ASEAN ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, những cuộc động binh rầm rộ liên quan tới nhiều điểm nóng, trong đó nghiêm trọng nhất là xung đột Xi-ri, cuộc khủng hoảng hạt nhân I-ran, những cú đáp trả mang nặng tính gây hấn trên bán đảo Triều Tiên chung quanh vụ phóng “vệ tinh hòa bình”của Bình Nhưỡng ngày 12-4-2012, cho thấy rõ thêm: Con đường phát triển của thế giới đương đại thật gập ghềnh, khúc mắc và đầy ẩn số. Đời sống quốc tế vẫn tiếp tục xáo trộn dữ dội, dày đặc nguy cơ, khiến nhân loại không khỏi lo ngại khi hướng về tương lai.
Càng ngày càng bộc lộ rõ những cơn sóng xung kích từ nhiều sự biến lớn hơn 20 năm qua vẫn tiếp tục lan truyền, chấn động trên mặt đại dương thế giới. Thế giới đơn cực hay đa cực, đơn phương hay đa phương? Đó là những câu hỏi lớn tác động trực tiếp đến việc hoạch định chiến lược của các quốc gia, nhất là các cường quốc.
Trong nửa đầu thế kỷ 21, theo một số nhà quan sát, cục diện thế giới có thể bị hút theo ba cực: Mỹ - Trung - Âu, hoặc có thể năm cực: Mỹ - Âu - Trung - Nga - Ấn. Điều này đôi khi chỉ được nhìn nhận như một vấn đề có tính học thuật, vậy mà nó cũng đã phát đi một tín hiệu mới về bố cục của thế giới. Nguyên cớ bùng phát các cuộc chiến tranh Cô-xô-vô, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, Li-bi và sắp tới có thể là Xi-ri cùng cách thức tiến hành các cuộc chiến này càng làm cho cộng đồng quốc tế rất lo ngại. Tất cả đều là từ sự áp chế cường quyền, sự ra tay thô bạo của cường quyền. Bóng đen cường quyền đang làm u tối nhiều chân trời thế giới!
Các cuộc chiến này đang tác động mạnh đến hệ thống thế giới và trật tự quốc tế, tạo ra một xu hướng bạo lực trong quan hệ quốc tế hiện đại. Mỹ đang ra sức lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng chính trị giành được qua các cuộc chiến này để áp đặt trật tự thế giới đơn cực. Đó là những cuộc phô trương vũ lực nhằm gây áp lực tối đa về sức mạnh quân sự, kỹ thuật - công nghệ, tiềm lực kinh tế và các nguyên tắc chính trị của Mỹ. Oa-sinh-tơn muốn làm cho thế giới thấy rõ vị trí quyền lực không thể thách thức của Mỹ trên vũ đài chính trị quốc tế hiện tại lẫn tương lai.
Oa-sinh-tơn đã và đang thực hiện một cuộc điều chỉnh chiến lược quân sự được đánh giá là “có tầm vóc nhất” đầu thế kỷ 21 hướng về châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của cuộc điều chỉnh này là nhằm xác định cơ cấu quyền lực quốc tế vì những lợi ích quốc gia và những lợi ích của “các khoản vốn toàn cầu”. Tổng thể chính sách này sẽ bảo đảm cho Mỹ sự thống trị và duy trì trật tự thế giới đơn cực.
Hiện nay, trong ba trung tâm kinh tế tư bản chủ nghĩa, thực lực sức mạnh của Mỹ vẫn đang vượt trội so với châu Âu và Nhật Bản. Việc mở rộng sự chênh lệch về sức mạnh giữa Mỹ và châu Âu khiến hai bên vẫn “đồng sàng dị mộng” khi xác lập các ưu tiên chiến lược, xác định thách thức và nguy cơ, thực hiện chính sách ngoại giao và phòng vệ. Là siêu cường duy nhất, Mỹ đang nắm nguồn tài nguyên phong phú, tiềm lực mạnh về kinh tế, kỹ thuật, quân sự, ngoại giao. Điều này tự nhiên đưa tới khuynh hướng sử dụng sức mạnh để giải quyết các công việc quốc tế. Còn châu Âu, tuy thực lực tổng thể kinh tế vẫn ở mức tương đương Mỹ, song sự rời rạc về chính trị, trì trệ về quân sự, hiện đang khốn đốn do nợ công khiến “lục địa già” thiếu sinh lực để tham gia vào các công việc quốc tế như một trung tâm quyền lực hàng đầu. Từ sau chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, tất cả các đời Tổng thống Mỹ đều muốn xây dựng trật tự bá quyền đơn cực. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cho rằng: “chúng ta không còn sống trong thời đại mà một hay hai quốc gia kiểm soát vận mệnh của quốc gia khác”, chủ trương xây dựng một thế giới đa cực. Đây là mâu thuẫn cơ bản nhất có tính bao trùm nhất trong liên minh Đại Tây Dư ơng.
Trong một thế bố cục chiến lược mới, Mỹ và châu Âu đều có kế hoạch đầy tham vọng nhằm phân lại vai trong liên minh này. Mặc dù, Mỹ và châu Âu đang trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nhưng cả hai bên đều tự cảm thấy họ không thể tự đào sâu thêm hố ngăn cách trong liên minh Đại Tây Dương. Người ta đã ghi nhận được những nỗ lực trong EU nhằm hàn gắn những vết rạn nứt nảy sinh từ cuộc chiến tranh I-rắc, nhất là từ khi ông Xác-cô-di lên nắm quyền ở Pháp. Giờ đây, lúc Mỹ đang lấn tới, còn châu Âu từ trạng thái ngái ngủ đột ngột chuyển sang bấn loạn, dư luận càng thất vọng về LHQ và EU vì cả hai thể chế này đều tỏ ra yếm thế trong các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động từ năm 1999 đến nay. Những ai quá tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ cũng đều ngộ nhận rằng, việc thực hiện nhân quyền là nằm trong “sứ mệnh” của Mỹ. Thật ra, mối quan tâm lớn nhất của Oa-sinh-tơn chính là lợi ích của Mỹ. Với thuyết “vận mệnh thiên định”, và “chủ nghĩa ngoại lệ”, Mỹ cứ đòi ôm lấy sứ mệnh lãnh đạo thế giới nhưngọn hải đăng “dân chủ tự do” chiếu rọi khắp toàn cầu. “Thuyết hòa bình dân chủ”, “trật tự bá quyền” đã đặt cơ sở logic chính trị cho việc khuếch trương chủ nghĩa can thiệp mới “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Thực lực hùng mạnh được tích lũy qua hơn hai thế kỷ đã tạo hậu thuẫn cho Mỹ thực hiện ý chí bá quyền.
Hầu hết các quốc gia đều ủng hộ LHQ phát huy vai trò hạt nhân trong việc giải quyết các công việc quốc tế. Cuộc đấu tranh giữa cộng đồng quốc tế kiên trì nguyên tắc hành động đa phương với nước Mỹ theo đuổi chính sách và hành động đơn phương sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Những cuộc khẩu chiến nảy lửa gần đây trong HĐBA về cách thức can thiệp vào cuộc xung đột Xi-ri cho thấy, Nga và Trung Quốc, đã từng chịu lép vế trong cuộc chiến Li-bi, nay không chịu dễ dàng lùi bước trước Mỹ và phương Tây. Thách thức mới đặt ra cho thế giới đương đại là dùng phương thức nào để LHQ phát huy vai trò thật sự trong sứ mệnh giải quyết các vấn đề quốc tế nóng bỏng. Mỹ sẽ không dễ gì nhường quyền chủ động cho LHQ, song khi cần, Mỹ sẽ đẩy LHQ ra sân khấu chính trị hòng hợp thức hóa các cuộc can thiệp và giảm bớt gánh nặng chi phí. Mấy cuộc chiến tranh vừa qua là những đòn giáng dữ dằn tới hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới. Nhìn toàn cục, trong 20-30 năm đầu thế kỷ 21, so sánh thực lực “nhất siêu đa cường” chưa có biến đổi lớn, đa cực hóa còn là một quá trình lâu dài và gay go. Tuy mâu thuẫn, va chạm giữa Mỹ và các nước lớn trên thế giới đang tăng lên song dòng chủ lưu trong quan hệ giữa họ vẫn hợp tác. Người ta thấy rõ, ngay khi chiến tranh I-rắc chưa kết thúc, Mỹ đã cùng Pháp, Đức và các nước Tây Âu khác hàn gắn, thu hẹp bất đồng. Còn trong cuộc chiến tranh Li-bi năm ngoái, nước Pháp của ông Xác-cô-di lại là người xung trận hăng hái nhất.
Xử lý mối quan hệ với Mỹ ra sao đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các cường quốc phải đối mặt. Rất nhiều nhà phân tích chiến lược, các chính khách trong đó có cả cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ, nhà thông thái Brê-din-xky đã cảnh báo, về lâu dài nền chính trị toàn cầu sẽ ngày càng không điều hòa nổi với độc quyền đại bá của một nước. Vẫn bằng lăng kính đề cao Mỹ, họ cho rằng Mỹ sẽ không chỉ là siêu cường thật sự đầu tiên và duy nhất, mà rất có thể là siêu cường cuối cùng. Suốt hầu hết thế kỷ 20, GDP của Mỹ giữ ở mức 30% của thế giới. Trong nửa đầu thế kỷ 21, GDP của châu Âu, Nhật Bản, đặc biệt là của Trung Quốc sẽ tăng lên, nhưng cũng khó đạt tới 30% GDP của thế giới, nên nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ không còn do một thực thể đơn nhất giống như Mỹ đã đóng vai trò chúa tể trong thế kỷ 20. Điều này sẽ tác động sâu sắc đến việc hình thành một cấu trúc quyền lực quốc tế mới trong thế kỷ 21. Các cơ chế hiện hành sẽ không chịu đựng nổi những thay đổi lớn lao của kỷ nguyên mới.
Sự kiểm soát của văn minh phương Tây đạt đỉnh cao vào năm 1920 với 25,5 triệu dặm vuông trong số 52,2 triệu dặm vuông của toàn bộ bề mặt trái đất. Sang thế kỷ mới, khu vực kiểm soát đó giảm xuống chỉ còn 12,7 triệu dặm vuông. Đến năm 2015, phần của phương Tây trong tổng sản phẩm thế giới sẽ chiếm khoảng 30%. Năm 1900, phương Tây chiếm 44% binh lính thế giới, đến năm 2000 còn 21% và hiện nay tỷ lệ này còn thấp hơn. Tất nhiên, sức mạnh quân sự trong thế kỷ 21 không phụ thuộc vào số lượng binh lính mà phụ thuộc nhiều vào nghệ thuật tác chiến và trình độ khoa học công nghệ quân sự. Các nền văn minh như châu Mỹ La-tinh, Hồi giáo, Hindu, Trung Hoa, Nhật Bản, Nga và Đông Âu... sẽ giành được vị trí cần thiết. Trong thế kỷ 21, nền văn minh phương Tây sẽ mất dần đi quyền lực chi phối và áp đặt của mình. Lịch sử thịnh suy của các nước lớn 500 năm qua chứng tỏ nước nào nắm được thời cơ chiến lược quan trọng có thể phát triển nhảy vọt từ yếu thành mạnh; còn nước bỏ lỡ thời cơ không thể tiến cùng thời đại, từ mạnh thành yếu, thậm chí suy vong.
Năm 2012 tiếp tục khẳng định mạnh mẽ tưthế cường quốc của nước Nga khi V. Pu-tin lần thứ ba vào điện Crem-li. Còn nhớ, năm 2003, Mỹ và một số nước phương Tây nhưbị sốc trước việc người giàu nhất nước Nga - tỷ phú Khô-đô-cốp-xki - bị tống giam. Crem-li không thể yên lòng khi nhà tài phiệt Khô-đô-cốp-xki ngạo nghễ nuôi tham vọng qua mặt Nhà nước để trở thành một “diễn viên” tầm cỡ toàn cầu với một chiến lược không ăn khớp gì với chiến lược địa - chính trị của Crem-li. Bây giờ, khi “cơ bắp kinh tế” của nước Nga ngày một rắn chắc hơn, V.Putin càng không e dè quất ngọn roi kỷ cương để thiết lập trật tự. Về đối ngoại, khi tư thế cường quốc đã được tái xác lập, nước Nga không ngần ngại đáp trả những hành động lấn lướt sỗ sàng của Mỹ và phương Tây.
Cả về trước mắt lẫn lâu dài, mối quan hệ Trung - Mỹ luôn chất chứa những câu hỏi thời cuộc lớn. Mối bang giao giữa hai cường quốc khác nhau như nước với lửa này đang tác động mạnh mẽ đến các trục quan hệ khác trong đời sống chính trị thế giới. Dù cho quan hệ Trung - Mỹ nóng lạnh nhưthế nào thì Mỹ vẫn luôn là nhân tố trung tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Cường quốc 1,4 tỷ người này đang trong một bước chuyển có tính kỷ nguyên. Sự kiện phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Thần Châu V gần 10 năm trước đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc vũ trụ thứ ba sau Nga và Mỹ. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, tầm vóc của sự kiện này vượt ra ngoài giới hạn của một sự kiện khoa học và công nghệ. Theo họ, nó thể hiện ý muốn cháy bỏng của một cường quốc trỗi dậy vũ bão đang tìm cách xác định không gian kinh tế và chiến lược trước thế giới. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã có những bước tiến dài, có mức dự trữ ngoại tệ cao nhất thế giới (hơn 3.000 tỷ USD), sẵn sàng đổ không ít tiền của để tăng cường binh lực, tiếp tục vươn vai, tạo nên những cảm xúc và nhận thức trái ngược trong cộng đồng quốc tế.
Dư luận rất quan tâm tới việc Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia mới nổi (BRICS) gồm năm nước Bra-xin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi kết thúc ngày 29-3-2012 tại Niu Đê-li thông qua thỏa thuận 50 điểm nhằm tăng cường mối liên kết nội khối. Việc BRICS, chiếm tới 18 % GDP toàn cầu, 40% dân số thế giới, 40% dự trữ ngoại tệ toàn cầu, khẳng định vai trò một trụ cột trong cơ cấu kinh tế thế giới, trong lúc Mỹ và châu Âu đang chìm ngập trong nợ nần, cho thấy những thế lực liên kết mới đang nỗ lực xác lập vị thế trong cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu.
Những đối thủ chính vẽ nên diện mạo cuộc chạy đua này không chỉ là các cường quốc mà còn là các nước đang phát triển tập hợp nhau lại bằng các cơ cấu hợp tác đa dạng. Gần nhất là ASEAN qua những thỏa thuận quan trọng trên nhiều lĩnh vực vừa đạt được tại Hội nghị cấp cao Phnôm Pênh đầu tháng 4 này, tiếp tục chứng tỏ là tổ chức khu vực năng động, hiệu quả, có sức hút hàng đầu hiện nay.
Tiến trình phát triển của thế giới đương đại đang chập chờn giữa xu thế hội nhập ngày càng tăng và sự phá vỡ từng bước cấu trúc hiện hành. Những xáo trộn dữ dội của đời sống quốc tế mấy năm qua đang phác thảo phối cảnh về một trận đấu lớn giữa các cường quốc, các trung tâm quyền lực quốc tế ở các thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.
* Khi nhiều người châu Âu cho rằng, Mỹ không thể giải quyết được phần lớn các vấn đề toàn cầu nếu không có sự hợp tác của các nước đồng minh cũng nhưcủa các tổ chức quốc tế, thì một số nhân vật cứng rắn ở Oa-sinh-tơn lại khẳng định, chỉ cần các “liên minh thiện chí” bao gồm: sức mạnh kinh tế, quân sự và các cam kết của Mỹ với tự do và công lý nước Mỹ có thể kéo cả thế giới phải đi theo con đường của mình. Cát bụi của cuộc chiến tranh I-rắc chưa kịp lắng xuống, Mỹ và châu Âu đã phải đối mặt với một câu hỏi nhức nhối: Liệu mối liên minh Đại Tây Dương có tránh khỏi nguy cơ bị sụp đổ hay không?
HỒ QUANG LỢI
No comments:
Post a Comment