Wednesday, April 3, 2013

Quốc Hoa - Bình Chọn Xong Thì Làm Gì?

Vualambao - Thủ tướng chính phủ vừa trực tiếp chỉ đạo bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch tổ chức bình chọn quốc hoa cho Việt Nam. Lập tức dư luận báo chí và xã hội lại có nhiều tranh luận ngược chiều, năm người mười ý và ai cũng có lý của riêng mình. Hơn 2 năm trước, việc bình chọn quốc hoa được tổ chức cập rập vào những ngày giáp tết bận rộn, cuối cùng đành dở dang. Lần này, ngày dài tháng rộng nhưng sự quan tâm bị phân hóa bởi những sự kiện thời sự nóng hổi. Nào sách tham khảo cho trẻ mầm non in nhầm cờ Trung Quốc, sách giáo khoa lớp 1 quên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sách học tiếng Hoa cho trẻ có cả đường lưỡi bò 9 đoạn…Rồi những chuyện như đùa về xe chính phủ, về nón bảo hiểm, về tiền gởi tiết kiệm, về cơm áo gạo tiền… đã làm cho cuộc bình chọn lần này kém hào hứng.

Tôi vẫn giữ ý kiến của mình là không chọn hoa sen. Bởi sen là quốc hoa của Ấn Độ, Ai Cập và Sri Lanka; dù sen không phải là loài hoa phổ biến ở xứ sở họ. Có nên chọn quốc hoa kiểu theo đuôi thiên hạ? Sen là biểu tượng của Phật Giáo. Có nên chọn biểu tượng của một tôn giáo làm quốc hoa trong một quốc gia đa tôn giáo? Lâu nay, thiên hạ chỉ khen sen vì “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nếu vậy thì sen là loài hoa “phản trắc” (chữ của nhà thơ Phùng Quán). Thử hỏi sen từ đâu mà ra? Ai hết lòng chắt chiu nuôi dưỡng? Nếu sen không cần bùn thì chỉ có sen giấy, sen nhựa vô hồn mà thôi, nói chi đến hương thơm. Chưa kể hoa sen mau tàn. Nhưng ý kiến là quyền của mọi người, quyết định là quyền của lãnh đạo.

Tôi thì trước sau chỉ chọn hoa lúa. Bởi có sẵn trên quốc huy, bởi Việt Nam là một trong những cái nôi của văn minh lúa nước. Bởi không có lúa thì chết đói và bởi tôi là dân Hai Lúa, sinh ra và lớn lên từ ruộng đồng. Bởi hoa lúa chưa nước nào chọn. Có người chọn hoa mắc cỡ, còn gọi là xấu hổ hay trinh nữ. Bởi trong xã hội đảo điên và khủng hoảng đạo đức hiện nay thì biết xấu hổ và mắc cỡ là còn lòng tự trọng, là còn hy vọng vào sự đổi thay cầu tiến. Bạn đọc chớ nhầm hoa xấu hổ với mai dương (cây ngoại lai độc hại) và mắt mèo, đều cùng họ mắc cỡ. Nếu còn sống, có thể Phùng Quán chọn hoa xương rồng, hoa cứt lợn hoặc hoa cà. Những loài hoa bình dị mà phẩm chất trên cả tuyệt vời, chứ không màu mè đỏng đảnh mà khó nuôi trồng, chăm sóc.

Nhiều nước không có quốc hoa. Hoặc có nhưng người dân không quan tâm. Người dân Khmer và cả khách du lịch đến xứ sở Angkor ít ai biết quốc hoa của Campuchia là hoa thị, tiếng Khmer là rumduol. Chẳng chết ai. Cũng không nhờ hoa thị mà du khách đến Campuchia nhiều hơn. Quốc hoa của nhiều nước là lá như lá phong của Canada, lá me đất của Irelan. Hoặc dân dã như cây tràm bông vàng, còn gọi là tràm keo, quốc hoa của Úc. Khác với quốc kỳ, quốc ca, quốc huy; quốc hoa chỉ mang ý nghĩa tinh thần tượng trưng nên có thì tốt. Chưa có cũng chẳng sao. Liên Hiệp Quốc có 193 nước thành viên nhưng chỉ trên 100 nước có quốc hoa. Với nước này, quốc hoa là biểu tượng quốc gia nhưng với nước khác, nhiều khi chẳng ai biết. Lâu nay, chưa nghe ai phàn nàn kêu ca vì nước ta chưa có quốc hoa cả. Đem chuyện này hỏi các em sinh viên khoa Du Lịch tôi đang dạy và một số người dân trong các quán cà phê vỉa hè thì đa phần cho rằng “Chưa cần thiết. Còn khối chuyện cấp bách phải ưu tiên giải quyết”. Có kẻ cực đoan còn cho rằng đó là việc rỗi hơi. Số ít thì nhất thiết phải có cho bằng chị bằng em với thiên hạ. Kệ, cứ tranh luận cho quên bớt chuyện đời và học thêm cả cái vô lý của người khác.

Sao không chọn quốc phục trước bởi sự cần thiết và hữu dụng. Tôi cũng lạ là sao một đất nước mấy ngàn năm văn hiến mà không có cách chào riêng. Vòng tay trước ngực chỉ là cách chào của trẻ con và học trò. Còn cách chào của người lớn không biết. Lúc bắt chước Tây (giơ tay vẫy). Khi học Nhật (cúi đầu). Khi theo người Ấn (chấp tay trước ngực). Tôi càng sợ, không chừng sau quốc hoa là quốc tửu, quốc nhục (thịt) và quốc loạn xạ. Càng sợ hơn kiểu “Đánh trống bỏ dùi”, một trong những căn bệnh nan y cố hữu của Việt Nam hiện tại. Kiểu như cuộc vận động rầm rộ bình chọn Hạ Long do mạng New Open World, một trang web tư nhân. Vậy mà chính phủ cử hẳn một phó Thủ Tướng tham gia với đủ ban bệ. Mặc các phản biện cảnh báo, cứ “mũ ni che tai”, thoải mái ra quân xài tiền thuế của dân. Các nước phát triển, chẳng ai quan tâm, dù họ thừa sức và thừa tiền. Tới lúc công bố kết quả, mới té ngửa cái uy tín bé tẹo của danh hiệu. Phát động thì rình rang, tổng kết thì lặng lẽ, còn hơn “đầu voi đuôi chuột”. Chẳng nghe nhắc gì tới vai trò trưởng ban chỉ đạo của phó Thủ Tướng. Kẻ xấu miệng mỉa mai “Chính phủ Việt Nam quởn thiệt!”. Đáng buồn hơn, sau khi được công nhận, Hạ Long vẫn như cũ, chỉ lấy giấy chứng nhận để tự sướng và treo chơi. Tệ hại hơn, vừa có kết quả bình chọn là lập tức tăng giá vé (để bù vào chi phí vận động), bắt các tàu gỗ sơn trắng đồng phục như bệnh viện cho khác người… Hậu quả là khách du lịch không tăng mà còn giảm sút. Các di sản thế giới của Việt Nam cũng vậy. Cố chạy bằng được, xong để đó, khoe chơi chứ chẳng có kế hoạch cụ thể gì để phục vụ du lịch. Việt Nam hiện có 17 di sản thế giới, đứng đầu Asean nhưng lượng khách quốc tế vào Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia, dù diện tích tương đương, dân số Việt Nam đông hơn gấp 3 và Malaysia chỉ có 3 di sản thế giới. Mới hay các danh hiệu và cái áo chưa thể làm nên thầy tu chính hiệu.

Cuối cùng, quốc hoa sẽ được chọn. Chẳng có hoa nào được tất thảy đồng thuận, bởi “năm người mười ý” và lãnh đạo luôn là người có lý nhất. Hoa nào cũng có cái hay, cái đẹp riêng tùy cảm nhận và quan điểm sống của mỗi người. Đã được chọn thì phải chấp nhận. Nhiều người hỏi lại “Bình chọn xong quốc hoa thì làm gì tiếp theo?” Thế là nổ ra tranh luận. Còn sôi nổi, căng thẳng hơn cả việc chọn hoa gì? Để treo chơi tự sướng? Hay lại trở thành vàng mã, càng đốt nhiều càng lắm lộc. Không khéo lại chỉ đạo phải có quốc hoa trong mọi nghi lễ, trong mọi văn phòng, nhà cửa. Lại tốn cả núi tiền để sơn lại máy bay, tàu hỏa, ô tô và vô số bảng hiệu cho hợp với quốc hoa. Rồi nào vận động sáng tác bài hát, làm tượng đài và cả thơ ca, họa… Hoa này tha hồ tăng giá, độc quyền mà lại. Rồi thì ai được quyền trồng, ai có quyền bán?. Bởi dân hoa thì khác, chứ đã là quốc hoa là tài sản quốc gia, chỉ nhà nước mới có quyền định đoạt... Ôi thôi, đủ thứ lo lắng, đoán già đoán non để đầu tư từ xa, kiểu đất qui hoạch trước đây. Sẽ có lắm người giàu lên nhờ quốc hoa và nhiều người khổ thêm cũng vì quốc hoa. Đâu chứ Việt Nam, chuyện gì cũng có thể xảy ra cả.

Nghe thiên hạ luận bàn mà phát hoảng, chẳng dám tham gia. Chỉ mong sao nhà nước, nếu quyết tâm bình chọn bằng được quốc hoa thì làm ơn lập dùm kế hoạch chi tiết, với từng bước đi cụ thể. Quan trọng là sau bình chọn thì làm gì với quốc hoa? Để thiên hạ còn xem xét. Tùy hiệu quả mà an tâm bình chọn. Bằng không, chỉ tổ nghi ngờ thêm khả năng quản lí, hoài phí của cải, công sức như lâu nay vẫn làm thì tham gia làm gì cho mất công. Cứ nằm nhà ngủ khỏe. Không có quốc hoa cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cá nhân mình và cả đất nước. Mấy ngàn năm nay vẫn vậy.

Nguyễn Văn Mỹ

No comments: