đại gia đã bị bỏ qua. Một cơ hội để lí giải về sự tan vỡ của gia đình, về sự vô nghĩa của cuộc sống chỉ biết có vật chất đã bị bỏ qua.

Những cuộc tình trong Đại gia đáng ra là chỗ sự sống động của cuộc đời tươi xanh tràn vào sau những lạnh lùng, nghiệt ngã, còn mất của Quyền – Tiền, lại là những trang viết khá khô khan, nhạt nhòa, hời hợt thường được kể vắn tắt bằng suy diễn, cảm nghĩ chứ không phải bằng trực tả làm mất đi vẻ tươi tắn của cuộc sống, sự chân thực của cuộc đời. Cuộc tình Lê Đức – Quỳnh được trích dẫn ở phần trên khi ngay trong lần đầu gặp Quỳnh, Lê Đức đã sập bẫy tình của Tấn Đạt là một dẫn chứng. Cuộc tình nào trong Đại gia cũng chỉ đại khái, qua loa như vậy.

Người đọc nhận biết ngay vụ việc Tấn Đạt chiếm 500 hecta đất làm dự án khu đô thị Hà Vọng chính là vụ việc 500 hecta đất của người dân Văn Giang, Hưng Yên bị chiếm đoạt trong dự án Ecopark ở ngoài đời, vụ đổ bể thảm hại của dự án Oceanship trong Đại Gia chính là vụ Vinashin chấn động ở ngoài đời. Vì thế người đọc cũng biết rõ con người sinh vật Lê Đức trong Đại gia là ai ở ngoài đời.

Những vấn đề Đại gia đặt ra chính là những vấn đề của xã hội Việt Nam hôm nay, một xã hội đầy bạo lực, mất tính người. Nêu thực trạng xã hội, Đại gia còn lí giải nguyên nhân của thực trạng đó. Một thế lực đứng trên pháp luật đang thao túng xã hội Việt Nam. Thế lực đó không biết đến quyền con người, không biết đến những giá trị làm người của người dân mà chỉ biết có sự độc quyền thống trị xã hội của đảng cầm quyền. Nhưng khốn khổ thay, thế lực đứng trên cả pháp luật đó lại bị đồng tiền tội ác của những đại gia bất lương sai khiến, lại phải cúi đầu để cho những đại gia bất lương chăn dắt.

P.Đ.T.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

No comments: