Thursday, March 28, 2013

Vấn Đề Trí Thức và Độc Tài Đảng Trị

Vualambao - LTS. Bài dưới đây là chương 25 trích từ cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc của Thụy Khuê. Chương này tiếp tục khảo sát cuốn Une Voix Dans La Nuit của Nguyễn Mạnh Tường, về "Vấn đề trí thức và Độc tài đảng trị", một vấn đề rất đặc thù của chế độ cộng sản tại Việt Nam. 
*
Trong phần hai của tiểu thuyết Une voix dans la nuit, Nguyễn Mạnh Tường dùng hình thức đối thoại để mô tả cuộc chiến một mất một còn giữa người cộng sản và người trí thức, qua các cuộc nói chuyện tay đôi giữa Năng và Tổng Bí Thư; giữa Hiên và Đắc; giữa luật sư Mạn và bác sĩ Xuân. Người đọc tinh ý sẽ nhận ra Hiên và Mạn là hình ảnh Nguyễn Mạnh Tường, Đắc là Nguyễn Hữu Đang, người đến mời Nguyễn Mạnh Tường tham gia phong trào NVGP, và Xuân chính là bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên, người được chánh án Châu -Đặng Châu Tuệ- mời vào đảng Xã Hội cùng một lúc với Nguyễn Mạnh Tường. Tổng Bí Thư xuất hiện hai lần trong tiểu thuyết, lần đầu sau khi hoàn tất chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất -trên thực tế, trước tháng 10/1956, Trường Chinh làm Tổng Bí Thư, từ tháng 10/1956 đến tháng 9/1960, Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch kiêm Tổng Bí Thư- và lần thứ nhì, khi Đảng quyết định làm đám ma cho hai đảng Xã hội và Dân chủ lúc đó Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí Thư.

Hình thức đối thoại này mở cửa vào nội bộ của hai phía cộng sản và trí thức, trong quá trình hành động từ 1945 đến 1990, cho thấy họ hiểu rõ nhau đến mức độ nào, đồng thời xác định: Sự căm thù trí thức tuy là sản phẩm Mác-Lê-Mao, nhưng khi được áp dụng ở Việt Nam, đã trở thành sản phẩm Việt, khó có thể quy trách nhiệm cho Nga Tàu.

Chúng tôi trích dịch những đoạn mấu chốt, không bình luận, để ngôn ngữ Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp đi vào tim óc người đọc.

Người trí thức Việt Nam dưới mắt người cộng sản

"Vị Tổng Bí Thư bước xuống bậc cuối của nấc thang danh dự đón Năng được ông triệu tập đến tư dinh để đàm luận một vấn đề quan trọng. Vừa ngồi xuống bộ salon, nhắp ngụm trà ướp sen, ông chủ nhà đi ngay vào đề:
- Tôi mời đồng chí đến để cùng thảo luận về vấn đề trí thức. Sau khi giải quyết vấn đề Cải Cách Ruộng Đất, đánh bại tầng lớp địa chủ và sau khi thực hành Cải Tạo Tư Sản, chấm dứt sự bóc lột của bọn tư sản thành thị, đã đến lúc chúng ta phải đánh vào vấn đề trí thức.

Không ai chối cãi được sự quan trọng của chất xám trong thế giới tân tiến. Thế kỷ chúng ta đã chứng kiến những thành quả sáng ngời của khoa học trong mọi địa hạt. Người trí thức đã đạt địa vị cao quý trong xã hội và được hưởng sự kính trọng và khâm phục của cả nhân loại. Các đoàn thể trí thức mở rộng chi bộ, thế lực, liên đới nhau trong vũ trụ, bảo vệ quyền lợi của họ trước dư luận thế giới. Vậy sự khôn khéo khuyên chúng ta phải cẩn thận cực kỳ trong mối quan hệ với từng lớp trí thức, tránh tất cả mọi bực mình, mọi kết án đến từ dư luận thế giới. Nhưng trước khi đi thẳng vào vấn đề, chúng ta cần phải khảo sát khái niệm trí thức Việt Nam.
- Đồng chí Tổng Bí Thư hoàn toàn có lý, trí thức Việt Nam có những dấu ấn đặc thù khiến họ có một chỗ đứng riêng trong thế giới chung của trí thức.
- Theo đồng chí, những dấu ấn đặc thù ấy là gì? Từ nhiều năm nay đồng chí đã có dịp tiếp xúc với trí thức. Trong tất cả chúng ta, chỉ có đồng chí là duy nhất được hưởng đặc điểm này.
- Tôi rất tiếc sẽ làm đồng chí Tổng Bí Thư thất vọng. Tuy đã giao dịch nhiều với trí thức, nhưng tôi không dám nói là biết rõ họ.
- Tại sao? Tôi tưởng cứ gặp luôn thì khắc biết rõ người.
- Dạ đúng, nhưng chỉ đối với những người không phải là trí thức. Chúng ta chỉ có thể biết rõ những người ta giao dịch nếu họ không tìm cách giấu ta, hoặc có thể nói, họ sống đúng theo bản chất của họ, nghiã là, thẳng thắn phô bày cá tính, lột trần nét tự nhiên của họ. Những người cộng sản là như thế, họ thoải mái xử sự như những vị chúa tể. Còn bọn trí thức, ngược lại, sống khép kín, không để lộ tâm tư. Họ đứng nghiêm thẳng hàng theo đúng nghi thức, tránh gây chú ý. Trong các hội nghị hay các chỗ tụ họp đông đảo, họ cũng hô khẩu hiệu, cũng giơ tay, giơ nắm đấm, y hệt mọi người; giữ cùng một vẻ tôn kính khi nói với người cộng sản cũng như khi nói về những Đảng viên. Nhưng ta đừng ngây thơ tin rằng họ thật tình. Bởi nhát gan, bởi sợ bị đánh, bởi ghê tởm nhà tù, mà họ trở thành bậc thầy của nghệ thuật đóng kịch, nhưng đây không phải là sự đạo đức giả, mà là sự tự vệ. Còn khi bắt buộc phải phát biểu ý kiến trên diễn đàn, trong nội dung và ngôn ngữ bài diễn văn, trong lối phát âm, hướng nhìn, họ luôn luôn khăng khít hướng về biểu tượng búa liềm. Một người ngoại cuộc quan sát, sẽ tưởng đó là một Đảng viên thực thụ, nhất là bao giờ họ cũng kết luận bằng công thức nghi lễ: Chủ Nghiã Cộng Sản muôn năm!

Sự căm thù chính trị của họ sánh ngang với sự sợ công an. Trước hết họ muốn bảo vệ sự bình an của tâm hồn và nếu được, không tham dự những cuộc mít-tinh hoặc chỉ có mặt trong chốc lát, đủ để cho người ta thấy sự hiện diện. Trong những hội họp công việc, họ lắng nghe tranh cãi, nhưng hầu như không bao giờ lên tiếng, hoặc nếu bị mời phát biểu, thì họ luôn luôn đồng ý với những nhà lãnh đạo cộng sản. Ta không thể chê trách gì họ được, trừ cái sự chẳng được tích sự gì!"

Sau khi phân tích hành động và tâm lý trí thức, Năng định nghiã trí thức, phân biệt rạch ròi trí thức thực và giả:

"Ở đây, tôi muốn nói những nhà trí thức đích thực, đối cực toàn diện với những trí thức giả mạo, ngực bơm phồng những tước hiệu chẳng ai kiểm chứng tính chân xác, những bằng cấp tạp nham mà giới thẩm quyền cũng chẳng thèm xem là thật hay giả, nhưng khi được một vị lãnh đạo bảo lãnh, thì tức khắc là có giá, kẻ mang bằng được hưởng tất cả lợi thế, vinh dự và giá trị của nó được giới văn hoá chính thức công nhận! (...)

Ở những nhà trí thức đích thực, nhân cách đi đôi với văn hoá. Văn hóa ở đây không có nghiã là kiến thức. Có những người đầy kiến thức, là chuyên viên hàng đầu trong địa hạt hoạt động của mình, nhưng họ vẫn vô văn hoá, bởi lối nhìn về con người, về vạn vật của họ ấu trĩ vô cùng. Sự nhận thức thực tế xã hội và con người của họ ngây ngô lạ lùng! Họ thiếu cái gì? Thiếu sự phán đoán được rèn luyện qua sách vở, thiếu sự giao tiếp với con người, thiếu tiếp cận những vấn đề của cuộc sống, thiếu trao đổi tư tưởng với người khác, thiếu sự suy nghĩ sâu xa và đúng đắn về những thành công và thất bại mà kinh nghiệm sống đem lại. (...)

Nhờ nhân cách và văn hoá mà người trí thức, trung quân trong thời phong kiến, có uy tín đối với quần chúng và được vương quyền nể trọng. Sau khi trúng những kỳ thi tuyển khó khăn, đỗ, ra làm quan cai trị dân là họ hoàn tất nhiệm vụ của mình. Dưới thời Pháp thuộc, giai cấp quan lại bị mất uy tín vì sa vào vòng thối nát hối lộ, mất đi cái hào quang xưa, trở thành cái bia cho báo chí và quần chúng chế giễu, phỉ báng. Nhưng lớp trí thức mới được đào tạo từ những trường hay đại học Pháp, lại nhận được di sản kính trọng mà những thế hệ xưa đã từng vinh dự được hưởng. Thêm một sự kiện mới nữa: Những trí thức tân học đích thực này đã tiếp nhận tinh thần dân chủ Pháp thoát thai từ cách mạng 1789. Họ không xa lạ gì với những quyền tự nhiên của con người.

Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, cái nguy hiểm là ở chỗ đó: Con trùng dân chủ và nhân quyền đã thấm vào máu, nhất là tầng lớp quan lại xuất thân từ đại học Luật mới mở những năm gần đây. Dĩ nhiên có người vẫn còn chịu ảnh hưởng truyền thống cũ, có người là nạn nhân những di tật người trước để lại, nhưng trong đáy lòng họ, vẫn le lói ngọn lửa dân chủ".

Trước những phân tích sáng suốt và minh bạch của Năng, Tổng Bí Thư trả lời:

- Tuy nhiên họ đều phục tùng cách mạng cả và họ đã phục vụ những lãnh đạo biết khai thác kiến thức và khả năng của họ. Họ đã giúp Đảng trong việc khởi thảo chế độ mới và xây dựng nhà nước Việt Nam mới, đứng trong hàng ngũ những nước dân chủ nhân dân.
- Xin đồng chí Tổng Bí Thư đừng nhầm! Nếu những người mà chúng ta nói ở đây quy phục cách mạng, là bởi vì họ bị lôi cuốn theo cái đà dân tộc để phá vỡ guồng máy bóc lột của thực dân và để phục hồi nền độc lập cho xứ sở. Tôi tin rằng không một ai chiến đấu trong hàng ngũ chúng ta không biết rằng, một khi độc lập rồi, chúng ta sẽ dừng lại ở đấy mà không tiếp tục tiến lên con đường cộng sản; con đường này ít người biết rõ những yếu tố cơ bản, ngay cả những người có học. Những kẻ xấu miệng nói thẳng rằng chúng ta bịp bợm. Nhưng có hề gì? Chúng ta không thể cứu kẻ không muốn cứu.
- Trong thâm tâm tôi thường tự hỏi rằng Hồ Chí Minh đã đem dân tộc bước qua con sông được xem là biên thùy của cộng sản; nhưng con người, nhân cách và cuộc đời của bác vẫn còn là một bí mật mà lịch sử sẽ phải giải quyết. Là con quan, trong tuổi thơ và tuổi thanh niên, bác đã nhận được một nền giáo dục cổ truyền của nhà nho. Những người yêu nước mà bác có dịp gần cận ở Paris lại chẳng có gì là cộng sản. Vậy bởi con đường bí mật nào mà ân sủng cộng sản đã đến với bác? Những kẻ hoài nghi cho là một phép lạ. Nhưng Đảng không hoài nghi niềm tin cộng sản của bác. Còn về phía kia, nhân dân vẫn luôn luôn tin vào khía cạnh truyền thống của bác. Về phần bác, bác cũng không làm gì để soi rõ bí ẩn này. Bên này hay bên kia đều bám vào định kiến của mình và vị lãnh tụ chơi và thắng trên cả hai bình diện. Điều lạ lùng là cả hai phía, thay vì đâm chém nhau, lại hoà hợp trong việc thờ phụng người anh hùng và còn tô vẽ thêm huyền thoại nữa.

- Hồ Chủ Tịch dường như đã thực hiện được sự đồng nhất hai cái tương phản: Trí thức và quần chúng gặp nhau trong cùng một sự tôn sùng. Nhưng nếu nhân dân cùng bước sau Đảng, bầy tỏ lòng tin vào chủ nghiã cộng sản, thì tự hỏi những người trí thức trong tận đáy lòng họ có chia sẻ niềm tin của nhân dân đối với chủ nghiã cộng sản hay không? Hay là thái độ của họ chẳng qua chỉ là vì sợ bị ngược đãi và bị khai trừ. Điều khiến chúng ta cần đặt vấn đề, là họ bị nhiễm độc con trùng dân chủ và các quyền tự nhiên của con người. Tôi không tin họ có thể chấp thuận vai trò lãnh đạo của giai cấp thợ thuyền; chấp nhận Đảng lãnh đạo Nhà Nước và tất cả mọi hoạt động kinh tế của xứ sở; chấp nhận Đảng sử dụng độc quyền chính trị, loại hết những tổ chức khác; chấp nhận Đảng đảm nhận lãnh đạo hành chính và luật pháp, cả các địa hạt văn chương, văn hoá, nghệ thuật!
- Dĩ nhiên rồi, thử nhìn lại toàn thể những phản đối mà bọn trí thức nuôi dưỡng chống lại chúng ta, là ta thấy họ không cam chịu quyền lực tuyệt đối mà Đảng nắm giữ không chia cho Nhà Nước và Chính Phủ trong sự phức tạp của phân quyền: hành chính, luật pháp, kinh tế, giáo dục, văn chương và nghệ thuật.

Tệ hơn nữa, chúng ta đã triệt hạ cá nhân và thay thế bằng tập thể, chúng ta đã ban hành sắc lệnh bãi bỏ sở hữu cá nhân để thay bằng sở hữu tập thể.

Chúng ta đã đưa giai cấp thợ thuyền lên cầm quyền thay cho trí thức bị truất địa vị cao quý và bị lột vòng nguyệt quế trước quần chúng.

Chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp cách mạng, không chỉ trong cấu trúc xã hội mà còn trong cả việc cấu trúc lại trí tuệ và các hoạt động trí óc của con người. Dù muốn dù không, chúng ta đã phá sập nền móng suy nghĩ và hành động theo lối truyền thống và tổ chức lại trên những nền tảng mới. Vậy sự chống đối của tầng lớp trí thức là tất nhiên. Sở dĩ họ chưa bùng nổ lòng thù hận chống lại cộng sản, và tung ra những cuộc xung đột phá hoại trật tự công cộng và an ninh xã hội, là chỉ vì họ sợ bị rơi vào nanh vuốt của công an và pháp luật. Vậy chúng ta đã hiểu tại sao bọn trí thức lại cứ bo bo thận trọng ngậm miệng; sự khôn ngoan khuyên họ đừng biểu lộ mạnh mẽ, nên thận trọng từ tốn, nên tuân theo quy lệ. Đảng bị dồn vào một vị trí khó khăn: Đảng không thể hoá cải những kẻ trí thức này về với Đảng, mà cũng không thể trừng phạt họ vì thiếu vắng tất cả mọi hành động phá hoại.

- Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, đồng chí đã nhận thấy rằng bức tường yên lặng mà bọn trí thức ẩn náu chỉ là cái pháo đài phòng thủ, do sự bi quan của những kẻ chiến bại xây dựng, để che chở cho chúng, khỏi cuộc tấn công không ngừng của chủ nghiã cộng sản vinh quang, rạng ngời ánh sáng. Theo đồng chí Tổng Bí Thư, chúng ta sẽ phải chọn con đường chính trị nào đối diện với sự kháng cự mãnh liệt này? Ở đây, thật không có nhiều khả năng lựa chọn. Chính trị bị đặt trước một giao thế duy nhất: hoặc là ta cứ để nguyên sự việc như vậy, kéo dài tình trạng này, hoặc là ta thi hành biện pháp mạnh, tức là trừng trị những kẻ mà chúng ta coi là thủ phạm, kẻ thù của chế độ, những kẻ khả nghi có manh tâm đối lập, cho chúng một bài học đích đáng.

- Đồng chí có đo lường trước hậu quả của một biện pháp như thế, tiếng vang của nó trong xã hội và trong quần chúng ra sao, bởi vì ta chưa kiếm ra được tội gì cụ thể của bọn người mà ta sẽ trừng phạt. Không lẽ lại buộc tội sự im lặng!
- Đồng chí Tổng Bí Thư hoàn toàn có lý. Chúng ta tự hào là một dân tộc văn minh, có toà án, có luật hình sự, không thể kết án mà không có bằng chứng! Vì vậy ta sẽ lập mưu cho bọn trí thức rơi vào bẫy khiến chúng không thể thoát được. Đó là một thủ đoạn quỷ quyệt, nhưng cứu cánh biện minh cho phương tiện! Hiện tôi chưa thấy rõ ràng, nhưng đại thể là ta quyến rũ chúng bằng miếng mồi dân chủ, làm chúng vấp ngã trong cái lưới to đặt trên hố bẫy hổ, chúng ta chỉ việc tóm lấy và đeo còng cả bọn!"

Người cộng sản dưới mắt người trí thức
Sau những bàn bạc giữa Năng và Tổng Bí Thư về một chiến lược đối đầu với trí thức, Nguyễn Mạnh Tường quay ống kính về phía trí thức: Một đêm, Hiên và Đắc, bí mật gặp nhau để bàn về khẩu hiệu "Trăm Hoa Đua Nở" vừa được ban hành ở Trung Quốc và ngọn gió đang thổi đến Việt Nam. Hiên thận trọng nói:

- Rút từ những kinh nghiệm quá khứ chúng ta phải rất thận trọng với tất cả những sản phẩm nhập cảng từ nước Tầu. Nhưng việc đầu tiên là phải phân tích cái khẩu hiệu này để liệt kê nội dung và hậu quả của nó.
- Công thức này riêng tôi thấy quá sáng tỏ. Còn có nghiã gì ngoài sự tự do cho trăm hoa đua nở, để mọi người cất cao tiếng nói, khác hẳn thời tự do bị bịt miệng đã qua.

- Mới nhìn thì anh có vẻ có lý. Nhưng chúng ta đừng vội kết luận rằng tự do và dân chủ đã toàn thắng. Trước hết, Đảng có đủ thẩm quyền cấm trăm hoa đua nở không? Có chứ! Đảng chỉ việc cấm trồng hoa. Vậy mà bây giờ Đảng lại cho trồng hoa, nhưng Đảng không thể cấm hoa nở, Đảng bắt buộc phải chấp nhận trăm hoa đua nở. Vậy cái việc cho phép trồng hoa và để cho hoa nở này có nghiã gì? Rất có thể chỉ để tuyên bố công khai rằng Đảng không còn là kẻ thù của cái đẹp dưới tất cả mọi hình thức và tất cả sắc thái của nó, chăng?" Rồi Hiên phân tích sâu xa các khía cạnh của vấn đề và kết luận:

"Theo quan điểm của tôi, mỗi chế độ có những phần tử bất hảo mà họ muốn loại trừ. (...) Nhưng những kẻ trú ẩn trong im lặng khó có thể dò ra được. Sự im lặng mà họ bo bo gìn giữ, che chở cho họ hữu hiệu chẳng khác gì chiếc áo đỡ đạn chống lại bọn trộm cướp. Nay, phương tiện duy nhất làm họ bỏ cái vỏ này là gãi trúng chỗ ngứa. Tụi bay khao khát tự do ư? Ta sẽ giải khát cho bay bằng cách cho tự do sáng tác. Tụi bay muốn chơi trò chính trị ư? Thì cứ chơi! Ta cho chúng bay mặc sức diễn thuyết những xác tín và những chương trình hành động của bay bằng máy phóng thanh... Đó là cái bẫy ta giương ra cho bọn ngây thơ tin vào lòng ngay thẳng và sự thành thật của chính quyền cộng sản. Một khi tụi bay đã tự phát giác bản chất, lộ diện cái trần truồng mà trước đây được im lặng che đậy, thì dễ như bỡn, ta sẽ làm cho tụi bay bất động mãi mãi trong cõi yên lặng đời đời!"Sau khi "đọc" rõ tư tưởng của Năng và Tổng Bí Thư, Hiên phân tích hành trình và tâm lý người cách mạng:

"Điều đầu tiên mà mọi người đều biết là sự thất học mà những người cách mạng phải chịu thiệt thòi. Thiếu điều kiện để học hành tới nơi tới chốn, những người vô sản Việt Nam đói khổ vô cùng, khi không có cơm ăn, làm sao có thể học được? Con đường duy nhất mở ra trước mắt là làm cách mạng. Những người may mắn nhất, trải muôn nghìn hiểm nguy, xuyên rừng, leo núi, chắp nối được với vô sản Trung quốc đang tranh đấu chống tư sản. Vậy nhận xét đầu tiên là người cách mạng Việt Nam đau bệnh vô học! Hậu quả của tình trạng này như thế nào?

Lẽ dĩ nhiên, họ không thể đọc những kinh điển Mác-xít, Lê-nin-nít trực tiếp qua văn bản, nên phải học lỏm nhờ sự sốt sắng của những người có khả năng, nhưng những người này cũng không đủ kiến thức để hiểu những vấn đề vô cùng đa dạng và phức tạp. Dầu sao đi nữa, những bí mật của thuật cai trị con người thoát khỏi tầm tay của họ. Kinh nghiệm cho thấy những người mắc bệnh mặc cảm thường bị cả tự ti lẫn tự tôn, hai mặc cảm bổ sung cho nhau, tiếp sức cho nhau, là hai mặt của cùng một trạng thái tinh thần. Người cộng sản vô học tự cảm thấy bị tổn thương khi tiếp xúc với người trí thức có văn hoá. Nhưng một khi lấy lại toàn bộ địa vị bề trên của mình, vị thủ lĩnh lập tức dùng quyền lực giáng đòn sấm sét xuống những kẻ bị nghi là thiếu kính trọng ông ta.

Vì thế, sau những hiểu lầm bi đát phát sinh từ những thành kiến vô lý, cộng sản thù ghét trí thức. Người cộng sản tưởng tượng rằng người trí thức khinh bỉ họ vì họ vô học. Người trí thức thì tin rằng người cộng sản say sưa quyền lực, dùng sự chuyên chế bạo ngược để củng cố và bảo tồn quyền lực của mình. Theo chỗ tôi biết, không có một cuộc đàm luận nào được tổ chức để hai phía nhìn rõ mặt nhau, giải thích, để hiểu nhau và đi đến chỗ cộng lực xây dựng đất nước. Đó là một giấc mộng đẹp, và như tất cả các giấc mộng, không thể thực hiện được. Chướng ngại vật là dân chủ".

● Lý do thành lập Nhân Văn Giai Phẩm

Đắc tiếp lời:
- Như anh vừa nói, chúng ta là một bọn mưu phản. Một nhóm trí thức âm mưu đòi dân chủ. Ở nước khác, những cuộc hội thảo trí thức hay ý thức hệ được tổ chức giữa ban ngày, hoặc trên báo, hoặc trong những buổi họp mặt công cộng. Ở nước ta, sự cấm đoán đè nặng lên người trí thức, chính quyền chỉ chấp nhận một thái dộ duy nhất: quỳ gối, cúi đầu, ngậm miệng. Tất cả mọi tiếng nói cất lên cùng đồng thanh nhất trí hô khẩu hiệu trung thành với Đảng. Trong điều kiện đó, người cầm quyền có thể yên vị trị vì và hô hoán với bàn dân thiên hạ rằng ở Việt Nam tất cả đều VÌ dân, DO dân! (POUR le peuple, PAR le peuple!) Quần chúng thì quỳ mọp tung hô: Đảng thắng lợi! Đảng muôn năm! (...) Vậy ta thử hỏi: cái gì DO dân làm? Tất cả những biện pháp lập hiến và hành chánh, tất cả những quyết định, những nghị quyết mà dân chúng phải thi hành, không do người dân làm ra, mà do những cơ quan, những hội, những viện, mà TẤT CẢ mọi thành viên đều là cộng sản hoặc phục tòng cộng sản và áp dụng triệt để mệnh lệnh của Đảng. Vậy làm sao ta có thể chấp nhận rằng tất cả đều DO dân làm mà không khỏi chau mày? Đó là sự dối trá hiển nhiên, vô liêm sỉ, chỉ được chấp nhận bởi một số nhỏ những kẻ yếu tinh thần, say sưa ảo tưởng về Đảng hoặc hy vọng được Đảng nhận làm đầy tớ.

- Vậy thì phải làm thế nào? Hiên hỏi.
- Chúng tôi thành lập một nhóm nhỏ trí thức trong đó có vài người trong đảng. Không phải để tranh đấu đánh đổ chế độ, mà chỉ để đạt được một số cải cách giúp mọi người dễ thở hơn. Mặc dù mục đích khiêm nhượng -ít nhất dưới mắt anh em- chúng tôi làm theo cách của cộng sản: nghiã là trong bóng tối. Chỉ gặp nhau hai người một, không bao giờ ở trong nhà vì những bức tường thường có tai mà hẹn ở công viên hoặc trên vỉa hè thành phố. Dĩ nhiên là không có ủy ban lãnh đạo, và không giữ tài liệu gì trong túi hoặc trong nhà để có thể phương hại đến bản thân.

- Bây giờ tôi hiểu rồi. Vậy tôi có thể làm gì giúp các anh?

- Anh là một trí thức tầm cỡ: anh có văn hoá cao, lại không màng đến tiền bạc và vinh dự, sự liêm khiết của anh, phẩm cách của anh đã nổi tiếng trong đám chúng ta. Anh em hân hạnh muốn biết ý kiến của anh đối với những vấn đề mà anh em đang thắc mắc. Anh nghĩ sao về chế độ chúng ta đang sống?

Hiên im lặng trầm ngâm một lúc rồi trả lời:
Nếu lưu tâm đến thực tế hàng ngày đang quy định đời sống dân tộc và quan sát kỹ càng, chúng ta có thể nhận thấy chế độ này có ba tính cách đặc thù:

1/ Cá nhân chủ nghiã bị hạ bệ và khai trừ. Tập thể lên ngôi và làm bá chủ trong tất cả mọi lãnh vực hoạt động.
2/ Đảng đảm nhiệm chỉ đạo và điều khiển tất cả.
3/ Chúng ta sống trong sự vắng mặt của tất cả mọi thứ tự do đương nhiên và quyền con người.

Vậy sẽ rất bổ ích nếu chúng ta khảo sát từng tính chất một và phân tích giá trị của nó.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Chú thích:
Trên thực tế, đảng Dân Chủ thành lập ngày 30/6/1944, giải thể ngày 20/10/1988; đảng Xã Hội thành lập ngày 22/7/1946, giải thể ngày 15/10/1988.
2 Trang 62- 63.
3 Trang 63-64-65.
4 Trang 63-64-65-67.
5 Trang 68.
6 Trang 68-69.
7 Trang 70.
8 Trang 70-71.

No comments: