Monday, December 10, 2012

Lật đất cày lên luận quốc hồn

Vualambao

  Ông Nguyễn Minh Nhị, mà người dân vẫn gọi một cách thân thuộc là Bảy Nhị, nổi tiếng với bốn phép tính làm quan: cộng thêm nghĩa tình, yêu thương; trừ đi những oán thù, ghét bỏ; nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và chia sẻ hạnh phúc.Dù đã về hưu, vị quan gần dân, thanh liêm, chính trực ngày nào vẫn nặng lòng với nông dân, với biết bao câu hỏi chưa tìm ra lời giải...

Là người gắn bó với sông nước suốt bao năm qua, ông có suy nghĩ nhiều về mâu thuẫn giữa truyền thống văn hoá đã làm nên bản sắc riêng của vùng đất này với tính cách con người?

Đời sống vùng đất khai hoang được ưu đãi về thiên nhiên, thoát khỏi áp bức, quyền lực, khiến người Nam bộ phóng khoáng, rộng mở hơn, ứng xử giữa người với người cũng hào phóng hơn. Dân làng kết thân với nhau, dòng họ nào cũng trở thành thân thuộc, ngôi thứ anh em được coi trọng, truyền thống từ xưa là vậy.
Sống với thiên nhiên rất cực khổ, nguy hiểm, không ai đỡ đầu chỉ bảo, nên tinh thần tự lực, bươn chải để tự sống rất giỏi, rất sáng tạo. Chỉ nội chuyện giống má thôi, sự sáng tạo của người nông dân khiến các kỹ sư giỏi cũng chào thua. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng đầu óc người nông dân rất sáng tạo.
Hoàn cảnh sống nảy sinh nhiều tính tốt nhưng cũng có mặt xấu là dễ ỷ lại, sống phong lưu, làm biếng, không hiếu học, làm tà tà cũng có cơm ăn, rượu nhậu, vọng cổ hát tối ngày. Làm rất quyết liệt, mà chơi thì cũng hết mình, dù nghèo khổ, cùng cực vẫn đêm đêm ngồi uống rượu ca cải lương… Đó là cái nền, cái hồn của miền Tây.

Theo ông, vì sao người dân, nhất là phụ nữ miền Tây dễ bị gãy đổ trước áp lực của đồng tiền? Phải chăng giềng mối gia đình và những ràng buộc văn hoá truyền thống ở đây mong manh hơn các miền đất khác?
Thời bao cấp, người dân miền Tây phải chịu đựng tới mười năm. Đến thời đổi mới, nông dân như được tháo cũi xổ lồng. Sau mười năm đổi mới, thấy đồng bào không còn mặc áo vá, không còn đi chân đất, có xe máy chạy, tôi rất mừng, tưởng rằng từ đây người nông dân sẽ tung cánh bay lên.
Thời kỳ 1996 – 1998, đáng lẽ Đảng và Nhà nước phải chuyển đổi về chất, nhưng chính thời điểm này bộc lộ sự trì trệ của chính sách, càng hội nhập sâu nhược điểm bộc lộ càng nhiều, cái gốc là trình độ dân trí và đời sống tinh thần không được nâng lên, nên rất dễ gãy đổ khi hội nhập.

Tích luỹ thấp, kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt do hội nhập quá nhanh làm người dân choáng mắt. Chỉ nội mỹ phẩm quảng cáo làm trắng da cũng khiến cho bao chị em vùng sông nước ngại ra đồng. Mong muốn có chồng nước ngoài để đổi đời cũng từ phim truyền hình Hàn Quốc tràn ngập trên các kênh đến tận giường ngủ mỗi nhà. Bức tranh cuộc sống lý tưởng mà các bộ phim Hàn dựng lên chỉ có nhà lầu, son phấn, chưng diện… Chính điều đó phá nông thôn.
Thiếu rạp hát, thiếu công viên, vườn chơi cho trẻ em, thiếu những bộ phim nghệ thuật đề cập đến đời sống nông thôn… con người trở nên ích kỷ hơn, thiên về vật chất hào nhoáng. Giới nữ từ 18 – 25 học hành không tới đâu, đành bán bia ôm, lấy chồng nước ngoài, vô cùng đau khổ.

Con cháu mình đẹp thế mà để quỷ ma giày vò, nhục không?
Tăng trưởng kinh tế đang làm một bộ phận dân nghèo bị dạt ra lề cuộc sống. Nhìn vào đời sống của người dân, điều gì khiến ông lo lắng nhất?
Nghĩ tới đồng bằng sông Cửu Long, tôi không khỏi giật mình. Phát triển nông nghiệp thời gian qua rõ ràng có vấn đề. Cuộc cách mạng lúa thần nông bắt đầu sau đổi mới mang lại thành công lớn, nhưng quả thật 20 năm qua là phát triển giả, ảo, thiếu cái hồn. Làm được nhiệm vụ hết sức vĩ đại là cứu đói đất nước và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, nhưng thử hỏi người nông dân được gì? Nếu so sánh với những quyền cơ bản của con người để tồn tại là giáo dục, y tế, thì chẳng thấy có gì tiến triển để nâng cao đời sống dân trí, kiến thức cộng đồng nông dân. Rút cục chỉ là những con số vô hồn. Xuất khẩu lúa gạo nhất nhì thế giới nhưng không có thương hiệu nổi bật, chỉ xuất thô. Tệ nạn xã hội nhiều hơn, tội phạm ngày càng tăng, lòng dân bất an.

Chúng ta đang phát triển vì ai? Cứ ra rả “vì dân”, nhưng là dân nào đây? Là đông đảo cộng đồng nhân dân hay chỉ là một nhóm nhỏ?
Phải coi lại chính sách nhà nước, không thể chạy theo lợi nhuận, chạy theo sự tăng trưởng bằng mọi giá mà để lại di hại khôn lường cho đời sống tinh thần. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tệ nạn xã hội hoành hành dữ dội và mất đất là ba vấn nạn rất nhức nhối của bức tranh nông thôn.
Ông có lo lắng nhiều không về nguy cơ tái nghèo trở lại?
Người dân bây giờ không nghèo cơm áo mà nghèo về văn hoá. Trước giờ không có công ăn việc làm thì về quê, dựa vào đồng ruộng sông nước, giờ đất đai không còn nữa, anh em chòm xóm cũng thiếu gắn kết, đất bị bạc màu không lo bằng tâm hồn bị bạc…

Kết cấu làng xã đang bị phá vỡ nghiêm trọng trước áp lực của đồng tiền, lòng tin giữa người và người bị đổ vỡ. Bước vào kinh tế thị trường mà không có bước chuẩn bị, không được chủng ngừa, rất dễ đánh mất cái hồn của đất, của người. Nông thôn là thành trì cuối cùng giữ cái hồn của dân tộc. Truyền thống văn hoá tốt đẹp từ ngàn đời bền vững và sâu lắng lắm, vạch rạ lên là thấy rồi. Hồn đất nước gắn với bản làng quê quán. Tôi sợ một ngày không xa lắm chúng ta phải “lật đất cày lên luận quốc hồn”.

Nông thôn là thành trì cuối cùng giữ cái hồn của dân tộc. Truyền thống văn hoá tốt đẹp từ ngàn đời bền vững và sâu lắng lắm, vạch rạ lên là thấy rồi.

Theo ông, làm thế nào để trí thức hoá nông dân, nâng tầm sản phẩm cho một đất nước có thế mạnh nông nghiệp như Việt Nam?
Thị trường nông thôn bây giờ không còn là thị trường của Việt Nam, mà là thị trường Trung Quốc. Trái cây Trung Quốc tràn ngập nông thôn, đẩy lùi trái cây Việt Nam. Giá càrốt Đà Lạt mắc gấp ba lần càrốt Trung Quốc, có nơi lấy đất trát lên khoai tây Trung Quốc giả làm khoai Đà Lạt… Điều hành một đất nước 70% dân số là nông dân mà để hàng Trung Quốc tràn ngập như vào nhà vô chủ là chết.

Muốn nông dân thành doanh nhân thì tiền đề quan trọng là nông dân phải có sở hữu đất đai, nếu không, chúng ta chỉ có một nền nông nghiệp vô chủ. Ngoài đầu tư kỹ thuật nuôi trồng, phải đào tạo kỹ năng doanh nghiệp, đó là kỹ năng nông dân thời đại mới.

Đề án chống lũ bằng phương pháp đào kinh thoát lũ qua hệ thống kinh Vĩnh Tế và đề án 31 cho nông dân vay vốn để sản xuất trong mùa nước nổi là những dấu ấn quan trọng trong đời làm lãnh đạo của ông. Có bao giờ ông sợ… mất chức vì dám phá bỏ cơ chế cũ?

