Vualambao
Tượng Mẹ Việt Nam anh hùng tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Má cùng chồng tham gia hoạt động cách mạng từ thời Mười Tám Thôn Vườn Trầu trước năm 1940. Chồng hy sinh, một mình má vừa nuôi đàn con vừa tham gia dân quân, du kích đánh giặc giữ lảng, đào hầm bí mật trong nhà, trong vườn nuôi giấu cán bộ, bộ đội.
Tượng Mẹ Việt Nam anh hùng tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Má cùng chồng tham gia hoạt động cách mạng từ thời Mười Tám Thôn Vườn Trầu trước năm 1940. Chồng hy sinh, một mình má vừa nuôi đàn con vừa tham gia dân quân, du kích đánh giặc giữ lảng, đào hầm bí mật trong nhà, trong vườn nuôi giấu cán bộ, bộ đội.
Con trai, con gái cũng vậy, lớn đứa nào tham gia cách mạng đứa đó. Lần lượt 8 người con và 2 người cháu của má đã hy sinh. Có lần, sáng một con hy sinh chưa kịp chôn, chiều một con nữa hy sinh. Năm Mậu Thân, con út má hy sinh cách nhà vài trăm mét, mấy tên ác ôn ra điều kiện, má chỉ hầm bí mật thì cho mang xác con về chôn, nếu không chúng sẽ mang ném xuống sông. Hai ngày đêm má đau thắt ruột, nhưng má cắn răng chịu đựng, nhắc đi nhắc lại: “Tao không biết hầm đâu hết, tùy tụi bay làm gì thì làm!”. Bọn chúng đánh má ngất xỉu rồi bỏ đi. Khi tỉnh dậy, việc đầu tiên má lo, là chuyền mấy thương binh ra địa đạo an toàn, rồi mới cùng lực lượng hợp pháp đi giành lại xác con mình về chôn.
Má là Nguyễn Thị Rành, ở xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1977, tôi gặp má lần đầu và viết bài báo “Một người mẹ kiên cường với niềm tin sắt đá” đăng trên báo Tiền Phong, số 20 tháng 5-1977. Năm ấy má đã 77 tuổi, sống với người con gái, chồng chị cũng hy sinh.
Tôi hỏi má:
- Nhờ đâu má trụ được hết lần này tới lần khác vậy má?
Má Rành nói:
- Vì tin đảng mình con ạ!
Năm 1979 má Rành mất, tên má được đặt cho con đường nối từ quốc lộ 22 đến khu di tích địa đạo Củ Chi, và tượng má được dựng trước Bảo tàng phụ nữ Nam bộ, trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Má Rành được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1978, và được Truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994.
Má tin đảng con ạ!
Má Nguyễn Thị Rành đã đặt trọn niềm tin vào đảng! Đó là niềm tin đích thực, niềm tin tuyệt đối, tạo nên sự phi thường từ một bà mẹ bình thường!
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu người mẹ như má Nguyễn Thị Rành, đã động viên chồng con cầm súng chiến đấu, bất chấp hy sinh gian khổ, với lời thề: “Lớp cha trước lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành!”.
Bây giờ bao nhiêu người còn niềm tin như thế?
Đảng cộng sản Việt Nam hãy thử làm một trắc nghiệm toàn dân, hay gói gọn trong nội bộ đảng cũng được, xem còn bao nhiêu phần trăm tin đảng, tin vào đường lối, chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà mục tiêu năm 2020, Việt Nam cơ bản thành một nước phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xã hội công bằng, dân chủ văn minh?
Có lẽ chỉ xác suất tương đối cũng lả một tỷ lệ thất vọng.
Vì thực tế, niềm tin hiện nay đã vượt xa sự suy giàm như nhận định của các vị lãnh đạo, cũng không dừng ở mức “hội chứng khủng hoảng” mà đáng buồn hơn, là tới mức “Hội chứng mất niềm tin” rồi.
Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, niềm vui rạng ngời trên gương mặt mỗi người, đó là đỉnh cao chót vót đảng đã giành được từ khi ra đời. Niềm tin đối với đảng lúc đó gần như tuyệt đối.
Nhưng từ đình cao vinh quang ấy, đảng từ từ đánh mất niềm tin. Khởi đầu bằng sự phá vỡ cái gọi là “chính sách hòa hợp dân tộc” bằng cuộc “cải tạo tư sản, cải tạo công thương” ngay sau khi mới giải phóng còn đầy gian nan thiếu thốn, là chuyện phân biệt đối xử với những nhân sỹ, trí thức miền Nam tham gia kháng chiến. Kế đến là cuộc “bài trừ văn hóa phản động đồi trụy” mang màu sắc “cách mạng văn hóa Trung Quốc”, với những đội quân gần giống “Hồng vệ binh”, đón đường cắt quần ống loe, cạo đầu thanh niên Sài Gòn, xông vào lục lọi từng nhà sách, từng thư viện, tịch thu từ băng nhạc, cuộn phim, từ tập sách thiếu nhi đến quyển từ điển bách khoa toàn thư và nhũng tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới mang đi tiêu hủy. Lời tuyên bố “Chỉ Mỹ thua còn tất cả người Việt Nam đều thắng!” khiến dân Sài Gòn hồ hởi quên đi mặc cảm hôm nào, bỗng quay ngoắt lại chủ nghĩa lý lịch, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp, không chỉ với người lớn, mà ngấm sâu từ nhà trẻ, trường mẫu giáo tới cao đẳng , đại học, làm rơi bao nước mắt tủi hờn. Rồi chiến dịch XI, XII đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, biến Sài Gòn từ một thành phố phồn thịnh gấp 30 lần thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) trước giải phóng thành “tỉnh lẻ”, toàn bộ nhà máy, xí nghiệp ngừng hoạt động, máy móc thiết bị trị giá hàng tỉ đô la biến thành những đống sắt phế thải. Song song với cuộc cải tạo công thương nghiệp ở thành phố, là chính sách cải tạo nông nghiệp, dồn nông dân vào tập đoàn sản xuất, để rồi gồng mình không đạt được 21 triệu tấn lương thực vào năm 1981, khiến cả nước đói, tới mức bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Kiệt phải viết thư tay cho bà Ba Thi xuống miền Tây mua chui, đổi chui từng tấn gạo về cứu đói dân thành phố…
Ở cái thế “cùng tắc biến” ấy, ông Nguyễn Văn Linh đã liều mình phá rào, cho ra đời những công ty Drexximco, Cholimex, Phunimex để “tiếp máu” cho những nhà máy, xí nghiệp hàng ngàn công nhân sắp chết đói như dệt Việt Thắng (Vimitex) dệt Thắng Lợi (Vinatex) Visô, Simcô v.v.
Vì cuộc xé rào táo bạo muốn phá toang quan liêu, bảo thủ, trì trệ ấy, ông Nguyễn Văn Linh phải “lên bờ xuống ruộng” nhưng đã tạo ra hội nghị mi ni bí mật ở khách sạn Palass Đà Lạt, mà nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh nói nguyên văn: “Bây giờ tôi mới hiểu thực tế cuộc sống quan trọng hơn lý luận!”; cũng qua đó ông đã viết “Ba bài học quy luật”, mở đường cho sự nghiệp đổi mới từ Đại hội VI.
Đó là chìa khóa mở cánh cửa vào Đại hội đảng 6, với nghị quyết đổi mới, theo hướng kinh tế thị trường. Niềm tin đang rỗng roãng được đọng lại. Giới chí thức có cơ hội đóng góp, văn nghệ sỹ được cởi trói, người nông dân được suy nghĩ,làm ăn trên công đất của mình, và đặc biệt, những bê bối, trì trệ, ức hiếp dân được xử lý nhanh bằng “Nhũng việc cần làm ngay!”.
Nhưng sau khi dự hội nghị bí mật Thành Đô với Giang Trạch Dân và các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở về, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh như biến thành một con ngưới khác, trở nên co thủ, và khép lại cái cánh cửa mà chính ông đã mở ra.
Sau Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, rồi Nông Đức Mạnh liền hai khóa, uy tín đảng ngày càng giảm.
Hình như sự năng qua lại thăm viếng nhau giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc càng tăng, màu sắc 16 cái chữ vàng càng tô đậm, thì sự xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải càng gia tăng, kinh tế Việt Nam càng đi xuống và niềm tin của dân đối với đảng càng giảm mạnh. Từ nghi ngờ đến xói mòn, suy giảm, phát triển theo quy luật lượng biến đổi chất, bây giờ đã trở thành “Hội chứng mất niềm tin”.
Không mất niềm tin sao được, khi mắt mình nhìn, tai mình nghe, thậm chí tay mình cầm nắm những thứ trái ngược với những gì mình đã tin?
Không mất niềm tin sao được, khi sự giả dối phơi ra, mà không ai ngăn.
Không mất niềm tin sao được, khi cái ác lên ngôi, nhan nhản sự bội tín và phi nghĩa của những kẻ nhân danh này nọ diễn ra hằng ngày?
Một chế độ ưu việt được bắt đầu từ nền giáo dục. Đặc biệt là sự khởi đầu,định hướng nhân cách cho một thế hệ. Xin hãy mở cái ba lô con bạn đeo tới lớp học, xem trong mớ sách vở nặng gần bằng con bạn đó, có chữ nào nói chế độ ta xấu không?
Không có!
Hoàn toàn những điều tốt đẹp!
Thế nhưng bạn phải xếp hàng từ khuya,thâm chí phải phá cổng trường, dẫm đạp lên nhau để giành một suất học cho con bạn. Bạn phải đút lót thầy cô để con bạn khỏi bị bỏ rơi trong lớp, phải thuê cô, thầy làm gia sư để bồi dưỡng thêm cho con học vẹt từng trang sách giáo khoa sáo rỗng. Đừng tưởng đôi mắt trẻ không nhìn thấy điểu đó!
Niềm tin của con bạn ra sao khi nó biết sự thật như thế? Nhân cách của con bạn sẽ ra sao khi một ông Bộ trưởng giáo dục hùng hồn tuyên bố hai không mà chả thực hiện được không nào, vẫn lên Phó Thủ tướng, vẫn chiềng mặt ra nhận danh hiệu “nhà giáo ưu tú” mà không biết xấu hổ? Khi người khuyên mình phải biết tự trọng mà bản thân không tự trọng?
Những mầm non tri thức ươm trồng trên mảnh đất ấy, không thui chột mới là chuyện lạ, nói gì niềm tin!
Trung Quốc xúi dục, cung cấp vũ khí, đưa cố vấn sang giúp Pôn Pốt đánh Việt Nam, gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1977, đến năm 1989, hàng ngàn chiến sỹ ta phải bỏ xác trên chiến trường Campuchia. Trung Quốc mang quân sang xâm lược nước ta 17-2-1979, gây ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, mãi đến 1985 mới tạm yên, giờ còn chiếm một phần lãnh Việt Nam. Trung Quốc in tiền giả, tung hàng độc hại sang thị trường Việt Nam, giúp vũ khí cho bọn Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Túy về lật đổ chính quyền của đảng cộng sản Việt Nam.
Trung Quốc xua 23.000 tàu cá tràn ngập Biển Đông
Về chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, chỉ nhận diện từ hơn nửa thế kỷ qua, khi có cơ hội là Trung Quốc vươn vòi bạch tuộc ra Biển Đông. Trung Quốc chiếm một số đảo bắc Hoàng Sa năm 1946, chiếm đảo Phú Lâm và một số đảo ở Hoàng Sa năm 1956, tiếp tục chiếm gọn toàn bộ quần đảo này vào ngày 19-1-1974; lại đánh chiếm một số đảo và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa 1988 và bây giờ đưa cái “lưỡi bò” dài ngoằng ra lăm le liếm các khu vực mỏ dầu trong tham vọng ngoạm hết Biển Đông…
Trung Quốc quen thói vừa ăn cướp vừa la làng, lu loa khẳng định đường lưỡi bò phi pháp, lại nhét cả đường lưỡi bò vào hộ chiếu phổ thông, ra rả tung tin trên báo chí và các trang mạng gào lên là Việt Nam xâm lấn lãnh hải, ăn cắp mỏ dầu của Trung Quốc, như Thời báo Hoàn Cầu mới đây đã mạnh mồm vu khống.
Vậy mà Việt Nam, một mặt cấm dân mít tinh, biểu tình , viết báo phản đối Trung Quốc, một mặt vẫn nêu cao tinh thần hợp tác toàn diện, gói gọn trong cái "củ cà rốt 16+4", chấp nhận ký kết cho Quốc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn, thậm chí cho người Trung Quốc vào làm “bè cá” ở vịnh Cam Ranh, thử hỏi sao không mất niềm tin?
Về kinh tế có lẽ không cần nói lại, bởi mọi người đều biết, nền kinh tế Việt Nam đã bị sé nát theo phe nhóm lợi ích, với sự đổ vỡ không gì cứu vãn của doanh nghiệp nhà nước, với nợ nước ngoài sấp tổng thu nhập quốc dân, mà người ta nói một cách hình ảnh như người thiếu máu trầm trọng, như chiếc xe tụt dốc không phanh!
Ấy thế mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn đi rao giảng sự thành cộng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cu Ba, đến nỗi nước Braxin không giám tiếp ông khi chuyến viếng thăm đã hoạch định từng chi tiết. Như thế niềm tin biết đặt vào đâu?
Mấy tháng trước còn một chút niềm tin, khi hội nghị Trung ương 4, khẳng định có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo nhạt lý tưởng, suy thoái chính trị, tha hòa đạo đức, như bầy sâu phá hoại, có nguy cơ làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Nhưng nay thì mất hết niềm tin, vì chằng bắt được con sâu, con nào, thay vào đó vẫn là tình đồng chí giúp nhau cùng tiến bộ!
Niềm tin đúng nghĩa được thử thách qua thời gian, qua thực tiễn, được chứng minh bằng nghị lực của chủ thể, và niềm tin là sức mạnh tinh thần được chuyền hóa thành sức mạnh vật chất, làm nên kỳ tích, tạo nên sự nghiệp lớn. Đã qua rồi cái thời có thể tạo dựng một niềm tin mù quáng, bắng những lời nói hay, những lời hứa suông, và thộng tin một chiều.
Niềm tin đích thực tạo dựng bằng xác tín. Không ai có thể bôi xóa được xác tín và đương nhiên, không một thế lực thù địch nào có thể đánh cắp được niềm tin đích thực!
Một người bố không nên và không thể trói, đánh con mình bắt nó phải tin là mình khộng uống rượu, khi miệng sặc mùi rượu? Một chính thể không nên và không thể bắt dân tin mình bằng việc hạn chế thông tin, đàn áp và mở rộng nhà tù để giam cầm những người cất tiếng nói phản biện, khi chính thề đó đã tự đánh mất niềm tin!
Mất tiền bạc là mất một phần, mất danh dự là mất một nửa, mất niềm tin là mất tất cả!
Không phải một mình ông X. ông Y, ông Z. nào đó làm mất niềm tin mà phải chăng xuất phát từ một triết lý, một ý tưởng đã lỗi thời, những lý luận đã đóng băng, khô cứng mà bản thân mình cũng chưa hẳn đã tin!
Bà con ở xã Phước Hiệp (Củ Chi) kể lại, đầu năm 1979, khi quân Trung Quốc huy động tổng lực xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến 6 tỉnh biên giới phía Bắc, má Rành tiễn đứa cháu cũng là con liệt sĩ đi “tổng động viên”. Sau đó, nhiều ngày má ăn không ngon, đêm trằn trọc không ngủ được, rồi má đổ bệnh, chết khi 79 tuổi.
“Một bộ phận không nhỏ” trong đảng ta hiện nay đã làm mất niềm tin ở những con người yêu nước, trung kiên như má Rành. Đó cũng chính là nỗi đau dân tộc khi vận nước rơi vào cơn bĩ cực bất an. Những người yêu nước, những anh hùng dù ra đi từ xa xưa, nhưng họ vẫn còn đó trong trang sử hào hùng và trong lòng người Việt những thế hệ kế tiếp, chỉ có niềm tin của họ bị đánh cắp, bị mất! Những người như Bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Rành còn mãi, chỉ niềm tin bị mất! “Hội chứng mất niềm tin” đang là hiện thực ở nước ta, và theo tôi, muốn vãn hồi NIỀM TIN thì trước hết cái “bộ phận không nhỏ” trong đảng đã suy thoái, biến chất phải sớm bị loại bỏ; đảng và nhà nước hãy tin dân mình hơn tin những kẻ ngoại bang đầy mưu sâu kế hiểm. Lịch sử đã chứng minh, không một quốc gia nào thân thiện được với Trung Quốc vốn đã thâm căn cố đế bản chất tham lam xảo quyệt mang đậm đặc dòng máu đế quốc Đại Hán từ xưa đến nay.
MINH DIỆN
NHỮNG BÀI VIẾT MỚI NHẤT CỦA QLB & CÁC VỤ ÁN
1.HOT Links vềThủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng 2.HOT Links vềTướng Nguyễn Văn Hưởng 3.HOT Links vềThống đốc Nguyễn Văn Bình 4. HOT Links Nhómtội phạm Việt Nam 5. HOT Links vềChủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng 6.Hot Links vềTổng cục 2 7.Hot Links vềNội các Chính Phủ 8.Hot Links vềchủ quyền 9.Hot Links vềPhạm Chí Dũng 10.HOT Links vềVinaline 11.Hot LinksVikileaks 12.Hồ sơ Beo HồThị Thu Hồng 13.Hồ sơ MafiaTàu tại VN 14.Dân chủ& Đảng phái 15.Giớpchóp bu Hà Nội chống tham nhũng? 16. Các vụ án Ngân hàng khác 17. Đấu tranh cho nền dân chủ 18. Thơ văn 19. Hồ sơ các nạn nhân đại gia 20. Giáo dục 21. Gián điệp
HỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK
No comments:
Post a Comment