Tuesday, April 2, 2013

Trung Quốc bí mật dồn quân đến sát Bắc Triều Tiên

VualambaoTrung Quốc đang đặt lực lượng quân đội vào tình trạng báo động cao nhất ở khu vực biên giới phía đông bắc nước này khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nghiêm trọng, các quan chức Mỹ cho biết. 

Những báo cáo tình báo từ khu vực tiết lộ, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) gần đây đã tăng cường sức mạnh quân sự ở biên giới với Triều Tiên nhằm chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình hình căng thẳng leo thang, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố “tình trạng chiến tranh” và đe dọa tấn công bằng tên lửa, vũ khí hạt nhân vào Mỹ, Hàn Quốc. Theo các quan chức Mỹ, PLA đã tăng cường huy động quân đội đến khu vực biên giới với Triều Tiên từ giữa tháng 3, trong đó có việc triển khai thêm quân và máy bay chiến đấu.

Hải quân Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Hoàng Hải. Cuộc tập trận được khởi động ngày hôm qua (1/4) gần bán đảo Triều Tiên này rõ ràng là một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc đối với đồng minh Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang “nổi giận đùng đùng” vì cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn kéo dài từ đầu tháng 3 cho đến hết tháng 4 này.

Các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Triều Tiên được phát hiện ở tỉnh Jilin và những báo cáo tình báo từ khu vực hôm 19/3 cho biết, lực lượng PLA được lệnh báo động ở “Cấp độ 1” – cấp độ sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất.

Người ta đã nhìn thấy một loạt nhóm binh lính lớn trên các đường phố ở Ji’an – một thành phố thuộc tỉnh Jilin sau khi có thông tin về việc PLA nhận được lệnh phải đặt các đơn vị ở khu vực biên giới với Triều Tiên trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Cùng với diễn biến trên, người ta thấy các phương tiện bọc thép hạng nặng, trong đó có xe tăng và xe chuyên chở quân bọc thép, của PLA di chuyển gần Sông Yalu. Đây là con sông nằm giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

Lực lượng trên là một phần trong Lữ đoàn Cơ giới thứ 190 đóng tại Benxi, tỉnh Liaoning. Hoạt động triển khai quân và các phương tiện quân sự của Trung Quốc ở khu vực biên giới với Triều Tiên được tin là có liên quan đến tình trạng căng thẳng cao độ trên bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Ngoài ra, người ta cũng phát hiện binh lính và các phương tiện quân sự của PLA di chuyển gần Baishan, tỉnh Jilin trong ngày 21/3. Các báo cáo tình báo cho biết, họ đã nghe và nhìn thấy máy bay bay thấp của lực lượng Không quân PLA, ở một loạt khu vực nằm trên biên giới Trung - Triều, bao gồm Yanji, Yanbian ở Jilin; Kuancheng ở tỉnh Hebei và Dandong ở tỉnh Liaoning.

Các quan chức Mỹ tin rằng, việc Trung Quốc gần đây tăng cường các hoạt động quân sự ở khu vực biên giới là do lo ngại về khả năng bùng nổ một cuộc xung đột mới giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.

Quân đội Trung Quốc từ lâu đã ký hiệp ước quốc phòng với Triều Tiên, theo đó, Bắc Kinh phải có nghĩa vụ bảo vệ Bình Nhưỡng trong trường hợp nước láng giềng của họ bị tấn công. Lần cuối cùng lực lượng Trung Quốc hậu thuẫn cho Bình Nhưỡng là trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953. Khi đó, hàng ngàn binh lính tình nguyện của Trung Quốc đã tiến vào phía nam bán đảo Triều Tiên.

Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc thường miêu tả mối quan hệ giữa họ với Quân đội Nhân dân Triều Tiên là mối quan hệ “khăng khít như môi với răng”. Tuy nhiên, gần đây, quan hệ thân thiết giữa hai nước đồng minh Trung Quốc và Triều Tiên đang có dấu hiệu xấu đi. Và người Trung Quốc dường như đang mâu thuẫn với nhau về vấn đề Triều Tiên.

Trung Quốc mâu thuẫn vì Triều Tiên?

Sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc – đồng minh thân thiết nhất và lớn nhất của họ, Bắc Kinh có phần cảm thấy bẽ bàng và mất mặt. Đó là lý do khiến rất nhiều học giả Trung Quốc kêu gọi từ bỏ nước đồng minh Triều Tiên.

Ông Deng Yuwen – Tổng Biên tập của một tờ báo nổi tiếng của Trung Quốc, đã cho đăng một bài báo với nhan đề “Trung Quốc nên từ bỏ Triều Tiên” hồi tháng 2. Bài viết này nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các nhà ngoại giao bởi nó được tin là một dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đang xem xét lại mối quan hệ với nước láng giềng sau khi liên tiếp bị họ “dội những gáo nước lạnh”.

Trong thời gian qua, nhiều học giả Trung Quốc cũng đưa ra những lời kêu gọi tương tự như của ông Deng.

Tuy nhiên, ngay sau khi bài báo “Trung Quốc nên từ bỏ Triều Tiên” được đăng tải trên tạp chí Financial Times, ông Deng đã bị kỷ luật, tam đình chỉ công tác một tháng ở tờ Thời báo Nghiên cứu. Đây là thông tin do một số người hiểu rõ vấn đề tiết lộ.

Việc ông Deng bị kỷ luật cho thấy, nội bộ Trung Quốc đang có sự mâu thuẫn, khác biệt nhau trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Nhiều nhà quan sát tin rằng, bài viết trên là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu bực tức, khó chịu trước sự thất bại của họ trong chính sách đối với Triều Tiên và đang lo lắng về khả năng bùng phát xung đột quân sự ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, mối quan ngại của giới lãnh đạo dân sự Trung Quốc lại bị lấn át bởi mong muốn của quân đội Trung Quốc trong việc duy trì Triều Tiên là một vùng đệm chiến lược chống Mỹ. Mong muốn này của PLA càng lớn trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á.

(VnMedia)

No comments: