Wednesday, May 22, 2013

TRUNG QUỐC: BAN LÃNH ĐẠO MỚI SẼ ĐƯA ĐẤT NƯỚC ĐI ĐẾN ĐÂU?

Giờ đây, khi tiến trình chuyển giao lãnh đạo của Trung Quốc đã hoàn thành, thế giới đang đặt câu hỏi: Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ đưa đất nước mình đến đâu? Liệu tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng sự của nhà lãnh đạo này có thực hiện được mục tiêu thiết lập một xã hội dưới sự cai trị của luật pháp hay không? 
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Công) số ra ngày 8/4, ông Ira Belkin, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Luật pháp Mỹ-Châu Á thuộc Đại học New York cho rằng đến nay Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát đi những tín hiệu lẫn lộn. Nhà lãnh đạo này đã nói về sự khoan dung đối với những người chỉ trích gay gắt Đảng Cộng sản Trung Quốc, hủy bỏ hoạt động cải tạo lao động, và “đặt quyền lực vào một khuôn khổ mang tính chất tập thể” để ngăn chặn nạn tham nhũng của giới quan chức. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng tham khảo ý kiến các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc “quan tâm đến những sai lầm gây nên sự sụp đổ khi chúng trở thành những vấn đề cơ bản”.

Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cải cách luật pháp, nhưng vẫn có những trở ngại lớn đối với việc thực hiện sự cai trị của luật pháp. Các tòa án Trung Quốc vẫn phải chịu những sự can thiệp chính trị. Nhà nước độc đảng Trung Quốc vẫn trừng phạt những người chỉ trích chính phủ, khép họ vào những tội danh mơ hồ như gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và tống họ đi cải tạo lao động, hoặc đơn giản là dùng vũ lực để giam hãm họ ngay tại nhà (quản thúc tại gia). Các quan chức địa phương bắt giữ những người khiếu kiện và tống giam họ vào những nhà tù bí mật để ngăn cản họ nói lên tiếng nói bày tỏ sự bất bình.

Theo Hiến pháp Trung Quốc, các tòa án có sự hoạt động độc lập và người dân được đảm bảo quyền tự do ngôn luận và quyền đệ đơn khiếu nại. Các nhà tù bí mật, hoạt động quản thúc tại gia và những vụ can thiệp chính trị vào những quyết định của cơ quan tư pháp, những sự trừng phạt vì thể hiện tự do ngôn luận…, tất cả những việc này đều trái với luật pháp Trung Quốc. Những hành động này là một sự vi phạm pháp luật Trung Quốc hay có một số điều về hệ thống luật pháp Trung Quốc mà người bên ngoài không hiểu được?

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường đề cập đến một “hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc” nhưng “chủ nghĩa xã hội” của họ có ý nghĩa là gì và những “đặc sắc Trung Quốc” là gì? Dường như chưa bao giờ có một lời giải thích và chúng ta buộc phải tự suy luận về việc tại sao Trung Quốc có vẻ như không tuân theo những quy định pháp luật của riêng họ, đặc biệt là trong những trường hợp được cho là “nhạy cảm”. Tại sao Chính phủ Trung Quốc lại áp đặt biện pháp trừng phạt nặng nề như vậy đối với những người chỉ trích, những người không làm gì hơn việc đăng tải những bài viết trên Internet? Tại sao Chính phủ Trung Quốc lại bắt giữ người dân mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng và không có tiến trình xử lý phù hợp với quy định của pháp luật?

Liệu điều đó có thể là do bất chấp tất cả những thay đổi to lớn trong xã hội Trung Quốc, nguyên tắc định hướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là tư tưởng Cộng sản được nêu lên trong bài diễn văn nổi tiếng của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1957 về việc “giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn trong nhân dân?” Theo Mao Trạch Đông, có hai loại mâu thuẫn: những mâu thuẫn trong nhân dân và những mâu thuẫn “giữa bản thân chúng ta với kẻ thù”.

Những mâu thuẫn trong nhân dân có thể được loại bỏ thông qua sự thuyết phục nhưng khi chúng trở thành những mâu thuẫn với kẻ thù, chúng phải bị sửa đổi thông qua lao động bắt buộc hoặc là bị loại bỏ.

Mao Trạch Động phân biệt giữa bạn bè và kẻ thù như thế nào? Định hướng duy nhất mà nhà lãnh đạo này đã đưa ra là sự nhận diện bởi tầng lớp và một bài thử nghiệm sự trung thành đơn giản: Anh theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi.

Chưa bao giờ có một tiêu chuẩn chỉ đạo được viết ra và không có tiến trình nào để xác định ai là người phản cách mạng và ai không phải là người phản cách mạng. Chắc chắn không có tiến trình nào thách thức quyết định một khi nó đã được đưa ra.

Biện pháp “giải quyết những mâu thuẫn” của Mao Trạch Đông là định nghĩa riêng về tính độc đoán và nó dẫn tới những chiến dịch chính trị hung bạo lên đến cực điểm kinh hoàng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Liệu những suy nghĩ của cộng sản từ những năm 1950 có chỗ đứng ở xã hội Trung Quốc ngày nay hay không? Định hướng của Mao Trạch Đông trong cách thức giải quyết những mâu thuẫn, về bản chất là một sự chối bỏ việc thực hiện sự cai trị của pháp luật.

Ở một mức độ tối thiểu, một xã hội nằm dưới sự cai trị của luật pháp đòi hỏi những tiêu chuẩn rõ ràng về hành vi và thủ tục pháp lý công bằng để xác định xem liệu những tiêu chuẩn đó có bị vi phạm hay không. Trung Quốc đã thực hiện một hiến pháp rõ ràng là bóp nghẹt sự cai trị của luật pháp và đã thông qua sự xây dựng luật pháp dường như đặt ra những tiêu chuẩn về hành vi. Đến nay Nhà nước độc đảng Trung Quốc dường như vẫn giữ cho bản thân mình quyền không để ý gì đến Hiến pháp và luật pháp khi can thiệp bằng mệnh lệnh để loại bỏ những gì mà nó cho là kẻ thù.

Có sự biện minh về mặt lương tâm hoặc thậm chí một sự biện minh thực tế cho tình trạng vô pháp luật rõ ràng như vậy hay không? Có phải rằng sự cấp bách phải duy trì trật tự xã hội của nhà nước độc đảng giải thích tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy có lý do chính đáng để phớt lờ các nguyên tắc hiến pháp và lập pháp? Có phải họ vẫn chú ý đến lời hô hào của Mao Trạch Đông nhằm định danh các kẻ thù của nhà nước và xử lý chúng mà không cần sử dụng đến bất kỳ khuôn khổ pháp lý nào?

Một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tin rằng xã hội Trung Quốc chỉ có thể duy trì sự ổn định khi Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì được sự độc quyền của họ về mặt quyền lực chính trị. Quan điểm này cực đoan đến mức tất cả những lời chỉ trích nhằm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có thể bị cho là những nỗ lực nhằm làm suy yếu quyền lực của đảng này và do vậy đe dọa sự ổn định xã hội. Điều này dường như là lý lẽ để họ biện minh việc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến.

Liệu có phải hiện vẫn chưa phải lúc để thách thức tư tưởng giả định này? Việc nắm giữ quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc hầu như không bị nghi ngờ. Nguy cơ thực tế duy nhất đối với quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc là khả năng tự gây cho mình những vết thương khiến đảng này mất đi sự ủng hộ của số đông. Sử dụng luật pháp để điều chỉnh các mối quan hệ của người dân với nhau, giữa người dân với nhà nước, và giải quyết “những mâu thuẫn” xuất hiện, là biện pháp ổn định nhất và văn minh nhất trong việc giải quyết những tranh chấp và làm tiêu tan những xung đột xã hội.

Những sự chỉ trích đối với chính quyền đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nhà chức trách Trung Quốc về những vấn đề xã hội cần phải giải quyết. Những vụ việc lớn đôi khi trở thành những vụ bạo lực không phải là kết quả của sự kích động từ bên ngoài mà là kết quả do những sự bất bình của người dân không được giải quyết. Không có sự cai trị của luật pháp để giải quyết những mối bất bình này theo một cách thức văn minh và hiệu quả, người dân có thể và buộc phải sử dụng đến những hành động có xu hướng làm suy yếu sự ổn định xã hội.

Thực hiện sự cai trị của pháp luật không những không làm suy yếu sự ổn định xã hội, mà ngược lại, tăng cường sự ổn định xã hội. Sự cai trị của pháp luật về cơ bản là không phù hợp với việc sử dụng quyền lực một cách chuyên quyền độc đoán mà Mao Trạch Đông khuyến khích trong một giai đoạn rất khác biệt ở một kiểu xã hội rất khác biệt. Đây không phải là một thời điểm tốt đẹp để các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ bỏ phương pháp giải quyết những mâu thuẫn và thay vào đó thực hiện rõ ràng sự cai trị của pháp luật hay sao?.

(Tạp chí “Time ”, 4/2/2013)

Chính khách lão thành của Xingapo đưa ra những nhận định thấu đáo và dự báo về Trung Quốc và thế giới, trong một bài phỏng vấn mới được sắp xếp lại một cách riêng biệt dưới đây.

- Liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc có nghiêm túc về ý định thay thế Mỹ trở thành cường quốc số 1 ở châu Á và cuối cùng là thế giới?

+ Tất nhiên. Bằng một phép màu kinh tế, họ đã biến một xã hội nghèo đói giờ đây trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đang trên đường trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Họ đã tiếp bước nước Mỹ trong việc đưa người lên vũ trụ và dùng tên lửa bắn hạ vệ tinh. Họ có nền văn hóa 4000 năm, với 1,3 tỷ người, với lực lượng đông đảo những người rất tài giỏi. Tại sao họ lại không khao khát vị trí số 1 tại châu Á và cuối cùng là thế giới? Người Trung Quốc đã nâng cao kỳ vọng và mong muốn của họ. Tất cả người Trung Quốc đều muốn một Trung Quốc giàu mạnh, một quốc gia thịnh vượng, tiến bộ và công nghệ cao cạnh tranh như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Ý thức được thức tỉnh về vận mệnh này là một động lực ghê gớm. Người Trung Quốc sẽ muốn chia sẻ thế kỷ nàv một cách bình đẳng với Mỹ.

- Cách hành xử của Trung Quốc đòi với những nước khác sẽ thay đổi như thế nào nếu Trung Quốc trở thành cường quốc châu Á thống trị?

+ Điều cốt lõi trong tư duy của họ là thế giới của họ trước khi có sự thực dân hóa, sự bóc lột và sự xúc phạm mà thực dân hóa đã mang lại. Đối với người Trung Quốc, Trung Quốc có nghĩa là Vương quốc ở trung tâm, gợi lại một thế giới mà ở đó họ chi phối cả khu vực này, khi những nhà nước khác quan hệ với họ như những kẻ cầu khẩn trước đấng bề trên và là những nước chư hầu đến Bắc Kinh để cống nạp. Liệu một Trung Quốc công nghiệp hóa và hùng mạnh sẽ trở nên ôn hòa với Đông Nam Á như Mỹ kể từ năm 1945? Xinhgapo không chắc. Cả Brunây, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Thái Lan và Việt Nam cũng không chắc. Chúng ta đã nhìn thấy một Trung Quốc tự tin và sẵn sàng có những lập trường cứng rắn. Nỗi lo lắng của Mỹ là họ sẽ phải đối mặt với kiểu thế giới nào khi Trung Quốc có thể giành lấy vị trí thống trị của họ. Nhiều quốc gia vừa và nhỏ ở châu Á cũng lo lắng. Họ lo sợ rằng Trung Quốc có thể muốn khôi phục lại vị thế đế quốc như họ đã từng có trong những thế kỷ trước đây và lo sợ về việc bị đối xử như những nước chư hầu, phải cống nạp cho Trung Quốc như họ đã từng phải làm trong những thế kỷ trước. [Người Trung Quốc] nói với chúng ta rằng các nước dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng như nhau; [rằng họ] không phải bá chủ. Nhưng khi chúng ta làm điều gì đó mà họ không thích, họ tuyên bố rằng bạn khiến 1,3 tỷ dân không hài lòng. Vì thế hãy biết vị thế của mình.

- Chiến lược của Trung Quốc đề trở’ thành cường quốc số 1 là gì?

+ Người Trung Quốc đã kết luận rằng chiến lược tốt nhất của họ là xây dựng một tương lai vưng mạnh và thịnh vượng, dùng lực lượng lao động đông đảo và ngày càng lành nghề, và có trí thức của họ để bán nhiều hơn và xây dựng nhiều hơn tất cả những nước khác. Người Trung Quốc đã tính toán rằng họ cần từ 30 đến 40 – có thể là 50 – năm hòa bình và yên lặng để đuổi kịp và tăng cường hệ thống của họ, và thay đổi nó từ hệ thống cộng sản sang hệ thống thị trường. Họ phải tránh được những sai lầm của Đức và Nhật Bản. Cuộc tranh giành quyền lực, tầm ảnh hưởng và các nguồn lực của nhũng nước này trong thế kỷ trước đã dẫn đến 2 cuộc chiến tranh tàn khốc. Sai lầm của Nga là họ đã chi quá nhiều cho quân sự và quá ít cho công nghệ dân sự đến mức nền kinh tế của họ đã sụp đổ. Tôi tin rằng ban lãnh đạo Trung Quốc đã học được rằng nếu người ta cạnh tranh với Mỹ về vũ trang, người ta sẽ thua. Người ta sẽ tự phá sản. Vì vậy hãy biết cúi đầu và mỉm cười trong 40 đến 50 năm.

- Những khó khăn chính trong việc thực hiện chiến lược đó là gì?

+ Sẽ có những áp lực to lớn vì quy mô của nước này và bản chất nan giải của các vấn đề: cơ sở hạ tầng nghèo nàn, các thể chế yếu kém, những hệ thống sai lầm mà họ đã thiếp lập nên. Những suy luận theo một hướng duy nhất từ thành tựu khác thường của Trung Quốc là không thực tế. Trung Quốc có nhiều khó khăn trước mắt và nhiều chướng ngại vậí phải vượt qua hơn hầu hết các quan sát viên có thể nhận thấy. Chủ yếu trong số đó là các vấn đề về quản lý đất nước: thiếu sự cai trị của pháp luật mà ở Trung Quốc ngày nay đang tiến gần hơn tới sự cai trị của hoàng đế; một nước lớn mà ở đó những vị hoàng đế nhỏ trên khắp một vùng đất rộng lớn gây ảnh hưởng lớn ở địa phương; những tập quán văn hóa hạn chế trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo, tán thưỏng ý thức tuân thủ; ngôn ngữ cực kỳ khó học đối với người nước ngoài, đủ để chấp nhận Trung Quốc và được xã hội nước này chấp nhận; và khả năng rất hạn chế trong việc thu hút và khai thác tài năng từ [những nước] khác.

Chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ về con số tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng khả năng sáng tạo có lẽ không bao giờ sánh được với Mỹ vì văn hóa của nước này không cho phép trao đổi và tranh luận về những ý tưởng một cách tự do. Còn điều gì nữa có thể giải thích vì sao một đất nước có dân số gấp 4 lần Mỹ – và có lẽ số người tài cũng gấp 4 lần – không hề có những đột phá về công nghệ?

Công nghệ sẽ khiến cho hệ thống cai trị của họ trở nên lỗi thời. Vào năm 2030, 70% hoặc có thể là 75% người dân Trung Quốc sẽ sống trong các thành phố, các thị trấn nhỏ, lớn và cực kỳ lớn. Họ sẽ có điện thoại di động, Internet, truyền hình vệ tinh. Họ sẽ được thông tin đầy đủ; họ có thể tự sắp đặt cuộc sống của họ. Bạn không thể quản lý họ theo cách như hiện nay bạn đang làm, khi người ta chỉ xoa dịu và giám sát được một số ít người vì số lượng người sẽ quá lớn.

- Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận định vai trò của Mỹ ở châu Á thay đổi như thế nào khi Trung Quốc trở thành cường quốc số 1?

+ Ban lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng, là cường quốc dẫn đầu ở khu vực này trong 7 thập kỷ kề từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ đã mang đến sự ổn định mà cho phép sự tăng trưởng chưa từng có đối với nhiều quốc gia bao gồm Nhật Bản, những con rồng châu Á và cả Trung Quốc. Trung Quốc hiểu rằng nước này cần phải tiếp cận với các thị trường tại Mỹ, công nghệ của Mỹ, những cơ hội học tập tại Mỹ cho sinh viên Trung Quốc để họ mang về nước những ý tưởng mới về những lĩnh vực mới. Do đó, nước này nhận thấy rằng chẳng có ích lợi gì trong việc đối đầu với Mỹ trong vòng 20 đến 30 năm tới, theo cách có thể hủy hoại những lợi ích này. Thay vào đó, chiến lược của Trung Quốc là phát triển trong khuôn khổ này, chờ đợi một cơ hội tốt cho đến khi nó đủ mạnh để có thể xác định lại thành công trật tự chính trị và xã hội hiện nay.

- Sự trỗi dậy của Trung Quốc có ảnh hưởng gì đến những nước láng giềng ở châu Á?

+ Chiến lược của Trung Quốc đối với Đông Nam Á khá giản đơn: Trung Quốc nói với khu vực này “Hãy đến đây và phát triển cùng với chúng tôi”. Đồng thời, các nhà lành đạo Trung Quốc muốn gây cảm tưởng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi và các nước sẽ cần phải quyết định họ muốn là bạn hay kẻ thù của Trung Quốc. Trung Quốc cũng sẵn sàng điều chỉnh lại sự can dự của mình để đạt được những gì nước này muốn hoặc thể hiện sự bất bình.

- Liệu Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ?

+ Không, Trung Quốc sẽ không trở thành một nền dân chủ tự do; nếu có, nó sẽ sụp đổ. Đó là một trong những điều tôi hoàn toàn chắc chắn, và giới trí thức Trung Quốc cũng hiểu điều đó. Nếu bạn tin rằng sẽ có một cuộc cách mạng vì dân chủ bằng hình thức nào đó ở Trung Quốc thì bạn đã nhầm. Các sinh viên của Thiên An Môn giờ đây đang ở đâu? Họ không liên quan. Người Trung Quốc muốn một nước Trung Quốc được hồi sinh. Liệu nước này có thể trở thành một nền dân chủ nghị viện hay không? Đây là một khả năng có thể xảy ra ở các ngôi làng và thị trấn nhỏ. Người Trung Quốc sợ tình trạng hỗn loạn và sẽ luôn thiên về sự thận trọng. Nó sẽ là một quá trình tiến triển dài, nhưng có thể tính đến những thay đổi đó. Giao thông và thông tin liêc lạc đã trở nên nhanh và rẻ hơn rất nhiều. Người Trung Quốc sẽ dễ bị tác động trước những hệ thống và nền văn hóa khác và biết đến những xã hội khác qua du lịch, Internet và điện thoại di động thông minh. Có một điều chắc chắn: chế độ hiện tại sẽ không phải vẫn không thay đổi trong 50 năm tới. Để hoàn thành tiến trình hiện đại hóa Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cộng sản của nước này sẵn sàng thử mọi giải pháp, trừ nền dân chủ với một người và một phiếu bầu trong một hệ thống đa đảng. Hai lý do chính của họ là niềm tin rằng Đảng cộng sản Trung Quốc phải được độc quyền để đảm bảo sự ổn định và nỗi lo sợ sâu sắc của họ về sự mất ổn định trong một chế độ đa đảng tự do cho tất cả mọi người, điều sẽ dẫn đến chính quyền trung ương mất quyền kiểm soát đối với các tỉnh. Liệu Trung Quốc có thể trở thành một nền dân chủ không khi mà trong 5000 năm lịch sử được ghi chép của nó, nước này chưa từng đếm đầu người – tất cả những người đứng đầu đều cai trị đất nước bằng quyền hành của một hoàng đế; nếu họ không đồng ý, họ chém đầu, chứ không đếm đầu người.

- Người ta nên đánh giá thế nào về Tổng Bí thư mới của Đảng cộng sản Tập Cận Bình?

+ Cuộc đời của ông ấy khó khăn hơn người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào. Cha ông đã bị đuổi về nông thôn, và ông ấy cũng vậy. Ông ấy đã dễ dàng chấp nhận chuyện này và phấn đấu để tiến lên. Nó không phải một chặng đường suôn sẻ đối với ông. Những trải nghiệm trong cuộc sống của ông ấy chắc hẳn đã tôi luyện ông. Ông ấy kín đáo – không phải theo cách ông ấy sẽ không nói chuyện với bạn, mà theo chiều hướng ông ấy sẽ không thể hiện ông ấy thích hay không thích điều gì. Luôn luôn thấy một nụ cười dễ chịu trên gương mặt của ông, dù bạn có nói điều gì khiến ông ấy tức giận. Ông ấy có một tinh thần thép, hơn Hồ Cẩm Đào, người đã thăng tiến mà chưa từng trải qua những thử thách và đau khổ mà Tập Cận Bình đã phải chịu đựng. Ông ấy là một người có sự ổn định tâm lý rất lớn, không cho phép những nỗi bất hạnh và đau khổ của cá nhân ảnh hưởng đến quyết định của mình. Ông ấy rất gây ấn tượng./.

TTXN From Hongkong

No comments: