Wednesday, November 14, 2012

NHỮNG CON THÚ TRONG BỘ ĐỒ CÔNG AN!

Vualambao 
Nếu còn một chút lương tri, không ai là không ngậm ngùi trước cái chết oan nghiệt của cụ bà Hà Thị Nhung, một dân oan 76 tuổi từ Thanh Hóa ra Hà Nội khiếu kiện về đất đai và đã gục ngã dưới bàn tay trấn áp thô bạo của bè lũ công an tại vườn hoa Lý Tự Trọng.

Điều đáng ngạc nhiên là khác với nhiều vụ trước đây, vụ án vừa xảy ra vào khoảng 8 giờ rưỡi sáng thì chỉ vài giờ sau đó, giới truyền thông lề đảng đã vội vã loan tin là cụ Nhung đột tử vì cao tuổi và bị cảm, nhưng lại không cho biết là có kết quả giảo nghiệm y khoa hay chưa, và bác sĩ nào hay bệnh viện nào xác nhận nguyên nhân tử vong đó.Và nếu có, thì người ta bắt buộc phải đặt ra một câu hỏi là nguyên cớ nào mà giới giảo y Hà Nội bỗng nhiên làm việc một cách nhanh nhẹn và có hiệu quả đến độ chỉ cần vài tiếng đồng hồ là có thể đưa ra một kết luận có tính cách chắc nịch, so với nhiều cái chết trước đây mà thân nhân phải chầu chực mấy tuần lễ liền mới nhận được kết quả giảo y?

Nhưng hỏi chơi cho vui vậy thôi, chứ ai chẳng biết là tranh luận với bọn công an cũng chẳng khác nào nói chuyện với cái đầu gối. Suốt nhiều năm qua, rất nhiều người đang khỏe mạnh yêu đời thì "được mời lên làm việc" ở đồn công an, rồi bỗng dưng "chuyển sang từ trần" với những lý do được lũ công an đưa ra là do bị bệnh cấp tính hay tự tử. Nhưng để tránh tình trạng đột tử vô duyên vô cớ như vậy, gây rắc rối cho chính quyền, có lẽ quốc hội VN nên ban hành gấp một đạo luật, nội dung bắt buộc người dân khi nhận "giấy mời" của công an thì phải đi khám bệnh tổng quát, kể cả bệnh tâm thần, và có phải có giấy chứng nhận hẳn hoi của bác sĩ trước khi đặt chân vào đồn công an.

Điều mỉa mai là trong khi lực lượng công an được đảng xưng tụng là "lá chắn để bảo vệ chế độ" thì trái lại người dân lại gọi xách mé là "lũ hung thần" hay "âm binh". Điều này chứng tỏ một sự khinh miệt mà lẽ ra nếu còn liêm sỉ hay tự trọng (như lời đồng chí X phán dạy các sinh viên) thì đa số phải bỏ ngành hay phải cải thiện hình ảnh trong mắt người dân.

Thế nhưng trong khi giới lãnh đạo đang hô hào vực lại uy tín của đảng, của nhà nước thì những vụ đột tử trong đồn công an, hay tệ nạn mãi lộ, vẫn cứ tràn lan dưới những hình thức tân kỳ hơn. Nói ra thì không có bằng chứng, nhưng trong năm qua bỗng rộ lên nhiều xác chết trôi nổi trên sông rạch, ruộng đồng. Liệu có bao nhiêu nạn nhân trong số đó là những người đã chết trong đồn công an và bị ném xuống sông để thủ tiêu chứng cớ?

Có thể lắm chứ, nếu xem lại những hình ảnh tra tấn công dân ngay trong đồn mà bọn thú mặc đồ công an thì sẽ thấy là chúng hành xử không kém gì Lê Văn Luyện, một thiếu niên cướp tiệm vàng vào năm ngoái. Nó cũng không còn là một thiểu số ngoại lệ mà đã trở thành một "bộ phận không nhỏ" trong giới công an và dân phòng. Một tên trung tá thuộc đồn công an quận 3 Sài Gòn mà còn xổ ra những lời lẽ thô tục trước mặt người dân thì chuyện gì mà chúng không dám làm trong các xà-lim hắc ám của chúng? Một thằng thượng sĩ công an quèn ở Hải Phòng mà dám cưỡng hiếp hàng chục thiếu nữ giữa thanh thiên bạch nhật thì chuyện vây đánh trọng thương hai nhà báo của đài truyền hình VN, vào mấy tháng trước đây, cũng đâu phải là chuyện lạ?

Nhưng điều đáng nói ở đây là lũ hung thần ác sát ấy sở dĩ lộng hành được là được sự bao che của chế độ. Một nhà báo Hoàng Khương lãnh án 4 năm tù vì tội gài bẫy bắt quả tang công an ăn hối lộ, trong khi đó hàng loạt công an đánh chết dân thì chỉ lãnh án treo hay án nhẹ, thay vì bị trừng phạt gấp nhiều lần hơn vì đó là lực lượng am hiểu và thực thi luật pháp hơn người dân thường.

Một xã hội như thế mà ra rả tự xưng là nhà nước "pháp quyền" thì quả là không có sự ô nhục nào lớn hơn thế nữa. Xin hỏi rằng, có một xã hội nào mà khi xảy ra một vụ án thì bọn giết người (công an), công tố viện, quan tòa, bồi thẩm đoàn, và đôi khi luôn cả luật sư bào chữa, đều cùng là một phe thì công lý nào có thể rọi đến được phía bên kia?

Nếu muốn dùng từ ngữ chính xác thì phải gọi đó là "pháp đình thời Trung Cổ", được che đậy dưới những mỹ từ mới thay vì "nhà vua", "triêu đình" hay "văn võ bá quan" đều đồng ý. Mà điều này thì đã được dân gian mỉa mai từ ngàn xưa qua câu vè: "Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình/Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi".

Thế nhưng công lý mãi mãi vẫn là công lý. "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu". Những kẻ làm ác nếu pháp luật không thể trừng trị được vì chế độ quá suy đồi thì vẫn có "lưới trời lồng lộng", mà giới bình dân thì gọi là "ác giả ác báo". Không tin thì cứ hỏi vợ chồng ông trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, cựu giám đốc sở công an Hà Nội, từng một thời "hét ra lửa, mửa ra khói" nhưng đứa con trai của ông, có biệt danh Quang "béo", bị bắn chết vào mấy tháng trước về tội quịt tiền cá độ. Đám tang đã diễn ra rất âm thầm trong khi đàn em của ông Nhanh chỉ cần mẹ vợ chết là đã gửi thiệp báo tang đi tứ tung, với chức tước được in ấn một cách long trọng.

Chính vì thế, những kẻ đã gây ra những cái chết oan khiên của cụ bà Hà Thị Nhung, ông Trịnh Xuân Ninh, anh Nguyễn Công Nhựt và hàng trăm nạn nhân khác, nếu có thoát lưới công lý cộng sản hay lưới bao dung của một chế độ dân chủ sắp tới, thì cũng khó tránh được lưới thiên lý.

Đọc đến đây chắc chắn một số kẻ "đầu trâu mặt ngựa" trong lớp áo công ao sẽ bĩu môi phán rằng: "Đúng là một bọn duy tâm, nhưng đừng hòng dọa chúng tao!". Nhưng xin hỏi một câu là nếu không duy tâm thì tại sao cả đảng đua nhau xây nhà từ đường hay đền thờ tráng lệ cho dòng họ Nguyễn Sinh Sắc, với phí tổn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong khi hàng ngàn trẻ em vùng núi chỉ mơ ước có được một chiếc cầu treo để băng qua sông đến trường mỗi ngày?

Nhưng dân chủ chính là thế đó. Không ai ép buộc ai phải tin tưởng tuyệt đối vào bất cứ một điều gì. Có điều là những kẻ thủ ác thì phải đền tội, không bằng hình thức này thì cũng bằng hình thức khác. Đó là quy luật bất biến!

Trí Nhân Media

No comments: