Tuesday, October 1, 2013

Chân dung người khiến chính phủ Mỹ đóng cửa

 - Một trong những công trình sư của dự luật khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa lại chính là vị nghị sỹ ít tên tuổi và chỉ mới được bầu cách đây đúng 8 tháng.

Nhà Trắng vừa chính thức lệnh cho các cơ quan liên bang Mỹ đóng cửa. Vấn đề trung tâm gây chia rẽ giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ chính là Đạo luật chăm sóc y tế của Tổng thống Barack Obama hay còn gọi là Obamacare.
Một số đảng viên Cộng hòa yêu cầu Đạo luật phải được hủy bỏ hoặc ít nhất cũng phải bị trì hoãn lại 1 năm. Họ cho rằng cách tốt nhất để làm điều này là đính kèm nó vào một dự luật phải được thông qua, khi đó mới có thể cấp ngân sách cho chính phủ tiếp tục hoạt động.

Ý tưởng này đã dày vò Washington suốt hơn một tuần lễ và gây ra những chia rẽ trong chính nội bộ đảng Cộng hòa.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz, người từng đăng đàn ở Thượng viện chỉ trích Obamacare suốt 21 giờ đồng hồ có thể là một dự đoán hợp lý. Nhưng suy đoán đó lại hoàn toàn trật lất.

Kiến trúc sư chốt chặn cánh cửa

Người thực sự gây ảnh hưởng đến cuộc tranh luận là Mark Meadows, nghị sỹ đại diện cho phần phía Tây của bang Bắc Carolina. Chỉ vừa mới được bầu vào Hạ viện đầu năm 2013 nhưng ông thực sự là người đã chi phối ảnh hưởng phía sau sự ồn ã của giới truyền thông.

Nhà lập pháp Cộng hòa liên minh với đảng Trà này luôn hạ thấp vai trò của mình, nói rằng ông chỉ có rất ít ảnh hưởng. Nhưng trong thực tế, những nỗ lực của ông đã đẩy Washington đến bờ vực đóng cửa.

Tháng 8/2013, trong lúc các nhà lập pháp Mỹ còn chưa họp hành gì, Meadows đã viết một bức thư cho các lãnh đạo đảng Cộng hòa đề nghị họ loại bỏ Obamacare ra khỏi dự luật cấp ngân sách cho chính phủ Obama trong năm tài khóa tới.

Lá thư có đoạn: “Quyền lực đối với chiếc ví có thể được xem như thứ vũ khí tối thượng và hiệu quả nhất để buộc phải khắc phục mọi điều bất hợp lý”.

Meadows đã thuyết phục thành công 79 đồng nghiệp của mình ký tên vào lá thư trên. Ông thậm chí còn đi xa hơn, dẫn đầu một nhóm 40 nhà lập pháp yêu cầu dự luật cấp ngân sách ngắn hạn cho chính phủ phải loại trừ khoản dành cho những gì gọi là thành tựu trong chính sách đối nội của Tổng thống Obama bấy lâu nay.

Hạ nghị sỹ Mark Meadows được xem là tác nhân chủ yếu khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Meadows giải thích: “Chúng tôi chưa bao giờ có ý định đóng cửa chính phủ. Đó chỉ là việc ngăn chặn luật chăm sóc y tế”.

Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Harry Reid đã gọi những người ủng hộ một kế hoạch như vậy là những kẻ “vô chính phủ”.

“Một ngày tốt cho đảng Trà nhưng lại là một ngày tồi cho chính phủ”, Reid đã phát biểu như vậy tại Thượng viện tuần trước.

Quyết chiến với Obamacare vì đảng Trà

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện ban đầu còn lưỡng lự và bác bỏ kế hoạch trên của Meadows. Chủ tịch Hạ viện John Boehner và nhiều thành viên đảng Cộng hòa cho rằng chiến lược này khiến chính phủ đóng cửa vì Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo sẽ không bao giờ đồng ý với một kế hoạch như vậy.

Mặc dù bức thư của Meadows không đại diện cho đa số ở đảng Cộng hòa nhưng đó là một yếu tố quan trọng thuyết phục được Boehner đảo ngược tình hình và đưa ra một kế hoạch cấp kinh phí cho chính phủ nhưng không cấp kinh phí cho Obamacare.

Meadows nói rằng là lãnh đạo thì phải có trách nhiệm nghĩ cho đảng mình. Dù việc bỏ phiếu lần này có nguy cơ làm tổn hại tới các mục tiêu lâu dài nhưng ông hiểu được điều đó.

“Công việc trước tiên của tôi là phải đảm bảo rằng tôi đại diện cho người dân ở hậu phương”. Vậy nên đối với ông, loại bỏ Obamacare là ưu tiên số 1.

“Bỏ qua điều này nghĩa là phớt lờ trách nhiệm đại diện của chúng ta đối với cử tri”. Ông nói rằng các cử tri muốn ông chống lại Obamacare, bất chấp hậu quả có như thế nào.

Meadows là nghị sỹ Cộng hòa nhưng lại có mối liên hệ rất chặt chẽ với các nhóm hoạt động của đảng Trà và do đó ông là cầu nối cho chương trình nghị sự của họ.

Thực tế, để từ một doanh nhân địa phương lên được vị trí Hạ nghị sỹ, Meadows đã nhận được sự trợ giúp rất đắc lực của các nhóm đảng Trà.

Jane Bilello, trưởng nhóm đảng Trà ở Asheville, Bắc Carolina cho biết, bà hoàn toàn hài lòng với những gì Meadows đã thể hiện trong công việc của ông.

“Meadows đang trở thành hình mẫu tiêu biểu của chúng tôi. Về vấn đề Obamacare, ông ấy đã thực sự đại diện cho chúng tôi”, Bilello nói.

Chính bản thân Meadows cũng thừa nhận: “Chẳng có ai ở Washington D.C từng bầu tôi và cũng chẳng có ai ở đây sẽ bầu tôi. Vì thế tôi phải đại diện cho người dân của quê hương mình”.

Thế nhưng, Meadows thẳng thừng bác bỏ ý kiến cho rằng ông là tác nhân “đổ thêm dầu vào lửa” ở Washington. Meadows khẳng định rằng ông sẵn sàng thỏa hiệp với các đảng viên Dân chủ.

“Thành công cuối cùng của tôi sẽ được đánh giá qua việc liệu chúng ta có thể có được điều gì đó để thỏa hiệp hay không”.
Soha

No comments: