Sunday, October 28, 2012

Bầu cử TT Mỹ: Người bầu sớm đông kỷ lục!

Đợt bỏ phiếu sớm trên khắp 50 bang của nước Mỹ đã bắt đầu. Theo số liệu thống kê của Reuters/Ipsos, ước tính có tới 40% số cử tri Mỹ đã bỏ phiếu này và ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama đang dẫn trước khá xa so với Mitt Romney với tỷ lệ 54% -39%.

Mặc dù phải đến ngày 6/11 tới đây cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 mới chính thức bắt đầu nhưng theo luật Mỹ, các cử tri được phép đi bỏ phiếu sớm từ cuối tháng 9 và cuối tháng 10. Cả 2 ứng viên của đảng Dân chủ (đương kim Tổng thống Barack Obama) và đảng Cộng hòa (thượng nghị sỹ Mitt Romney) đều đã lên tiếng thúc giục các cử tri đi bỏ phiếu sớm, đặc biệt là tại những bang quan trọng.
Các cuộc thăm dò/khảo sát nhanh tại các điểm bỏ phiếu cho thấy, ông Barack Obama đang dẫn đầu tại rất nhiều bang. Đáng chú ý, trong cuộc bầu cử Tổng thống cách đây 4 năm ông Obama cũng đã hưởng lợi khá nhiều từ những cử tri đi bỏ phiếu sớm.

Khoảng từ 35 -40% số cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm để lựa chọn ông chủ Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo.

Số liệu thống kê của trung tâm Reuters/Ipsos cho biết, hiện nay ông Obama đang nhận được sử ủng hộ của khoảng 54% số cử tri đã đi bầu, trong khi đó đối thủ của ông là Mitt Romney chỉ nhận được khoảng 39% số phiếu ủng hộ. Khoảng 18% số cử tri đã đăng ký, 25% số cử tri thiểu số và khoảng 20% số cử tri là người da trắng đã đi bỏ phiếu.

Allison Gilmore – một cử tri ở Arlington, bang Virginia cho biết, cô đã tranh thủ đi bỏ phiếu trong giờ ăn trưa và giống như nhiều cử tri khác, cô muốn đi bỏ phiếu sớm vì sợ vào ngày 6/11 tới sẽ bận công việc và không thể tham gia góp lá phiếu chọn ra người đứng đầu chính phủ Mỹ trong 4 năm tiếp theo được.

“Tôi không thể biết vào ngày đó tôi sẽ bận thế nào vì tôi làm nghề trông trẻ. Tôi muốn chắc chắn rằng lá phiếu của tôi sẽ góp phần vào sự lựa chọn Tổng thống”, Gilmore nói trong khi không tiết lộ cô đã bỏ phiếu cho ai.

Những cuộc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu tại một số bang của nước Mỹ từ tháng 9, hiện đang diễn ra trên hầu khắp các bang, kể cả hình thức bỏ phiếu qua thư hay đi bầu trực tiếp. Các nhà khoa học chính trị Mỹ ước tính, những cuộc bỏ phiếu sớm năm nay thu hút được từ 35-40% tổng số cử tri của nước Mỹ.

"Tại một số bang, tỷ lệ người đi bầu sớm thậm chí còn cao hơn cả tỷ lệ này, đặc biệt là ở những bang quan trọng có khả năng ảnh hưởng lớn đến kết quả chung cuộc ai sẽ là người đứng đầu Nhà Trắng trong 4 năm tới”, Michael McDonald, giáo sư khoa học chính trị của trường ĐH George Mason bang Virginia nói. Ông McDonald cũng là người đứng đầu dự án Bầu cử Mỹ và theo dõi một cách rất sát sao những cuộc bỏ phiếu sớm.

"Các chiến dịch tranh cử của cả 2 ứng viên đều đang nhắm đến việc thu hút cử tri đi bỏ phiếu sớm", ông McDonald cho biết và lý giải rằng sở dĩ có tình trạng này là do đảng Cộng hòa đã “rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử năm 2008” khi đã để ông Obama “độc diễn” trong các cuộc bầu cử sớm và không thể kịp “sửa chữa sai lầm” trong ngày bầu cử chính thức.

Trong những ngày qua, cả 2 đảng đều liên tiếp công bố những kết quả khảo sát ban đầu và tuyên bố rằng họ đang dẫn đầu từ những cuộc bỏ phiếu sớm.

Ông Obama đã trở thành đương kim Tổng thống đi bỏ phiếu sớm nhất.

Hôm thứ Năm (25/10), ông Barack Obama đã bỏ phiếu tại thành phố Chicago và trở thành vị đương kim Tổng thống đi bầu cử sớm nhất trong lịch sử Mỹ. Điều này cho thấy đảng Dân chủ coi trọng những cử tri đi bầu sớm như thế nào.

Trước cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đã có những cuộc đối đầu nảy lửa tại tòa án quanh vấn đề đi bỏ phiếu sớm, đặc biệt là tại các bang Florida và Ohio. Đảng Dân chủ lên tiếng tố cáo đảng Cộng hòa cố tình sử dụng các tiểu xảo để hạn chế lượng người đi bỏ phiếu sớm và qua đó gián tiếp loại bỏ phần lớn những cử tri thuộc tầng lớp lao động – những người gần như chắc chắn sẽ ủng hộ ông Obama tái đắc cử.

Cuối cùng, bang Ohio đã yêu cầu tòa án cho phép mọi cử tri được đi bầu sớm với hạn chót là đêm trước ngày 6/11. Chính quyền bang Florida đã cắt giảm số ngày được phép đi bỏ phiếu sớm nhưng lại cho phép tăng số giờ đi bỏ phiếu trong mỗi ngày để xoa dịu sự chỉ trích của các cử tri là người lao động và dân văn phòng vốn bị hạn chế rất nhiều về thời gian.

Phan Sương

No comments: