Thursday, June 19, 2014

Đại biểu quốc hội 'chiếm diễn đàn', kêu gọi ra nghị quyết về Biển Đông

CTV Danlambao - Nóng ruột trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã phải đột ngột 'chiếm diễn đàn' nghị trường nhằm lên tiếng kêu gọi quốc hội Việt Nam ra một nghị quyết tuyên bố chính thức về Biển Đông, thể hiện rõ thái độ trước các hành vi xâm lược của Trung Quốc.

Ý kiến của vị đại biểu đoàn Sài Gòn được nêu lên vào sáng ngày 19/6, giữa lúc quốc hội Việt Nam với 500 ông nghị, bà nghị đang mải mê thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân.

Phiên họp lần thứ 7 năm nay sẽ kéo dài trong 28 ngày, quốc hội chủ yếu bàn những việc tào lao mà không có chương trình nói về tình hình Biển Đông hiện đang hết sức nguy cấp.

Đơn cử như việc bỏ phiếu tín nhiệm, cả 500 ông bà nghị sau khi bàn tới bàn lui mới thống nhất việc chuyển từ 3 mức tín nhiệm xuống thành... 2 mức. (Còn 'tín nhiệm' và 'tín nhiệm thấp')

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nhân dân cả nước mong mỏi quốc hội Việt Nam kỳ này cần phải ra nghị quyết lên án và 'vạch trần âm mưu vừa đấm, vừa xoa, vừa đánh, vừa đàm, vừa ăn cướp, vừa la làng của Trung Quốc'.

"Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về biển Đông tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Các đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri."

Ông Nghĩa tha thiết kêu gọi các đại biểu có mặt tại hội trường cùng 'chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị' việc ra nghị quyết về Biển Đông. Đồng thời, ông cũng lên tiếng xin lỗi vì đã phải trình bày bị cho là lạc đề, 'vì trong chương trình còn lại thì không có mục nào dành cho Biển Đông cả'.

Các đại biểu quốc hội phát biểu sau đó không có bất cứ ai lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của ông Trương Trọng Nghĩa. Khoảng 20 vị còn lại tiếp tục quay lại phần thảo luận một cách 'đúng chủ đề' về dự án Luật Căn cước công dân.

Sau cùng, người chủ trì buổi họp là phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu trong phần tổng kết phiên thảo luận cũng không đả động bất cứ điều gì về việc quốc hội ra nghị quyết Biển Đông.

Vị Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, luật sư Trương Trọng Nghĩa trở nên hoàn toàn đơn độc trong quốc hội - nơi tự nhận là 'cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân' mà ông Nghĩa cũng là một trong 500 đại biểu.


Dưới đây là toàn văn phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa:
Kính thưa Quốc hội,

Trong phát biểu của tôi có 2 phần, tôi xin phép dành mấy phút để nói một phần có liên quan:

Thứ nhất, kỳ họp này khai mạc thì đồng bào cả nước vô cùng mong mỏi: trước hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, nhân dân Việt Nam phải có một cái nghị quyết trong đó tuyên bố với nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới về lập trường chính nghĩa của mình, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc và vạch trần âm mưu vừa đấm, vừa xoa, vừa đánh, vừa đàm, vừa ăn cướp, vừa la làng của Trung Quốc. 

Đồng thời nghị quyết cho các cơ quan nhà nước Việt Nam, các lực lượng vũ trang Việt Nam tiến hành các biện pháp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Trong đó có biện pháp khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế.

Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về biển Đông tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Các đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri. Còn dư luận thế giới thì chắc chắn sẽ bình luận rằng hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này lại không có phản ứng chính thức gì thì việc gì các nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Đây có thể mà một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa. 

Tôi mong được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét chấp thuận kiến nghị này, nếu cần xin lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nếu đa số ủng hộ thì ta làm. 

Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị của tôi. 

Tôi xin lỗi vì phải trình bày điều này trong phiên họp này, vì trong chương trình còn lại thì không có mục nào dành cho Biển Đông cả.


No comments: