Tuesday, November 6, 2012

Lý do khiến ASEAN muốn Obama thắng cử

Ngày mai cộng đồng quốc tế sẽ biết người mà cử tri Mỹ chọn trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng với các nước Đông Nam Á, Obama chính là lựa chọn, rõ như ban ngày.

Giới phân tích cho rằng Barack Obama là vị tổng thống Mỹ hiểu và đánh giá cao ASEAN nhất. Ảnh: AP.

Đó là đánh giá của tờ The Nation, báo tiếng Anh lớn nhất của Thái Lan. Điều này cũng trùng với mong muốn của đa số người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Một thống kê công bố hôm qua cho thấy nếu thế giới được bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ, ông Obama sẽ giành chiến thắng vang dội với 81% phiếu bầu. Trở lại với ASEAN, The Nation cho rằng có 10 lý do để hiệp hội này muốn Obama tại vị. Các nhà lãnh đạo ASEAN muốn Obama ở lại Nhà Trắng để ông có thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, sự kiện sẽ diễn ra tại Phnom Penh trung tuần tháng này. Hội nghị sẽ là một trong những cuộc gặp quan trọng nhất giữa lãnh đạo ASEAN với lãnh đạo các cường quốc thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Mỗi cường quốc đều sắp trải qua những thay đổi lớn do những lợi ích trong nước lẫn bên ngoài. Đối với ASEAN, Obama đại diện cho sự tiếp tục các cam kết của Mỹ đối với châu Á.

Nếu cựu thống đốc Mitt Romney giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông sẽ chẳng có lý do nào để tới Đông Nam Á trong tương lai. Nhiệm vụ đầu tiên của Romney sẽ là củng cố bộ máy chính quyền và thay đổi chính sách đối ngoại đối với Trung Đông, tập trung vào Iran và Israel. Nếu Romney hướng tới châu Á thì ông sẽ chỉ quan tâm tới Trung Quốc và Nhật Bản. ASEAN sẽ nằm ở vị trí cuối cùng trong danh sách ưu tiên của ông.

Giới chức Campuchia, nước đang giữ vai trò chủ tịch ASEAN, thực sự vui mừng khi Obama xác nhận ông sẽ thăm Campuchia và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Đây là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng tin tưởng rằng Obama sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm nay. Sau sự cố khiến ASEAN không thể đưa ra thông cáo chung trong cuộc họp thường niên hồi tháng 7, đương nhiên Phnom Penh rất muốn chứng tỏ rằng họ theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập đối với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Cả giới chức Myanmar và Thái Lan đều muốn tổng thống Obama tới thủ đô của họ trong chuyến công du tới Phnom Penh. Các nhóm an ninh tiền trạm của Mỹ đã tới hai nước để chuẩn bị cho khả năng có chuyến thăm bất ngờ của ông trước Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng tới Myanmar, Thái Lan và Campuchia sẽ đều mang tính lịch sử, đặc biệt là với Myanmar. Những cải cách gần đây tại Myanmar nổi bật đến nỗi Obama không thể làm ngơ. Trên thực tế, quan hệ giữa Mỹ và Myanmar ngày càng trở nên ấm hơn. Nếu tới tận Campuchia và Myanmar mà không đặt chân lên Thái Lan, một đồng minh lâu đời của Mỹ, chắc chắn là không thể được. Để khẳng định vai trò của Thái Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Penetta sẽ đáp xuống Bangkok trước khi tới Siem Riep vào ngày 15/11, còn Ngoại trưởng Mỹ cũng tới Bangkok trong hai ngày trước khi tới Phnom Penh.

Obama là tổng thống Mỹ hiểu và đánh giá cao ASEAN nhất. Trong vòng 4 năm qua, Obama đã thành công trong việc tạo dựng niềm tin đối với phần lớn giới lãnh đạo ASEAN. Trên thực tế, ASEAN đang muốn tổ chức tiếp một cuộc họp giữa lãnh đạo khối với Obama. Những cuộc gặp gỡ Obama trước đây đều mang đến kết quả tốt. Giới quan sát nhận định Obama đã giúp Mỹ thiết lập và duy trì vai trò của Washington trong mối quan hệ với ASEAN.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao chính sách cân bằng của Mỹ. Nếu Obama tiếp tục nắm quyền, những chính sách của ông sẽ bước vào giai đoạn thứ hai, với mức độ tham gia lớn hơn với ASEAN trong mọi lĩnh vực. Kế hoạch thăm Myanmar của Obama sau Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và việc Mỹ mời Myanmar làm quan sát viên trong cuộc tập trận Hổ Mang Vàng vào năm sau là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Washington chủ trương tăng mức độ hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á. Với sự hiện diện và cam kết mạnh hơn của Mỹ, Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương sẽ có thể trở thành hiện thực do một số nước ASEAN sẽ muốn tham gia hiệp định. Ngược lại, ông Mitt Romney sẽ không tập trung vào toàn bộ châu Á.

Đông Nam Á trông chờ một tổng thống Mỹ có một chính sách đối ngoại thực tế đối với Trung Quốc. Nằm gần nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mang đến cả cảm giác dễ chịu lẫn căng thẳng cho ASEAN. Khối 10 quốc gia này đang học cách đối phó với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh hơn và tỏ ra tự hào với những thành tựu mà họ đạt được. Chính quyền Obama muốn vừa cạnh tranh vừa hợp tác với Trung Quốc – một chủ trương phù hợp với quan điểm của ASEAN. Khối này sẽ hưởng lợi từ sự cân bằng trong chính sách vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc của Mỹ.

ASEAN muốn một nhà lãnh đạo Mỹ không coi Nga là kẻ thù, mà coi đó là một nhân tố quan trọng trong hòa bình và ổn định khu vực này. Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang quay trở lại Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Dương. Moscow muốn mối quan hệ gần gũi hơn với ASEAN và sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường mối quan hệ. Ảnh hưởng của Nga tại Việt Nam, Lào và Campuchia vẫn còn hiện rõ.

Nếu ông Obama tiếp tục lãnh đạo Mỹ, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có thêm thời gian để dự liệu chính sách của bộ máy lãnh đạo mới tại Trung Quốc sau đại hội Đảng Cộng sản vào ngày 8/11. Trong một thập kỷ qua, ASEAN luôn cho rằng Trung Quốc sẽ điều chỉnh mọi bất đồng với khối này vì hai bên có nhiều lợi ích chung. Nhưng cuối cùng những tranh chấp ở Biển Đông đã làm thay đổi quan niệm cố hữu đó. Từ nay về sau, ASEAN sẽ phải cố gắng “giải mã” ý định của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đối với khu vực. Nếu không làm được việc đó, sự nghi ngờ lẫn nhau giữa hai bên sẽ trở nên sâu sắc hơn. Trong cuộc họp vừa qua tại Pattaya, Thái Lan, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và ASEAN không thể ấn định ngày khởi động đàm phán về quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Trong khi các quan chức ASEAN tỏ ra nhã nhặn và tích cực, các quan chức Trung Quốc sử dụng những ngôn từ thẳng thắn và cứng rắn. Họ khẳng định Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhân nhượng và mọi hành động gây hấn sẽ bị đáp trả xứng đáng.

Những nhà lãnh đạo châu Á, đặc biệt là những nước Hồi giáo, không muốn chính sách của Romney – sẵn sàng chiến tranh với Iran – bởi họ có mối quan hệ song phương tốt đẹp với Tehran. Bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu, một số nước châu Á vẫn giao thương với Iran. Thái Lan, Indonesia và Malaysia có mối quan hệ kinh tế rộng với quốc gia Hồi giáo.

Theo Dat Viet

No comments: