Thursday, November 29, 2012

Chính chủ và Tham nhũng

Vualambao


Quan tham dạy đời. Ảnh: internet

Ngày 20-11-2012, WB, Bộ Phát triển Quốc tế Anh, UNDP và Chính phủ Việt Nam vừa công bố kết quả cuộc khảo sát mang chủ đề “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ – công chức – viên chức” .

Phỏng vấn trực tiếp 2.600 người dân, 1.000 doanh nghiệp và 1.800 cán bộ công chức (CBCC) tại 10 tỉnh/thành phố lớn cho thấy hơn ba phần tư người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng nhất tại Việt Nam.

Bốn lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng. Nhưng cũng không loại trừ những ngành khác cũng có chỉ số tham nhũng cao. Y tế, giáo dục là hai ngành cứu người và trồng người cũng khó mà thoát khỏi vấn nạn này.

Kết quả cho thấy tham nhũng tầm quốc gia, ở mức nghiêm trọng, đứng cuối bảng toàn cầu, đâu phải là lời đồn thổi, hay các thế lực thù địch dựng lên.Trong lễ công bố kết quả khảo sát, chị Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, đã đặt vài câu hỏi

- Tại sao tham nhũng lại phổ biến như vậy?

- Tại sao lại khó loại trừ tham nhũng đến như vậy?

- Tham nhũng vận hành thế nào?

- Trong số rất nhiều các biện pháp đã được đưa ra, những biện pháp nào thành công và những biện pháp nào thất bại?

- Trong những năm tới cần ưu tiên điều gì?

16 năm trước đây, cựu Chủ tịch WB, James Wolfensohn, từng gọi tham nhũng là “căn bệnh ung thư”. Sau vài chục năm phát triển, đất nước giảm nghèo nhưng nảy sinh căn bệnh thế kỷ, lây lan ra toàn bộ xã hội Việt Nam từ thấp đến cao, gây hiểm họa cho chế độ.

Để trả lời những câu hỏi trên không đơn giản. Hội nghị TW 6 cũng muốn bắt vài con sâu chúa nhưng chưa thể được vì ung thư đã di căn vào lục phủ ngũ tạng, dường như vô phương cứu chữa.

Không phải bỗng nhiên mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã phải nghẹn ngào nhận lỗi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thở dài ngao ngán.

Nói một cách sòng phẳng như báo cáo WB đã nêu, tham nhũng có hệ thống được nuôi dưỡng bằng cả cung và cầu. Người nhận hối lộ nói, đó là người ta cứ nhét vào tay em. Người hối lộ cãi, đó là cán bộ gợi ý. Một cái vòng luẩn quẩn của chế độ tham nhũng.

Tuy vậy, khảo sát cũng cho thấy các công ty tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho việc hối lộ thực sự hoạt động tốt hơn.

Chị Kwakwa cho rằng, khi các vấn đề tham nhũng bắt nguồn từ phía cung, phải thay đổi thái độ của xã hội. Doanh nghiệp và người dân cần biết, họ có những lựa chọn khác ngoài việc hối lộ. Nếu không có lựa chọn khác, lãnh đạo Việt Nam cần tạo ra các lựa chọn thay thế đó.

Giải quyết cầu như thế nào. Ngoài chuyện luật pháp công bằng và nghiêm minh thì cần có tiếng nói của xã hội. Tham nhũng và minh bạch không thể đi với nhau. Chừng nào báo chí bị tuýt còi vì những bài báo liên quan đến hối lộ từ cấp tỉnh trở lên thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn “kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa”.

Tit for Tat – Ăn miếng trả miếng

Mới đây, nghị định 71 qui định dân phải đi xe chính chủ. Theo một nghĩa nào đó, đấy là nghị định đúng vì bắt buộc người có xe phải chứng minh được quyền hợp pháp trong khi dùng phương tiện giao thông.

Bên các nước tiên tiến cũng vậy. Không qui định đi xe chính chủ nhưng hệ thống luật về đăng ký xe, đóng thuế, bắt người dân phải tuân thủ.

Bên bảo hiểm luôn chặt chẽ để sao cho xe gây tai nạn phải do chủ chịu, không phải người mượn xe. Người mượn xe phải chịu phí tổn về thương tật của người khác nếu cố tình gây tai nạn. Phí tổn về phương tiện do phía bảo hiểm của chủ xe đền. Như vậy, sẽ ít đi chuyện mượn xe bừa bãi, bán xe không sang tên đổi chủ

Bao giờ thì tệ nạn đút lót chấm dứt?

Nghị định 71 có thể ảnh hưởng đến hàng chục triệu người. Nếu thay đổi cách đăng ký xe, đóng thuế hợp lý, và cách làm nhanh gọn, văn minh, thì sau vài năm, hầu hết người dân sẽ dùng xe chính chủ.

Không hiểu sao tôi vẫn tin là làm được. Giống như bắt đội mũ bảo hiểm dù gây tranh cãi nhưng cuối cùng đã thành công.

Quay lại chuyện tham nhũng. Nếu các vị quan trên cho rằng, Nghị định 71 có thể thực thi thì tại sao không áp dụng “chính chủ” cho những của cải do các quan to kiếm được.

Số lượng quan chức tầm trung ương không nhiều, khoảng vài trăm đến vài ngàn. Xử lý “chính chủ” cho các tài sản dễ hơn nhiều so với phạt không chính chủ hàng chục triệu xe máy của dân nghèo.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đang phải đối mặt với cáo buộc gia đình sở hữu 2,7 tỷ đô la. Nếu chuyện có thực thì việc về vườn của ông có thể kết thúc trong trại giam. Phe cánh đánh nhau và họ sẽ lôi ra kẻ thù cũ khi không còn tại vị. Một vị thủ tướng hết quyền phải chứng minh chính chủ cho gia tài hàng tỷ đô la quả là khó.

Để chống tham nhũng cần cả hai phía. Dạy dân không đưa phong bì thì chính các ngài cũng không được gợi ý lót tay. Đòi hỏi dân đi phương tiện chính chủ thì các quan cũng phải chứng minh tài sản của mình cũng là chính chủ.

Xã hội văn minh phải chứng minh tài sản hợp pháp từ chiếc xe máy, nhà lầu, khu nghỉ mát, building sang trọng cho đến tài khoản hàng trăm triệu đô la ở ngân hàng nước ngoài.

Muốn làm được điều đó, minh bạch do báo chí truyền thông dẫn đầu, là liều thuốc chống tham nhũng tốt và hiệu quả. Nó sẽ giúp cho cả phía cung và cầu phải chùn tay.

Để giảm thiểu tham nhũng, chị Kwakwa kết luận “Điều này tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo của Việt Nam – những nhà lãnh đạo chính trị, những đại biểu dân cử, những lãnh đạo của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội dân sự và các nhóm công dân – những người sẽ giúp chiếu ánh sáng vào bóng tối, chuyển từ tham nhũng sang liêm chính và tiến hành sự thay đổi. Khi Việt Nam bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình, thời điểm để hiện đại hóa các thể chế phòng chống tham nhũng chính là thời điểm này.”

Có lẽ đây là điều TBT Trọng và Chủ tịch Sang đang cần.

Hiệu Minh. 28-11-2012

PS. Khi comment về cách chống tham nhũng và hối lộ, các bạn nói về nguyên nhân thì cũng đưa ra giải pháp cụ thể, tốt nhất là dựa vào chính kinh nghiệm đã trải qua. Cảm ơn các bạn.


NHỮNG BÀI VIẾT MỚI NHẤT CỦA QLB & CÁC VỤ ÁN




HỒ SƠ BẮC Á& SỮA TH TRUE MILK HỒ SƠ LIÊN QUANMAFIA HỒ SƠ MASAN TECHCOMBANK HỒ SƠ VỀ NH PHƯƠNG NAM & TRẦM BÊ NGUYỄN ĐỨC KIÊN - EXIMBANK

No comments: