Hiệu suất hoạt động kém tại các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn đang gây áp lực lên nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Tờ Reuters mới đây vừa đăng tải bài báo xung quanh vấn đề về nợ của tại Việt Nam, mà trọng tâm là “tiếng chuông cảnh báo” ở ngành vận tải biển.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh, Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) một thời từng là biểu tượng cho triển vọng hội nhập của Việt Nam khi bắt đầu bước chân vào môi trường cạnh tranh toàn cầu thời kỳ Mỹ dỡ bỏ cấm vận vào năm 1994.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm, Vinalines lại cho thấy một chiều hướng phát triển sai lầm với bộ máy cồng kềnh 18.000 nhân công, đội tàu hoạt động thua lỗ cũng như khoản nợ lên tới 2,1 tỷ USD. Trả giá cho điều này, ba lãnh đạo cấp cao của Vinalines đã bị bắt giữ, trong đó nhân vật quan trọng nhất là cựu Chủ tịch, ông Dương Chí Dũng, và Vinalines đã bị coi như một điển hình khác về quản lý yếu kém thời hội nhập.
Reuters nhìn nhận, khi bị đặt vào tình cảnh nợ nần, Vinalines cũng như những công ty, doanh nghiệp nhà nước khác trở thành bài toán kiểm nghiệm liệu Việt Nam có thể lấy lại được vị thế ngôi sao đang lên trong các thị trường mới nổi hay ngược lại sẽ chìm sâu vào tình trạng bất ổn kinh tế với nguyên nhân sâu xa là tham nhũng.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là chuyên gia về kinh tế Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, ông Jonathan Pincus nhận định, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam đã bị bưng bít quá lâu và đến nay, tình trạng này cần phải được chấm dứt.
Sự kiện đáng buồn này đóng một phần vào loạt vấn đề nghiêm đang bao phủ triển vọng kinh tế Việt Nam, bao gồm nạn quan liêu, cơ sở hạ tầng yếu kém, thâm hụt thương mại quá lớn, và gần dây là diễn biến lạm phát phức tạp cũng như đồng nội tệ mất giá.
Reuters dẫn báo cáo Chính phủ ngày 12/6 vừa rồi cho biết, tính đến cuối năm 2011, khoản nợ của Vinalines là 43.100 tỷ đồng (tương đương 2,1 tỷ USD) – gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu 9.410 tỷ đồng.
Vụ việc gợi đến vết xe đổ mà Tập đoàn Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) để lại 2 năm trước. Khoản nợ của doanh nghiệp đóng tàu nhà nước này lên đến 4,5 tỷ USD, gây ra những mối quan ngại lớn đế sức khỏe của các ngân hàng Việt Nam. Cuối cùng, Vinashin cũng được Chính phủ giải cứu, song, 9 lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn đã phải ngồi tù và bị kết án làm thất thoát tài sản của nhà nước.
Các lãnh đạo của Vinalines cũng đang đối mặt với số phận tương tự. Bốn cán bộ cấp cao bị bắt hồi tháng Hai và cựu Chủ tịch Dương Chí Dũng bị truy nã trên toàn cầu với cáo buộc làm thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình điều hành công ty từ 2005 đến tháng 2/2012.
Tái cơ cấu thay vì cho phá sản
Theo Reuters, Việt Nam đã hy vọng thiết kế các công ty nhà nước theo mô hình tập đoàn tương tự như chaebol của Hàn Quốc. Và kết quả, như đã làm với Vinashin, ý tưởng này đã sản sinh ra Vinalines vàm năm 1995 thông qua việc sáp nhập hơn 20 công ty khác – 1 năm sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận.
Dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Tổng công ty đã làm ăn thua lỗ trong việc khai thác tại 14 dự án cảng. Quản lý 154 tàu, chủ yếu là tàu chở hàng và chở dầu, tuy nhiên nội bộ của công ty này lại lục đục, diễn ra tranh chấp.
Và một trong những sai lầm tệ hại nhất của Vinalines là đã mua vào con tàu cũ tới 43 tuổi với mức giá 9 triệu USD, chi phí cho sửa chữa phải gánh thêm lên đến 26,3 triệu USD, chiếm khoảng 70% giá của một ụ tàu mới.
Trên báo chí thậm chí ví đội tàu vô dụng của Vinalines như một “đống sắt vụn”. Ngoài ra, công ty cũng đã xây dựng những cơ sở sửa chữa tàu trong khoảng 2007-2010 nằm ngoài quy hoạch của Chính phủ.
Tổng cộng, Vinalines đã chi 22,85 nghìn tỷ đồng, tương đương với 1,09 tỷ USD trong khoảng 2005-2010 cho 73 chiếc tàu cũ, bao gồm 17 chiếc là quá cũ. Công ty này cũng đã làm thiệt hại 434 tỷ đồng tương đương 21 triệu USD trong năm 2011 do quản lý lỏng lẻo và kéo dài những sai lầm trong quản lý kinh doanh.
Theo phản ánh của Reuters, trong khi các công ty tư nhân phải chịu chi phí đi vay quá cao và lãi suất lên tới 2 con số thì tín dụng dành cho các doanh nghiệp nhà nước như Vinalines lại rất dồi dào.
Nguồn vốn dành cho các đối tượng này đến từ ngân sách nhà nước và của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Các doanh nghiệp nhà nước cũng được hưởng những đặc quyền trong thuế thu nhập doanh nghiệp và được Chính phủ bảo lãnh đối với các khoản vay nước ngoài.
Reuters cũng cho biết, các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ giảm bớt vai trò của những doanh nghiệp nhà nước lớn để chuyển sang trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song kế quả có vẻ không như dự kiến. Thay vì đóng cửa hoặc phát mại tài sản đối với Vinalines và Vinashin, cả hai doanh nghiệp này đang được tái cấu trúc.
Theo chỉ thị từ Thủ tướng hôm 15/6 vừa rồi, Vinalines sẽ được sắp xếp lại, tập trung vào 3 hoạt động chính là vận tải hàng hải, cảng biển và dịch vụ. Các tàu cũ và khai thác không hiệu quả sẽ được đem bán để cắt lỗ và những công ty con sẽ được cổ phần hóa với sự tham gia của tư nhân.
Gánh nặng nợ xấu lên hệ thống ngân hàng
Theo đánh giá của Reuters, nếu giữ nguyên hiện trạng như hiện nay có thể gây nguy hiểm cho Việt Nam. Các khoản nợ xấu của Vinashin đã tác động xấu đến sức khỏe của một số ngân hàng,buộc Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) phải sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) trong năm nay.
Theo số liệu chính thức, tính đến cuối tháng 4, nợ xấu của Việt Nam ở mức 108,6 nghìn tỷ tương đương 5,2 tỷ USD và bằng 4,14% tổng dư nợ.
Còn nếu theo các số liệu không chính thức thì tỷ lệ nợ xấu còn gấp 2 đến 3 lần con số đó. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam có thể lên đến 13%. Ở trường hợp của Habubank, tại thời điểm hồi tháng 2, nợ xấu của ngân hàng này là 16%.
Tính đến tháng 9/2011, 12 tập đoàn nhà nước lớn nhất cả nước có tổng nợ 218,7 nghìn tỷ tương ứng 10,5 tỷ USD, chiếm 8,76% tổng nợ của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, Reuters ghi nhận, cũng có một vài tín hiệu tích cực đến từ Vinalines: trong số 9,3 nghìn tỷ đồng nợ ngắn hạn và 33,83 nghìn tỷ đồng nợ dài hạn của Vinalines, chỉ có 207 tỷ đồng đã quá hạn.
Hơn nữa, Vinalines cũng là nạn nhân của thị trường vận tải biển toàn cầu vốn vẫn chưa hồi phục sau khủng hoảng tài chính năm 2008, gây ra tình trạng mà Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) gọi là “Sự sụp đổ thương mại lớn”. Các chuyên gia trong ngành dự báo cho đến cuối năm 2013, ngành này vẫn sẽ ở trong tình trạng căng thẳng cho đến hết năm sau.
Một số người vẫn bi quan về những vấn đề nổi lên trong khu vực doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam và tỷ lệ nợ xấu sẽ còn tăng. Hiệu suất kém của các tập đoàn nhà nước lớn sẽ gây sức ép lên nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, ông Alan Phạm, trưởng bộ phận kinh tế của công ty quản lý quỹ VinaCapital, sở hữu khối tài sản 1,6 tỷ USD nhận định.
Chính phủ Việt Nam cũng đang cố gắng giải quyết tình trạng này khi buộc các doanh nghiệp nhà nước phải công bố báo cáo tài chính hàng quý và hàng năm lên website. Nhiều người nhìn nhận đây là động thái được đưa ra sau tiếng chuông cảnh báo Vinalines và Vinashin.
Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, mặt tích cực sau những sai phạm được phát hiện gần đây của Vinashin và Vinalines đó là góp phần thúc đẩy Việt Nam tiến tới minh bạch.
Bích Diệp
Theo Reuters
Dân chí
No comments:
Post a Comment