Wednesday, May 22, 2013

Nợ xấu còn cao, doanh nghiệp phá sản còn nhiều

Vualambao - Mặc dù nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, giải cứu doanh nghiệp được đưa ra nhưng do sức lan tỏa kém, triển khai quá chậm nên nền kinh tế chưa có được sự chuyển biến rõ rệt, nợ xấu cao, doanh nghiệp phá sản, giải thể còn nhiều.

Hơn 30% số DN xây dựng bị thua lỗ trong năm 2012, xu hướng này vẫn đang tiếp diễn trong những tháng đầu năm nay - Ảnh:Diệp Đức Minh 
Đó không chỉ là đánh giá của Ủy ban (UB) Kinh tế Quốc hội (QH), mà ngay Chính phủ cũng thừa nhận những tồn tại, yếu kém này tại phiên khai mạc QH 13, kỳ họp thứ 5 diễn ra vào ngày 20.5.

Nợ xấu, tái cơ cấu… đều chậm

Theo báo cáo về tình hình triển khai kinh tế - xã hội (KT-XH) 4 tháng đầu năm và trong năm 2012 tại phiên khai mạc của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình kinh tế có chuyển biến tích cực, nhưng chưa rõ rệt. Lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng sau 4 tháng chỉ tăng 2,41% so với cuối tháng 12.2012, đây là mức tăng thấp nhất so cùng kỳ 4 năm qua. Mặt bằng lãi suất (LS) giảm khoảng 2-3% so với cuối năm 2012. Dư nợ tín dụng, dù tăng thấp nhưng cũng trên đà tăng trở lại (tăng 2,1%). Thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu…

Báo cáo dành phần lớn dung lượng để chỉ rõ những hạn chế, tồn tại. Chính phủ thẳng thắn thừa nhận: Hầu hết các chính sách giải cứu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) được đưa ra khá sớm, nhưng đến khi triển khai, thực thi lại quá chậm trễ. Hệ quả là sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho vẫn khá cao... Số DN giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; thị trường bất động sản (BĐS) thanh khoản kém, phục hồi chậm… Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng diễn ra chậm. Đặc biệt, trong tái cơ cấu các ngân hàng, DN nhà nước (DNNN)…

Đánh giá về tình hình xã hội, theo Chính phủ, việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người có thu nhập thấp vẫn còn nhiều khó khăn. Mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người về đất đai còn diễn biến phức tạp…



Một số chỉ tiêu kinh tế đạt được năm 2012 (đạt 11/15 chỉ tiêu)

Ưu tiên tăng trưởng, GDP đạt 5,5%

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới được Chính phủ xác định là tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012. Tăng cường quản lý ngân sách, giữ bội chi tối đa 4,8% GDP, tiết kiệm 10% các khoản chi thường xuyên, tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, lễ tân, đi nước ngoài. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, giải quyết nợ xấu, tăng sức mua, phát triển thị trường.

Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế QH do Chủ nhiệm UB Nguyễn Văn Giàu cho thấy, đa số ý kiến cho rằng các nỗ lực thực hiện các giải pháp về chính sách và điều hành thời gian qua, những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 như đã đề ra.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, một số ý kiến cho rằng các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu tái cơ cấu theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng cần minh bạch thông tin đối với các ngân hàng.

UB Kinh tế QH đặc biệt lưu ý, điều hành thị trường vàng đạt một số kết quả ban đầu, nhưng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn chênh lệch ở mức cao, chưa đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế như nghị quyết của QH. Số liệu nợ xấu thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội, thị trường…

UB Kinh tế QH cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là phải đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như nghị quyết của QH.

Hơn 54.000 DN giải thể, 69% DN báo lỗ
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong năm 2012, số DN giải thể là 54.261 cao hơn năm 2011. Hết năm 2012 cả nước có 69% DN báo cáo lỗ, trong đó Hà Nội có 46.000/90.000 DN báo lỗ với 47.000 tỉ đồng. Tỷ lệ thua lỗ các DN trong năm 2012 tiếp tục tăng mạnh.

Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm tháo gỡ khó khăn

Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn 2012.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế.

Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Anh Vũ - Thái Sơn - Thanh Niên

No comments: