Tuesday, December 17, 2013

Vụ án phá hoại khiến mất điện toàn Miền Nam đã chìm xuồng!

Hiện trường chiếc xe cẩu nâng cây dầu chạm vào đường dây 500 kV - Ảnh: Đỗ Trường 
Ngày 22 tháng 5 năm 2013, chỉ vì một cành cây vướng vào đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định mà đã gây sự cố mất điện toàn miền Nam. Hậu quả về mặt kinh tế xã hội là đặc biệt nghiêm trọng. Giờ đây chỉ cần gõ vào Google từ khóa “Mất điện toàn miền Nam”, chỉ vài giây đã có gần 5 triệu kết quả tìm kiếm. Hầu hết các kết quả đều dẫn đến nguyên nhân sự cố theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam: sự cố xẩy ra trong lúc truyền tải điện công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500 kV Bắc Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong Hệ thống điện miền Nam, dẫn tới Hệ thống điện miền Nam mất điện toàn bộ (lượng điện bị hụt do sự cố gây ra khoảng 9.400 MW).
Rất nhanh, EVN đã xác định ngay nguyên nhân trực tiếp của sự cố do một xe cần cẩu trồng cây trong khu vực thành phố mới Bình Dương đã chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072 gần trạm biến áp 500 kV Tân Định. Có thể nói thiệt hại là vô cùng lớn, ngoài 14 tỷ đồng của EVN có thể đo đếm được ngay thông qua điện lượng bị mất, thì chi phí khắc phục sự cố, chi phí khởi động lại lò của các nhà máy điện, chi phí thiệt hại của kinh tế xã hội do mất điện đột xuất, gây đảo lộn đời sống, sinh hoạt của nhân dân toàn miền Nam…là không thể tính nổi.

Theo ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) lúc đó, sự cố đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên, sơ bộ đây là nguyên nhân khách quan do xe cẩu vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Ngành điện đã có cảnh báo khoảng cách an toàn lưới điện, lý do tại sao vi phạm sẽ phải làm rõ. “Về mặt nguyên tắc, ngành điện khi cắt điện phải báo trước 1 tuần, nếu không báo trước sẽ phải đền bù thiệt hại cho khách hàng, nhưng đây là sự cố bất khả kháng nên không thể báo trước, chỉ mong khách hàng thông cảm”, ông Lẫm nói. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc EVNNPT thì khẳng định, sự cố xẩy ra trong điều kiện hệ thống vận hành kinh tế (tức ưu tiên về hiệu quả) dẫn đến rã lưới là đáng tiếc. Nhưng sự cố là do khách quan (do cần cẩu) nên mong khách hàng thông cảm. Lại thông cảm với EVN!?.

Trước phản ứng dữ dội của dư luận và các Đại biểu Quốc hội về việc cần phải làm rõ vì sao chỉ một cành cây mà gây mất điện 21 tỉnh miền Nam, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, gây đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của hơn 8 triệu khách hàng. Tại phiên họp chính phủ thường kỳ ngày 26 tháng 5 năm 2013, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét nghiêm túc mọi mặt sự cố gây mất điện toàn miền Nam, từ nguyên nhân, cách khắc phục và trách nhiệm của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Dư luận cũng ngay lập tức chỉ ra ngọn nguồn sự cố chính là phương thức vận hành không hợp lý, chất lượng thiết bị tồi và cả thiếu trách nhiệm của lực lượng vận hành trực tiếp. Vậy nhưng Bộ Công thương và EVN vẫn loanh quanh, rắp tâm đổ tội cho cái cần cẩu. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đã vu vơ đưa ra sự so sánh khập khiểng: sự cố này cho thấy tính chất dễ tổn thương của hệ thống đường dây 500kV, nhưng đây cũng là sự cố từng xảy ra đối với lưới điện siêu cao áp của nhiều nước trên thế giới. Thay vì nói về nguyên nhân thì ông lại lảng sang vấn đề khác. Ông khen ngành điện đã khắc phục nhanh sự cố, rồi ông kêu gọi phải đầu tư nhanh các dự án phát triển nguồn điện phía Nam. Nực cười hơn, ông nói tiếp: “Hệ thống điện gồm hàng chục nghìn km đường dây, lực lượng của Tổng công ty truyền tải điện không đảm bảo được nếu không có sự hỗ trợ của các địa phương và cả xã hội. Nếu chung tay bảo vệ thì nguy cơ sự cố sẽ ít hơn”. Thật lạ, ngành điện không bảo đảm được, cần hỗ trợ của các địa phương, giá điện tăng thì các ông hưởng, chắc ông cũng định hàm ý thêm, sự cố này các địa phương cũng phải chịu một phần trách nhiệm ? Kiểu nói này nghe quen quen, như thể "Chúng ta đang nói về chúng ta..." của xếp ông Quang mới đây.

Còn EVN, ngày 31 tháng 5, biết không thể im lặng mãi, buộc phải lên tiếng về việc sẽ bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Còn dân thì thôi nhé. Sự thực, câu chuyện bồi thường của EVN vẫn chỉ là lời hứa gió bay.

Đến nay, sau gần 7 tháng lặng lẽ điều tra, theo 1 điều tra viên của cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương xin giấu tên, khẳng định, tất cả những điều dư luận nghi vấn về nguyên nhân đích thực gây sự cố nghiêm trọng làm rã lưới hệ thống điện miền Nam ngày 22 tháng 5 năm 2013 là đúng. Chính do phương thức vận hành, do thiết bị và một phần do lỗi của những người vận hành trực tiếp. EVN đã quá chú trọng về lời lãi mà bỏ quên mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. EVN đã cố tình lập phương thức vận hành để phát tối đa thuỷ điện ở miền Bắc, tận dụng điện giá rẻ truyền tải vào miền Nam. Không những thế, để giảm tổn hao trong truyền tải (vì mục tiêu kinh tế), gần như toàn bộ sản lượng chỉ được truyền tải trên 1 đường dây, không san tải. Đây chính là lý do chết người dẫn đến sự cố có một không hai nói trên. Thiết bị thì cọc cạch, nhiều loại được lắp vào hệ thống nhưng vô tác dụng. Thay đổi phương thức vận hành nhưng hệ thống rơ le bảo vệ không được chỉnh định lại một cách kịp thời và chính xác làm vô hiệu hoá chức năng cô lập sự cố. Đã thế, mặc dù vị trí sự cố gần trạm 500kV Tân Định nhưng công tác vận hành đã có những chủ quan đáng trách. Có thể khẳng định, cái cần cẩu chỉ là giọt nước tràn ly. Nếu cần cẩu không va vào thì chỉ cần 1 cành cây do gió thổi vào gần đường dây (ở bất kỳ vị trí nào của toàn tuyến) hoặc chỉ cần 1 trục trặc nhỏ trong bất kỳ trạm hoặc đường dây nào vào những ngày đó cũng có thể gây sự cố tương tự.

Dư luận chờ đợi sự nghiêm minh của pháp luật. Vụ án thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được khởi tố là đảm bảo để tương lại không gặp lại sự cố này lần nữa.
ĐÀO LÊ TỐ 

No comments: