Phạm Lê Vương Các – Sinh viên năm thứ 3 Đại học tại TPHCM
21-10-2012
Cách đây gần một tháng, tôi có viết bài “Cần nhìn nhận hành vi chống nhà nước từ nhiều góc độ” đăng trên Nhật báo Ba sàm – Cơ quan ngôn luận của Thông tấn xã Vỉa hè. Bài viết đó chỉ là những nhận định cá nhân, tất nhiên khó tránh khỏi sơ sót, hạn chế. Do đó tôi rất mong được nghe thêm những ý kiến phản biện, phê phán.
Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, dưới bất kỳ hình thái xã hội hoặc định chế chính trị nào, đa nguyên về tư tưởng luôn là điều tất yếu. Chỉ có những kẻ ngu ngốc mới cố gắng “rèn” con người hướng đến sự “thuần nhất”. Con người vốn dĩ phụ thuộc vào sự tự rèn luyện, tự trưởng thành trong nhận thức của từng cá nhân khi tương tác với các cá nhân khác. Đây là điều căn bản trong mối quan hệ giữa người và người. Tôn trọng sự khác biệt là điều tối cần thiết trong việc duy trì mối quan hệ này, có như vậy mới tránh được đổ vỡ, vốn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tình huống “một mất, một còn”.
Dù nhận thức như vậy nhưng tôi vẫn “choáng” khi đọc bài “Phản động nhân danh lòng yêu nước” của tác giả Anh Khôi. Bài viết này ngoài sức tưởng tượng của tôi, sự phê phán mà tác giả dành cho tôi đã vượt ra khỏi sự tranh luận, nó là một loại cáo trạng, “kết buộc” tôi là: “nằm trong các thủ đoạn mà các thế lực thù địch, đang triển khai sử dụng nhiều luận điệu khác nhau để kích động chống Ðảng, chống Nhà nước ta, kêu gọi lật đổ chính quyền”.
Trong bài viết đó, ông Anh Khôi đã viện dẫn nhiều điều từ Hiến Pháp, chỉ tiếc là khi đọc – trích Hiến pháp, tác giả lại cố tình lờ đi các nguyên tắc được quy định tại Điều 72 của Hiến pháp năm 1992 và cũng được ghi nhận tại Điều 9 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, đó là: “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Thay vì dùng lý lẽ, thực tế để “giáo dục, cảm hóa, thuyết phục” những người trẻ như tôi, giúp chúng tôi nhận ra “đúng, sai”, ông Anh Khôi lại đem một tương lai mịt mù ra hăm dọa chúng tôi.
Trong bài viết “Chúng ta đang có tội với tương lai” *, tôi đã trình bày suy nghĩ của tôi về cách xử sự mà tôi nghĩ rằng nên có giữa thế hệ những người đi trước như ông Anh Khôi và đi sau như tôi, nên tôi xin phép không nhắc lại nữa. Chỉ xin ông Anh Khôi nhớ rằng, niềm tin và lý tưởng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn thì chỉ có những thế hệ sau, khi đứng trước lịch sử mới có thể phán xét một cách khách quan nhất.
Thưa ông Anh Khôi,
Khi ông cho tôi là “phản động” thì đó là quan điểm của ông, tôi tôn trọng đánh giá của ông. Ông nhận định các luận điểm của tôi còn non kém, thiếu hiểu biết và mập mờ, rồi chỉ trích thì tôi vẫn trân trọng cảm ơn ông. Ông cáo buộc mục đích bài viết của tôi là gì chăng nữa thì đó vẫn là quyền của ông, suốt quá trình tự học hỏi, với mong mỏi trở thành một con người theo đúng nghĩa con người trong một xã hội tiến bộ và văn minh, dạy tôi tôn trọng những khác biệt như thế, dù tôi có đồng tình hay không. Tôi sẽ không cố gắng chứng minh với ông tôi là người thế nào, yêu nước hay phản động, nguy hiểm hay có ích… bởi lẽ tôi có một “miền giá trị” riêng cho mình. Ông đã đứng trên một hệ giá trị khác để phán xét tôi, tôi không bận tâm lắm, phán xét người khác là điều xa lạ đối với tôi. Tuy nhiên, do các phán xét này được báo Nhân Dân chọn đăng, nó không còn là quan điểm của cá nhân ông nữa, nó được xem như quan điểm chính thức của cơ quan ngôn luận thuộc Trung ương Đảng, không phải kiểu bày tỏ quan điểm cá nhân ở “vỉa hè” như bài viết của tôi nên tôi muốn thưa lại với ông vài điều.
Như tôi đã từng trình bày, “khoa học là khai minh, chính trị là tuyên truyền. Chính trị muốn tuyên truyền hiệu quả thì cần phải dựa vào khoa học”. Đó là lý do tôi chấp nhận “chống nhà nước” bằng các hành vi phi bạo lực. Tôi quan niệm rằng, bất kỳ chủ thể, sự vật hay hiện tượng nào cũng có những hạn chế nhất định, cho nên, chống lại nó là điều cần và nên làm để vươn tới Chân-Thiện-Mỹ. Ở đây, “chống” cần được hiểu là phủ định cái lạc hậu và tạo tiền đề cho cái tiến bộ ra đời, chứ không phải là tiêu diệt lẫn nhau.
Thưa ông Anh Khôi,
Không phải tôi mà nhiều người đọc bài viết của ông cũng tin như tôi rằng, bài ông đã viết chỉ nhằm “duy trì nỗi sợ hãi cho một người trẻ như tôi”. Người khác như thế nào, tôi không biết, riêng tôi, xin thú nhận là đọc xong bài ông viết tôi có sợ. Sở dĩ tôi có thể ngồi viết thêm bài này, gửi nó cho ông là vì tôi ráng tựa vào lương tri, dằn nỗi sợ xuống. Tôi nghĩ rằng ông đọc nhiều, hiểu rộng nên chắc ông nhớ, gần đây, Giáo sư Ngô Bảo Châu từng chia sẻ: “Không thể lấy sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”. Vậy theo ông, Giáo sư Ngô Bảo Châu có “ngộ nhận” không?
Thứ hai, có vẻ ông muốn “vận động” cho tôi vào tù vì “làm ra các tài liệu tuyên truyền chống nhà nước” và hình như cũng muốn qua đó dọn ra một con đường tương tự cho người làm trang blog Ba Sàm vì đã “phát tán tài liệu tuyên truyền chống nhà nước”? Tôi muốn giải thích thêm với ông rằng, tôi không “chơi” với Quan Làm báo, Dân Làm Báo hay Biển Đông mà chọn “chơi” với blog Ba Sàm vì tôi vẫn muốn “tôn trọng luật pháp” như cảnh báo trong Công văn 7169 do Văn phòng Thủ Tướng phát hành. Tuy nhiên, do là một người có tìm hiểu pháp luật, dấu “…” trong công văn là một dấu hỏi lớn với tôi. Công văn 7169 có phải là một văn bản quy phạm pháp luật hay không, nếu là một văn bản quy phạm pháp luật thì tại sao lại có dấu “…” để ai muốn suy diễn thế nào cũng được? Phải chăng nhờ dấu “…” này nên ông mạnh dạn kéo cả tôi lẫn blog Ba Sàm, cột vào chung một “rọ”?
Thứ ba, tại sao ông lại chọn bài viết của tôi để tấn công vào thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 6? Chưa bao giờ tôi nghĩ một bài viết nào đó của tôi có thể là trọng tâm phản công của một tờ báo giữ vai trò đặc biệt như Nhân Dân. Tôi chưa đủ tầm để được “vạch mặt, chỉ tên” trên cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng đâu ông Anh Khôi ạ!
Thứ tư, phải chăng ông chỉ trích tôi vì ngại bài viết của tôi sẽ ảnh hưởng và tác động đến nhận thức của sinh viên nên cần phải “định hướng lại”? Nếu suy nghĩ như thế thì ông đã lo lắng thái quá. Cá nhân tôi không bao giờ nghĩ đến việc rao giảng điều gì đó cho bất kỳ ai. Tôi chỉ yêu mến tri thức và tin rằng nhiều bạn bè đồng trang lứa với tôi cũng giống như tôi, tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ của mình và nghe phản hồi về những suy nghĩ đó như một cách học hỏi.
Tôi có cảm giác sự lo ngại của ông xuất phát từ cảm giác nơi ông rằng tôi muốn làm chính trị. Xin thưa với ông rằng: Tôi không thuộc về bất kỳ đảng phái, tổ chức chính trị nào cả. Xin đừng ghép những người chia sẻ những suy nghĩ khác với điều mình muốn họ nghĩ là “kích động và kêu gọi lật đổ chính quyền”. Giành giật chính quyền là mục đích của những người muốn làm chính trị, còn tôi chỉ là người muốn mở mang tri thức nên chia sẻ điều mình nghĩ và chờ đón ý kiến về những suy nghĩ đó từ những người khác. Chỉ thế thôi ông Anh Khôi ạ! La hoảng và làm những người khác hoảng, vô tình hay cố ý, ông đang xúc phạm yếu tố “dân bàn” mà Đảng vẫn cổ súy đấy ông Anh Khôi ạ!
Cũng có thể ông sẽ thắc mắc rằng, nếu có thiện ý tại sao tôi lại “chui” vào blog Ba Sàm, hình như ông không có thiện cảm với blog này (?) Xin giải thích để ông hiểu rằng tôi chọn blog Ba Sàm bởi ở đó có “tự do” không cần theo “lề” nào. Họ đăng bài tôi rồi đăng luôn cả bài phê phán tôi của ông. Bao giờ báo Nhân Dân làm được như vậy, tôi (và tôi tin rằng nhiều người khác) sẽ gửi suy nghĩ, ý kiến của mình cho báo Nhân Dân chứ không chọn blog Ba Sàm nữa.
Chào ông,
Phạm Lê Vương Các
2 comments:
Hehehe tiểu sư muội nói hay lắm, anh ngưỡng mộ em rùi đó nhe.chắc là sinh viên trường Luật đúng không?ngày xưa lúc nào mình cũng nghe cô Phương Đài nhai đi nhai lại điều 72 để nói về tính nhân đạo trong hiến pháp nên thấy XHCN quả là tốt đẹp. khốn nạn thay từ ngày ra đời đến giờ mới biết đi học luật là quyết định ngu xuẩn nhất, lý do là VN làm gì có Luật pháp hichic...hãy vững lòng tin nghe cô bé, vận mệnh đất nước này giờ chỉ trông vào những con người như em đó!!!
Một bài viết sắc xảo và đầy ý chí
Post a Comment