Khi trả đất về cho nông dân, mười năm An Giang chứng kiến sự đổi đời. An Giang là tỉnh đi đầu, nhờ bí thư tỉnh uỷ lúc ấy đồng thời là uỷ viên Trung ương đã thấy được trái ngang của cơ chế cũ. Tôi làm được chuyện này chuyện nọ là nhờ ông. Chính ông cho tôi toàn quyền tổ chức ngành dọc, được đề bạt từ giám đốc sở. Từ đó tôi mới cương quyết giảm biên chế tối đa, tăng thu nhập cho anh em, không còn tiêu cực. Ai vòi vĩnh dân là cho nghỉ việc liền.
An Giang chủ trương trả lại đất cho nông dân rất êm nhờ chính quyền không xía vô, để tự nông dân giải quyết với nhau, nhằm phát huy tình đoàn kết, nhường cơm xẻ áo, tôn trọng quyền hợp pháp của người dân. Về máy móc nông cụ, nếu nông dân không có vốn thì tính cách vô tập đoàn, lấy uy tín tập thể đó để đi vay ngân hàng, từ đó ngân hàng phát huy được sức mạnh với nông thôn. Chương trình khuyến nông tôi tự làm, tự chịu trách nhiệm, được nhà nông hưởng ứng… Phải có lỗ tai biết nghe và dám quyết, dám chịu trách nhiệm. Chương trình tam nông ra đời từ đây, làm cho đồng ruộng phì nhiêu, phá vỡ chua phèn, tăng năng suất từ một lên hai, ba vụ. Cũng nhiều người phản đối, cho tôi làm vậy khiến đất mau bạc màu. Nhưng tôi cho rằng đất chưa bạc màu người ta đã đi ăn trộm rồi. Bốn tháng ở không dễ sanh chuyện lắm, nhàn cư vi bất thiện mà. Phải tạo ra việc làm quanh năm để nông dân không bị đói mùa giáp hạt, đó là bước đột phá của đồng bằng sông Cửu Long. Suy nghĩ đó dựa trên lợi ích của người dân, chứ không dựa trên đường lối chính trị nào hết.

Có bao giờ ông bị nghi ngờ đến mức sụp đổ niềm tin?
Có đấy. Quyết định đề xuất bệnh viện 100 giường do Nhà nước và nhân dân cùng làm khiến tôi phải trả giá rất nhiều. Lúc ấy chưa có chủ trương Nhà nước và người dân cùng làm. Thời kỳ đó dịch sốt xuất huyết hoành hành dữ dội, có làng chết cả trăm em nhỏ, khi đưa con đi khám, thấy bệnh xá xuống cấp kinh khủng, người bệnh nằm đặc kín, tôi đề xuất bí thư huyện uỷ gặp dân và những người có uy tín, có tiền, để cùng nhau xây bệnh viện. Bà con rất ủng hộ, nhưng trong tổ chức nhiều người nghi ngờ, kết án tôi lấy tiền Nhà nước làm “công quả”…
Tháng 8.2001 tôi viết đề án liên kết bốn nhà. Tháng 10.2001 tôi viết đề án 31. Năm 2004 xây dựng chiến lược phát triển nông thôn… Chỉ tiếc là trời không độ cho mình hiện thực hoá được chiến lược này.
Nhiều người hỏi tôi cuộc sống cá nhân còn thiếu gì nữa? Cái mình cần là lý tưởng ban đầu. Giờ về hưu rồi, tôi vẫn cố gắng sống với lý tưởng ban đầu để làm việc này việc khác, chứ không phải vì tiền.
Với tính cương trực, dám nghĩ dám làm, có bao giờ ông gặp khó với cấp trên?
(cười xoà) Tôi nổi tiếng là người chống cấp trên. Hồi nghe Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê phán “cán bộ miền Tây nhậu quá trời, lãng phí vô biên”, tôi như bị “chạm nọc”. Không phải tôi ở trong phe nhậu, nhưng chữ “lãng phí” nói ra đây là chuyện vặt. Chuyện lớn tày trời là sự lãng phí ghê gớm về thời gian và vật chất với những cơ chế chính sách làm nghèo dân và làm đất nước bị tụt hậu xa lắc so với các nước trong vùng.
Tôi biết mình thường làm mếch lòng cấp trên nhưng không sao, quen rồi!

Ông nghĩ gì về tư cách của người làm quan qua mối thâm tình với Thủ tướng Võ Văn Kiệt?

Tôi nghĩ dấu ấn xoá đói nghèo ở Việt Nam sẽ được ghi vào lịch sử phát triển của đất nước và cũng là bài học mà Liên hiệp quốc từng hết lời ca ngợi. Chỉ riêng công trình thoát lũ ra biển Tây mà cái trục là kinh Vĩnh Tế – T5 – Tuần Thống, nếu không phải là ông thì chưa biết bao giờ mới có, và phèn trong cái rốn tứ giác Long Xuyên biết bao giờ rửa sạch…
Thời nào giữa quan và dân cộng hưởng thì thời đó thăng hoa, làm sao đạt được điều đó là trách nhiệm của nhà lãnh đạo. Lãnh đạo trước hết phải có “bằng cấp dùng người”, để như ngày xưa “Chúa sáng có tôi hiền”.
Ông Võ Văn Kiệt nhìn phong lưu tài tử, đáng lẽ phải chơi với nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân, nhưng tại sao ông rất gần dân? Nhờ ông biết nói ít, hỏi nhiều, biết im lặng lắng nghe và nhất là gắn bó thân tình, trân trọng mà giản dị với quần chúng, có tình yêu thương, lòng vị tha, chân thành, bộc trực, đúng mực với mọi người.

Ông nghĩ gì về lòng vị tha của người làm quan?
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tệ nạn xã hội hoành hành dữ dội và mất đất là ba vấn nạn rất nhức nhối của bức tranh nông thôn.

Lòng vị tha hiểu cho đúng là biết tha thứ cho người, trước hết phải biết tha thứ cho mình, đừng cho mình là chân lý để kiếm chuyện với ai. Đơn giản hoá các mối quan hệ sẽ giảm bớt hận thù. Mình chỉ là một sinh linh, một hạt bụi, đừng tích tụ ác cảm với ai thì lòng mình sẽ không còn ác cảm.
Vì sao ông giữ được nguồn cảm hứng lạ thường với người nông dân?
Vì tôi là nông dân. Hồi đó tôi là nông dân nghèo, giờ tôi là nông dân giàu, nhưng sợi chỉ đó vẫn chưa dứt. Tôi là cây lúa có rễ.
Quyền lực là ma tuý, làm cho người ta say và biến chất dễ nhất, quyền lực và tham nhũng cách nhau cái ranh rất mỏng… Làm thế nào để ông tránh được cám dỗ đó?

Nên nhớ mình không có quyền lực gì hết. Cái mình có là trời cho, nên trời lấy lại mấy hồi, nghĩ thế để biết xài quyền lực một cách đúng chỗ, đúng lúc, đúng người, như thế thì hiệu quả cao lắm. Nhưng không ai giành công việc, trách nhiệm của một đảng viên. Làm gì giúp được cho dân, vì lợi ích của dân thì quyền lực mới thực sự có giá trị. Không thể tạo dấu ấn chính trị bằng những quyết định trái với quy luật, thất nhân tâm. Hãy làm vì công việc mình đang làm giúp cho nhân dân hưởng thụ hạnh phúc, năm nay cao hơn năm rồi, chứ không phải vì năm nay vẫn giữ chức chủ tịch như năm ngoái.

Khi sắp hết nhiệm kỳ chủ tịch UBND tỉnh, cấp trên tính rút ông về làm chuyên trách chống tham nhũng, vì sao ông từ chối?

Nếu làm không được thì không nhận. Tôi không thử chống tham nhũng. Chống gì được, nó chống lại mình thì có!
Nỗi buồn lớn nhất với ông bây giờ là gì?
Dân có người không hiểu, coi thường, nghĩ mình cũng là ông chủ tịch làm chưa hết vai. Mình vô bệnh viện cầm cái giấy khám ưu tiên, họ làm bộ coi trọng nhưng trong lòng thì khinh…

Ngày xưa người dân hy sinh cho cán bộ cách mạng quá nhiều, nhường cơm sẻ áo, nhường cả mạng sống nữa mà giờ mình không nhường cho dân gì hết. Cái nhìn của người dân với những ông quan cách mạng thật quá buồn
Nguyễn Minh Nhị


NHỮNG BÀI VIẾT MỚI NHẤT CỦA QLB & CÁC VỤ ÁN




HỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK

No comments: