Wednesday, July 17, 2013

Ngân hàng có lấy tiền đồng để đi buôn vàng?


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét lại cách thức đấu thầu vàng sau khi đã tổ chức 44 phiên đấu thầu, tung ra thị trường hơn 45 tấn vàng.
Đấu thầu vàng: Giải pháp quá độ

Tính đến nay, NHNN đã tổ chức 44 phiên đấu thầu vàng miếng, tung hơn 45 tấn vàng ra thị trường, song hầu hết lượng vàng mà NHNN tung ra đấu thầu đều được thị trường hấp thụ nhanh, kể cả các phiên đấu thầu sau ngày 30/6/2013.

Lý giải tình trạng trên, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cho rằng, có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, vàng đang trong thời điểm lình xình, nên người dân vẫn có tâm lý giữ vàng, ít người bán ra.

Thứ hai, doanh nghiệp, ngân hàng muốn kinh doanh vàng, phải có nguồn vàng. Với cơ chế độc quyền nhập khẩu vàng của NHNN hiện nay, doanh nghiệp, ngân hàng chỉ có cách trông chờ vào nguồn vàng đấu thầu.

Ông Long cũng cảnh báo, tình trạng trên, nếu kéo dài, sẽ rất nguy hiểm.

“Nếu NHNN cứ nhập khẩu vàng liên tục, tung vàng ra, hút tiền đồng về, thì vô tình đã ‘chôn’ một khối tài sản lớn, không đưa vào sản xuất. Điều này, đứng về góc độ phát triển sản xuất, kinh doanh là không nên. Hiện lượng vàng trong dân ước khoảng 400 - 500 tấn, trong khi chưa có cách khai thác để đưa số vàng này vào phát triển kinh tế - xã hội, mà lại tiếp tục tung vàng ra bán cho dân là đi ngược mục đích đề ra ban đầu. Đây là mặt trái của đấu thầu vàng mà NHNN cần xem xét lại. Vấn đề là, có nên đấu thầu nữa hay không”, ông Long khuyến cáo.

Liên quan đến vấn đề trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, giá vàng biến động trong bối cảnh ngân hàng dư thừa tiền đồng đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt là việc có hay không ngân hàng lấy tiền đồng để đi buôn vàng. Nếu chuyện này là có thật, NHNN nên cân nhắc lại việc đấu thầu vàng, cũng như cho phép ngân hàng kinh doanh vàng.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp quá độ. Về lâu dài, Hiệp hội hy vọng, NHNN nên trao công cụ thị trường cho các doanh nghiệp, không để các doanh nghiệp kinh doanh vàng trông chờ nguồn cung từ NHNN.

Cần thay đổi cách thức đấu thầu vàng

Theo TS. Ngô Trí Long, việc NHNN tiếp tục đấu thầu vàng, bán vàng ra theo giá thị trường, mà không ép giá xuống, thì sẽ không thể rút ngắn được khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Cũng theo ông Long, việc kéo sát giá vàng trong nước với giá thế giới không hề khó khăn. Cụ thể, NHNN có thể mua tay phải, bán tay trái với giá hợp lý. Đồng thời, cơ chế đấu thầu vàng miếng cũng phải thay đổi. NHNN hạ thấp giá vàng đấu thầu, đồng thời đưa ra quy định giá trần, chỉ cho phép DN, ngân hàng “ăn” chênh lệch ở tỷ lệ nhất định. Khi đó, giá vàng bán ra trên thị trường sẽ hạ theo.

“Mặc dù NHNN cho rằng, cơ quan này không kiểm soát được giá vàng bán lẻ, song theo ông Long, việc kiểm soát giá bán lẻ vàng hoàn toàn khả thi, vì điều kiện kinh doanh vàng rất chặt chẽ. Việc NHNN nói không thể kiểm soát giá vàng bán lẻ là không hợp lý, bởi cơ quan này đã độc quyền nhập khẩu, độc quyền thương hiệu vàng SJC, thì hoàn toàn có thể ấn định giá”, TS. Ngô Trí Long nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng không phải là không làm được. Song vấn đề hiện nay là khoản lợi nhuận thu về từ chênh lệch giá vàng quá lớn khiến nhà điều hành và doanh nghiệp, ngân hàng đều chần chừ.

Không tán thành ý kiến trên, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, nếu NHNN dồn dập bán vàng giá rẻ ra thị trường, không loại trừ nhu cầu vàng của người dân sẽ tăng vọt. Trong bối cảnh lãi suất tiền đồng và USD giảm sâu, việc bán vàng giá rẻ, sẽ khiến nhu cầu vàng tăng đột biến, ảnh hưởng đến nguồn vốn của ngân hàng và cả nền kinh tế.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về thời điểm kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, song các chuyên gia, ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng đều thừa nhận, chênh lệch giá vàng hiện nay là quá lớn. Theo đó, mức chênh lệch giá phù hợp chỉ nên ở mức 2-3 triệu đồng/lượng. Thậm chí, TS. Ngô Trí Long cho rằng, chênh lệch giá vàng chỉ nên 45 - 50 USD (khoảng 1 triệu đồng/lượng) là hợp lý.

Theo Trần Mạnh - Đầu tư

No comments: