Monday, April 22, 2013

Nghị viện EU quan tâm đến nhân quyền Việt Nam


Các thành viên của Nghị viện châu Âu biểu quyết tại phiên họp vào ngày 17 tháng 4 năm 2013 ở Strasbourg miền đông nước Pháp.
AFP photo/Frederick Florin

Bản Nghị quyết gồm 12 phần nhận định những sự trạng đàn áp, sách nhiễu, bỏ tù khắc nghiệt các bloggers, việc cưỡng chiếm đất đai của nông dân, các luật pháp mơ hồ, dự thảo Nghị định mới về Internet gay gắt với công dân mạng, những khuyến thỉnh của LHQ tại cuộc Kiểm soát Thường kỳ Toàn diện không được Nhà nước Việt Nam chấp hành, cùng cuộc đàn áp các tôn giáo như Giáo hội Thiên Chúa Giáo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tin Lành.
Nghị Quyết đưa ra 12 điều kêu gọi, thúc đẩy Việt Nam thực hiện việc tôn trọng nhân quyền, tôn giáo và phục hồi quyền tự do ngôn luận, tự do Internet cho nhân dân Việt Nam. 

Chúng tôi tìm gặp hai vị Dân biểu thuộc hai chính đảng lớn nhất của Quốc hội Châu Âu: bà Ana Gomes thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu (S&D), và ông Bernt Posselt thuộc Đảng Bình dân Châu Âu (EPP) để biết thêm lý do nào hai chính đảng lớn cùng bảo trợ cho Nghị quyết vừa được thông qua.

Trước hết bà Ana Gomes phát biểu như sau.
EU quan tâm VN

Ana Gomes: Tôi cực kỳ quan tâm về tình hình Việt Nam. Đây là đất nước tôi đã từng thăm viếng và ngưỡng mộ. Nhưng tôi rất âu lo trước sự kiện các nhà vận động cho nhân quyền và hoạt động dân chủ bị đàn áp tàn bạo.

Tôi đặc biệt quan tâm về những biện pháp mà Việt Nam dùng để đàn áp tự do ngôn luận, cũng như sự thiếu tự do tôn giáo. Tôi quá bàng hoàng khi thấy những sách nhiễu, bắt cầm tù, và việc làm cứng họng những lời phê bình tại một xứ sở đang phát triển kinh tế. Nhưng đồng thời cũng tại đây, sự bất bình đẳng gia tăng quá nhanh.

Tôi nghĩ rằng đây là lúc Quốc hội Châu Âu phải quan tâm tới Việt Nam, và đây cũng là lý do tôi đồng bảo trợ cho Nghị Quyết khẩn hôm nay.

Tôi cực kỳ quan tâm về tình hình Việt Nam. Đây là đất nước tôi đã từng thăm viếng và ngưỡng mộ.
Bà Ana Gomes

Ỷ Lan: Bản Nghị Quyết thông qua vào lúc Liên Âu tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam. Bà có nghĩ Nghị Quyết sẽ tác động trong việc áp lực Việt Nam thực hiện nhân quyền không?

Ana Gomes: Tôi nghĩ rằng hai phương diện nhân quyền và kinh tế sóng đôi nhau.

Chúng ta càng quan hệ hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực doanh thương, kinh tế và chính trị, thì chúng ta càng phải ý thức và quan tâm, để nói lên vấn đề xã hội dân sự tại Việt Nam hiện đang bị đàn áp.

Chúng ta không thể quan niệm mối liên hệ của Liên Âu với bất cứ quốc gia nào trên thế giới xây dựng trên nền tảng doanh thương hay buôn bán mà thôi, tức ly khai với nhân dân. Nhân dân luôn luôn phải ở vị thế trung tâm của các chính sách và hành động của Liên Âu. Đây là lý do vì sao tôi không thể chấp nhận những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam.
Đừng nản chí

Một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg miền đông nước Pháp vào tháng 2 năm 2013. AFP photo.

Ỷ Lan: Bà có lời gì gửi tới những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam không?

Ana Gomes: Xin họ chớ khuất phục sự đe dọa. Chúng tôi biết rằng nhân dân Việt Nam dũng cảm – họ rất dũng cảm. Và chúng tôi cũng biết rằng khi nhân dân dám đòi hỏi tự do và dân chủ, tất nhiên họ sẽ phải đối diện với biết bao là sách nhiễu, ngay cả bị vong mạng, mất tự do. Nhưng họ chớ nản chí hay bỏ cuộc đấu tranh. Họ đừng quên rằng Quốc hội Châu Âu và toàn thể nhân dân Châu Âu hậu thuẫn họ.

Đây chính là thông điệp của bản Nghị Quyết gửi tới họ. Chúng tôi tin rằng con đường duy nhất mà Việt Nam muốn phát triển kinh tế, là cho phép quyền tự do ngôn luận và phát biểu ý kiến, đồng thời tiến tới sự tôn trọng dân chủ và nhân quyền. Đó là thông điệp khích lệ của tôi.

Châu Âu xa cách với Việt Nam, nhưng chúng tôi không hề quên nhân dân Việt đang chiến đấu cho nhân quyền, dân chủ và tự do cho đất nước Việt Nam.

Sau đó là Dân biểu Bernt Posselt cho biết vì sao ông đồng bảo trợ cho Nghị Quyết về Việt Nam hôm nay.
Chính quyền VN đàn áp có hệ thống

Bernt Posselt: Đối với chúng tôi, điều vô cùng quan trọng để công khai nói rằng, không chỉ có một số vấn đề tại Việt Nam. Hiện đang có cuộc đàn áp tự do ngôn luận một cách có hệ thống, đàn áp tự do tôn giáo một cách có hệ thống tại Việt Nam. Phải chấm dứt ngay điều đó. Khi ta chứng kiến những án tù dài đằng đẵng, từ 10 năm tới chung thân, chúng ta không thể chấp nhận điều đó. Trước nhất, không thể nào có sự cầm tù trên nền tảng tự do ngôn luận hay tự do tôn giáo, là điều không thể chấp nhận. Thứ đến, những án tù dài như thế là bất công và không thể chấp nhận.

Trong những năm trước, tôi kêu gọi trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, nhưng hôm nay Ngài vẫn tiếp tục bị cấm cố. Tôi tiếp tục kêu gọi trả tự do cho Ngài.

Theo quan điểm của tôi, điều tuyệt đối rõ ràng Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm tồi tệ nhất thế giới về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Ô. Bernt Posselt

Ỷ Lan: Ông đặc biệt nêu vấn đề tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Đây có phải là những điều ông quan tâm nhất không thưa ông?

Bernt Posselt: Đúng thế. Theo quan điểm của tôi, điều tuyệt đối rõ ràng Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm tồi tệ nhất thế giới về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Điều này phải thay đổi. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của chúng tôi. Một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, và đóng vai trò quan trọng trong vùng.

Đặc biệt, một phái đoàn từ Việt Nam sẽ đến Brussels tuần tới. Tôi nghĩ rằng điều cực kỳ quan trọng phải nói ra, là chúng tôi xem họ như đối tác, trên lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Kể cả việc nếu họ muốn, chúng tôi có thể hậu thuẫn họ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền năm tới. Nhưng trước hết họ phải làm tròn các tiêu chuẩn, có nghĩa là họ phải tôn trọng nhân quyền, mà hiện nay thì họ đàn áp quá dữ dội.

Ỷ Lan: Nếu Việt Nam không thực hiện nhân quyền, thì ông có ủng hộ cho họ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ hay không?

Bernt Posselt: Hiển nhiên là không hậu thuẫn ! Chắc chắn là không hậu thuẫn ! Điều này có nghĩa là quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giối về tự do ý kiến, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo sẽ trở thành một trong những quan tòa xét xử những tự do này. Không thể có được chuyện đó. Kẻ áp bức không thể làm quan tòa.

Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á Châu Tự Do tại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg.

No comments: