Cảnh sát chống bạo động Trung Quốc vũ trang tận răng biểu dương lực lượng tại Urumqi, Tân Cương ngày 29/06/2013.
(Le Monde 11/07/2013) Tự thiêu hàng loạt tại Tây Tạng, những vụ đụng độ giữa người Duy Ngô Nhĩ và công an tại Tân Cương tăng vọt : căng thẳng đang lên đến cực điểm tại hai khu tự trị ở Trung Quốc, xưa nay luôn bị chính quyền trung ương đàn áp. Tuy nhiên, một số dấu hiệu gần đây khiến người ta nghĩ rằng chính sách của Bắc Kinh có thể đã bớt cứng rắn hơn.BÀI 1 : NHỮNG NGƯỜI THIỂU SỐ BỊ GIÁM SÁT
Từ ba mươi năm qua, Tây Tạng và Tân Cương, hai vùng đất bị nghi ngờ là dân chúng muốn đòi độc lập, luôn bị đàn áp dã man nhân danh việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc. Tại các khu tự trị này, tình hình dường như mỗi ngày lại thêm căng thẳng, và Bắc Kinh hình như chưa rút ra được bài học về ngõ cụt của chính sách thẳng tay đàn áp.
Có phải đây là hồi cuối của một chu kỳ, một đỉnh cao căng thẳng, hay khởi đầu của một sự đặt lại vấn đề ? Nhà tù mênh mông của các dân tộc Trung Quốc đang trong trạng thái căng thẳng tối đa. Chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, hai « dân tộc thiểu số » quan trọng có tín ngưỡng, văn hóa và chính trị hết sức đặc thù, có vẻ như đang trong ngõ cụt. Hàng loạt vụ tự thiêu ở Tây Tạng, những vụ đụng độ giữa người dân và và lực lượng an ninh tại Tân Cương, niềm tin tôn giáo và bản sắc trỗi dậy mạnh mẽ trong giới trí thức và lớp trẻ Tây Tạng cũng như Duy Ngô Nhĩ, sự gắn bó với ngôn ngữ đang bị mất dần (tiếng Tây Tạng và tiếng Duy Ngô Nhĩ, gần với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ)…Những tín hiệu báo động đỏ đối với hai dân tộc chỉ có được quyền tự trị ảo, và bị Bắc Kinh nghi ngờ cao độ là muốn đòi độc lập.
Cho dù người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ đạt được những quyền tự do mới trong một Trung Quốc « bình thường hóa » của Đặng Tiểu Bình từ cuối thập niên 70, đế quốc đỏ này luôn đặt họ dưới một chế độ đặc biệt, ngày càng hiệu quả hơn với quá trình hiện đại hóa tuyệt vời của Nhà nước Trung Quốc. Điều này được thể hiện với việc giám sát và đàn áp bằng công an và quân đội, chính sách thực dân của người Hán, quản lý tôn giáo một cách độc đoán và mức độ cô lập cao độ trước thế giới bên ngoài so với một Trung Quốc « mở cửa » (chẳng hạn người ngoại quốc muốn đến khu tự trị Tây Tạng, ngoài visa của Trung Quốc còn phải xin một giấy phép đặc biệt).
Các cuộc khủng hoảng luôn tái diễn ở Tây Tạng và Tân Cương suốt ba mươi năm theo đuổi chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Chẳng hạn như một loạt các cuộc biểu tình tại Tây Tạng từ năm 1987 đến 1989, cuộc thánh chiến tại vùng Barin, Tân Cương năm 1990. Các sự kiện gần đây nhất vào năm 2008-2009, là hai cú sốc : cuộc nổi dậy ồ ạt tại các khu vực nói tiếng Tây Tạng năm 2008, và các xung đột đẫm máu làm cho gần 200 người chết tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương năm tiếp theo. Những tiếng kêu cảnh báo này bị ĐCSTQ chụp cho cái mũ « khiêu chiến ».
Ban đầu, Bắc Kinh đáp trả bằng chính sách khủng bố : ngoài các nghi can thông thường (tu sĩ, người biểu tình), chính quyền Trung Quốc đã phủ trùm lên giới trí thức Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ – những nhà hoạt động văn hóa làm công việc phản ánh lại những lời ta thán của dân chúng – một làn sóng bạo lực chưa từng thấy từ sau thời kỳ Cách mạng văn hóa. Hàng trăm sinh viên, blogger, nhà báo, ca sĩ bị bắt, bị tra tấn và một số người còn phải lãnh những bản án tù giam nặng nề.
Chủ trương « shock and awe » (tạm dịch: “ dùng lực lượng áp đảo để đè bẹp nhanh gọn”) kiểu Trung Quốc này được kèm theo việc tái áp dụng một cách quy mô phương thức trước đó chỉ dùng đối với các nhà ly khai Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ, có nghĩa là giám sát cao độ và phát triển kinh tế, dưới một phiên bản tinh vi hơn.
« Đó là một thất bại hoàn toàn » - Vương Lực Hùng (Wang Lixiong), một trong những trí thức hiếm hoi của Trung Quốc dám lên tiếng phê phán chính sách của Bắc Kinh đối với Tây Tạng và Tân Cương, nhận định. Đây là các khu vực mà ông đã rong ruổi, và theo với thời gian đã viết ra những bài viết mang tính dự báo, luôn bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Về những biện pháp được dùng để đáp trả các sự kiện năm 2008-2009, ông nói : « Chính sách cơ bản vẫn không thay đổi : hỗ trợ kinh tế đi kèm với việc tấn công vào tất cả mọi phương diện đặc thù của dân tộc thiểu số, cho ra kết quả đi ngược với mong muốn ».
Vương Lực Hùng, chồng của nhà thơ nữ Tây Tạng Tsering Woeser, tỏ ra bi quan về mọi diễn biến của chính sách Trung Quốc đối với Tây Tạng và Tân Cương. Bắc Kinh trở thành tù nhân của « chuỗi lợi ích » đầy uy lực thủ lợi từ hàng loạt biện pháp trấn áp các phong trào ly khai và duy trì ổn định. Hơn nữa, các « hỗ trợ » kinh tế hay đầu tư cho hai khu tự trị này lại phản tác dụng : chỉ toàn dành ưu tiên cho người Hán hay các quan chức địa phương về hùa với Bắc Kinh. Cuối cùng, chính sách cưỡng bức tái định cư người Tây Tạng chẳng hạn, mà mới đây một báo cáo của Human Rights Watch đã tố cáo, đã gây oán thán nhiều hơn là hài lòng.
Trở ngại chính trong chiến lược Trung Quốc tại Tân Cương và Tây Tạng, là « mô hình hiện đại hóa khu vực một cách áp đặt thay vì thương thảo. Mô hình này dựa trên một chính sách siết chặt, đặt ra nhiều hạn chế liên quan đến các mệnh lệnh về an ninh và dành ưu tiên cho người Hán tộc để thúc đẩy quá trình thực dân hóa bằng dân số áp đảo ». Rémi Castets, nhà Trung Quốc học và là chuyên gia về Tân Cương thuộc trường đại học Khoa học Chính trị Bordeaux, Pháp nhận xét như trên.
Ông giải thích về cuộc khủng hoảng hiện nay : « Người Duy Ngô Nhĩ muốn có sự thay đổi, được giao quyền chủ động trong việc hiện đại hóa khu vực. Đối với họ, mô hình này cần phải đặt người dân địa phương vào trung tâm của vấn đề, thích ứng với những đặc thù dân tộc và nhu cầu của họ. Họ không coi mình là người Hán, họ có một nền văn hóa riêng, tôn giáo riêng và quan niệm về thế giới khác hẳn, do đó không thể quy phục theo mô hình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc vì như thế sẽ phải từ bỏ bản sắc của mình ».
Chuyên gia này nói tiếp : « Trong mô hình lý tưởng đối với một số người Duy Ngô Nhĩ, thì người Hán sẽ là những người khách biết tôn trọng chủ nhà Duy Ngô Nhĩ, và chính quyền Trung Quốc là đối tác - một đối tác kinh tế. Những nỗ lực của Bắc Kinh sẽ được công nhận một phần, cho dù theo người Duy Ngô Nhĩ thì thực dân người Hán thủ lợi quá nhiều. Bắc Kinh không thể là kẻ chủ xướng độc đoán một mô hình hiện đại hóa bằng cách Hán hóa, dựa trên cưỡng bức vàhăm dọa ».
Lực lượng cảnh sát bán quân sự Trung Quốc tuần tra ở Urumqi, Tân Cương.
Việc tối ưu hóa và củng cố các biện pháp theo dõi là một trong những sự kiện nổi bật trong những năm tiếp theo thời kỳ 2008-2009 tại Tây Tạng và Tân Cương. Ở khu tự trị Tây Tạng, Human Rights Watch tiết lộ là vào năm 2012 chính quyền địa phương đã thiết lập hệ thống kiểm soát khu vực, dựa theo mô hình đã được thử nghiệm tại các khu phố ở Bắc Kinh năm 2007.
Đó là việc tái lập mức độ kiểm soát song hành, một loại « mạng lưới » có thể vừa thu thập tất cả các loại thông tin (thông qua nhiều biện pháp trong đó có việc sử dụng camera quan sát, nghe lén, xâm nhập hệ thống vi tính…đã trở thành phổ biến tại Trung Quốc), và đưa ra những đáp trả thích hợp cho việc « duy trì ổn định » - trước hết tại thủ phủ Lhassa, rồi sau đó mở rộng ra « các khu vực phụ cận, các chùa chiền và vùng nông thôn ».
Hệ thống này hợp thành bởi các « tổ an ninh dân phố » gồm các dân thường và cán bộ, và cũng hoạt động nhờ một mạng lưới đồn công an mini (Human Rights Watch đếm được có 676 đơn vị dân phòng như thế vào tháng 7/2012), được lập nên trên toàn khu tự trị. Hoạt động này một phần mang tính đề phòng : các cuộc biểu tình và hầu hết trong số 119 vụ tự thiêu trong hai năm gần đây chủ yếu diễn ra trong các khu vực Tây Tạng của tỉnh Tứ Xuyên, Cam Tư và Thanh Hải. Tất cả nhằm giữ ổn định tại khu tự trị Tây Tạng, vốn đã bị kiểm soát hết sức nghiêm ngặt.
Tại Tân Cương, hệ thống các tổ an ninh dân phố tương tự đã dẫn đến các vụ tự tiện khám xét nhà dân của các ê-kíp dân phòng vốn có tiếng là thù ghét các lễ nghi tôn giáo, kể cả tại nhà riêng. Alim Seytoff, người điều hành tổ chức phi chính phủ lưu vong Uyghur Human Rights Project (UHDP) có trụ sở ở Washington cho biết, tình trạng trên đã đạt đến mức độ mà « những người Duy Ngô Nhĩ bình thường cũng không thể biết được hoạt động lễ bái nào là hợp pháp hay không hợp pháp ! ».
Trong một báo cáo công bố vào tháng Năm, tổ chức này đã liệt kê cụ thể những vụ truy bức thường xuyên các phụ nữ đội khăn choàng, những người đàn ông để râu quai nón, việc dạy kinh Coran cho trẻ em…Các biện pháp can thiệp được xem là quá thô bạo như lục soát tư gia liên tục, và quyền hành quá lớn của những kẻ thực hiện (thường là do một loại dân quân người Duy Ngô Nhĩ), là nguyên nhân của vô số vụ xung đột trong những tháng gần đây, được các phương tiện truyền thông của cộng đồng ghi nhận. Nhiều vụ kết thúc bằng việc giết hại những kẻ khám nhà, hay tấn công vào các đồn công an. Các vụ này luôn bị chính quyền gọi là « tấn công khủng bố ».
Số lượng tăng cao của các vụ đụng độ quy mô tại Tân Cương kể từ tháng Ba đến nay (21 người chết hôm 23/04/2013 tại Kachgar, gần 40 người chết ở Tourfan hôm 26/6, và có thể khoảng hai chục tại Hotan ngày 28/6) đã dẫn đến việc triển khai ồ ạt công an và quân đội hôm 5/7, nhân kỷ niệm các vụ nổi dậy năm 2009, và khởi đầu mùa chay Ramadan ngày 8/7. Một chiến dịch an ninh mới được loan báo hôm 2/7, cấm sở hữu dao, chất nổ và các khẩu hiệu ly khai. Các quy định mới có mức độ cụ thể đến bất ngờ : từ nay cấm hẳn các loại dao dài hơn 22 cm, trong đó phần lưỡi dao dài quá 15 cm. Một biện pháp độc đáo và lố bịch, cho phép bắt giữ nhanh chóng và hàng loạt những người liên quan, nhằm gieo rắc nỗi sợ.
Việc biểu dương lực lượng quy mô này đã khiến cho người Duy Ngô Nhĩ nhận ra một thực tế phũ phàng : mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Trung Quốc là đáp ứng mối lo sợ về an ninh của người Hán ở Tân Cương và cũng ở phần còn lại của Hoa lục (người Hán tộc chiếm 40% dân số Tân Cương, và 93% dân số Trung Quốc). Đối với người Hán, thì người Duy Ngô Nhĩ luôn bị coi là nguy hiểm. « Cực đoan, ly khai và khủng bố » - đó là ba đặc tính mà hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh đua nhau mô tả.
Chuyên gia Rémi Castets nhận định : « Đây là một show trình diễn dành cho dư luận Trung Quốc: ĐCSTQ chứng minh tính chính danh của mình một phần dựa vào khả năng duy trì toàn vẹn lãnh thổ, và như vậy có một tầm vóc quốc gia rất lớn trong việc giữ gìn ổn định ở Tân Cương. Các vụ nổi dậy năm 2009 bị cáo buộc là do các lực lượng thù địch nước ngoài xúi giục. Và đối với Bắc Kinh, sẽ là bi kịch nếu người Trung Quốc gốc Hán rời Tân Cương : điều này khiến phải đặt lại vấn đề về chiến lược gia tăng ồ ạt sự hiện diện của người Hoa ».
Tại Tây Tạng, bản tổng kết cũng không phấn khởi gì hơn. Ngoài vài nhà ly khai và trí thức, con số khoảng 120 vụ tự thiêu xảy ra từ năm 2009 đến nay không gây được xúc động nào cho người dân Trung Quốc. Nhà văn nữ và là cựu tù nhân lương tâm Chương Di Hòa (Zhang Yihe) nói với chúng tôi : « Ngay cả trong giới trí thức Trung Quốc vẫn còn thiếu chín chắn rất nhiều. Họ rất có ý thức là một con người cần phải được độc lập. Nhưng một dân tộc thiểu số muốn được độc lập, thì đối với họ là một điều hoàn toàn không thể hiểu nổi ! »
Chân dung Đạt Lai Lạt Ma tại chùa Kumbum, Thanh Hải, ngày 06/07/2013.
BÀI 2 : MỘT THOÁNG MỞ CỬA CHO TÂY TẠNG
(Le Monde 11/07/2013) Đó là một loạt những dấu hiệu mơ hồ, gợi lên những hy vọng về một chính sách linh hoạt hơn của Trung Quốc đối với Tây Tạng, và như thế cũng có thể hy vọng cho Tân Cương. Dấu hiệu gần đây nhất là việc cho phép đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Gary Lock cùng với gia đình đến Tây Tạng vào cuối tháng Sáu. Đây là một nhượng bộ, vì người tiền nhiệm của ông Locke đã đến đây vào năm 2010.
Vài ngày trước đó, hôm 20/06/2013, cái tin Rigzin Wangmo, con gái của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 - thủ lĩnh tinh thần số hai của Phật giáo Tây Tạng - thăm đền Jokhang ở Lhassa, đã lan truyền tại thủ phủ Tây Tạng và gây ra một sự xúc động sâu sắc. Rigzin Wangmo sống tại Bắc Kinh. Và người cha của cô, qua đời ở tuổi 51 tại Tây Tạng năm 1989 vẫn là biểu tượng chiến đấu cho danh dự của người Tây Tạng. Ngài đã mất trong các điều kiện mà chính phủ Tây Tạng lưu vong xem là đáng ngờ, sau khi tuyên bố lòng trung thành của mình với Đạt Lai Lạt Ma.
Trong số những dấu hiệu mở cửa dè dặt này, đáng chú ý nhất là cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Hồng Kông Á châu Tuần san hôm 9/6 của bà Cận Vi (Jin Wei), giám đốc ban Dân tộc và Tôn giáo Trường Đảng Trung ương tại Bắc Kinh. Vẫn trung thành với ý thức hệ chính thống, nhưng bà Cận Vi đưa ra những lý lẽ khác hẳn so với truyền thống tuyên truyền bôi nhọ Đạt Lai Lạt Ma.
Bà khẳng định cần quan tâm đến « tình cảm của hàng triệu người Tây Tạng » đối với lãnh tụ tinh thần của họ, « vị thánh sống của sáu triệu người Tây Tạng ». Bà nói : « Chúng ta không thể đơn thuần coi ông như là một kẻ thù, còn có những phương cách khác hơn là sự thù địch ». Theo nhà nghiên cứu này, thì cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là« đối với cả hai bên, cần phải tiến hành các cuộc thương lượng nghiêm túc, chân thành và mang tính xây dựng ». Có nghĩa là nối lại các cuộc thương thảo giữa các đặc sứ của Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh, đã bị bế tắc từ năm 2010. Bà Cận Vi cũng đề nghị để cho Đạt Lai Lạt Ma được đến…Hồng Kông.
Các đề nghị của bà Cận Vi không phải là vô bổ. Chúng được đưa ra trong lúc ê-kíp lãnh đạo mới của Trung Quốc, được chỉ định vào tháng 11/2012, đã hoàn tất việc lập tân chính phủ vào tháng 3/2013. Trong số bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị, người phụ trách hồ sơ Tây Tạng – Tân Cương nay là Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) : báo chí Trung Quốc hồi tháng Sáu tiết lộ, ông là là « trưởng nhóm công tác về Tây Tạng và Tân Cương ».
Bà Cận Vi, mà những phát biểu trên đã gây được tiếng vang rộng rãi trên truyền thông phương Tây và cộng đồng người Tây Tạng, đã được ủy nhiệm để gởi đi một thông điệp thông qua báo chí Hồng Kông ? Có thể lắm. Thái độ bất thường của bà gợi nhớ lại cuộc cách mạng nho nhỏ của giới đại học Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên, với những lời lên án gay gắt - như Đặng Duật Văn (Deng Yuwen), một người có trách nhiệm của tờ báo Trường Đảng Trung ương vào tháng Hai đã kêu gọi « hãy bỏ rơi Bình Nhưỡng ».
Nhà ly khai Hồ Bình (Hu Ping) ở Mỹ, đã bình luận ngày 24/6 trên đài RFA : « Một số viên chức ĐCSTQ và trí thức vẫn chưa hoàn toàn mất hết lương tâm, không thể không quan ngại trước tình hình hiện nay tại Tây Tạng. Họ cần chứng tỏ cho thấy là họ không đồng ý với chính quyền và hy vọng sẽ có những thay đổi ». Được Le Monde hỏi qua điện thoại, bà Cận Vi trả lời bằng tin nhắn hôm 28/6 là bà không chấp nhận trả lời phỏng vấn, và thêm một câu đầy hàm ý: « Quý vị chắc hẳn phải biết vì sao, nhưng rất tiếc là tôi không thể nói ra », kèm theo là một smiley mặt cười.
Nhà văn nữ Tsering Woeser, tiếng nói độc lập duy nhất của Tây Tạng cất lên từ Trung Quốc, cho biết cảm thấy báo động về phần cuối của bài phỏng vấn bà Cận Vi. Trong phần này nhà nghiên cứu giải thích, điều quan trọng đối với Trung Quốc là đảm bảo rằng « chỉ có một hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma », và « trong nội địa Hoa lục » (Đạt Lai Lạt Ma năm nay 78 tuổi, đã từng tuyên bố là ngài không loại trừ trường hợp sẽ tái sinh ở ngoại quốc).
Cận Vi nhấn mạnh, đó là nhằm « tránh vụ rắc rối có hai Ban Thiền Lạt Ma ». Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 hiện nay là do Bắc Kinh chọn lựa và bị người Tây Tạng coi là giả danh, còn vị Ban Thiền chính thức của các đặc sứ Đạt Lai Lạt Ma đã mất tích cùng với gia đình, người ta nghi ngờ là bị tình báo Trung Quốc bắt cóc.
Bà Cận Vi hoan nghênh việc một khi vấn đề Đạt Lai Lạt Ma đã được giải quyết, « ám ảnh của phương Tây về Đạt Lai Lạt Ma sẽ phai nhạt đi ». Mục tiêu này của Trung Quốc khiến Tsering Woeser sững sờ. Nhà văn nữ thấy đây chỉ là mánh lới của Bắc Kinh, mưu toan thủ lợi qua việc truyền ngôi của người lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, dù phải nhượng bộ đôi chút.
Một thông tin đáng ngạc nhiên khác, ban đầu do một trang mạng cộng đồng Tây Tạng loan ra, càng làm tăng thêm những nhập nhằng : Trong khuôn khổ chính sách thử nghiệm tại một số vùng ở Thanh Hải và Tứ Xuyên, có những nhà sư được bắn tín hiệu là từ nay họ được phép chưng ảnh chân dung của Đạt Lai Lạt Ma, không yêu cầu họ phải « chỉ trích » ngài nữa.
Những lời phủ nhận khi các hãng thông tấn phương Tây gọi đến các chùa, rồi cải chính của cơ quan phụ trách tôn giáo Trung Quốc đã làm nguội đi nhiệt tình. Và để lại một sự phân vân lạ thường : liệu đây có phải là tin đồn sai lạc ? Một quả bóng thăm dò ? Một sự khoan dung tạm thời mà tổ chức phi chính phủ ICT (International Campaign for Tibet) đã từng ghi nhận trong quá khứ, vào thời điểm cận kề sinh nhật Đạt Lai Lạt Ma ngày 6/7 ? Tuy về mặt chính thức thì bị cấm đoán, nhưng trên thực tế chân dung của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng vẫn được treo trong các chùa, và khi bị kiểm tra thì sẽ được giấu đi.
Robert Barnett, nhà Tây Tạng học thuộc trường đại học Columbia nhận định : « Có thể do gây tiếng vang ồn ào nên họ đã thay đổi ý kiến ». Theo ông, điều mới mẻ là có một văn bản yêu cầu không đả kích Giải Nobel hòa bình, vốn thường xuyên bị mô tả là một nhà ly khai và là một « con chó sói khoác lớp da một con cừu ». Ông nói : « Việc cho ngưng lại các chiến dịch tố cáo Đạt Lai Lạt Ma là một sự kiện đầy ý nghĩa, vì đây là điều quan trọng và là trung tâm của chính sách Trung Quốc tại khu tự trị Tây Tạng. Chính quyết định tăng cường tố cáo trong những năm 2000 tại các vùng người Tây Tạng sinh sống gần khu tự trị, cuối cùng đã đẩy những người Tây Tạng ở Tứ Xuyên, Thanh Hải hay Cam Tư phải xuống đường ».
Thời kỳ hậu Đạt Lai Lạt Ma là một câu hỏi lớn trong những năm tới : lời kêu gọi tuyệt vọng về việc để cho ngài trở lại Tây Tạng, vốn là yêu sách chính của cuộc nổi dậy năm 2008, đã nhận được câu trả lời đáng ngờ của chính quyền Trung Quốc, dưới dạng đàn áp dã man.
Thái độ của một Trung Quốc thời Hồ Cẩm Đào, cựu « đao phủ của Lhassa » (ông ta là Bí thư Lhassa trong thời kỳ thiết quân luật), là sự lần khân : chỉ cần chờ đợi Đạt Lai Lạt Ma qua đời thì những người Tây Tạng, mất đi lãnh tụ, cuối cùng cũng sẽ chấp nhận khái niệm tình hữu nghị giữa các dân tộc theo kiểu Trung Quốc. Một Trung Quốc của Tập Cận Bình nếu xử sự theo cách khác, không có nghĩa là những người Tây Tạng đã đạt đến tận cùng nỗi đau, nhưng dù sao cũng đã là một tiến bộ.
Thuỵ My
1.HOT Links vềThủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng 2.HOT Links vềTướng Nguyễn Văn Hưởng 3.HOT Links vềThống đốc Nguyễn Văn Bình 4. HOT Links Nhómtội phạm Việt Nam 5. HOT Links vềChủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng 6.Hot Links vềTổng cục 27.Hot Links vềNội các Chính Phủ 8.Hot Links vềchủ quyền 9.Hot Links vềPhạm Chí Dũng 10.HOT Links vềVinaline 11.Hot LinksVikileaks 12.Hồ sơ Beo HồThị Thu Hồng13.Hồ sơ MafiaTàu tại VN 14.Dân chủ& Đảng phái 15.Giớpchóp bu Hà Nội chống tham nhũng? 16. Các vụ án Ngân hàng khác 17. Đấu tranh cho nền dân chủ 18. Thơ văn 19. Hồ sơ các nạn nhân đại gia 20. Giáo dục 21. Gián điệp
No comments:
Post a Comment