Thursday, November 1, 2012

Chống tham nhũng: Thay cách đánh, người đánh

 Tham nhũng buộc ta phải tuyên chiến. Nhưng cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu xảy ra thì chưa có thương vong gì nhiều - Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã nói tại phiên thảo luận về phòng chống tham nhũng sáng nay.

Buộc phải tuyên chiến

Ông Trần Đình Nhã đánh giá, chưa bao giờ từ tham nhũng xuất hiện với tần số nhiều như thời điểm này. "Nghị quyết của Đảng nói rằng tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Tôi muốn nói thêm là tham nhũng cũng đang thách thức QH, nguy hiểm hơn là thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân", ông Nhã nói.
Nhà nước đã tổ chức cả một bộ máy cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra hùng hậu, năm qua tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ, trong đó số hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm khoảng 34%.

Ông Nhã nêu vấn đề, nếu chỉ nhìn vào số liệu nói trên sẽ thấy nghịch lý là tội phạm tham nhũng ở Việt Nam chỉ xét xử được chừng ấy, lại toàn loại án nhẹ nhưng tại sao chỗ nào cũng bức xúc về tham nhũng.

"Hay do ta đang bôi đen, thổi phồng tình hình tham nhũng? Nhưng tôi không nghĩ thế, Chính phủ cũng không nghĩ thế khi Chính phủ nói trước QH số vụ điều tra, phát hiện chưa tương xứng với thực tế", ông Nhã lý giải.

ĐB Trần Đình Nhã: Tham nhũng thách thức sự kiên nhẫn của nhân dân

Theo ông, tham nhũng đang tồn tại trong các lĩnh vực tập trung nhiều tiền của nhân dân, như đất đai, tài chính, ngân hàng...

"Tham nhũng đang thách thức nhà nước, nhân dân, đánh vào tình cảm, danh dự của nhân dân. Tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. Nhưng theo tôi, cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu xảy ra thì cũng chưa đáng kể lắm vì chưa có thương vong gì nhiều. Tôi đề nghị QH nên bàn và có phương án tác chiến cụ thể hơn", ông Nhã khẳng định.

Theo ông, muốn chống tham nhũng phải thay đổi cách đánh và người đánh.

Về cách đánh, ông Nhã đề nghị phải xem tham nhũng như tội xâm phạm an ninh quốc gia, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng phải được phép áp dụng như vậy để điều tra chống tham nhũng.

Cùng với việc lập Ban chỉ đạo TƯ do Tổng bí thư đứng đầu, ông Nhã cho rằng đây là thời điểm chín muồi để QH lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm chống tham nhũng. Cơ quan này chỉ tập trung vào điều tra các tội tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Đây sẽ là một cơ quan độc lập do QH lập ra giống như Kiểm toán Nhà nước và chỉ tập trung xử lý tố giác tội phạm tham nhũng. Cơ quan này điều động hoặc nhận biệt phái các điều tra viên trong các cơ quan tư pháp khác. Các điều tra viên, trinh sát viên phải được độc lập trong phòng chống tham nhũng. Họ có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có nhiệm vụ quyền hạn cung cấp thông tin và các yêu cầu của họ buộc phải được thi hành, có thể lập văn phòng tại địa phương, thậm chí tại các cơ quan dễ xảy ra tham nhũng và độc lập từ ngân sách nhà nước.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này sẽ được quy định trong luật.

Cũng theo ông Nhã, do tham nhũng còn hoành hành, thách thức như vậy nên khi QH ban hành nghị quyết về công tác tư pháp thì nên yêu cầu các cơ quan tư pháp không xử án treo, án xét xử không giam giữ với bất kỳ vụ án tham nhũng nào. Đặc biệt, không tha trước thời hạn cho đối tượng tham nhũng.

"Xin QH hãy tỏ rõ thái độ của mình không chỉ bằng lời nói", ông Nhã tha thiết.

"Mưa đã có ô"

Ủy viên thường trực UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Khá cũng làm nóng nghị trường với những ý kiến thẳng thắn về "quốc nạn".

ĐB Nguyễn Thị Khá: Tội phạm tham nhũng ngày càng khó phát hiện bởi mang gương mặt của kẻ "ba liên"

Theo bà, ba nhiệm kỳ trước, bà đã gửi chất vấn về việc thu hồi tài sản từ tham nhũng song đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Trong khi đó, tội tham nhũng muốn xử triệt để là phải thu hồi được tài sản tham ô, đừng để ai đó nghĩ "hy sinh đời bố, củng cố đời con".

Bà Khá phàn nàn, tham ô tăng theo cấp số nhân, trong khi thu ngân sách nhà nước ngày càng hao hụt. Tội phạm tham nhũng ngày càng khó phát hiện bởi mang gương mặt của kẻ "ba liên". Đó là liên doanh trong nội bộ, liên thông từ dưới lên trên và đặc biệt là liên kết với nhau chặt chẽ. Khi bị phát hiện, họ cũng dễ dàng thoát án do thực hiện "ba chạy", là chạy án, chạy tội, chạy tù. "Mà nói như quảng cáo là mưa đã có ô, lạnh đã có áo mà cảm cúm đã có Tiffy", bà Khá ví von.

Do vậy, chống tham nhũng nghĩa là phải đấu tranh dẹp nạn bè phái, cục bộ, bao biện, móc nối. Bà Khá cũng tha thiết mong QH làm rõ tình hình để báo cáo của Chính phủ năm sau không còn lặp lại như bây giờ.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Bắt được con mèo ăn miếng mỡ chứ bắt cọp thì chưa

Trong phiên thảo luận sáng, những ý kiến về tham nhũng đều khẳng định hầu hết các vụ được phát hiện đều chỉ là những vụ việc nhũng nhiễu vặt, nhỏ lẻ còn tội phạm lớn hầu như đều thoát dễ dàng.

Còn nói như ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), con mèo ăn miếng mỡ thì bắt được chứ bắt cọp, bắt heo là chưa. Ông Thuyền cũng đề nghị QH làm rõ xu hướng ngày càng hành chính hóa các vụ án tham nhũng.

Chiều nay, các vị trưởng ngành sẽ được dành thời gian giải trình.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng

No comments: